Luật "Chống khủng bố" mới của Nga bị lên án dữ dội

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 17-07-2016 | 07:46:00

20160717 PutinTổng thống Nga Vladimir Putin đã ký kết một dự luật có hiệu lực từ ngày 7/7 vừa qua được gọi là các biện pháp chống khủng bố. Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế đã mạnh mẽ lên án các biện pháp này đồng thời cũng cho biết rằng, dưới danh nghĩa là việc đối đầu với chủ nghĩa khủng bố, các biện pháp này sẽ tạo ra cho giới hữu trách một quyền lực sâu rộng trong việc hạn chế quyền tự do dân sự, bao gồm việc thiết lập các rào cản trong vấn đề thực hành tôn giáo vốn sẽ gây khó dễ đối với các nhóm tôn giáo trong việc cử hành các nghi thức tôn giáo.

Chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ, Cha Thomas Reese – một Linh mục Dòng Tên cho biết: “Những biện pháp này cũng như luật chống chủ nghĩa cực đoan hiện hành đã không đáp ứng nhân quyền quốc tế cũng như các tiêu chuẩn tự do tôn giáo”.

Để tìm hiểu thêm về luật mới này, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ nói chuyện với ông Andrew Boyd – phát ngôn viên của Tổ chức ‘Release International’ – một tổ chức dấn thân trong việc phục vụ các Kitô hữu bị bách hại trên khắp thế giới.

“Đó thực chất là một cái bẫy mang danh nghĩa chống khủng bố mà một số người gọi đó là luật ‘giấu mặt’ bởi vì nó cho phép các cơ quan chức trách có quyền điều tra những hoạt động trực tuyến của mọi công dân, từ đó, họ có thể theo dõi các email cũng như kiểm soát mọi hoạt động khác.

Nhưng tác động của các luật này đối với đời sống mọi Kitô hữu lại hết sức bất thường và vô cùng tàn bạo. Nó sẽ hạn chế việc giảng dạy cũng như việc chia sẻ đức tin Kitô giáo. Nó sẽ ngăn cấm việc chia sẻ đức tin của các Kitô hữu với những người khác một cách riêng tư thậm chí ngay trong chính ngôi nhà của mình”, ông Boyd cho biết.

Khi được hỏi về lý do tại sao một luật khắc nghiệt như vậy lại có thể xuất hiện vào thế kỷ 21 ngày nay, ông Boyd trả lời: “Luật này là một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự quá khích ngay từ chính trong các gia đình cũng như sự lây lan của chủ nghĩa cực đoan”, thế nhưng, ông giải thích rằng luật này về cơ bản đã đồng hóa tôn giáo với chủ nghĩa cực đoan đồng thời đồng hóa các tín hữu của các tôn giáo với những thành phần của chủ nghĩa khủng bố.

Ông Boyd hy vọng rằng luật mới này sẽ sớm được thay thế bằng những giải pháp khác hợp lý hơn, đồng thời ông cũng cảnh báo về “mối quan tâm lớn hơn”, đó chính là lối suy nghĩ của người dân Nga đã góp phần hình thành nên một đạo luật như vậy.

Cuối cùng, ông Boyd nhấn mạnh: “Luật này sẽ không thể ngăn chặn sự sinh sôi nảy nở của Giáo hội, và nó cũng không thể làm cho đời sống đức tin của các Kitô hữu bị mai một… nó chỉ có thể gây khó dễ đối với những ai dấn thân trong những sứ vụ cao cả mà Chúa Giêsu đã trao phó, và đó cũng là những người chúng ta cần cầu nguyện nhiều cho họ”.

Minh Tuệ (theo Radio Vatican)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết