Việc nâng cấp dự luật chống buôn người chủ chốt đã được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua hôm thứ Tư và đã được một Giám mục Hoa Kỳ ca ngợi là “một bước quan trọng” trong cuộc chiến nhằm xóa bỏ chế độ nô lệ thời hiện đại.
Đức Giám mục Joe Vasquez Địa phận Austin, Chủ tịch Ủy ban Di dân của các Giám mục Hoa Kỳ, đã gọi H.R. 2200 là “một bước quan trọng của Quốc hội có thể giúp ngăn ngừa nạn buôn người và đồng thời bảo vệ các nạn nhân vì nó cung cấp các điều khoản dịch vụ quan trọng trợ giúp các nạn nhân”.
Đạo luật Cho phép Bảo vệ và Ngăn ngừa các nạn nhân nạn buôn người của Frederick Douglass năm 2017 (The Frederick Douglass Trafficking Victims Prevention, Protection and Reauthorization Act of 2017) nâng cấp dự luật hiện hành, Đạo Luật Bảo vệ Nạn nhân nạn buôn người năm 2000. Dự luật mới được đặt theo tên Frederick Douglass, người đã được sinh ra là một nô lệ vào năm 1818 nhưng đã trốn thoát để được tự do và đã dành suốt cuộc đời của mình sau đó đấu tranh nhằm bãi bỏ chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ.
Dân biểu Chris Smith (RN.J.), Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền toàn cầu của Hạ Viện, là tác giả của Dự luật, với Dân biểu Karen Bass (D-Calif.), là thành viên trong ủy ban, là nhà tài trợ chính của dự luật .
Dự luật được đề xuất sẽ tăng thêm kinh phí đối với các chương trình chống buôn người hiện hành tại Hoa Kỳ và ở nước ngoài lên tới hơn 500 triệu USD.
Các khoản tài trợ sẽ được trao cho các chương trình giáo dục đối với các học sinh và giáo viên về việc làm thế nào để phát hiện và tránh nạn buôn người ở những người trẻ tuổi để làm việc hoặc bóc lột tình dục. Ngoài ra, theo dự luật, chính phủ Hoa Kỳ được khuyến khích để cho các nhân viên lưu trú tại các khách sạn [mà chủ của chúng] vốn đã có những biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn nạn buôn người trên tài sản của họ.
Ngoài ra, nguồn tài trợ sẽ thực hiện việc hỗ trợ các nạn nhân chẳng hạn như nhà ở tạm thời, vận động pháp lý, và điều trị sức khoẻ tâm thần.
Nguồn tài trợ cho các nạn nhân là rất quan trọng, dân biểu Bass nhấn mạnh, bởi vì các nạn nhân của nạn buôn người có thể còn khá trẻ và bất lực.
“Phần lớn nạn nhân của nạn buôn người đều là các bé gái vị thành niên là con nuôi, trong đó độ tuổi trung bình của một cô gái mại dâm là 12 tuổi”, nữ dân biểu Bass nói. “Một trong những lý do chính mà các cô gái không thể trốn thoát là vì họ không có nhà ở”.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, vấn nạn buôn người là một vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hướng tới gần 21 triệu nạn nhân trên toàn thế giới. Nhiều nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Nạn buôn người bao gồm nhiều hình thức của việc lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, không dưới 10.000 vụ sử phạt liên quan đến nạn buôn người mỗi năm. Nạn buôn người trải dài trong nhiều ngành công nghiệp, chẳng hạn như những người dân Inđônêxia đang làm việc trong những điều kiện chẳng khác gì nô lệ trên các tàu đánh cá, sống trong thân phận nô lệ vì nợ nần ở Afghanistan và tình trạng cưỡng bức tình dục ở Hoa Kỳ.
Tổ chức lao động quốc tế ước tính rằng 150 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm ở Mỹ là kết quả của việc lao động cưỡng bức.
“Buôn người là một trong những tội ác phát triển nhanh nhất trên thế giới”, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (R-Wisc.) phát biểu tại cuộc họp báo hôm Thứ Tư vừa qua tại Điện Capitol Hoa Kỳ. Nạn buôn người là một “vấn đề quốc gia”, và đòi hỏi phải có “một nỗ lực quốc gia để giải quyết vấn đề này”.
Một mục tiêu chính của Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân của nạn buôn người năm 2000, tác giả là dân biểu Smith, đã đưa ra một báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nơi mà các quốc gia sẽ được xếp hạng theo một hệ thống chặt chẽ hơn dựa trên mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu do luật quy định để đấu tranh và ngăn chặn nạn buôn người.
Bộ Ngoại giao đã có các công cụ pháp lý để xử lý, chẳng hạn như các quy định trừng phạt, nhằm thúc đẩy các quốc gia có những ghi nhận xấu nhất về nạn buôn người để tiến hành cải thiện.
Báo cáo về Tình trạng buôn người cũng được cập nhật theo dự luật mới. Các quốc gia thuộc Danh sách theo dõi Cấp 2, mức thấp hơn các quốc gia tồi tệ nhất ở Cấp 3, có thể chỉ nằm trong danh sách theo dõi trong một khoảng thời gian giới hạn trước khi rơi xuống Cấp 3 nếu như họ không cải thiện trong việc chống nạn buôn người.
Ngoài ra, các quốc gia sử dụng các binh lính là trẻ em có thể không là cộng sự với quân đội Hoa Kỳ cho đến khi họ ngừng việc sử dụng trẻ em, theo dự luật mới.
Đức Giám mục Vasquez đã tuyên bố ủng hộ dự luật đề xuất hôm thứ Ba vừa qua và đồng thời ủng hộ các công dân liên lạc với thành viên Quốc hội của họ để ủng hộ dự luật này.
“Giáo hội Công giáo có một vai trò lâu dài trong việc ngăn ngừa nạn buôn người cũng như việc phục hồi đối với các nạn nhân”, Đức Cha Vasquez giải thích trong một lá thư gửi tới các thành viên Quốc hội.
Các hoạt động hỗ trợ nạn nhân của nạn buôn người trong dự luật là đặc biệt quan trọng, cũng như các hành động nhằm giảm bớt nạn buôn người từ các chuỗi cung ứng kinh tế.
“Như ĐTC Phanxicô đã phát biểu: ‘Nạn buôn người đến từ tất cả mọi tầng lớp xã hội, nhưng thường là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong số các anh chị em của chúng ta”‘, Đức Cha Vasquez cho biết.
“Tôi tin rằng những cá nhân bị bóc lột này đáng được sự chăm sóc và hỗ trợ của cộng đồng cũng như chính phủ của chúng ta và sự hỗ trợ như vậy sẽ giúp họ chữa lành và trở thành những người sống sót”.
Minh Tuệ chuyển ngữ