Trong bối cảnh của chuyến đi đầy căng thẳng tới châu Âu, Vivian – một phụ nữ Nigeria đang mang thai và cận kề ngày sinh nở rời khỏi bờ biển Libya – đã lâm bồn trên tàu hải quân Đức giải cứu cô cùng với 654 người khác.
Đề nghị đầu tiên của cô khi cô nhìn thấy một vị tuyên úy quân đội trên tàu là gì? Đó là cô muốn đứa con trai mới sinh của mình được rửa tội.
Theo vị tuyên úy quân đội người Đức, Vivian – một người Công giáo và có khả năng đang phải chạy trốn thảm trạng bạo lực và cảnh bách hại đang diễn ra nơi đất nước của mình – là một trong số 655 người phải liều mạng bước lên 4 chiếc thuyền mỏng manh với mong ước là được đặt chân tới châu Âu để có được một cuộc sống tốt hơn.
Vào ngày 6/7 vừa qua, ngày đầu tiên của họ trên biển, một tàu hải quân Đức đã nhìn thấy những chiếc thuyền mỏng manh này, đồng thời họ cũng nhận thấy sự nguy hiểm đang rình rập sinh mạng của những thường dân đáng thương trên những chiếc thuyền có thể được mô tả như là “không phải đối thủ của những con sóng dữ”, rồi đưa tất cả lên tàu.
Khi Cha Jochen Folz – một Linh mục tuyên úy quân đội nhận thấy Vivian đã sinh con trên tàu sau khi được giải cứu, Cha cùng với đội ngũ y tế đã lập tức trợ giúp cô. Chỉ sau đó vài phút, Vivan đã bày tỏ mong muốn rất rõ rang của mình: cô là một tín hữu Công giáo, và cô muốn con trai mới sinh của mình được rửa tội.
Chính vì vậy, Cha Folz đã lập tức được mời đến với sự giúp đỡ của các nhân viên và thủy thủ đoàn trên tàu: các nhân viên điều hành đài phát thánh đã truy cập internet để Cha có thể có được bản nghi thức Rửa tội bằng tiếng Anh, sau đó, nghi thức Rửa tội cũng đã được tiến hành.
Một phụ nữ tên Martina O. – một người cũng đã được giải cứu khỏi những chiếc thuyền trên – đã đồng ý đảm nhận vai trò là mẹ đỡ đầu cho cậu bé.
Mặc dù bên ngoài trời đã nhá nhem tối, khoang tàu dành cho việc trợ giúp y tế đã được thắp sáng bằng đèn neon. Khoang tàu cũng đã chật ních bởi các thủy thủ – những người muốn có mặt trong khoảnh khắc vô cùng đặc biệt này.
Cha Folz bắt đầu nghi thức Rửa tội bằng việc chào những người tham dự, đồng thời giới thiệu vắn tắt về nghi thức Rửa tội. Nghi thức sau đó tiến hành như thường lệ: Cha Folz hỏi Vivian: “Chị định đặt tên cho con mình là gì”. Chị trả lời: “Tên cháu Ikpomosa”.
Khi vị Linh mục tuyên úy hỏi chị “Chị xin Giáo Hội điều gì cho Ikpomosa?”. Vivian mỉm cười và tự hào nói: “Phép rửa tội, Đức tin và sự sống đời đời”. Sau đó, Linh mục tuyên úy ghi dấu Thánh giá trên trán của trẻ sơ sinh, và mời mẹ cùng người đỡ đầu cũng làm như vậy.
Sau khi đổ nước lên trán đứa trẻ ba lần với nghi thức truyền thống: “Cha rửa con nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, ngài thắp nến và trao cho người đỡ đầu.
Đến nghi thức trao áo trắng như dấu chỉ của sự sống mới trong Chúa Kitô, Cha Folz khoác dây stola trắng trên trẻ sơ sinh như dấu chỉ của địa vị làm con của Thiên Chúa trong điều kiện trên tàu không thể nào tìm được chiếc áo trắng rửa tội. Ikpomosa được nhận Tổng lãnh Thiên thần Michael làm bổn mạng.
Đây là lần đầu tiên Cha Folz rửa tội cho một đứa trẻ tị nạn. Chính công việc mục vụ trên tàu hải quân này đã đem đến cho ngài kinh nghiệm đầu tiên trong đời Linh mục: rửa tội cho một đứa trẻ tị nạn sau nhiều năm làm công tác mục vụ trên đất liền. Trong thời gian còn phục vụ tại Afghanistan, Ngài đã rửa tội cho 2 binh sĩ người Đức và một người lính Mỹ, và Ngài cũng đã từng cử hành Bí Tích Thêm Sức trong nhiều dịp đặc biệt khác.
Tuy nhiên, việc rửa tội cho một đứa trẻ được sinh ra bởi một người phụ nữ khi đang lênh đênh trên biển Địa Trung Hải với hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và đứa con sắp chào đời của mình, là một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ đối với công việc mục vụ của Ngài.
Dưới ánh sáng của một tương lai vô định, Vivian và Martina đã được Cha Folz khuyên rằng “Giáo Hội luôn rộng mở và đón tiếp các con ở khắp mọi nơi trên thế giới, kể cả Ikpomosa cũng vậy, em cũng luôn nằm trong vòng tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa”.
Minh Tuệ (theo Catholicnewsagency)