Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với các tổ chức tôn giáo và các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi chấm dứt tai họa của nạn buôn người nhân Ngày Thế giới chống Nạn buôn người.
Trong suốt Triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần coi tai họa của nạn buôn người là một tội ác chống lại nhân loại.
Nền kinh tế quan tâm chăm sóc
Nhân Ngày Thế giới chống Nạn buôn người diễn ra vào ngày 30 tháng 7, trong một dòng tweet, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi mời mọi người cùng làm việc với các nạn nhân để biến nền kinh tế của nạn buôn người trở thành nền kinh tế của sự quan tâm chăm sóc”.
Ước tính có khoảng 20 đến 40 triệu người đang bị mắc kẹt trong chế độ nô lệ hiện đại ngày nay, một hoạt động kinh doanh bất hợp pháp thu về hàng tỷ đô la cho những kẻ buôn người.
Phá vỡ chu kỳ của nạn buôn người
Talitha Kum, mạng lưới chống nạn buôn người toàn cầu của các Tu sĩ Tận hiến chống Nạn buôn người, gần đây đã khởi động một chiến dịch mang tên #CareAgainstTrafficking (Chăm sóc Chống buôn người).
Sáng kiến mới nhằm mục đích cho thế giới thấy việc “quan tâm chăm sóc” có thể tạo ra sự khác biệt “trong từng bước của cuộc hành trình chống nạn buôn người: chăm sóc những người có nguy cơ, chăm sóc các nạn nhân, và chăm sóc những người sống sót”.
Vào năm 2020, mạng lưới ‘Talitha Kum’ trên toàn thế giới đã chăm sóc cho 17.000 nạn nhân sống sót của nạn buôn người, cung cấp nhà ở an toàn, giáo dục và cơ hội việc làm, hỗ trợ tiếp cận công lý và bồi thường, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tâm lý xã hội.
Phát biểu với Đài phát thanh Vatican, Sơ Gabriella Bottani, CMS, điều phối viên quốc tế của ‘Talitha Kum’, cho biết Ngày Thế giới Chống Nạn buôn người là một ngày quan trọng, đặc biệt là ở Châu Á.
“Đúng vậy, hôm nay là một ngày quan trọng vì các mạng lưới châu Á, đặc biệt là ở miền Nam và Đông Nam, đã xác định những người trẻ, những người đã tiếp xúc với các mạng lưới của chúng tôi, đã chấp nhận thử thách của việc bắt đầu quá trình trở thành những đại sứ”.
Sơ Bottani cũng nói về tầm quan trọng của những lời chứng trong cuộc chiến chống nạn buôn người rằng:
“Trong bối cảnh trực tuyến mà chúng ta đã quen thuộc, hãy nghĩ đến việc sử dụng mạng xã hội, điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của tính thực tế. Một thực tế khó khăn, bạo lực và đau đớn, nhưng cũng là một thực tế ngập tràn hy vọng. Tôi tin rằng những người trẻ nên lắng nghe những lời chứng này, trải nghiệm hy vọng như một động cơ cho những ước mơ … Vì vậy, chúng ta hãy đồng hành cùng với một nạn nhân sống sót của nạn buôn người, người nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc ở lại với đôi chân của chúng ta bắt nguồn từ thực tế, với một cái đầu biết ước mơ và một trái tim có khả năng hiện thực hóa những mong muốn của chúng ta về điều tốt đẹp thực sự”.
Học hỏi từ các nạn nhân
Chủ đề cho Ngày thế giới chống Nạn buôn người của Liên hợp quốc năm nay là: “Tiếng nói của các nạn nhân dẫn đường”.
Liên hợp quốc cho biết rằng “chiến dịch miêu tả những nạn nhân sống sót như là những nhân tố quan trọng trong cuộc chiến chống buôn người, và đồng thời tập trung vào vai trò quan trọng của họ trong việc thiết lập các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tội phạm này, xác định và giải cứu các nạn nhân cũng như hỗ trợ họ trên hành trình phục hồi”.
Cơ quan thế giới cũng lưu ý rằng: “Nhiều nạn nhân của nạn buôn người đã trải nghiệm sự thiếu hiểu biết hoặc sự hiểu lầm trong nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ của họ. Họ đã có được kinh nghiệm đầy đau buồn sau giải cứu trong các cuộc phỏng vấn xác định danh tính và các thủ tục pháp lý. Một số đã phải đối mặt việc tiếp tục trở thành nạn nhân và bị trừng phạt vì những tội ác mà những kẻ buôn người buộc họ phải thực hiện. Những người khác đã phải chịu sự kỳ thị hoặc nhận được sự hỗ trợ không đầy đủ”.
“Việc học hỏi kinh nghiệm của các nạn nhân và biến các đề xuất của họ trở thành những hành động cụ thể sẽ dẫn đến một cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm và hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống nạn buôn bán người”, Liên hợp quốc cho biết.
Nhắm mục tiêu đến những người dễ bị tổn thương
Trong thông điệp đánh dấu Ngày Thế giới này, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres, đã kêu gọi các quốc gia hành động chống lại thảm họa này, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiều người trong số những người bị buôn bán là trẻ em.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh rằng do thực tế là khoảng 124 triệu người đã rơi vào cảnh nghèo đói do đại dịch, điều này có nghĩa là “nhiều triệu” người giờ đây đã trở thành đối tượng dễ rơi vào cái bẫy của nạn buôn người.
Thiên Ân (theo Vatican News)