Một Giáo xứ tại Rome mở cửa 24/24 cho người nghèo

Một nơi trú ẩn mới cho người vô gia cư được mở tại Rome trong Nhà thờ Stigmata của Thánh Phanxicô, mở cửa 24 giờ cho những người cần một bàn tay giúp đỡ hoặc một nơi để cầu nguyện. (Tín dụng: Ines San Martin / Crux.)

Một nơi trú ẩn mới dành cho người vô gia cư được khánh thành tại Rome trong Nhà thờ Thánh Phanxicô Năm Dấu, mở cửa 24/24 cho những người cần một bàn tay giúp đỡ hoặc một nơi để cầu nguyện (Ảnh: Ines San Martin / Crux)

ROME – Mặc dù thực tế là Rome có khoảng 900 nhà thờ Công giáo, nhưng việc tìm một nhà thờ mở cửa để cầu nguyện tại bất kỳ thời điểm nào cũng có thể khá khó khăn. Một số mở cửa theo giờ hành chính, nhưng hầu hết chỉ mở cửa trong khoảng thời gian Thánh Lễ.

Tuy nhiên, kể từ tháng 12 năm ngoái, có một nhà thờ luôn mở cửa 24/7 để mọi người có thể chầu Thánh Thể và một nhóm bao gồm 8 đến 10 tình nguyện viên, cùng với Linh mục Chính xứ, đảm bảo luôn có người túc trực sẵn sàng chào đón những người cần đôi bàn tay giúp đỡ.

“Dự án này không chỉ dành cho người nghèo”, theo Roberta, một tình nguyện viên tại Nhà thờ Thánh Phanxicô Năm Dấu, chia sẻ hôm thứ Hai trong một phòng ngủ tập thể mới khánh thành dành cho khoảng 30 người vô gia cư.

“Một lần nữa, nếu bạn đến đây vào ban đêm, bạn sẽ thấy rằng luôn có người ở đây cầu nguyện”, Roberta chia sẻ với Crux. Và họ không phải là những người vô gia cư. Đó thường là một người trẻ tuổi, hoặc một vài người trong số họ, những người đang tìm kiếm Thiên Chúa. Tôi luôn hy vọng rằng họ sẽ tìm thấy Ngài ở đây. Và nếu như không có gì khác, nếu họ cần, họ sẽ tìm thấy một khuôn mặt tươi cười và sự thoải mái nhẹ nhàng để biết rằng không chỉ có Thiên Chúa mới sẵn lòng lắng nghe họ”.

Ngoài việc mở cửa cả ngày và cung cấp chỗ ngủ tập thể, ở đây còn có phòng vệ sinh, phòng giặt ủi và bữa sáng hàng ngày cho khoảng 200 người. Khi sáng kiến được ra mắt vào cuối tháng 12, với sự hiện diện của Đức Hồng y Giám quản Rome, ĐHY Angelo de Donatis, và Đức Hồng y Carlos Osoro Địa phận Madrid.

Nằm ở trung tâm lịch sử Rome, chỉ cách Đền Pantheon và quảng trường Navona vài bước chân, dự án được điều hành bởi tổ chức phi chính phủ Công giáo Tây Ban Nha ‘Mensajeros de la Paz’ (Sứ giả Hòa bình). Được thành lập vào năm 1962 bởi Cha Ángel García, hiệp hội ngày nay có vài chục ngôi nhà dành cho những người già yếu lớn tuổi ở Tây Ban Nha, cũng như các điểm phát chẩn đồ ăn và một số trung tâm đào tạo.

Sáng hôm thứ Hai, trước khi khánh thành khu vực ngủ tập thể ở Rome, Cha García đã gặp gỡ ĐTC Phanxicô tại Casa Santa Marta, nơi ở của Đức Giáo hoàng trong khuôn viên Vatican và tham dự Thánh lễ ban sáng với Đức Thánh Cha.

“Trong cuộc gặp gỡ với ĐTC Phanxicô, đôi khi bạn bị chặn lại vì bạn biết Ngài là người đại diện ‘từ trên cao’”, Cha García chia sẻ với các phóng viên. “Nhưng bởi vì Ngài là một vị Giáo hoàng có nhiều sự lôi cuốn và sức thu hút của một vị lãnh tụ, thật dễ dàng để chia sẻ với Ngài dự án Nhà thờ mở 24/24, những gì chúng tôi làm ở đây và những người gõ cửa chúng tôi mỗi ngày”.

Mặc dù dự án hiện vẫn còn quá mới mẻ để có thể tiếp nhận đủ những dữ liệu và phản hồi hầu đánh giá sự thành công của nó ở Rome, Linh mục García còn điều hành một nhà thờ tương tự tại trung tâm thành phố Madrid và biết rằng những người tiếp cận một nhà thờ mở cửa 24/24 không chỉ để nhờ cậy sự giúp đỡ hoặc để nghỉ ngơi, nhưng còn để cầu nguyện.

“Mặc dù mọi người nghĩ rằng những nhà thờ này chỉ dành cho ‘những người nghèo về mặt vật chất’, thế nhưng, không phải như vậy”, Linh mục García nói, lặp lại những chia sẻ của Roberta. “Điều xảy ra đó là đôi khi, đây là những nơi duy nhất mà những người không có gì được phép vào mà không bị phán xét”.

“Các dự án như thế này là một dấu hiệu rõ ràng về xã hội không phải đang đi xuống, như chúng ta thường nghe thấy”, Linh mục García nói. “Trái lại, nó lành mạnh và đầy những giá trị. Dù bạn gõ cửa ở đâu, luôn có một người sẵn sàng giúp đỡ, để thể hiện lòng bác ái với người khác”.

Chỉ riêng ở Rome, có khoảng 5.000 đến 6.000 người vô gia cư, nhiều người trong số họ sống ở vùng lân cận Vatican – với một số lều bạt thường có thể nhìn thấy bên dưới dãy cột nổi tiếng của Bernini. Cuối năm ngoái, vị Quan Phát Chẩn của Tòa Thánh, Đức Hồng y Konrad Krajewski, đã khánh thành một nơi ở mới dành cho người vô gia cư ngay ngạch cửa vào Vatican, trong một tòa nhà có lịch sử lâu đời được gọi là Palazzo Migliori.

Bên ngoài Nhà thờ Thánh Phanxicô Năm Dấu, có một tấm biển mời mọi người bước vào, với một câu trích dẫn từ lời của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng “các nhà thờ phải luôn mở cửa bởi vì đây chính là biểu tượng về: một Giáo hội luôn luôn rộng mở”.

Tấm áp phích thứ hai, với hình ảnh ĐTC Phanxicô trong tư thế cầu nguyện với nội dung: “Tôi xin lỗi vì tất cả những lần chúng ta, với tư cách là những người Kitô hữu, khi gặp một người nghèo hoặc một người trong hoàn cảnh nghèo khó lại ngoảnh mặt quay đi chỗ khác”.

Vào tháng 12, khi cánh cửa của Giáo xứ chính thức mở cửa 24/24, ĐTC Phanxicô đã gửi Linh mục García một lá thư cảm ơn ngài vì sáng kiến này “để cung cấp dịch vụ của Lời Chúa vốn có thể giúp đỡ những người xem ngôi nhà cầu nguyện này như một Ngôi nhà chung để cùng nhau xây dựng một nơi ẩn náu nơi mà tất cả mọi người đều được chào đón và từ đó họ có thể rời đi một lần nữa lên đường để đối mặt với cuộc phiêu lưu kỳ diệu trong ơn gọi Kitô giáo của họ”.

“Tôi mong ước rằng Ngôi Nhà của Thiên Chúa luôn luôn rộng mở những cánh cửa bởi vì nó cùng đồng hành giữa các dân tộc, trong lịch sử của con người , nam cũng như nữ”, ĐTC Phanxicô viết. “Nếu không, những nhà thờ mà lúc nào cũng cửa đóng then cài nên được gọi là bảo tàng”.

Cộng đồng giáo hội, ĐTC Phanxicô viết trong bức thư, là một “cái lều” có khả năng trở thành to lớn hơn “để tất cả mọi người có thể bước vào, tìm một ốc đảo hòa bình trong tình yêu Thiên Chúa, một nơi luôn chào đón, hòa giải và tha thứ”.

“Nó nói về lòng thương xót, lòng thương xót, lòng thương xót”, Linh mục García phát biểu với các phóng viên hôm thứ Hai. “Như ĐTC Phanxicô đã cho biết khi bắt đầu Triều đại Giáo hoàng của mình: Chúng ta cần một Giáo hội nghèo cho người nghèo, nhưng đừng bao giờ quên lòng thương xót mà chúng ta cần phải áp dụng không chỉ vào cách thức chúng ta đối xử với những anh chị em thân cận của mình, mà còn đối với chính chúng ta”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết