Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem, và Giêrikhô là chặng cuối của cuộc hành trình. Đến gần thành ấy, Người chữa lành một người mù và làm thay đổi số phận của anh ta (Lc 18,35-43).
Mở đầu câu chuyện là hình ảnh bi đát của người mù. Tác giả Luca viết: “Có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường” (c.35).
Người mù phải chịu một sự khiếm khuyết thể lý. Anh phải sống trong bóng tối.
Anh phải ở bên lề xã hội. Chi tiết anh ngồi bệt bên vệ đường chứ không được hòa mình vào đám đông đang thực hiện cuộc hành trình nhộn nhịp đông vui lên Giêrusalem, càng làm nổi bật thực tế đau xót là anh đang bị gạt ra bên lề xã hội.
Và anh nghèo. Rất nghèo. Anh ngồi bên vệ đường để ăn xin!
Nhưng rồi, anh đã được gặp gỡ Đức Giêsu và được Người chữa lành.
Sau cuộc gặp gỡ đó, tình cảnh và số phận của người mù đã hoàn toàn thay đổi: “Anh nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa” (c.43).
Anh đã được sáng mắt, chấm dứt cảnh mù lòa và sống trong tăm tối.
Anh đứng lên và hòa mình vào đoàn người bước đi theo Đức Giêsu, chấm dứt cảnh ngồi bệt bên vệ đường, bị gạt sang bên lề.
Anh lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, thay vì những lời than thở ai oán để xin mọi người bố thí.
Anh trở thành nguồn gợi hứng cho “toàn dân” ngợi khen Thiên Chúa, thay vì bị người ta lên tiếng nạt nộ ngăn cấm anh cất tiếng giữa cộng đồng như trước kia (xem c.39).
Đức Giêsu đã không chỉ chữa lành anh về thể lý. Người còn giải phóng anh về phương diện xã hội. Và nhất là Người cứu độ anh, đưa anh vào mối tương quan khác hẳn với Thiên Chúa.
Thế là đã xảy đến hai thái cực: một bên là tình cảnh bi đát và bên kia là tình cảnh hoan lạc.
Giữa hai thái cực ấy là sự kiện lòng tin và lời cầu xin của người mù gặp được quyền năng và lòng nhân lành của Đức Giêsu.
Người mù được gặp Đức Giêsu. Lòng tin và ân sủng gặp gỡ nhau.
Chính cuộc gặp gỡ ấy đã làm nên thực tại cứu độ, niềm hoan lạc và ơn giải thoát cho người mù.
Linh mục Giu se Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.