Họ cần lòng thương xót (Suy niệm Lời Chúa 3/12/2016: Mt 9, 35-10,1.5a.6-8)

Tình cảnh quẫn bách của đoàn dân thời nào cũng có, thời Đức Giêsu cũng như thời đại hiện nay. Họ cần lòng thương xót.20161203-suy-niem

“Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”. Thấy đám đông thì chạnh lòng thương, Đức Giêsu thấy trong tâm thần xao xuyến, bồi hồi, ray rứt, bồn chồn, đau đớn thay cho dân của mình. Bởi vì tình cảnh quẫn bách của đoàn dân “bơ phờ”, “yếu liệt”, “nằm sòng sãi”, như một đàn chiên không có chủ chăn, không người chăn dắt.

Ngài là dung mạo của lòng thương xót Thiên Chúa. Cho nên, vào thời ấy, “Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (c.35).

Ngày nay, khi đọc bất cứ tờ báo nào, nghe bất cứ đài phát thanh nào, ta đều chứng kiến bao cảnh biểu lộ sự bối rối hay thất vọng trước nỗi khó khăn, phi lý của cuộc đời chung quanh ta và trên thế giới. Nhìn đám đông trong thành phố, dưới vỉa hè hay trên xe cộ, hình như ta cũng có cùng cảm thức như Chúa Giêsu khi đứng trước đám người Do thái ở Galilê. Đôi lúc chính các Kitô hữu ngày nay không còn biết tin tưởng vào ai, theo vị thầy nào.

Thế giới đang bị tổn thương vì hận thù, chia rẽ, bạo lực, chiến tranh, niềm tin vào Thiên Chúa và vào con người đang chịu thử thách. Những vết thương chưa kịp chữa lành lại có những vết thương khác xảy đến. Nỗi đau như đè bẹp con người thời nay trong tuyệt vọng. Họ không dám tin vào ai nữa. Sự vùng vẫy tự mỗi người của họ càng làm cho vết thương thành ung nhọt lan toả khắp cơ thể nhân loại.

Trong Tin mừng, ta thấy như thể chính Đức Giêsu xin các môn đệ, xin Giáo hội, xin mỗi người Kitô hữu hãy tiếp tục sứ mạng cứu thế của Ngài. Bởi vì Ngài nhận thức rõ giới hạn trong sứ vụ của Ngài ở trần thế. “Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần” (c.6-7). Khi hạn định sứ mạng của mình trước tiên cho người Do thái, Chúa Giêsu đã tuân theo một trật tự, một tiến trình cứu rỗi đã được tiên liệu chiếu theo quyết định của Thiên Chúa: bắt đầu từ dân Do thái đi đến dân ngoại. Ngài đã hiểu sứ mệnh mình như thế và đã nghiêm túc tuân theo. Sự vâng phục này nằm trong sự từ bỏ sâu xa và hoàn toàn của Con Thiên Chúa, mà nhờ đó mà nhân loại được ơn cứu chuộc.

Đức Giêsu đã đau khổ vì sự hạn chế này, Ngài cần môn đệ, cần Giáo hội, cần mỗi người chúng ta. Ngài xin các môn đệ của mình hãy tiếp tục sứ vụ cứu thế cho đến tận cùng thế giới. Cho nên, với quyền năng được giao phó từ Chúa Cha, “Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1). Ngài không tiếc chia sẻ quyền năng mình cho các môn đệ, bởi vì Ngài quá yêu đoàn chiên đang gặp tình cảnh quẫn bách. Đức Giêsu cũng muốn đó là tâm tình của Giáo hội. Một Giáo hội biết chạnh thương nhân loại. Một Giáo hội vẫn ý thức sứ mạng đang được Đức Giêsu sai vào một thế giới cần được chữa lành như thế.

An Tự Tâm

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết