Annelies Klinefelter, một thành viên của Nhóm Kitô hữu Xây dựng Hòa bình (CPT) làm việc với những người tị nạn tại vùng Địa Trung Hải suy nghĩ những người di dân, tị nạn và cách người châu Âu đang đối xử với họ
Năm 56, tác giả Tin Mừng Luca, tông đồ Phaolô và những người đồng hành dừng chân ở Lesvos một thời gian ngắn trước khi trở lại cuộc hành trình truyền giáo lần thứ ba của Phaolô (Cv 20,14), đi thuyền từ Assô (cách đó khoảng 50km). Từ Mytilen, họ đi tiếp tới Khiô (Cv 20,15)
Nếu như vào năm 2016, Luca và Phaolô chắc hẳn đã bị các tàu cảnh sát biển bắt giữ và không cho vào bờ. Hồi đó, Phaolô là người Thổ còn Luca là người Palestine. Những người mang quốc tịch như thế giờ đang bị các chính phủ châu Âu coi là kẻ khủng bố.
Trong số hàng nghìn người tị nạn ở hòn đảo này, có thể có rất nhiều những Phaolô và Luca. Họ có thể sẽ phải trải qua nhiều tháng thậm chí nhiều năm chờ đợi để đăng ký và được cho phép vào đất liền. Các nhà chức trách chắc hẳn sẽ coi những thông điệp họ mang tới là phản loạn, là những điều không được hoan nghênh. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và thậm chí cả dân chúng chắc chẳn sẽ không vui vẻ chào đón họ hay những điều họ bình luận. Đối với họ, lời dạy “hãy yêu kẻ thù như yêu chính mình” và “muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy” là những điều không mang lại lợi nhuận kinh tế và không thể thực hiện được. Trong thế giới ngày hôm nay, Luca và Phao chắc hẳn sẽ bị hồi hương như những kẻ nhập cư bất hợp pháp hay bị kết án như những kẻ buôn người.
Nhiều cộng đồng tự nhận là Kitô giáo tại châu Âu ngày nay đang ủng hộ việc đóng cửa biên giới để xua đuổi những người tị nạn ra khỏi đất nước của mình. Họ để cho Hy Lạp, Pháp và Ý gánh vác gánh nặng đó. Họ rửa tay mình trong máu người vô tội.
Đó có phải là một châu Âu mà tôi mong muốn và yêu mến?
Chắc chắn không! Tôi yêu châu Âu với tất cả sự đa dạng của nó. Còn đối với lối hành xử chính trị kia, tôi thấy vô cùng đau đớn và vô nhân đạo – đối với những người tị nạn, với bản thân tôi và với cộng đồng của tôi.
Vào thời của mình, Luca và Phaolô đã được chào đón như những người lạ mặt với tất cả lòng hiếu khách của những người phương Đông tốt bụng dành cho những người ở xa đến.
Người phương Tây ngày nay không có lòng hiếu khách.
Càng nghĩ và cảm nhận về điều này, tôi càng cảm thấy xấu hổ với tư cách một Kitô hữu trong thế giới hiện nay. Tôi biết rằng, Đức Giêsu đã nói rằng chúng ta sẽ luôn phải đối mặt với quân thù. Tuy nhiên, tôi đã hy vọng rằng sau 2000 năm, nhân loại chúng ta đã tìm ra một cách để đối xử nhân nghĩa với nhau, nâng đỡ khả năng của nhau và trao cho nhau cơ hội để phát triển khả năng và chia sẻ khả năng của mình.
Khi tôi nhìn những trại tị nạn như Moria hay PIKPA, mắt tôi mờ đi và trái tim tôi đóng băng. Tôi phải làm gì trước sự đối nghịch như thế?
Đức Giêsu đã nói: “Các con hãy yêu kẻ thù và ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia”. Có phải như thế có nghĩa là tôi phải tìm một cách để đối xử với những người và những cơ cấu áp bức con người? Nghĩa là tôi phải tiếp tục, biết rằng cả cuộc đời mình cũng sẽ không giải quyết được vấn đề này?
Pharaô đã phải để cho người Israel ra đi sau khi vấp phải sự phản đối. Đó là cách ông ta xử lý vấn đề người tị nạn.
Liệu chúng ta có tìm ra một con đường mang tính Kitô giáo để cho những người tị nạn ngày hôm nay gia nhập vào cộng đồng của chúng ta, đón nhận những khả năng và đặc điểm của họ? Liệu chúng ta có chữa lành người ốm đau, cho người đói ăn và thăm viếng người bị tù đày? Liệu chúng ta có mặc cho người ở truồng và để cho họ kết hôn cùng con cái chúng ta?
Cho đến hiện nay, nhiều lực lượng ở châu Âu có vẻ như sẽ trả lời “Không”.
Nhưng tôi sẽ không từ bỏ – tôi sẽ tiếp tục “đi thêm một dặm nữa” chừng nào tôi có thể tiếp tục với ân sủng của Thiên Chúa và sự giúp đỡ của những người đồng hành với tôi.
Xin cho hòa bình ngự trị trên Trái Đất.
Tìm hiểu thêm về Nhóm Kitô hữu Xây dựng Hòa bình (CPT) tại http://www.cpt.org/
P.B. dịch