Mối quan hệ đáng khích lệ giữa người Công giáo và người Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ

Những câu chuyện về sự chung sống giữa các tín hữu Kitô giáo và Hồi giáo. Một chuyến viếng thăm quận Galata ở Istanbul, nơi các tu sĩ Dòng Đaminh đã hiện diện từ năm 1233 cho đến nay. Câu chuyện về ngôi Thánh đường, Trung tâm Nghiên cứu và đối thoại liên tôn sẽ được tường thuật bởi Piedmontese, Cha Claudio Monge và giáo viên Nagihan Haliloğlu.

“Tôi đã đương đầu với việc đối thoại giữa Hồi giáo và Kitô giáo trong hơn 20 năm nay và tôi thường nói đùa rằng mối quan hệ đối thoại này dường như không tồn tại, nếu chúng ta định xem đây như là mối quan hệ giữa ‘thế giới các tôn giáo’. Thậm chí cả ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà Hồi giáo được cho là một tôn giáo rất phức tạp và đa dạng. Trong khi đó, tỉ lệ các tín hữu Kitô giáo lại giảm sút và được chia thành: Công giáo, Tin Lành, Anh Giáo, và Chính Thống Giáo. Tổng cộng, các tín hữu Kitô giáo chỉ chiếm 0,1% dân số. Thay vào đó, tôi luôn luôn nói rằng một mối quan hệ tồn tại giữa các tín hữu Kitô giáo và Hồi giáo là rất tốt và sinh nhiều hoa trái”.

Với những lời này, Cha Claudio Monge đã mở ra cuộc đối thoại: Piedmont, 48 tuổi, và một Tu sĩ Dòng Đaminh, người đã sống ở Istanbul 13 năm sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ – Ottoman và tiến sĩ Thần học Tôn giáo tại Đại học Strasbourg. Ngài là Linh mục chánh xứ Thánh đường dâng kính Thánh Phêrô và Phaolô và là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu DoSt-i (Trung tâm Học vấn Đa Minh Istanbul, một từ viết tắt có nghĩa là “tình bạn” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ), cả 2 đều nằm giáp ranh với Galata, nơi các tu sĩ Đaminh đã có mặt từ năm 1233. Giáo xứ này là nơi thường xuyên lui tới của một số ít người Công giáo địa phương cũng như những người lao động nước ngoài, những khách du lịch tới viếng thăm và một nhóm các thanh niên châu Phi đang theo học tại các trường đại học tại đây.

Sự giao tiếp hàng ngày

“Tại Thổ Nhĩ Kỳ – và đây là một vấn đề của việc không giữ một vai trò quan trọng – Giáo Hội Công Giáo không được công nhận về mặt pháp lý, và do đó họ thậm chí không có các Dòng tu ở đây”, Cha Claudio tiếp tục. “Đó là một tình huống áp đặt những khó khăn khách quan và hạn chế. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn này, có một số dấu hiệu đáng khích lệ về việc cùng chung sống với người Hồi giáo. Istanbul là một đô thị lớn tầm cỡ quốc tế với hàng triệu dân đến từ nhiều quốc gia đang sinh sống nơi đây: tuy vậy, sự đa dạng này không kích động nhưng hiềm khích hay ngờ vực như ở những nơi khác của Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết các trường hợp, chúng ta phải sống riêng biệt, nhưng cả những giáo dân của tôi cũng như các thanh niên châu Phi đã thiết lập được những tình bạn tuyệt vời với các tín hữu Hồi giáo. Các thị trấn trong thành phố giống như những ngôi làng nhỏ, chúng tôi đều quen biết nhau cả, và các mối quan hệ, mặc dù chỉ là bề ngoài, thế nhưng nó nói lên sự thân mật nhờ vào tính hiếu khách của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Một ví dụ đơn giản: điều đầu tiên một thợ cắt tóc người Hồi giáo để lại ấn tượng với tôi, đó là khi tôi bước vào tiệm hớt tóc của anh ta, anh ta mời tôi uống trà và trò chuyện với tôi”.

Nhà thờ và thư viện lớn

Mỗi thứ bảy nhà thờ mở cửa suốt buổi chiều và các thanh niên châu Phi tổ chức những tour du lịch cho những đoàn khách hành hương, chủ yếu là những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ: họ thường cảm thấy rất thích thú và thể hiện sự ngưỡng mộ đối với những bức họa (một yếu tố mà đối với họ là hiếm thấy ở một nơi thờ phượng) , đồng thời, họ thể hiện sự tò mò về tất cả mọi thứ hiện diện trong nhà thờ – từ những ngọn nến đến nhà tạm – và họ đã hỏi rất nhiều câu hỏi. “Hai anh em Tu sĩ của tôi cùng với tôi đã cảm thấy rất vui”, Cha Monge nói, “bởi vì chúng tôi đặc biệt thiết kế sáng kiến này để tạo cơ hội gặp gỡ và khuyến khích sự hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt liên quan đến các nội dung về đức tin”.

Một điểm thu hút khác chính là Trung tâm Học vấn với một thư viện có thể nói là lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ về lĩnh vực Kitô giáo: với 35.000 đầu sách khác nhau, từ lịch sử Giáo Hội cho đến Thần học, từ đối thoại liên tôn cho đến triết học, đặc biệt là triết học thời Trung Cổ và triết học trường phái Thomist. “Nhiều giáo sư các trường đại học Hồi giáo mà tôi quen biết và thường xuyên tiếp xúc, họ thường giới thiệu sinh viên và các nhà nghiên cứu tới đây”, Cha Claudio cho biết. “Công việc của tôi là cùng đồng hành và hỗ trợ họ trong việc nghiên cứu. Do đó, Trung tâm học vấn này cho phép chúng tôi dệt nên những mối tương quan đầy ý nghĩa: kiến thức và niềm đam mê học hỏi đã nối kết chúng tôi, thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, và đôi khi nảy sinh những tình bằng hữu thân thiết. Công việc truyền giáo được thể hiện không chỉ qua một bài giảng cụ thể nào đó, mà là một sự hiện diện và đồng hành với các nền văn hóa và con người”.

Đối thoại liên tôn

Cha Claudio đã dành nỗ lực đặc biệt cho việc đối thoại liên tôn: “Những cuộc gặp gỡ và giao lưu hàng năm được tổ chức với sự tham gia của các giáo viên Hồi giáo, nói chung, đây là những cuộc gặp gỡ rất cởi mờ và nhận được rất nhiều sự tán thành. Thật không may, đôi lúc, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cản trở bởi một sự tương phản mạnh mẽ giữa đảng AKP của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và phong trào Hizmet, là những đảng vốn có nhiều ảnh hưởng đặc biệt đến vấn đề giáo dục và công nghệ thông tin.

Sự căng thẳng chính trị này cũng được phản ánh trong vấn đề đối thoại liên tôn, gây ra một sự bất khoan dung lẫn nhau giữa các trí thức Hồi giáo thân với đảng AKP và những trí thức thân với phong trào Hizmet.

Chúng tôi, những tu sĩ Ðaminh, muốn trở nên trung lập và không muốn liên quan đến các vấn đề nhạy cảm đối với các tôn giáo, vì vậy chúng tôi phải tìm những tham dự viên mới để tiếp tục việc cam kết đối với vấn đề đối thoại liên tôn đem lại hoa trái”.

Niềm hy vọng của các giáo viên Hồi giáo

Trong số các giáo viên người Hồi giáo đã tham gia những cuộc giao lưu gần đây, có là anh Nagihan Haliloğlu, 40 tuổi, giáo viên văn học và đa văn hóa tại Học Viện các nền văn minh của Liên Hiệp Quốc tại Istanbul. Anh cho biết: “Ngay sau những buổi dạy học của tôi, tôi đã làm quen với những người bạn Kitô giáo. Qua nhiều năm tôi đã thiết lập được nhiều mối quan hệ với các các Kitô hữu khác, đặc biệt là những người tôi gặp ở nước ngoài: Tôi rất vui khi thảo luận về các vấn đề đức tin với họ, và nói chuyện về những ảnh hưởng này đến các quyết định hàng ngày của chúng tôi. Với Cha Claudio, các cuộc trò chuyện rất thẳng thắn và chân thành: Tôi hy vọng những cơ hội để được thảo luận sẽ được nhân lên và các dự án hợp tác có thể được bắt đầu. Tôi muốn giới thiệu Ngài với các sinh viên của tôi để họ có thể hiểu được những hoạt động của các Kitô hữu đang làm ở đây trong lĩnh vực học thuật và xã hội. Tôi tin rằng những người có đạo một cách nào đó, theo định nghĩa, phải là những sứ giả của hòa bình. Tôi nhận thấy một điều rất quan trọng đó là các tín hữu Kitô giáo và Hồi giáo nên cộng tác với nhau vì mục tiêu hòa bình, quan trọng hơn, phải làm thế nào để truyền tải thông điệp này đến những người chưa có đức tin”.

Cristina Uguccioni

Minh Tuệ dịch (theo vaticaninsider)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết