Tại Ả Rập Xê Út, một chế độ quân chủ thần quyền, nơi Hồi giáo là quốc giáo duy nhất được công nhận, quyền tự do tôn giáo hầu như không hiện hữu. Tuy nhiên, theo số liệu của Hạt Đại diện Tông Tòa Bắc Ả Rập, vẫn có một số lượng đáng kể tín hữu Công giáo đang sinh sống trên lãnh thổ rộng lớn của quốc gia này – với diện tích hơn 772.200 dặm vuông, lớn hơn cả Mexico.
“Phần lớn những người không theo Hồi giáo tại đây không được hưởng quyền tự do tôn giáo. Trong số đó, có hơn một triệu tín hữu Công giáo”, Đức Cha Aldo Berardi, chủ chăn của Hạt Đai diện Tông Tòa này từ năm 2023, cho biết. Hạt Đai diện nayyf bao gồm cả Kuwait, Qatar và Bahrain, với tổng dân số gần 35 triệu người, trong đó hơn 2 triệu người là tín hữu Công giáo.
Trái với một số quốc gia trong khu vực đã có dấu hiệu mở cửa nhỏ về tôn giáo — chẳng hạn Qatar đã cho phép xây dựng một khu phức hợp nhà thờ vào năm 2008 — Ả Rập Xê Út vẫn nằm trong số những quốc gia hạn chế tôn giáo nghiêm ngặt nhất thế giới, theo các tổ chức như ‘Open Doors’ và Tổ chức trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACN).
Dưới sự cai trị cứng rắn của Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud, việc cải đạo sang tôn giáo khác bị xem là hành vi bội giáo và có thể bị xử tử, cũng như mọi hành vi bị cho là xúc phạm Hồi giáo.
“Sự sống đang bị đe dọa”
“Tôi không thể nói hết mọi điều, vì sự sống của nhiều người đang bị đe dọa. Nhưng điều tôi có thể khẳng định là họ không bị bỏ rơi. Chúng tôi vẫn liên lạc, tự tổ chức, chúng tôi vào đất nước khi có thể; nếu không thì hiện diện trực tuyến. Ở đó vẫn có một Giáo hội sống động, âm thầm, nhưng gắn bó sâu xa với Giáo hội hoàn vũ và với Đức Giám mục chủ chăn”, Đức Cha Berardi cẩn trọng chia sẻ.

Đức Giám mục Aldo Berardi đã lãnh đạo Hạt Đại diện Tông Tòa Bắc Ả Rập kể từ năm 2023 (Ảnh: Hạt Đại diện Tông tòa Bắc Ả Rập)
Ngài cho biết, không đi sâu vào chi tiết, rằng các tín hữu quy tụ một cách âm thầm “theo ngôn ngữ, nghi lễ, linh đạo”.
“Có các nhóm đặc sủng, các nhóm tôn sùng Đức Mẹ, các nhóm của Dòng Trinitarian. Những gia đình đến đó thường tìm các nhóm Kitô hữu để cùng chia sẻ, và tin tức được lan truyền giữa họ”, ngài nói.
Phần đông tín hữu Công giáo tại Ả Rập Xê Út là những người lao động nước ngoài, buộc phải sống đức tin một cách hoàn toàn kín đáo.
Tại buổi họp báo do Văn phòng Truyền thông ISCOM tổ chức, Đức Cha Berardi giải thích rằng các tín hữu này — phần lớn là người Philippines và Ấn Độ — sống rải rác khắp Ả Rập Xê Út, không thể nhóm họp chính thức và luôn bị giám sát chặt chẽ.
Các gia đình Công giáo “theo dõi Thánh lễ trực tuyến”, ngài cho biết. Tuy nhiên, “họ không cử hành các Bí tích như chúng ta vẫn biết, mà thành lập các nhóm cầu nguyện, học hỏi và giảng dạy Giáo lý”.
Giữa cảnh đàn áp, Internet đã trở thành một phương thế mạnh mẽ: “Giờ đây, nhờ mạng, mọi thứ trở nên dễ hơn đôi chút. Chúng tôi có thể tổ chức các khóa học, các buổi tĩnh tâm… Mọi thứ đều phải được thực hiện một cách kín đáo, vì mọi thứ đều bị cấm”, ngài nhấn mạnh.
Thêm vào đó, “khi có cơ hội cử hành một buổi phụng vụ thì chúng tôi tổ chức, nhưng luôn trong điều kiện được bảo vệ”.
Giáo hội phân tán, được điều hành bởi giáo dân
Tuy nhiên, Đức Cha Berardi lưu ý rằng phần lớn các tín hữu “không có khả năng tiếp cận bất cứ điều gì”, vì nhiều người sống ở vùng quê hay các thị trấn nhỏ. “Người Công giáo có mặt khắp cả nước, bởi vì họ thuê y tá, kỹ thuật viên cho bệnh viện, và giáo viên cho các trường học ở khắp mọi nơi. Có một sự phân tán hoàn toàn”, ngài giải thích.
Là tu sĩ Dòng Trinitarian (Dòng Chúa Ba Ngôi) – Dòng tu có sứ vụ chuyên trợ giúp các Kitô hữu bị bách hại — Đức Cha Berardi cho biết Giáo hội Công giáo, dù bị hạn chế, vẫn duy trì được đời sống đức tin nhờ một mạng lưới các cộng đoàn giáo dân.
