Trong ý thức về mình là Con Thiên Chúa và sứ mạng Thiên sai, và chính bởi ý thức đó, Đức Giêsu đã chịu thanh tẩy bởi Gioan Tẩy giả.
Về bản thân ông Gioan, đúng theo lời ngôn sứ Isaia nói về vai trò sứ giả cho Đấng Cứu Thế, làm người dọn đường, sửa lối cho Đức Chúa, ông Gioan Tẩy giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan (x.Mc 1, 1-5).
Trong khung cảnh ông Gioan Tẩy giả kêu gọi và làm phép rửa cho đoàn dân muốn sám hối để lãnh ơn tha tội, “Đức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan” (c.9). Tuy nhiên, Đức Giêsu chịu thanh tẩy không phải vì mình là người tội lỗi như đoàn dân tội lỗi kéo đến với ông Gioan. Nhưng trong ý thức về mình là Con Thiên Chúa và sứ mạng Thiên sai, và chính bởi ý thức đó mà Đức Giêsu đã chịu thanh tẩy.
Mc đã trình bày biến cố Đức Giêsu, trong khi đứng trong hàng ngũ những tội nhân, cúi mình bước xuống chịu thanh tẩy, tiên trưng như là biến cố cánh chung. Trong biến cố thanh tẩy này, trời mở ra, Lời Thiên Chúa, hay chính Thiên Chúa sẽ lại ban xuống cho nhân loại. Lời mà Thiên Chúa nói cho mọi người chính là Con của Ngài. “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (c.11).
Tin mừng Mc còn trình bày Đấng đang đứng giữa dân mình và chịu thanh tẩy sẽ đến thanh tẩy họ bằng Thánh Thần, như chính Ngài chịu thanh tẩy nước. Sứ mạng của Ngài là thanh tẩy dân mình bằng Thánh Thần, mà Thánh Thần chỉ được ban sau biến cố thương khó và phục sinh. Như thế, biến cố Đức Giêsu chịu thanh tẩy bởi nước cũng tiên báo việc Ngài sẽ chịu thanh tẩy bằng lửa, bằng máu, bằng thập giá sau này. Do đó, Mc cho thấy “vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình” (c.10). Trời xé ra và Thần Khí ngự xuống chính là biến cố cánh chung đã được báo trước nơi thanh tẩy Đức Giêsu chịu và báo hiệu chính Ngài là Đấng sẽ thực hiện biến cố cánh chung ấy cho con người. Thời cánh chung như vậy cũng là thời Thiên Chúa can thiệp, một cách dứt khoát và chung cục, để cứu thoát nhân loại nơi Con Một của Ngài. Biến cố này xác thực Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài sẽ hoàn tất sự can thiệp của Thiên Chúa đến để thanh tẩy, phán xét, và cứu độ đoàn dân đang tỏ mình sám hối và chịu thanh tẩy. Biến cố cánh chung này Đức Giêsu sẽ thực hiện cho toàn dân nơi chính bản thân mình ngang qua biến cố Vượt qua, thương khó và phục sinh.
Như vậy Đức Giêsu đến chịu thanh tẩy với ý định và trong ý thức hiến mình cho sứ vụ Thiên sai cứu thế. Ngài cũng hiến mình để đồng nhất với đoàn dân tội lỗi để làm trọn mọi nghĩa công chính của Thiên Chúa. Có thể nói rằng mọi sự đều hướng về sứ vụ, và vì sứ vụ. Con Thiên Chúa hạ mình, cúi xuống, để nâng con người lên. Đó chính là phán xét để tha thứ, cứu thoát để cho được sống, phục hồi để trở về phẩm giá con cái Thiên Chúa cho những ai thành tâm sám hối và tin vào Ngài.
An Tự Tâm