Vấn đề bất bình đẳng liên quan đến các cấu trúc rất sâu của sự khác biệt và chia rẽ liên quan đến giai cấp, chủng tộc, giới tính và nhiều thứ khác nữa. Điều chúng ta biết chắc chắn: thật sự, không phải tất cả trẻ em đều được sinh ra với những cơ hội tương tự nhau, ngay cả trong một quốc gia như Mỹ, nơi thường xuyên cao rao điều đó như là một khẩu hiệu. Vào ngày lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, đắc cử nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ những người sợ mất ưu thế và đặc quyền của họ, có rất nhiều người tự hỏi những gì chính phủ mới của quốc gia mạnh nhất thế giới sẽ làm trong lĩnh vực này. Đây là dịp đưa ra một thông điệp rõ ràng từ mọi thành phần của xã hội Mỹ và trên toàn thế giới, rằng không phải Hoa Kỳ cũng không phải là thế giới rộng lớn cần bị chia tách nhiều hơn, cần có nhiều khoảng trống hơn, cần để nhiều người hơn lại phía sau hoặc loại trừ họ khỏi sự phát triển kinh tế. Điều đó sẽ làm tăng rủi ro cho tất cả mọi người.
Khi cấu trúc tài chính không cản trở người ta khai thác, tham nhũng và trốn thuế, thì tức là có một cái gì đó sai lầm nghiêm trọng. Cũng là vấn đề khi các hệ thống kinh tế hiện hành đang tạo ra những khoảng trống bất bình đẳng ngày càng lớn ngay cả khi các yếu tố được vận hành theo đúng các quy định pháp luật. Chúng ta thấy rằng nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay đang tạo ra lợi nhuận ngày càng tăng đối với tỷ phú và triệu phú – đang khi nó thất bại trong việc tạo ra thức ăn, chỗ ở và quần áo cho gần một tỷ người. Đó là một sự rối loạn về chức năng. Hơn thế nữa, đó là vô đạo đức.
Một báo cáo mới được công bố của Tổ chức Oxfam ước tính rằng ngày nay 8 người giàu nhất trên thế giới nắm giữ tài sản bằng tổng tài sản của một nửa nghèo nhất dân số toàn cầu. Ba năm trước, chúng ta đã bị sốc với con số 85 người giàu nắm giữ số tài sản bằng tổng số tài sản của hơn 3 tỷ người nghèo nhất. Cũng báo cáo này ghi nhận rằng, kể từ năm 2015, những người giàu nhất, chiếm tỷ lệ 1% dân số thế giới, đã sở hữu khối tài sản bằng số tài sản của tất cả mọi người trên thế giới cộng lại. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi là nguy cơ rất lớn cho tất cả: sự bất bình đẳng.
Sự mở rộng cách biệt kinh tế – xã hội này giữa người giàu và người nghèo, là một bản cáo trạng liên tục đối với hệ thống kinh tế toàn cầu của chúng ta cũng như đối với các kiến trúc tài chính quốc gia. Bất bình đẳng toàn cầu là một vấn đề nghiêm trọng, không chỉ giữa các quốc gia. Nó tạo ra nhiều vấn đề khác như bất công xã hội, tình trạng bất ổn, và tội phạm. Điều đó đã được các nhà kinh tế xuất sắc nhất chứng minh. Năm nay chúng ta thấy có một sự đồng thuận ngày càng tăng rằng các nhà lãnh đạo chính trị có trách nhiệm không thể bỏ qua bất kỳ chi tiết nào của thực tế ấy. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng như nhiều người phát biểu tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công nhận rằng đây là một vấn đề đối với toàn bộ nền kinh tế, chứ không chỉ đối với những người đang ở dưới đáy cùng của xã hội. Điều này đã được nhiều nhà lãnh đạo và các nhóm trong phong trào đại kết, cũng như những người khác trong xã hội dân sự, chỉ ra từ rất lâu.
Chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta để thúc đẩy công lý và sự sống trong sự viên mãn cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho một phần trăm hay một vài phần trăm dân số. Bây giờ, hơn bao giờ hết, các Giáo hội và những người có đức tin phải chú ý đến Công lý và Hòa bình để đề cao một nền kinh tế của sự sống, bao gồm và quan tâm đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị gạt sang bên lề: những người nghèo, các phụ nữ, trẻ em và người di cư. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa ưu tiên chọn lựa người nghèo, càng ngày càng hơn.
Một cách cụ thể, điều này có nghĩa rằng tất cả các quyền lực cùng với việc lãnh đạo hữu hiệu và có trách nhiệm, phải đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững, bằng cách giải quyết bất bình đẳng. Điều này có nghĩa là ủng hộ và làm việc hiệu quả để thay đổi hệ thống chức năng đang bị rối loạn, phát triển nền kinh tế chia sẻ, đặc biệt có lợi cho người nghèo. Sau đó, phải có những quy định công bằng về tài chính, những chính sách thương mại đúng đắn, chính sách thuế quốc gia công bằng, việc hợp tác quốc tế chống lại những người trốn thuế, bảo trợ xã hội cho những người dễ bị tổn thương nhất và những phương án phát triển kinh tế-xã hội. Các chính sách này sẽ không chỉ giúp phân phối lại nguồn lực đồng đều hơn, mà còn đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”. Thúc đẩy công bằng kinh tế cũng là tăng cường sức mạnh cộng đồng và sự gắn kết xã hội, mở đường cho các xã hội hài hòa và yêu chuộng hòa bình.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017 có một số khoảnh khắc của sự thật: toàn cầu hóa kinh tế đã tạo ra nhiều vấn đề và thậm chí xung đột đang gây lo lắng về “tình hình thế giới”. Hiểu biết chung này phải được giải quyết theo hướng thay đổi hệ thống. Đây là thời điểm để thấy rằng công lý phải bao gồm công bằng kinh tế, và rằng trách nhiệm của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các chính trị gia phải được mở rộng hơn nhiều so với các cổ đông và các cử tri của họ. Đây là thời điểm để đưa bất bình đẳng vào đầu chương trình nghị sự và phải hành động, chứ không chỉ nói về nó.
Mục sư Tiến sĩ Olav Fykse Tveit
Tổng thư ký Hội đồng Thế giới của các Giáo Hội
Thanh Tâm phỏng dịch