Mật nghị Hồng Y: Đức tân Giáo hoàng được bầu chọn như thế nào?

Từ lá phiếu của các Hồng y Cử tri đến việc đốt các lá phiếu trong chiếc lò gang có từ năm 1939, bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu rõ những gì diễn ra bên trong Nhà nguyện Sistine trong một kỳ Mật nghị Hồng y.

 “Eligo in Summum Pontificem” – “Tôi bầu chọn ngài làm Giáo hoàng”.

Đó là dòng chữ được in trên mỗi lá phiếu mà 133 Hồng y Cử tri sẽ sử dụng để chọn vị Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo Rôma. Lá phiếu có hình chữ nhật, phần trên in bằng tiếng Latinh dòng chữ “Eligo in Summum Pontificem”, phần dưới để trống để các Hồng y điền tên ứng viên mà mình chọn. Mỗi lá phiếu được quy định phải gấp đôi lại – một chi tiết được quy định rõ trong Tông Hiến Universi Dominici Gregis.

Phát phiếu bầu

Mỗi Hồng y Cử tri được phát từ hai đến ba lá phiếu, do các viên chức nghi lễ phụ trách phân phát. Sau đó, vị Hồng y trưởng đẳng Phó tếsẽ rút thăm để chọn ba vị kiểm phiếu (scrutineers), ba vị phụ trách mang phiếu đến cho các Hồng y đang lâm bệnh (infirmarii), và ba vị rà soát lại kết quả (revisers). Nếu ai trong số được chọn không thể thi hành nhiệm vụ vì lý do sức khỏe hay lý do chính đáng, việc rút thăm sẽ được thực hiện lại để thay thế. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn “tiền kiểm phiếu” (pre-scrutiny).

Trước khi bắt đầu bỏ phiếu, tất cả những người không có quyền bỏ phiếu – bao gồm thư ký Hồng y Đoàn, Chưởng nghi Phụng vụ Giáo hoàng và các viên chức nghi lễ – đều phải rời khỏi Nhà nguyện Sistine. Vị Hồng y trưởng đẳng Phó tế sẽ đóng cửa, và chỉ mở khi cần thiết, chẳng hạn như khi các infirmarii ra ngoài thu phiếu của các Hồng y đang đau bệnh và quay trở lại.

C9C3FBC0-5175-4AC9-8958-5AD213BF11AF

“Phòng Nước Mắt”

Khi một vị Giáo hoàng được bầu chọn, ngài sẽ được hướng dẫn đến “Phòng Nước Mắt” (Room of Tears), một căn phòng nhỏ bên cạnh Nhà nguyện Sistine, nơi Đức tân Giáo hoàng mặc phẩm phục trắng lần đầu tiên.

Tiến trình bỏ phiếu

Lần lượt theo thứ tự phẩm trật, từng vị Hồng y sẽ viết tên ứng viên mình chọn vào lá phiếu, gấp lại, giơ cao để mọi người thấy, rồi tiến đến bàn thờ. Tại đây có đặt một chiếc chén thánh được đậy bằng một chiếc đĩa.

Mỗi vị Hồng y đọc to bằng tiếng Ý:

“Chiamo a testimone Cristo Signore, il quale mi giudicherà, che il mio voto è dato a colui che, secondo Dio, ritengo debba essere eletto” (“Tôi kêu cầu Đức Kitô, Chúa của tôi, Đấng sẽ xét xử tôi, làm chứng rằng phiếu bầu của tôi được dành cho người mà tôi tin, theo thánh ý Thiên Chúa, phải được chọn”)

Sau đó, vị Hồng y đặt lá phiếu lên đĩa, rồi nghiêng đĩa để lá phiếu rơi vào chén thánh, cúi đầu trước bàn thờ và trở về chỗ ngồi.

Các Hồng y hiện diện nhưng không thể tự mình tiến lên bàn thờ do sức khỏe đau yếu sẽ đưa lá phiếu đã gấp cho một trong ba vị kiểm phiếu. Vị này sẽ mang phiếu tiến đến bàn thờ và bỏ vào chén thánh như trên, nhưng không lặp lại lời tuyên thệ.

D6F45EAF-DDD4-491A-8A80-95F364992EC3

Trường hợp Hồng y bỏ phiếu từ phòng riêng

Nếu có Hồng y nào không thể hiện diện tại Nhà nguyện Sistine do đau bệnh nặng, ba vị infirmarii sẽ đến phòng của các ngài với một khay đựng phiếu và một chiếc hộp kín đã được kiểm tra là rỗng và được khóa lại bằng chìa khóa đặt trên bàn thờ. Trên nắp hộp có khe để thả lá phiếu vào. Sau khi các vị bệnh nhân bỏ phiếu, hộp sẽ được đưa trở lại Nhà nguyện Sistine, được mở ra trước sự chứng kiến của các Hồng y hiện diện, và số phiếu trong hộp sẽ được cộng vào các phiếu trong chén thánh.

Kiểm phiếu

Khi tất cả các phiếu đã được bỏ, vị kiểm phiếu thứ nhất sẽ lắc chén thánh để trộn phiếu. Vị thứ ba sẽ đếm từng lá phiếu, chuyển qua một hộp khác. Nếu số phiếu không trùng với số Hồng y Cử tri, tất cả sẽ bị hủy và một cuộc bỏ phiếu mới được tiến hành ngay. Nếu số lượng trùng khớp, các lá phiếu sẽ được mở và đọc.

Ba vị kiểm phiếu ngồi tại chiếc bàn trước bàn thờ. Vị đầu tiên đọc tên ứng viên được ghi, chuyển cho vị thứ hai xác nhận, rồi vị thứ ba đọc to lên để mọi người nghe và ghi vào sổ. Nếu có hai phiếu giống nhau cả về nét chữ và tên ứng viên, chỉ được tính một phiếu. Nếu ghi tên khác nhau, cả hai phiếu đều vô hiệu, nhưng tổng kết quả vẫn được công nhận.

Sau khi kiểm phiếu xong, vị kiểm phiếu cuối cùng sẽ xâu tất cả các lá phiếu bằng kim và chỉ qua chữ Eligo, rồi buộc chặt hai đầu chỉ, và cất giữ các phiếu cẩn thận theo quy định.

2496B3C5-E7E8-4D72-A541-DAFF12C37661

Số phiếu cần thiết để đắc cử

Một ứng viên phải đạt tối thiểu hai phần ba tổng số phiếu để đắc cử Giáo hoàng. Trong kỳ Mật nghị vào thứ Tư ngày 7 tháng 5, cần ít nhất 89 phiếu trên tổng số 133 Hồng y Cử tri.

Dù có hay chưa chọn được Giáo hoàng, ba vị rà soát viên vẫn kiểm tra kỹ lưỡng toàn bộ tiến trình và biên bản ghi chép của các vị kiểm phiếu. Sau đó, trước khi rời khỏi Nhà nguyện Sistine, tất cả các lá phiếu sẽ được đốt trong một chiếc lò gang đã được sử dụng từ Mật nghị năm 1939. Việc đốt phiếu do các vị kiểm phiếu thực hiện, có sự hỗ trợ của thư ký Hồng y Đoàn và các viên chức nghi lễ, do Hồng y trưởng đẳng Phó tế triệu tập.

B5FE05D1-5E9B-44E4-AD68-B6069037C199

Khói trắng – khói đen

Một chiếc lò thứ hai, được lắp đặt vào năm 2005, được nối với ống khói nhìn thấy từ Quảng trường Thánh Phêrô. Tại đây, hóa chất được thêm vào để tạo ra màu khói: đen nếu chưa chọn được Giáo hoàng, trắng nếu đã bầu chọn Giáo hoàng thành công. Nếu trong ngày có hai vòng bỏ phiếu liên tiếp, phiếu của cả hai vòng sẽ được đốt chung vào cuối vòng thứ hai.

Các vòng bỏ phiếu và thời gian cầu nguyện

Mỗi ngày diễn ra bốn vòng bỏ phiếu – hai vòng bỏ đi phiếu vào buổi sáng, hai vòng vào buổi chiều. Nếu sau ba ngày vẫn chưa có kết quả, Mật nghị sẽ tạm dừng một ngày để cầu nguyện, trao đổi không chính thức và nghe một bài huấn dụ ngắn do Hồng y trưởng đẳng Phó tế trình bày.

Việc bỏ phiếu sau đó được tiếp tục. Cứ sau bảy vòng bỏ phiếu không thành công, lại có một ngày tạm dừng và một bài huấn dụ – lần lượt do Hồng y trưởng đẳng Linh mục, và nếu cần, Hồng y trưởng đẳng Giám mục trình bày.

Nếu sau 21 vòng bỏ phiếu vẫn chưa có kết quả, sẽ có một ngày cầu nguyện và suy tư cuối cùng. Sau đó, việc bỏ phiếu vẫn tiếp tục, nhưng chỉ được chọn giữa hai ứng viên nhận được nhiều phiếu nhất trong vòng trước đó. Tuy nhiên, vẫn cần đạt hai phần ba phiếu, và hai ứng viên này không được quyền bỏ phiếu.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết