Một điều kinh hoàng thời hiện đại: Việc bách hại toàn cầu đối với các Kitô hữu đang ở đỉnh điểm của lịch sử

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 19-10-2017 | 22:38:59

Cuộc bách hại chống lại Kitô giáo hiện đang “tồi tệ hơn bất cứ lúc nào khác trong lịch sử” và trong nhiều trường hợp, việc diệt chủng và các tội ác khác chống lại loài người “giờ đây đồng nghĩa với việc Giáo hội ở các quốc gia cốt lõi và nhiều khu vực hiện đang phải đối mặt với khả năng có thể bị xóa sổ sắp xảy ra”, theo một báo cáo mới từ Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ.

Báo cáo, có tựa đề “Bị bách hại và quên lãng?”, bao gồm những năm 2015-2017. Nội dung của nó hết sức ảm đạm, mô tả Kitô giáo như là một “cộng đồng đức tin bị bách hại nhất trên thế giới”. Việc bách hại Kitô giáo ở những khu vực tồi tệ nhất đã đạt đến một “đỉnh cao mới” và những tác động của nó chỉ là “bắt đầu cảm thấy hết sức kinh hoàng”.

“Trong 12 trong số 13 quốc gia được xem xét, tình hình đối với các Kitô hữu hiện đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong giai đoạn 2015-2017 so với trong hai năm trước đó”, bản tóm tắt của báo cáo, được phát hành hôm 12/10, cho biết.

John Pontifex, biên tập viên của báo cáo, bình luận rằng: “Về số lượng những người tham gia, sự nghiêm trọng của các tội ác đã gây ra cũng như những tác động của nó, rõ ràng là cuộc bách hại Kitô giáo ngày nay là tồi tệ hơn bất cứ lúc nào khác trong lịch sử. Không chỉ là việc các Kitô hữu bị bách hại hơn bất kỳ nhóm tín ngưỡng nào khác, nhưng số lượng đang ngày càng tăng đang phải trải qua những hình thức tồi tệ nhất của việc bách hại”. 

Trung Quốc, Eritrea, Iraq, Nigeria, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Ả-rập Xê-út, Sudan và Syria được xếp hạng “tột bậc” trong quy mô của cuộc bách hại chống Kitô giáo. Ai Cập, Ấn Độ và Iran được đánh giá là “cao gần như tột bậc”, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá “cao với mức độ vừa phải”.

Các xếp hạng của báo cáo được rút ra từ các phân tích như Chỉ số Hành động thù địch Xã hội của Diễn đàn Pew và Danh sách Theo dõi Thế giới của Open Door, ngoài các yếu tố và nhiều  nguồn khác, bao gồm các chuyến đi tìm hiểu thực tế.

Ở một số quốc gia, chính phủ chính là thủ phạm chính gây ra các cuộc bách hại, trong khi ở các quốc gia khác, các nhóm xã hội chính là thủ phạm gây ra hành động tội lỗi này , trong khi ở các nước khác thì cả hai đều phải chịu trách nhiệm.

Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ, một tổ chức từ thiện mục vụ Công giáo quốc tế, cung cấp cứu trợ khẩn cấp và mục vụ tại 140 quốc gia. Chi nhánh Hoa Kỳ đã công bố báo cáo.

Lời tựa của báo cáo đã được viết bởi Đức Tổng Giám mục Issam John Darwish của Tổng Giáo phận Melkite Zahlé và Furzo, một Tổng Giáo phận Lebanon gần biên giới Syria. Ngài đã kể lại các câu chuyện về những người tị nạn Kitô giáo đang chạy trốn khỏi cuộc nội chiến Syria kéo dài trong vòng sáu năm.

“Nhiều người tị nạn đã kể những câu chuyện đầy khủng khiếp về cuộc bách hại: chẳng hạn như một người đàn ông có anh trai là linh mục đã bị bắt cóc – và mặc dù gia đình đã trả tiền chuộc, những bọn chúng đã giết hại vị linh mục này. Bọn chúng đã gửi cho gia đình một chiếc hộp trong đó đựng phần cổ tay đã bị chặt lìa, trên đó có hình xăm cây Thánh giá, để cho thấy rằng vị linh mục này đã bị giết”, Đức Tổng Giám mục Darwish nói.

Trung Đông là trọng tâm chính của báo cáo.

“Các chính phủ ở phương Tây và LHQ đã thất bại trong việc cung cấp cho các Kitô hữu ở các nước như Iraq và Syria sự trợ giúp khẩn cấp mà họ cần khi nạn diệt chủng đang được tiến hành”, báo cáo cho biết. “Nếu các tổ chức Kitô giáo cũng như các tổ chức khác đã không lấp đầy khoảng cách, sự hiện diện của các Kitô hữu có thể đã biến mất tại Iraq và nhiều khu vực khác của Trung Đông”.

 Cuộc di tản của các Kitô hữu từ Iraq đã trở nên “cực kì nghiêm trọng”. Các Kitô hữu trong nước hiện nay có thể chỉ kể vào con số ít ỏi với 150.000 tín hữu, giảm từ con số 275.000 vào giữa năm 2015. Vào mùa xuân năm 2017 đã có một số dấu hiệu của sự hy vọng, với sự thất bại của nhóm Nhà nước Hồi giáo cũng như sự trở lại của một số Kitô hữu trở về nhà cửa của họ trên các khu vực đồng bằng Nineveh. 

Tuy nhiên, sự ra đi của các Kitô hữu khỏi Syria đã đe dọa sự sống còn của các cộng đồng của họ trong nước, kể cả các trung tâm lịch sử Kitô giáo, chẳng hạn như Aleppo. Các Kitô hữu Syria phải chịu đựng những mối đe dọa của việc cưỡng bức chuyển đổi tôn giáo và tống tiền. Một Giám mục Chaldea ở nước này đã ước lượng dân số Kitô hữu là 500.000 tín đồ, giảm từ 1,2 triệu tín đồ trước chiến tranh. 

Nhiều Kitô hữu trong khu vực sợ hãi việc đến các trại tị nạn chính thức, do lo ngại về việc có thể bị hãm hiếp cũng như các hình thức bạo lực khác.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo và các chiến binh khác đều có liên quan đến hành động diệt chủng ở Syria và Irac. Trong khi Nhà nước Hồi giáo và các nhóm khác đã bị đánh bại trong các thành trì chính của họ, nhiều nhóm Kitô hữu đang bị đe dọa tuyệt chủng và sẽ không thể tồn tại sau một cuộc tấn công khác.

Ở miền bắc Nigeria, nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã tham gia vào hành động diệt chủng chống lại các Kitô hữu.

Có những báo cáo từ Bắc Triều Tiên về nạn đói cưỡng bức đối với các Kitô hữu cũng như hành động phá thai cưỡng bức. Một số Kitô hữu đã bị treo trên thập giá lửa, và một số khác đã bị nghiền nát bởi những chiếc xe lu. Các tín hữu Tin Lành và Công giáo được xếp hạng trong số những người ít được cảm thông nhất đối với chính phủ, vốn hạn chế khả năng tiếp cận của họ đối với lương thực, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ. Kitô giáo được kết nối với ảnh hưởng của Hoa Kỳ, và các Kitô hữu đã bị hành hình như các điệp viên.

Tại Sudan, việc theo đuổi chương trình nghị sự Hồi giáo cực đoan của chính phủ đã dẫn đến những sắc lệnh phá bỏ các nhà thờ Kitô giáo. Các Kitô hữu bị bắt bớ vì bị cáo buộc là theo đạo, và phụ nữ phải đối mặt với những khoản tiền phạt vì mặc các trang phục “khiêu dâm” hoặc bất nhã. Chính phủ đã tước đoạt đi các quyền công dân của những người có xuất xứ ngoài Sudan, khiến nhiều người phải rời bỏ quê hương tổ tiên của họ ở Nam Sudan. Nhiều người đã sống trong các ngôi nhà của họ trong hơn ba thập niên hoặc lâu hơn.

Vào tháng 1 năm 2017, Hoa Kỳ đã áp đặt việc ngưng trong khoảng sáu tháng đối với các biện pháp trừng phạt nhân quyền chống lại Sudan với điều kiện là nước này sẽ cải thiện vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo. 

Tại Pakistan, các phần từ theo trào lưu chính thống bị cấm đoán đã đặt ra mối đe dọa lớn đối với các Kitô hữu, nhưng một số người cáo buộc rằng sự thất bại của chính phủ trong việc trấn áp các nhóm này đã làm xấu đi vấn đề bạo lực. Vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 2016, có tới 24 Kitô hữu đã bị giết hại trong một bạo lực đã được nhắm mục tiêu ở Lahore. Một phe của Taliban Pakistan đã tuyên bố trách nhiệm đối với vụ tấn công này.

Church_of_the_Immaculate_Conception_Qaraqosh_Iraq_Nov_7_2016_Jaco_Klamer_ACNỞ Ấn Độ, cuộc bách hại đã gia tăng từ năm 2014, với sự nổi lên của đảng cánh hữu Bharatiya Janata của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Các nhóm có cùng khuynh hướng thường cáo buộc các Kitô hữu về việc cải đạo cưỡng bức, một nhà lãnh đạo Kitô giáo địa phương mạnh mẽ phủ nhận. Một nhóm tín hữu Công Chúa ở Ấn Độ đã tường thuật về 365 hành động tàn bạo thảm khốc và nghiêm trọng chống lại Kitô giáo vào năm 2016, với việc 10 người thiệt mạng và hơn 500 giáo sĩ hoặc các nhà lãnh đạo Giáo hội đã bị tấn công vì đức tin của họ.

Một số Kitô hữu đã phải đối mặt với áp lực phải cải đạo dưới sự đe dọa của vũ lực, trong khi một số khác đã bị buộc phải tham gia các nghi lễ Hindu và chối bỏ đức tin của họ.

Ở Trung Quốc, các cộng đồng Giáo hội hiện phải đối mặt với sự thù địch ngày càng gia tăng. Chính quyền ở một số tỉnh đã tháo dỡ Thánh giá tại một số nhà thờ và nhiều ngôi thánh đường đã bị phá hủy. Ở một số khu vực, cây thông Giáng sinh và thiệp chúc mừng đều đã bị cấm. 

Chủ tịch Tập Cận Bình đã miêu tả Kitô giáo như một phương tiện “xâm nhập của nước ngoài” vào Trung Quốc và đồng thời ủng hộ việc kiểm soát nhiều hơn của nhà nước cũng như việc nhắm mục tiêu vào các Giáo hội không chính thức. Có những lo ngại rằng tuyên bố phân nhóm đối với các công dân vào năm 2016 của Trung Quốc dựa trên ‘tín dụng’ chính trị, thương mại, xã hội và hợp pháp sẽ tạo ra một hệ thống gây bất lợi cho các Kitô hữu theo cách thức tương tự như Bắc Triều Tiên. 

Các Kitô hữu ở Ai Cập đã phải hứng chịu một cuộc tấn công đánh bom tự sát nghiêm trọng vào tháng 12 năm 2016 và một lần nữa vào Chúa nhật Lễ Lá vào tháng 4 năm 2017. Hàng chục người đã thiệt mạng và nhiều người bị thương trong cả hai vụ tấn công, trong đó nhóm Hồi giáo Nhà nước đã tuyên bố trách nhiệm.

Ả rập Xê út đã nhận được sự chỉ trích từ các cường quốc phương Tây và Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã ký hợp đồng vũ khí trị giá 110 tỷ đô la với nước này, một thỏa thuận đã được tổ chức dưới chính quyền của Obama do các quan ngại về vấn đề nhân quyền. Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ cho biết các nguồn lực trong nước đang cung cấp vũ khí và tài chính cho các nhóm cực đoan Sunni, trong đó có Nhà nước Hồi giáo, được biết đến trong khu vực với tên gọi là “Daesh”. 

“Mặc dù các nhóm Hồi giáo như Daesh có thể sẽ phụ thuộc nhiều vào các nguồn bên ngoài không được công bố đối với vũ khí và trí tuệ, cần phải đẩy mạnh hành động ngăn chặn tất cả các thực thể hợp tác với họ”, báo cáo tiếp tục. “Các Kitô hữu bị bách hại là một trong số những người hưởng quyền lợi của những tiến bộ trong lĩnh vực này” .

Đức Tổng Giám mục Darwish cho biết rằng cần phải bắt buộc phải giúp đỡ các Kitô hữu bị bách hại.  

“Khi các gia đình Kitô hữu đã hướng về chúng ta những nhu cầu hết sức căn bản cho cuộc sống hàng ngày – chẳng hạn như: thực phẩm, chỗ ở và chăm sóc y tế – làm thế nào chúng ta có thể từ chối giúp đỡ?”, Đức TGM Darwish nói, đồng thời Ngài cũng than phiền việc thiếu viện trợ từ LHQ cũng như các tổ chức nhân đạo khác.

Đức Tổng Giám mục Darwish cũng đã ca ngợi những nỗ lực của Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ trong việc báo cáo về hành động bách hại chống lại Kitô giáo cũng như việc giúp đỡ những người bị bách hại.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết