Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Nâng cao nhận thức chống Nạn buôn người lần thứ 11 sẽ được tổ chức vào thứ Bảy, ngày 8 tháng 2 năm 2025. Đi đầu trong cuộc chiến chống lại tệ nạn thời hiện đại này là Talitha Kum, một mạng lưới các Nữ tu Công giáo tận tụy đấu tranh chống lại vấn nạn buôn người thông qua hoạt động phòng ngừa, vận động và hỗ trợ các nạn nhân sống sót.
![Các thành viên của mạng lưới Talitha Kum tại Rôma, cử hành Năm Thánh, trước thêm Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Nâng cao nhận thức chống Nạn buôn người lần thứ 11 (Ảnh: Vatican News)](https://dcctvn.org/media/uploads/2025/02/cq5dam.thumbnail.cropped.750.422-6.jpeg)
Các thành viên của mạng lưới Talitha Kum tại Rôma, cử hành Năm Thánh, trước thêm Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Nâng cao nhận thức chống Nạn buôn người lần thứ 11 (Ảnh: Vatican News)
Dưới sự lãnh đạo của Sơ Abby Avelino, mạng lưới Talitha Kum quy tụ hơn 6.000 thành viên trên toàn thế giới. Công việc của họ trải dài khắp các châu lục, nâng cao nhận thức, giải cứu nạn nhân và hợp tác với các nhà hoạch định chính sách để phá vỡ các mạng lưới buôn người và đảm bảo công lý cho những người sống sót. Phát biểu tại Rôma trước thềm Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Nâng cao nhận thức chống Nạn buôn người năm nay, Sơ Abby nhấn mạnh tầm quan trọng của sự liên đới toàn cầu trong việc giải quyết tội ác ẩn giấu này:
“Chủ đề của chiến dịch năm nay là ‘Những Đại sứ của Hy vọng, Cùng nhau Chống lại Nạn buôn người’. Chủ đề này phù hợp với lời kêu gọi của Năm Thánh là những Người hành hương của Hy vọng, nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều được kêu gọi mang lại hy vọng cho các nạn nhân và những người sống sót, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và những người trẻ dễ bị tổn thương”, Sơ Abby nói.
Sơ Abby nhấn mạnh sự tinh vi ngày càng tăng của những kẻ buôn người, khiến tội phạm khó bị phát hiện hơn. “Buôn người là một tội ác ẩn giấu và những kẻ buôn người ngày càng khó bị theo dõi hơn. Đây là lý do tại sao các chiến dịch nâng cao nhận thức, giáo dục và hợp tác với các chính phủ và tổ chức là vô cùng quan trọng”, Sơ Abby nhấn mạnh.
Những người sống sót dẫn đầu cuộc chiến
Pauline Akinyu Juma, Đại sứ giới trẻ của mạng lưới Talitha Kum và là người sáng lập tổ chức ‘Rebirth of a Queen’ của Kenya, nhận thức rõ nỗi kinh hoàng của vấn nạn buôn người. Tổ chức của chị Pauline trao quyền cho những nạn nhân của bạo lực tình dục và vấn nạn buôn người, cung cấp cho họ cơ hội kinh tế và nền tảng để chia sẻ câu chuyện của họ.
“Ở Kenya, nhiều người vẫn chưa nhận ra vấn nạn buôn người là một thực tế. Những người sống sót đấu tranh cho công lý, và chúng tôi thường phải đối mặt với những mối đe dọa cho công việc của mình”, chị Pauline giải thích. Nơi trú ẩn của Pauline hiện đang là nơi trú ngụ của 38 người sống sót, với nguồn lực hạn chế để hỗ trợ thêm. “Nếu không có nơi trú ẩn do chính phủ tài trợ, các nạn nhân thường không có nơi nào để thoát thân”, Pauline nói, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các cơ chế bảo vệ tốt hơn.
Bất chấp những thách thức, Pauline vẫn tiếp tục giữ vững hy vọng. “Khi tôi thành lập ‘Rebirth of a Queen’ cách đây 5 năm, mục đích là nhằm tạo ra một hệ thống hỗ trợ cho những người sống sót. Được sát cánh cùng với Talitha Kum, cùng nhau làm việc trong một chiến lược toàn cầu, mang lại cho chúng tôi sức mạnh và hy vọng”, Pauline nói.
Góc nhìn pháp lý: Cuộc chiến của Romania
Mario, một nhà hoạt động pháp lý đến từ Romania, đang nỗ lực đảm bảo công lý cho những người sống sót sau nạn buôn người. Anh điều phối các thủ tục pháp lý cho nạn nhân, hợp tác với các nhà tâm lý học, luật sư và cơ quan thực thi pháp luật.
“Nhiều người nghĩ rằng buôn người chỉ là bóc lột tình dục, nhưng nó cũng bao gồm lao động cưỡng bức, khiêu dâm trẻ em và ăn xin cưỡng ép”, anh Mario lưu ý. “Vai trò của chúng tôi là giúp nạn nhân điều hướng hệ thống pháp luật trong khi vận động các tổ chức trở nên đồng cảm và hỗ trợ hơn”.
Một rào cản lớn, anh Mario giải thích, là lòng tin vào chính quyền. “Các nạn nhân tin tưởng chúng tôi, nhưng họ còn nghi ngại không dám tin tưởng vào hệ thống pháp luật. Chúng ta cần làm cho các quy trình pháp lý tập trung hơn vào nạn nhân, đảm bảo phẩm giá và sự hiểu biết”, anh Mario nói.
Nâng cao nhận thức ở Nhật Bản
Nana, một Đại sứ giới trẻ người Mexico trước đây sống ở Nhật Bản, làm việc với Talitha Kum về các nỗ lực phòng ngừa, tập trung vào lĩnh vực giáo dục và vận động.
“Ở Nhật Bản, nạn nhân thường là những người di cư tìm kiếm cơ hội tốt hơn, không nhận thức được rủi ro. Rào cản ngôn ngữ và sự cô lập khiến họ càng khó tìm kiếm sự giúp đỡ hơn”, chị Nana giải thích.
Nhóm của chị Nana đã đến thăm các trường học và nhóm thanh thiếu niên để giáo dục những người trẻ tuổi về rủi ro của nạn buôn người. “Thay vì chỉ ứng phó với các vụ buôn người, chúng tôi làm việc về phòng ngừa, để ít người rơi vào những cái bẫy này ngay từ đầu”, chị Nana nói.
Lời kêu gọi hành động
Khi Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Nâng cao nhận thức chống Nạn buôn người đang đến gần, Talitha Kum kêu gọi các cá nhân và tổ chức hãy hành động cụ thể chứ không chỉ nói suông.
Thông điệp của chị Pauline rất rõ ràng: “Chúng ta, những người trẻ tuổi, có thời gian và năng lượng để tạo nên sự khác biệt. Chúng ta phải vượt ra ngoài sự nhận thức và xây dựng một mạng lưới hành động, hỗ trợ và vận động”.
Sơ Abby cũng đồng tình với quan điểm này, kêu gọi sự đoàn kết trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người. “Bất kể đức tin hay xuất thân của chúng ta, chúng ta được kêu gọi bảo vệ phẩm giá con người và trở thành những Đại sứ của hy vọng”.
Thiên Ân (theo Vatican News)