Một sự cộng tác vô tình có thể tạo cơ hội cho những kẻ tham nhũng khoác áo “người tử tế”, thành “ân nhân” của tầng lớp người nghèo – mà vốn họ là nạn nhân của chính nạn tham nhũng.
Ngôi trường cho trẻ nghèo ở Lũng Luông, xã Thượng Nung, Thái Nguyên đang được dư luận quan tâm và tranh cãi nhiều chiều. Có thể tóm tắt sự việc như sau:
Trẻ em và giáo viên vùng cao Lũng Luông rất cần một ngôi trường tử tế để sinh hoạt, học hành. Nhà báo Trần Đăng Tuấn (TĐT) và GS Ngô Bảo Châu ( NBC) muốn giúp để nơi đây có được ngôi trường. Có 2 phương án: a/ kêu gọi cộng đồng chung tay xây dựng (theo nhiều ý kiến, hai vị tên tuổi này có dư khả năng để kêu gọi được số tiền 6 tỷ đồng xây dựng trường) b/ nhận trọn gói 6 tỷ đồng từ quỹ Phượng Hoàng của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu TT Nguyễn Tấn Dũng. Và hai vị ấy đã chọn phương án b.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng hai vị TĐT và NBC đã chọn nguồn “tiền bẩn”, tạo cơ hội cho những kẻ tham nhũng biến thành kẻ “ban ơn” cho dân nghèo – mà vốn họ là nạn nhân của nạn tham nhũng.
Luồng ý kiến ngược lại thì lại lập luận: bất kể “mèo trắng”, ” mèo đen”, miễn nó bắt chuột. Cho dù đó có là nguồn tiền bất chính, nhưng nó mang lại một kết quả tốt đẹp, cần thiết cho người nghèo, thì có thể chấp nhận.
Lại có ý kiến trung dung hơn: chưa có cơ sở để chứng minh nguồn quỹ Phượng Hoàng là bất chính, và việc làm từ thiện là tốt lành, đáng hoan nghênh hơn là bươi móc…
Bài viết này không nhằm phê phán một cá nhân cụ thể nào, nhưng nhằm góp một hướng nhìn, gợi mở một hướng suy tư trước một sự kiện xã hội khá điển hình thời nay.
Mục đích không thể biện minh cho phương tiện
Không thể dùng phương tiện xấu nhằm đạt mục đích tốt. Phương tiện xấu ở đây – giả sử đó là tiền bẩn, tạo ra từ bất công xã hội. Câu hỏi đặt ra: Chúng ta có thể làm từ thiện, thương người nghèo…, trên nền tảng tham nhũng, bất chính không? Tức là có thể thương người này từ nguồn bất công khủng khiếp với nhiều người khác, mà suy cho cùng cũng ĐÃ bất công với những người mà họ đang bố thí tình thương?
Thiết nghĩ, cần phải đặt nền móng công lý, công bằng trước khi có thể vươn lên bác ái, yêu thương. Công lý phải đi bước trước. Công lý trở nên quan trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi giá trị riêng của con người, phẩm giá và quyền lợi của con người – dù đã được khẳng định nhiều – vẫn đang bị đe dọa trầm trọng bởi khuynh hướng phổ biến muốn áp dụng tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá, tiêu chuẩn ấy là “có lợi” (và có “quyền làm chủ”) hay không. Hơn nữa, chính từ nguồn cội yêu thương sâu xa mà công lý khai sinh và phát triển. Nên không thể chỉ có yêu thương mà bỏ qua công lý.
Lương tri, lẽ phải vượt trên những chứng cứ pháp lý.
Ở một nơi mà quyền lực có thể bẻ cong công lý, đồng tiền có thể che đậy những khuất tất, thì thật khó để trông đợi vào những chứng cứ pháp lý minh bạch, thẳng ngay. Bởi lẽ đó người ta có cơ sở để nghi ngờ sự liêm chính của những người có thế, có lực, có trong tay những bí mật quốc gia, có điều kiện để thực hiện nhiều loại tham nhũng mà đặc biệt là ‘tham nhũng cơ chế’. Nghĩa là họ là những người đầu tiên nắm bắt những chính sách, quy hoạch của nhà nước, và đầu cơ trục lợi trên những chính sách, quy hoạch ấy. Đó là sự bất công xã hội. Nhất là đã có những dấu hiệu cho thấy họ vẫn đang lợi dụng cơ chế để thu lợi bất chính.
Ngoài ra, người thành tâm thiện chí thì làm việc thiện không cần phô trương, “tay phải làm, tay trái không biết”. Không cần lập fanpage, cũng không cần lên danh sách “sản phẩm” đã làm khi chỉ dùng tiền gia đình, không có nhu cầu kêu gọi góp sức của cộng đồng, như trong mục Giới thiệu của fanpage ghi rõ.
Có ẩn ý gì đó đằng sau quỹ Phượng Hoàng của bà Thanh Phượng chăng?
*
Tiền bẩn, tiền sạch, “mèo trắng”, “mèo đen”, xin nhường lại cho quyền nhận định của mỗi cá nhân trước sự soi sáng của lương tri. Để từ đó mỗi người đưa ra một phản ứng có trách nhiệm trước những sự kiện của xã hội. Phản ứng đó có thể giúp xã hội thăng tiến, nhưng nếu không khéo cũng có thể biến những người dân thật thà thành “tấm lót đường” cho các quan tham.
Thuận Kiệt