Lựa chọn sự sống giữa cảnh chiến tranh

Sơ Teodora Shulak, Bề Trên Tổng Quyền của của Dòng Nữ Tu Truyền Giáo Chúa Cứu Thế.

Sơ Teodora Shulak, Bề Trên Tổng Quyền của của Dòng Nữ Tu Truyền Giáo Chúa Cứu Thế.

Chứng từ của các Nữ tu Dòng Chúa Cứu Thế tại Ukraine

“Thành phần cấu thành tâm linh của mỗi người rất nhạy cảm. Rõ ràng, trong một cuộc chiến, có rất nhiều trải nghiệm nội tâm khác nhau, rất nhiều tâm tư và cảm xúc trái ngược nhau, đến nỗi đôi khi, đặc biệt là vào đầu cuộc chiến, thậm chí còn khó có thể cầu nguyện”, Nữ tu Theodora Shulak MSsR đến từ Ukraine, người đã được bầu làm Bề trên Tổng Quyền của Dòng Nữ Tu Truyền Giáo Chúa Cứu Thế vào tháng 10 năm ngoái, thú nhận. Dòng Nữ Chúa Cứu Thế đã hoạt động ở Ukraine từ năm 1998.

Tỉnh Dòng Ukraine có 5 cộng đoàn với 26 Nữ tu. Các Nữ tu trợ giúp các Cha Dòng Chúa Cứu Thế trong các Giáo xứ, làm việc với giới trẻ và trẻ em trong việc giảng dạy Giáo lý, và tổ chức các trại hè, các cuộc hành hương và tĩnh tâm.

Các Nữ tu Dòng Nữ Chúa Cứu Thế với một phụ nữ ở Chernihiv trước ngôi nhà bị phá hủy.

Các Nữ tu Dòng Nữ Chúa Cứu Thế với một phụ nữ ở Chernihiv trước ngôi nhà bị phá hủy.

Nữ tu Teodora đứng giữa đống đổ nát ở Chernihiv.

Nữ tu Teodora đứng giữa đống đổ nát ở Chernihiv.

Chiến tranh đã khiến cho cuộc sống của những Nữ tu này trở nên cực kỳ khó khăn, tất cả đều dưới 50 tuổi. “Dường như đối với chúng tôi”, Nữ tu Theodora tiếp tục, “chúng tôi bị bỏ mặc với nỗi sợ hãi, sự tức giận và đau đớn. Có lúc chúng tôi hoảng sợ vì cảm giác hận thù đã len lỏi vào trái tim của mình. Đôi khi tôi cảm thấy gần như bị phân tách: một mặt, trong giờ cầu nguyện cộng đoàn, tôi cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa, mặt khác, khi trở về phòng, tôi trải qua những cảm giác mâu thuẫn nhất mà tôi không thể kìm nén được. Một ngày nọ, tôi chợt nhận ra rằng sự phân tách này không mang tính Kitô giáo và không làm sáng danh Chúa: Chúa Giêsu đã sống lại từ những vết thương. Chúa Giêsu hiểu rõ ý nghĩa của việc mang lấy những vết thương này và trải qua sự đau đớn cho đến chết. Tôi hiểu rằng tôi chỉ có thể sống sót qua thảm kịch này trong Ngài và cùng với Ngài”.

Cuộc hành trình nội tâm này đã khiến Nữ tu Theodora phó thác tất cả những tâm tư và cảm xúc đau khổ của mình cho Thiên Chúa, phó thác lời cầu nguyện của mình, điều mà Sơ đã nói trong nước mắt: ‘Lạy Chúa, con thuộc về Ngài! – Nữ tu Theodora cầu nguyện, gần như hét lên – Ngài đã tạo dựng và ban cho chúng con sự sống, và chúng con đã bị sự chết chóc đọa đày khốn khổ. Ngài đã mời gọi chúng con trở thành niềm hy vọng sống động cho rất nhiều người khác, và chính chúng con đang bị bao phủ bởi bóng tối của sự chết chóc và sự sợ hãi’.

guerra_enero2022-630x420 Teodora_natale2022

Kinh nghiệm về đời sống nội tâm đã dạy cho nhà truyền giáo Dòng Nữ Chúa Cứu Thế cách giữ thinh lặng sau khi cầu nguyện, để Thiên Chúa có thời gian trả lời lời thỉnh cầu của mình. “Tôi đã thưa với Chúa: ‘Con sẽ đợi bao lâu cũng được, nhưng đừng bỏ mặc con trong tất cả những gì con đang trải qua’”, Nữ tu Theodora nhớ lại.

Chiến tranh đòi hỏi cần phải có sự phân định liên lỉ không những đối với đời sống nội tâm mà còn đối với việc chăm sóc mục vụ. Nữ tu Theodora, người từ năm 2013 đến tháng 10 năm 2022 là Bề trên Giám Tỉnh của các Nữ tu Dòng Nữ Chúa Cứu Thế ở Ukraine, kể lại rằng sau khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga, các Nữ tu tự nhận thấy cần phải tái xem xét các hoạt động của mình để phục vụ Giáo hội và người dân tốt hơn trong tình hình mới.

Vào tháng 3, khoảng một chục Nữ tu nói tiếng Đức và tiếng Anh đã ra nước ngoài (Đức, Áo, Ireland) để giúp đỡ các cơ sở Công giáo đã tiếp nhận những người tị nạn Ukraine. Trong hơn 6 tháng, các Nữ tu đã giúp những người đồng bào của họ điền thông tin giấy tờ, thăm viếng các bệnh nhân và những người bị thương trong các bệnh viện và giúp đỡ con cái của những người tị nạn trong các trường học địa phương.

Một lĩnh vực khác trong công việc phục vụ của họ là hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân chiến tranh. Một số Nữ tu có chuyên môn về lĩnh vực tâm lý học và tâm lý trị liệu đã quyết định tham gia các khóa học cụ thể hơn nữa để giúp mọi người vượt qua sự đau buồn và những tổn thương. “Trong một số tu viện của chúng tôi”, nhà truyền giáo Dòng Nữ Chúa Cứu Thế giải thích, “chúng tôi cũng đã tiếp nhận những người tị nạn; trong số họ có một gia đình Hồi giáo Tatar. Trong khi họ trú ngụ tại tu viện của các Nữ tu, đứa con của họ cũng chào đời. Và sau đó họ đã viết một bài đăng rất cảm động trên Facebook rằng họ chưa bao giờ nghĩ rằng họ sẽ trải nghiệm mối tương quan khắng khít đến như vậy giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo”. Trong 10 năm qua, các Nữ tu Dòng Nữ Chúa Cứu Thế cũng đã có một cộng đoàn ở Chernihiv, thủ phủ của vùng cùng tên ở miền bắc Ukraine.

Một cặp vợ chồng người Hồi giáo tị nạn dùng bữa với các Nữ tu trong tu viện

Một cặp vợ chồng người Hồi giáo tị nạn dùng bữa với các Nữ tu trong tu viện.

Cùng cầu nguyện với các Cha Dòng Chúa Cứu Thế trước linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Cùng cầu nguyện với các Cha Dòng Chúa Cứu Thế trước linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, các Nữ tu không thể tiếp tục sứ mạng của mình ở Chernihiv. Các Nữ tu đã bị buộc phải rời khỏi thành phố bị lính Nga bao vây và ném bom. Khi họ quay trở lại vào tháng Tư, họ đã chứng kiến sự hoang tàn đổ nát. Trong số đó có Nữ tu Theodora, người cũng là một chuyên gia trị liệu tâm lý. “Chúng tôi đến thăm người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, Nữ tu Theodora kể lại. “Nhiều người đã mất đi người thân, nhà cửa, mất tất cả mọi thứ. Thông qua việc đối thoại và lắng nghe, chúng tôi có thể giúp họ vượt qua những cơn trầm cảm hoặc sự hoảng loạn. Đây là những người thực sự cần biết rằng có ai đó ở bên cạnh họ, ai đó có thể mang lại hy vọng và niềm tin khi họ chùn bước”.

Nữ tu Theodora cũng cho biết thêm rằng mặc dù sự tức giận là một phản ứng tự nhiên trước sự bất công và đau khổ đã trải qua, nhưng điều quan trọng là nó không trở thành cảm xúc phổ biến và mọi người phải biết lựa chọn sự sống, ngay cả trong những cử chỉ nhỏ nhặt. Một phụ nữ mà tôi đã gặp ở Chernihiv cũng vậy. Bà đã trồng một vườn rau tuyệt vời xung quanh ngôi nhà đã bị bom phá hủy hoàn toàn. “Tôi”, người phụ nữ nói với vị Nữ tu trẻ, “chú tâm vào những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Hãy nhìn xem cái cây nhỏ bé vừa mọc lên từ mảnh đất này: nó sẽ lớn lên và sẽ sống”. Đối với Nữ tu Theodora, điều này là một bằng chứng về ý nghĩa của việc lựa chọn sự sống.

SVITLANA DUKHOVYCH

Minh Tuệ (theo Scala News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết