“Mọi cớ sự là do nền giáo dục thiếu phần tâm linh”, rồi thế nào nữa?

Hầu như những ai quan tâm và mong muốn mạnh mẽ việc vực dậy nền giáo dục cũng đã đều thống nhất một điều: Phải thêm phần tâm linh cho giáo dục con người Việt Nam. 

Blocking the sunset on a perfect afternoon

Hình: Internet

28/3/2018, xã hội nóng lên vì các bài báo viết về Cô giáo dạy Toán không nói suốt 3 tháng lên lớp vì sợ học sinh ghi âm

Vài ngày sau, xã hội lại tiếp tục nổi sóng vì Cô giáo không giảng bài suốt 3 tháng: ‘Sao người chuyển đi lại là em?

Nhân câu chuyện lạ lùng “Sao người chuyển đi lại là em?” tôi thử tìm hiểu từ một nguồn đã gặp trực tiếp cả thày và trò trong câu chuyện. Thì ra không như cộng đồng mạng đang lên án, nói đúng hơn là thóa mạ, sỉ nhục nhà trường, cô giáo,… vì cho rằng nhà trường, cô giáo kia đã ngang ngược ép em học sinh S.T phải chuyển trường. Thật ra nguyên nhân sự việc lạ lùng này lại đến từ chính các bạn học cùng trường S.T. Các bạn trong trường đã coi như ý kiến S.T phát biểu ở diễn đàn thành phố là ý kiến cá nhân em S.T. Nên sau khi câu chuyện được báo chí đăng tải rộng khắp, thì chính các bạn “từ chối” S.T, khiến em không thể chịu được áp lực, dẫn đến việc phụ huynh phải xin chuyển trường cho em.

Một lỗi lầm, sai phạm của cô giáo được đem ra giải quyết quyết liệt, nhưng sao có vẻ như câu chuyện lỗi lầm, sai phạm này lại đang được kéo dài ra với những sai lầm, lỗi phạm khác thay vì được giải quyết tốt đẹp, nhân văn?! Đổ vỡ thày trò, đổ vỡ bạn bè, đổ vỡ niềm tin.

“Sự kiện” giáo dục không chỉ riêng lẻ có thế mà ngược lại, có vẻ khá thường xuyên.

Ngày 5/4/2018, Cô giáo ở Hải Phòng phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng

Dĩ nhiên xã hội lại dậy sóng, và rồi chúng ta lại được thấy: Bố ruột cô giáo ép học sinh uống nước giẻ lau bảng: ‘Có nhất thiết phải dồn con tôi đến đường cùng thế không’

Một em bé hoảng sợ vì hình phạt vô nhân của cô giáo, sau đó, cô giáo, một người mẹ có đứa con mới 9 tháng tuổi, bị xã hội ném đá tảng dồn đến chân tường. Mắt đền mắt, răng đền răng nên nó phải thế?

Như vậy, khi một vụ bạo lực, một sai lầm diễn ra, xã hội (báo chí, mạng xã hội,…) góp phần “giải quyết” bằng cách cũng chia thành những phe, nhân danh “bảo vệ nạn nhân”, tấn công bên còn lại, cuốn/ép những người trong cuộc, những người chịu trách nhiệm, những người đã sai lầm,… vào cơn lốc. Và thế là như một vòng xoáy ko có điểm dừng: giáo viên- học sinh- phụ huynh, hoặc bệnh nhân- nhân viên y tế- người nhà bệnh nhân, ngày càng hình dung “đối tác” như một kẻ thù.

Để rồi vấn đề xã hội ko hề được giải quyết thực sự, mà chỉ như một vòng xoáy: Khi có việc trái ý xảy ra, phụ huynh lập tức mặc nhiên cho rằng giáo viên luôn là người vô đạo đức, chỉ biết đè ép học trò, ác với học trò, người nhà bệnh nhân mặc nhiên cho rằng bác sĩ, nhân viên y tế luôn là người vô trách nhiệm, chỉ biết đòi hỏi phong bì,… vì thế cần phải bị nhục mạ, đánh đập, trừng trị đích đáng. Làm việc trong tình trạng căng thẳng ấy, giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế cũng khó lòng còn động lực để hết lòng, hết sức…

Những thành kiến, sự ghét bỏ, thậm chí hằn thù nhau ngày càng – thông qua dư luận xã hội- được lan truyền rộng khắp hơn và ngày càng mạnh mẽ hơn, giữa những con người lẽ ra phải là những cộng tác viên của nhau.

Trở lại câu chuyện của ngành giáo dục, vì nói cho cùng thì cách ứng xử của con người trong một xã hội cũng từ cái gốc giáo dục mà ra.

Khi trao đổi về những sự kiện đang nóng ở trên, tôi được nghe tâm sự của một cán bộ quản lý trong ngành giáo dục: Giáo dục khắp cả nước nát như tương, mọi cớ sự đúng là do nền giáo dục thiếu phần tâm linh! Chữ tâm linh vị này dùng hiểu theo nghĩa là tinh thần (nhân bản), tâm hồn (sâu sắc). Dù khi có người đề nghị một giải pháp để đào luyện tâm hồn cho học sinh, thì vị cán bộ này lại từ chối thẳng. Với lý do: Có dính dáng đến tôn giáo, không thể đem tôn giáo vào nhà trường.

Về phần quản lý của nhà nước, vị cán bộ kia không phải là người duy nhất trong ngành giáo dục công nhận rằng giáo dục Việt Nam suy vong chính vì thiếu phần tâm linh, nhưng cái rọ “phải vô thần” không cho phép họ làm gì để thoát ra, để sửa đổi.

Tuy nhiên, đồng thời lúc này tôi thấy quanh tôi: bạn bè, học trò cũ,.., những người khác nhau về niềm tin tôn giáo, như tôi Công giáo, các bạn tôi là Phật giáo, có người không có đạo gì… hầu như những ai quan tâm và mong muốn mạnh mẽ việc vực dậy nền giáo dục cũng đã đều thống nhất một điều: Phải thêm phần tâm linh cho giáo dục con người Việt Nam.

Thêm phần tâm linh cho con người Việt Nam qua hệ thống trường lớp chính thức là không thể được rồi. Vì ngọn cờ “vô thần” luôn được giữ chắc trong tay các vị quản lý ngành giáo dục.

Còn nơi nào có thể đảm nhiệm công việc ấy?

Trong tôn giáo đúng nghĩa, cụm từ “tâm linh” bao hàm nghĩa rộng hơn là tinh thần nhân bản, tâm hồn, do đó trong giáo lý của các tôn giáo luôn có một phần đào luyện lương tâm con người, tức đào tạo phần tinh thần nhân bản cho con người.

Vậy phải chăng TRUYỀN GIÁO chính là giải pháp để làm tăng số người “có phần tâm linh” ấy lên, và đó cũng là một giải pháp căn cơ cho vấn đề chúng ta đang đề cập?

Thuận Kiệt

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết