Lòng Thương Xót là một cuốn sách được mở ra, mỗi chúng ta đều được mời gọi để viết tiếp cuốn sách ấy.
Vào Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô nói “Tin Mừng của Lòng Thương Xót ” do chính Chúa Giêsu và các tông đồ khởi sự vẫn chưa kết thúc. Đó là cuốn Tin Mừng mở ngỏ mà mỗi người trong chúng ta được mời gọi viết tiếp thông qua lời nói và hành động của chính mình.
“Tin Mừng là cuốn sách viết về Lòng thương xót của Thiên Chúa, cần được đọc đi đọc lại, bởi vì tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói và đã thực hiện chính là biểu hiện Lòng thương xót của Chúa Cha,” Đức Thánh Cha suy tư trong Thánh lễ sáng Chúa nhật 3/4.
Đức Thánh Cha nhắc lại đoạn cuối Tin Mừng theo Thánh Gioan, trong đó tác giả Tin Mừng cho biết Chúa Giêsu đã làm rất nhiều dấu lạ khác trong những lần hiện ra với các môn đệ, nhưng không phải tất cả những dấu lạ đó đều được tác giả Tin Mừng thuật lại.
Chính vì thế, “Tin Mừng về Lòng thương xót vẫn còn là một cuốn sách được mở ra, trong đó chứa các dấu lạ của các môn đệ Chúa Kitô, đó là những hành vi cụ thể của tình yêu và là những chứng tá sống động nhất của Lòng thương xót, vẫn tiếp tục được viết ra”, Đức Thánh Cha nói.
“Chúng ta được mời gọi để trở nên những tác giả sống động của Tin Mừng” – Đức Thánh Cha nói tiếp – những việc này sẽ được thực hiện bằng những hành động cụ thể của Lòng thương xót. “Đó là điểm nổi bật của đời sống Kitô hữu”.
“Bằng những cử chỉ đơn giản nhưng rất mạnh mẽ, ngay cả khi không được người ta nhìn nhận, chúng ta có thể đem lòng nhân hậu và ủi an của Thiên Chúa đến với những người nghèo”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ trong bài giảng với các tín hữu đang quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô trong Thánh Lễ Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Đây là lễ đã được thiết lập bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và được cử hành vào Chúa Nhật thứ hai sau lễ Phục Sinh.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào việc chữa lành của các môn đệ trong bài đọc thứ nhất trích sách Công vụ Tông đồ, cũng như việc Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ trong căn phòng đóng kín cửa được kể lại trong sách Tin Mừng theo Thánh Gioan.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngoài việc nói về các dấu lạ Chúa Giêsu đã làm, Tin Mừng cũng trình bày một sự tương phản giữa sự sợ hãi của các môn đệ, những người “tụ họp đằng sau cánh cửa đóng kín”, và sứ mạng của Chúa Giêsu, “Đấng đã sai họ đến thế gian để rao giảng Tin Mừng của ơn tha thứ”.
Đây là sự tương phản giữa “một trái tim đã khép kín và tiếng mời gọi của tình yêu hãy mở cánh cửa vốn đã bị đóng chặt bởi tội lỗi” tồn tại trong trái tim của rất nhiều người trong chúng ta hiện nay – Đức Thánh Cha nhận xét. Ngài giải thích rằng lời mời gọi của Chúa Giêsu là lời mời gọi “sẽ giải phóng chúng ta khỏi chính mình”.
“Chúa Giêsu, Đấng đã phục sinh và vượt qua nỗi sợ hãi vốn đã làm chúng ta phải kinh hồn bạt vía và cầm tù chúng ta, Ngài muốn mở toang những cánh cửa đang bị đóng kín của chúng ta và giải thoát tất cả” – Đức Thánh Cha nói.
Nhân loại ngày nay đang bị tổn thương, đang sống trong sự sợ hãi, đau đớn và bất ổn. Tuy nhiên, Lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ chữa lành hết mọi khiếm khuyết ấy. Đức Thánh Cha nói thêm rằng Lòng thương xót này không ở đâu xa xôi, nhưng ở chính ngay sự gần gũi với những người đang bị ảnh hưởng bởi sự nghèo đói và việc giải phóng thế giới khỏi mọi tình trạng nô lệ.
Để trở nên môn đệ Chúa Kitô, Đức Thánh Cha nói, nghĩa là “phải biết động lòng và chữa lành những vết thương mà hiện nay nó đang giày xéo thể xác cũng như tâm hồn của nhiều anh chị em chúng ta”.
Khi chúng ta chữa lành các vết thương của anh em mình đang phải chịu đau khổ”, chính là “chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu” và làm cho Chúa Giêsu sống và hiện diện trong thế giới này – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. “Đây là sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó cho mỗi người chúng ta”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng mỗi lần Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ, thì theo Tin Mừng, Chúa đều nói: “Bình an cho anh em”.
Bình an mà Chúa Giêsu trao trao tặng cho các Tông đồ cũng chính là bình an mà Ngài muốn “trao tặng cho chính mỗi người trong chúng ta”- Đức Thánh Cha nói, Ngài giải thích rằng đó không phải là “một thứ bình an do thương lượng” không có xung đột, nhưng đó chính là bình an xuất phát từ Lòng thương xót nhân từ Thiên Chúa, sẽ kết hiệp chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy rằng mình được yêu.
Để trở nên những người đem lại hòa bình và bình an cho nhân loại, là sứ mạng đã được Thiên Chúa giao phó cho Giáo Hội trong ngày Phục Sinh, Đức Thánh Cha nói thêm rằng bình an này không ngừng được đổi mới nhờ ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giảng bằng cách mời gọi các tín hữu hãy tạ ơn tình yêu bao la của Thiên Chúa”, “tình yêu ấy vượt xa mọi trí tuệ con người và con người không thể hiểu thấu được”, tình yêu ấy sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Ngài ước mong mỗi chúng ta khi đã lãnh nhận ân sủng “sẽ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi kín múc từ giếng Lòng thương xót của Chúa Cha và đem lòng thương xót ấy đến với nhân loại”. Ngài mời gọi: “Chúng ta cũng có thể thương xót, để đem ánh sángTin Mừng đi khắp nơi, và để viết tiếp những trang Tin Mừng về Lòng thương xót mà Thánh Gioan Tông Đồ đã không viết”.
Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với khách hành hương cùng cầu nguyện bằng lời kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng truyền thống. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy nhớ đến các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và bạo lực, đặc biệt là đất nước Ukraine.
Minh Tuệ (theo catholicnewsagency.com)