“Đó là một trải nghiệm rất đẹp khi chứng kiến giáo dân chịu trách nhiệm trong các cộng đoàn, về giáo dục, cầu nguyện và phụng tự. Chính họ, các gia đình, đảm nhận việc dạy Giáo lý. Mọi thứ đều nằm trong tay họ”, ngài chia sẻ.
Làn sóng đàn áp sau Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979
Tình trạng đàn áp trở nên nghiêm trọng hơn sau cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran năm 1979. Theo Đức Cha Berardi, Vương quốc Hồi giáo Sunni Ả Rập Xê Út đã siết chặt kiểm soát nội bộ để củng cố tính chính danh của mình trước thách thức ý thức hệ từ Tehran theo hệ phái Shia. Ayatollah Ruhollah Khomeini đã mạnh mẽ lên án chế độ Ả Rập vì “cho phép các nhà truyền giáo, các Linh mục và Mục sư vào nước này”, ngài cho biết.
Hệ quả là, “họ đã trục xuất những vị ấy và hoàn toàn cấm đoán mọi hoạt động phụng tự của những người không theo Hồi giáo. Kể từ đó đến nay, không có gì được phép”, Đức Cha Berardi chia sẻ đầy tiếc nuối.
Đức Cha Berardi khẳng định rằng sự hiện diện của hàng giáo sĩ tại đây thậm chí có thể mang lại lợi ích cho chính quyền Ả Rập.
“Cách tổ chức của chúng tôi có tính phẩm trật rõ ràng, ai là người có trách nhiệm, ai là người đại diện thì đều được xác định cụ thể. Không giống các cộng đồng khác, chẳng biết ai là người lãnh đạo hay đại diện. Với người Công giáo, mọi thứ đều có hệ thống. Nếu chúng tôi được hiện diện với một cơ cấu giáo sĩ rõ ràng, điều đó sẽ còn an toàn hơn cho tất cả mọi người”, ngài nói.
Đề nghị này, được trình bày như một yếu tố góp phần ổn định cho chế độ, không phải là không có tác động: “Đôi khi họ mời một người từ Rôma tham dự các hội nghị đối thoại Hồi giáo. Nhưng đến nay vẫn chưa có gì cụ thể. Chúng tôi vẫn còn bị chi phối bởi chính trị và những biến động trong khu vực”.
Liên lạc chớp nhoáng với Tòa Thánh
Mặc dù Ả Rập Xê Út chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh — khác với Qatar, Bahrain, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất — nhưng theo Đức Cha Berardi, vẫn đã có những liên lạc không chính thức trong một số dịp.
“Đôi khi có một lá thư đi qua các kênh ngoại giao, giữa các tòa đại sứ, hay một thư tín từ Đại sứ quán Ả Rập tại Rôma được chuyển đến Tòa Thánh. Có vẻ như có mong muốn đối thoại, nhưng truyền thống Hồi giáo ngăn cản điều đó. Với họ, Ả Rập Xê Út là một đại thánh đường Hồi giáo. Từng bước nhỏ đang được thực hiện”, ngài nhận định.
Bất chấp hoàn cảnh khó khăn ấy, sức sống của các cộng đoàn Công giáo tại vùng Vịnh vẫn không bị dập tắt. Đức Cha Berardi xác nhận rằng một số người sẽ tham dự sự kiện Năm Thánh Giới trẻ từ ngày 28 tháng 7 đến ngày 3 tháng 8: “Chúng tôi luôn cử người tham dự, dù chỉ một người. Với Năm Thánh dành cho các Linh mục, chúng tôi đã cử 10 người. Còn lần này, sẽ có khoảng 40 bạn trẻ từ 4 quốc gia tham gia”.
“Giữa việc xin visa, chi phí, và việc xin nghỉ làm, điều này không hề dễ dàng, nhưng chúng tôi đang nỗ lực lo liệu”, ngài cho biết thêm.
Dù vậy, Đức Cha Berardi nhấn mạnh rằng lúc này Giáo hội không đòi hỏi quyền tự do tôn giáo hoàn toàn từ chính quyền Ả Rập, “được hiểu theo nghĩa là có quyền chọn tôn giáo, thay đổi hay không theo tôn giáo nào cả”, mà chỉ muốn được bảo đảm quyền tự do phụng tự.
“Chúng tôi mong rằng những người không theo Hồi giáo được phép cử hành việc phụng tự của họ. Chúng tôi muốn chăm sóc cho hàng triệu tín hữu Công giáo tại đây”, Đức Cha Berardi bày tỏ.
Giới trẻ Ả Rập Xê Út mong muốn sự thay đổi
Khi được hỏi về viễn cảnh tương lai, Đức Cha Berardi tỏ ra thận trọng nhưng vẫn đầy hy vọng: “Sự cởi mở xã hội ở đất nước này đã được hình thành rất nhanh chóng, dù thế hệ lớn tuổi vẫn còn, và có thể có những căng thẳng. Tuy nhiên, 60%-70% dân số dưới 30 tuổi, và thế hệ trẻ này mong muốn sự thay đổi vì họ chứng kiến những gì đang diễn ra trên thế giới và không hiểu tại sao đất nước họ lại không thể cởi mở”.
Do đó, ngài hy vọng sẽ có tiến triển trong thời gian gần: “Một ngày nào đó họ sẽ cho phép. Không phải tự do tôn giáo hoàn toàn, mà là tự do thờ phượng. Đó là điều chúng tôi đang mong mỏi”.
Minh Tuệ (theo CNA)