Mẹ Têrêsa – vị thánh nghèo của người nghèo và cho người nghèo

Mẹ Têrêsa là một người phụ nữ thấp bé gốc Albania, mặt đầy nếp nhăn. Mẹ mỏng manh như một cánh bướm nhưng dũng mãnh như một con sư tử.

mother-teresa-feeding1

Sức mạnh và uy lực của Mẹ đến từ đâu?

Sẽ là một sai lầm trầm trọng nếu chúng ta đọc lịch sử người phụ nữ ấy dưới ánh sáng của những con số thống kê, cho dù các con số ấy thật ấn tượng. Ví dụ: chỉ trong vòng 50 năm kể từ khi được Đức Thánh Cha Phaolo VI phê chuẩn (năm 1964), Tu hội Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa đã tăng trưởng lên đến con số hơn 5.300 thành viên với 758 nhà dòng rải rác trên khắp thế giới.

Với một sức mạnh lớn lao, Mẹ đã đem vào trung tâm cuộc sống mình, và do đó cũng là trung tâm chứng từ của mình, một tình yêu vô điều kiện đối với những người nghèo và những người ở tận đáy cùng của xã hội. Và đối với những con người nghèo nàn và khốn khổ đó ở Calcutta, trong phần lớn các trường hợp, Mẹ cũng chỉ thành công trong việc giúp họ được chết xứng với phận người và trong tình yêu. Nhưng bấy nhiêu, đối với những người ăn mày và những người ở tận đáy cùng xã hội phân biệt giai cấp tại Calcutta, đã là những trải nghiệm không bao giờ dám mơ đến.

Đức Thánh Cha tuyên phong hiển thánh một vị nữ tu thấp bé nhưng vĩ đại. Mẹ đã không sáng lập một tổ chức phi chính phủ để lo việc cứu trợ người nghèo. Tại nhà mẹ của Tu hội Thừa sai Bác ái, trên cửa ra vào luôn cắm một cây thánh giá với dòng chữ: “Tôi khát!”. Những lời của Chúa Giêsu trên đồi Canvê. Tình yêu đối với người nghèo, sự hỗ trợ dành cho những người không ai muốn nhìn thấy, chạm vào và chăm sóc, được tạo ra và có sức mạnh là nhờ lời cầu nguyện hàng ngày: một giờ chầu Thánh Thể và khoảng ba giờ cầu nguyện mỗi ngày. “Há không là quá lâu, thời gian dành riêng để cầu nguyện này?” – ngày kia một người khách đến thăm đã đặt câu hỏi như vậy. “Không – Mẹ Teresa trả lời – sẽ không thể làm những công việc chúng tôi đang làm nếu không nhờ tình yêu và ân sủng của Chúa Kitô. Sức mạnh của chúng tôi là những giờ chầu Thánh Thể”.

Một khía cạnh quan trọng trong chứng từ của Mẹ là khả năng làm người Ấn Độ giữa những người Ấn Độ. Mẹ không được hình dung như một nhà truyền giáo phương Tây với tham vọng cải đạo dân chúng. Mẹ chỉ muốn tỏa sáng khuôn mặt của lòng thương xót của Thiên Chúa giữa những người nghèo và những người bất hạnh. Mẹ dành cho Thiên Chúa mọi sáng kiến ​​trên trái tim của những người tiếp xúc với Mẹ. Ấn Độ, vốn luôn nhạy cảm với ý nghĩa tôn giáo, đã không nhìn Mẹ như một người có tài chữa bệnh, nhưng là dấu hiệu nhân loại về vị Thiên Chúa hiện diện trong những người nghèo và nơi những người nữ tu khiêm hạ.

Mẹ Teresa đã không thực hiện những kế hoạch lớn, những dự án mục vụ phức tạp, những chiến lược truyền thông rầm rộ, những cuộc tiếp thị tôn giáo ấn tượng. Mẹ chăm sóc người phong cùi đầu tiên Mẹ gặp trên đường. Rồi sau đó, người thứ hai, người thứ ba, và cứ như vậy. Mẹ nhận ra nơi khuôn mặt của những người đàn ông và những người phụ nữ đau khổ và bị bỏ rơi trên vỉa hè chính khuôn mặt của Chúa Giêsu. Đơn giản vì lúc ấy Đức Giêsu xin Mẹ làm như thế, như chúng ta có thể đọc trong chương 25 của Tin Mừng Mátthêu. Mẹ từ chối các cấu trúc lớn và an toàn cho chị em mình, trái lại, Mẹ yêu cầu họ một cuộc sống khắc khổ và hy sinh. Mẹ không giữ các tài khoản ngân hàng để đảm bảo tương lai của tu hội mình, nhưng tiêu sạch cho người nghèo tất cả những gì Mẹ nhận được, “bởi vì mối nguy hiểm lớn nhất của chúng tôi là trở nên giàu có”. Mẹ cho thấy rằng trong tình yêu, trong sự đồng hành, trong sự thân cận, không có sự sống nếu không những hy sinh được thực hiện đến hơi thở cuối cùng. Mẹ không đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo, mà là để cho người nghèo loan báo Tin Mừng cho mình.  “Người nghèo là kho tàng của nhân loại mà tất cả chúng ta đều cần đến, kho tàng của tình yêu, kho tàng của khả năng chịu đau khổ và sống niềm vui – Mẹ nói -. Họ cho chúng ta nhiều hơn chúng ta cho họ.”

Mẹ đã là và vẫn đang là một vị thánh lội ngược dòng, bởi vì suốt một quãng đời dài, Mẹ trải qua bóng tối và những nghi ngờ đức tin. Trong nhiều năm Mẹ không thể nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa. Kinh nghiệm bi thảm rất con người này làm cho Mẹ rất khác với hình ảnh các thánh được kể trong các cuốn sách hạnh các thánh xưa nay.

Mẹ đã là và vẫn đang là người lội ngược dòng để bảo vệ gia đình và sự sống. Trong bài phát biểu nhân dịp nhận giải Nobel hòa bình năm 1979, Mẹ nói : “Hiện nay, phá thai là kẻ tàn phá lớn nhất đối với hòa bình, bởi vì nếu một người mẹ có thể giết chết đứa con của mình, thì sẽ không có gì ngăn cản tôi giết bạn và bạn giết tôi”.

Mẹ đã là và vẫn đang là người lội ngược dòng so với những người, ngay cả trong Hội Thánh, đánh giá tầm quan trọng của phụ nữ bằng cách “giáo sỹ hóa” họ khi đòi phải cho họ làm linh mục hay phó tế. Mẹ Teresa đã không có bất cứ quyền lực thể chế nào trong Giáo Hội, nhưng các vị hồng y và giáo hoàng đã cúi đầu trước mặt Mẹ.

Mẹ đã là và vẫn đang là người lội ngược dòng trước một số phong trào Công giáo đương đại yêu thích được kính trọng và tìm cách né tránh các “thách đố” đạo lý đích thực, luôn cảm thấy khó chịu trước sự nhấn mạnh về tình yêu vô điều kiện và cụ thể đối với người nghèo.

Nếu Mẹ Teresa sống tại Việt Nam hôm nay, chắc Mẹ sẽ từ khước những thứ lễ hội long trọng và những cuộc rước xách linh đình, để tâm trí, sức lực và của cải chữa lành những vết thương của người nghèo, của dân oan, của những người bị gạt bỏ và loại trừ…

Thanh Tâm, viết theo Andrea Tornielli

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết