Mông Cổ và bộ mặt truyền giáo của Giáo hội Hàn Quốc

ger_district2

Bayanhushuu là một quận nghèo ở ngoại ô Ulan Bator, nơi có rất nhiều ngôi nhà xiêu vẹo nằm cạnh hàng ngàn ger, những chiếc lều truyền thống của người Mông Cổ: những nơi ở rẻ tiền dành cho những người di cư từ các thảo nguyên xung quanh để tìm kiếm một cuộc sống ít vất vả hơn, nhưng ở thủ đô khó tìm được cơ hội giải thoát.

Trên đỉnh một ngọn đồi cằn cỗi, thật bất ngờ so với sự xuống cấp xung quanh, nổi bật lên một tòa nhà lớn, hiện đại bằng gạch đỏ: đó là ngôi trường được điều hành bởi các Nữ tu người Hàn Quốc Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres, hiện diện từ năm 1996 tại Mông Cổ, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến Tông du từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 để khuyến khích một Giáo hội ra đời cách đây ba thập kỷ và chỉ có 1.500 tín hữu.

“Chúng tôi đã mở ngôi trường này cách đây 2 năm trước và hiện nay đã có 200 sinh viên từ khu vực lân cận theo học”, theo Giám đốc trường, Nữ tu Clara Lee Nan Young, cho thấy các lớp học thân thiện và ngăn nắp, các phòng thí nghiệm được trang bị máy tính cũng như thư viện.

Nếu những đứa trẻ theo học ở đây cho đến tuổi trung học, thì những đứa trẻ nhỏ hơn được chào đón ở tòa nhà bên cạnh, một trường mẫu giáo theo phương pháp giảng dạy Montessori, nơi rất đông trẻ em mặc đồng phục chơi các khối đồ chơi trên thảm trải sàn lát gỗ. Từ mọi chi tiết, triết lý của các nhà truyền giáo này đều tỏa sáng: ngay cả trẻ em của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất cũng có quyền được hưởng nền giáo dục tốt nhất.

kindergarten

Các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres, thuộc Tỉnh Taegu của Hội dòng và đang tham gia vào công việc mục vụ giáo dục và y tế, chỉ đại diện cho một trong những gương mặt của Giáo hội Hàn Quốc ở Mông Cổ. Đến từ quốc gia châu Á, 23 trong số 77 nhà truyền giáo – Linh mục, tu sĩ, giáo dân – hiện diện giữa Ulan Bator, Arvaikheer, Erdenet và Darkhan.

Họ đến đây thông qua các Hội dòng khác nhau, từ Dòng Tên cho đến Dòng Salêdiêng và các Nữ tu của Mẹ Têrêsa, nhưng không chỉ như vậy. Có lẽ dấu chỉ quan trọng nhất của mối liên kết đặc quyền giữa các Giáo hội của hai quốc gia láng giềng này trên thực tế là các Linh mục Fidei donum, hiện có 4 người, đến từ Giáo phận Daejeon của Hàn Quốc.

Tình hữu nghị này bắt đầu từ cách đây 25 năm trước, và được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Đức Giám mục Lazzaro You Heung-sik lúc bấy giờ (hiện là Hồng y), người đã khuyến khích lựa chọn thường xuyên gửi các Chủng sinh năm thứ năm của Giáo phận của mình để trải nghiệm công việc truyền giáo vào mùa hè ở Mông Cổ.

Cha Thomas Ro Sang-min nằm trong số đó. Hiện nay ngài là Linh mục Chánh xứ của nhà thờ Santa Sofia nằm ở cuối con đường đất trong cùng quận Bayanhushuu.

“Thứ Năm hàng tuần, cùng với một nhóm thanh thiếu niên, chúng tôi đi phân phát thực phẩm cho những gia đình nghèo khó sống ở rìa bãi rác”, vị Linh mục 38 tuổi, người lãnh đạo Giáo xứ được thành lập vào năm 2012 bởi một Linh mục Fidei donum khác trong Giáo phận của ngài. Với giới trẻ, Cha Thomas cũng tổ chức các chuyến đi chơi và các sáng kiến nhóm: “Chúng tôi đến thành phố, đến rạp chiếu phim hoặc đi trượt băng, hoặc chúng tôi đi leo núi quanh đây”.

Dĩ nhiên, ngoài những lúc cầu nguyện, dạy giáo lý và huấn luyện. “Tôi cố gắng gần gũi với những đứa trẻ này, những đứa trẻ đôi khi không được hít thở bầu không khí thanh bình ở nhà, và qua chúng, tôi cũng quy tụ các gia đình lại gần nhau hơn: người lớn ngày nay phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, thiếu việc làm, sự mất giá của đồng tiền và các chính sách xã hội không đầy đủ”.

Sơ Veronica Kim Hye Kyung cũng đã cống hiến cả cuộc đời mình để phục vụ người khác và hiện đang quản lý phòng khám Saint Mary, do Phủ Doãn Tông Tòa thiết lập tại Nhà thờ Chính Tòa Ulan Bator. “Đó là một cơ sở y tế dành cho những người không có khả năng điều trị”, vị Nữ tu giải thích.

“Hàng năm, cũng nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ tình nguyện, chúng tôi đảm bảo cho khoảng 10.000 ca phẫu thuật”. Và trong một số trường hợp, có thể giúp đỡ những bệnh nhân có nhu cầu đặc biệt được điều trị ở nước ngoài, thông qua các liên hệ với Giáo hội Hàn Quốc.

Một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của mối liên kết truyền giáo vững chắc này – trong bối cảnh văn hóa đại chúng từ Seoul cũng rất phổ biến, từ âm nhạc đến phim truyền hình – đó là Cha Kim Stephano Seong Hyeon, Tổng đại diện của Hạt Phủ Doãn Tông Tòa Ulan Bator kiêm Chánh xứ Nhà thờ Chính Tòa Thánh Phêrô và Phaolô, người đột ngột qua đời vào tháng 5, hưởng thọ 55 tuổi.

padreKim

Cũng là một Linh mục Giáo phận Daejeon, Cha Kim đã đến Mông Cổ vào năm 2002, tại đây, ngoài những việc khác, ngài đã cống hiến hết mình cho việc thành lập Giáo xứ Santa Maria Assunta ở Khan Uul, thủ đô: nhà thờ đầu tiên ngài xây dựng ở khu phố là một ger truyền thống giản dị.

Một trong những người trẻ khó khăn mà Cha Kim chăm sóc khi bắt đầu nhiệm vụ là thầy Peter Sanjajav, người đã trở thành Linh mục bản địa thứ hai trong lịch sử Mông Cổ hiện đại (người đầu tiên là Cha Joseph Enkh-Baatar vào năm 2016).

“Chứng từ của sự phục vụ của ngài có ý nghĩa quyết định đối với ơn gọi của tôi”, Cha Peter, người đã tham dự hội thảo ở Daejeon, chia sẻ. “Một ngày nọ, tôi hỏi ngài tại sao ngài và các nhà truyền giáo khác lại chọn hy sinh mạng sống của mình trong một bối cảnh khó khăn và khí hậu rất khắc nghiệt như Mông Cổ. Đáp lại, ngài đã đưa cho tôi xem cây Thánh giá. Và một cuộc sống mới đã mở ra cho tôi”.

Minh Tuệ (theo Asia News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết