1. Marianella xuất phát từ tiếng Latin Marillenellum có nghĩa là vùng đất mới, được kính dâng cho Mẹ Maria, cách trung tâm Napoli khoảng 10 km về hướng đông bắc, xưa là làng quê, nay là một quận của Napoli. Marianellla được biết đến nhiều vì là nơi sinh của thánh Anphongsô, một trong những luật sư và tác giả thần học nổi tiếng của vương quốc Napoli thế kỷ XVIII và là Đấng Sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế.
2. Đầu con đường chính trong quận, có bức tượng thánh Anphongsô trong phẩm phục giám mục, làm bằng đồng đen, bên dưới ghi: Thánh Anphongsô Maria De Liguori, Tiến sĩ Hội Thánh, Giám mục giáo phận Agatha dei Goti, Đấng Sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, sinh tại Marianellla ngày 27 tháng 9 năm 1696. Cư dân Marianella dựng tượng vào Năm Thánh 1925.
3. Gia đình thánh Anphongsô thuộc dòng dõi quý tộc lâu đời của Napoli. Thân phụ ngài làm Đô đốc Hải quân Hoàng gia. Đây là ngôi biệt thự của gia đình ngài ở Marianella. Hiện nay một nửa là nơi ở của giáo dân, một nửa còn lại là tu viện Dòng Chúa Cứu Thế. Trên trần của tòa nhà, phần dùng làm cổng vào còn thấy hình vẽ huy hiệu của dòng họ Liguori.
4. Trong khu vườn của gia đình thánh Anphongsô ngày xưa, ngày nay đã mọc lên nhiều chung cư. Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế ở đây còn giữ được một phần vườn cùng mấy đoạn lối đi nguyên thủy trong vườn. Khu vực giáo dân ở cũng còn một khoảng sân, trên đó có một nhà nguyện lộ thiên nho nhỏ kính thánh Anphongsô.
5. Cùng với một số phòng bên cạnh, căn phòng nơi thánh Anphongsô sinh ra ngày nay trở thành một bảo tàng thánh Anphongsô, triển lãm các ảnh tượng và vật dụng liên quan đến ngài và gia đình ngài, đặc biệt là các tác phẩm thần học và tu đức ngài viết. Trong hành lang còn có các tượng, ảnh về thánh Anphongsô trên thế giới và các hang đá giáng sinh theo truyền thống Napoli.
6. Những đoàn hành hương từ 25 người trở lên, khi thăm viếng tu viện và bảo tàng thánh Anphongsô tại Marianella, nếu có yêu cầu sớm sẽ có đội văn nghệ trình diễn tại chỗ những hoạt cảnh chính liên quan đến cuộc đời thánh Anphongsô và đến lịch sử của làng Marianella.
7. Tranh bên trái mô tả sự kiện thánh Francesco di Gironimo, S.J, chúc lành cho Anphongsô khi mới sinh và nói tiên tri về ngài: “Trẻ này rồi sẽ sống rất thọ, rất thọ; sẽ không chết trước 90 tuổi; sẽ làm giám mục, làm thánh và làm rất nhiều việc lớn lao cho Chúa Kitô”. Bức tranh này nay đặt trong nhà nguyện riêng của gia đình Anphongsô, nơi thân mẫu ngài hướng dẫn ngài và các em ngài cầu nguyện mỗi tối. Ảnh bên phải là nhà nguyện ở tầng trệt của biệt thự mới được làm hồi cuối thế kỷ XIX.
8. Tu viện DCCT Marianella hiện nay có 3 cha và một thầy. Các cha trong tu viện giúp dâng lễ, giải tội, giảng tĩnh tâm cho các giáo xứ và dòng tu trong vùng khi có yêu cầu. Công việc tông đồ thường xuyên của các ngài là phục vụ khách hành hương và những người vô gia cư, người nghèo và những người nghiện ngập, tập trung rất nhiều trong khu vực này.
9. Bên cạnh tu viện, trên phần đất của gia đình Anphongsô, từ thế kỷ XIX, mọc lên ngôi nhà thờ giáo xứ. Nhà thờ và nhà xứ đều khá tồi tàn. Sân lỗ chỗ ổ gà ổ vịt và có cỏ mọc lác đác. Trần nhà thờ phải giăng lưới bên dưới để đề phòng hồ vôi từ trên rơi xuống đầu giáo dân khi dự lễ. Cùng với thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Anphongsô là quan thầy của giáo xứ. Bàn thờ kính ngài có đặt xương thánh của ngài và được chăm sóc rất cẩn thận.
10. Giáo dân Marianella nghèo nhưng tình cảm, cởi mở và thân thiện. Ảnh bên trái là cảnh cha xứ đang ngồi tán dóc đúng nghĩa với một nhóm giáo dân tại sân nhà thờ. Bên phải là cảnh giáo dân đến ngồi chầu tại tiệm cafeteria gần tu viện. Ai có nhu cầu đi đâu đó có thể quá giang xe hơi xe máy của người quen biết chạy qua giống như ở Việt Nam hồi nào mà không cần báo trước mà cũng chả cần trả lệ phí.
Napoli-Roma tháng 7 năm 2016
Lm: Phêrô Nguyễn Văn Khải C.Ss.R.