Lộc Hà và Formosa

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 22-04-2017 | 11:05:46

Vậy là 12 tháng đã trôi qua kể từ ngày bắt đầu xảy ra thảm hoạ Formosa, cách ứng xử của nhà cầm quyền với nạn nhân thảm hoạ vẫn rất bất cập, độc đoán, nghiêng chiều về sự đàn áp, bịt miệng người dân. Hậu quả mới nhất của cách ứng xử đó là tuyên bố của các Linh mục, Tu sĩ và 43.256 giáo dân thuộc Giáo hạt Văn Hạnh, Giáo phận Vinh ngày 20/4/2017 : “Nếu thực hiện những quyết định trên thì chúng tôi sẽ kêu gọi toàn dân đứng lên bảo vệ công lý- sự thật vì đó là những quyết định phi lý”. 

*

IMG_1911

IMG_1912

IMG_1913

Để hiểu diễn tiến sự việc, và có cơ sở để đánh giá sự việc, chúng ta quay lại tìm hiểu một vài thông tin.

Ngay sau khi xảy ra thảm hoạ 4 tháng, khiến hàng trăm ngàn người bị mất sinh kế, cuộc sống rơi vào khủng hoảng, trả lời phỏng vấn ngày 04/08/2016, trên báo Người Đô Thị, GS-TS. Nguyễn Vân Nam, từng là luật sư giúp đỡ miễn phí về pháp lý cho người nông dân đầu tiên của tỉnh Đồng Nai đứng ra làm các thủ tục kiện Vedan ra tòa do bị thiệt hại bởi ô nhiễm môi trường, đã cho biết: “Theo luật pháp Việt Nam, Đài Loan hay chuẩn mực quốc tế, cam kết bồi thường của Formosa […] cần được hợp pháp hóa dưới hình thức một thỏa thuận (hợp đồng) bồi thường với chữ ký xác nhận của các bên liên quan. Nó sẽ là cơ sở pháp lý cho việc sử dụng tiền bồi thường và quy định các hệ quả pháp lý.

Thông thường, một thỏa thuận như vậy ít nhất cũng phải xác định rõ ý nghĩa và mục đích của khoản tiền; phạm vi, đối tượng những người được nhận tiền; quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của bên trả tiền cũng như của bên nhận tiền sau khi nhận tiền. Đặc biệt phải quy định cụ thể, với việc trả bồi thường, bên trả tiền sẽ được loại trừ, giải phóng khỏi những nghĩa vụ, trách nhiệm nào; người nhận tiền sẽ không còn các quyền nào”.

Tuy nhiên, ngoài việc không được là một bên liên quan hiện diện trong các cuộc đàm phán, ký kết thoả thuận với Formosa, cho đến nay, tháng 4/2017, những nạn nhân trực tiếp ở bốn tỉnh miền Trung vẫn không hề thấy một cam kết nào giữa công ty Hưng Nghiệp Formosa và chính phủ Việt Nam được đưa ra công khai, minh bạch để nạn nhân biết nhà cầm quyền Việt Nam đã đàm phán và ký kết những gì với công ty Formosa, và công ty Formosa đã thực hiện đến đâu việc bồi thường thảm hoạ môi trường do họ gây ra.

Do vậy, suốt một năm qua, ở các tỉnh miền Trung nổi lên các vụ tập trung đông đảo người dân cùng nhau đi đến toà án nộp đơn kiện công ty Formosa (vì theo luật Việt Nam hiện nay người dân không được kiện tập thể), và gần đây, sau khi nhà cầm quyền công bố tiến hành trả tiền đền bù thiệt hại, lại xuất hiện những vụ tập trung khiếu kiện của người dân ở các Uỷ ban Nhân dân xã vì việc chưa nhận được đền bù hoặc đền bù không thoả đáng, thiên vị.

Nhưng, thay vì hỗ trợ người dân thực hiện quyền của dân, không hiểu vì lý do gì nhà cầm quyền lại thường xuyên cản trở, ngăn cấm người dân thực hiện quyền của họ, thậm chí tổ chức đánh đập người đi khiếu kiện một cách dã man, sau đó cho hệ thống truyền thông công cụ của nhà nước phát đi các bản tin xuyên tạc người đi khiếu kiện đòi quyền lợi chính đáng của họ và những lãnh đạo tinh thần đồng hành cùng họ.

*

Trong bối cảnh ấy, tại xã Thạch Bằng, các ngày 27- 30/3/2017 hàng trăm người dân đã tập trung trước cổng UBND xã với các biểu ngữ “ Đề nghị tỉnh Hà Tĩnh chi trả tiền đền bù cho dân. Những nạn nhân mất việc làm do Formosa gây ra”, hay những biểu ngữ đòi đền bù cho các cơ sở làm nước mắm,… Tuy nhiên họ bị chặn lại trước cánh cổng UBND xã đóng chặt và sau đó bị giải tán. Theo dự kiến, ngày 03/4/2017 người dân sẽ kéo nhau ra UBND huyện Lộc Hà, để tiếp tục yêu cầu nhà cầm quyền trả tiền đền bù thảm hoạ. Bất ngờ, tối 02/4/2017 khi một nhóm thanh niên giáo xứ Trung Nghĩa (xã Thạch Bằng) và bạn bè làm truyền thông từ nơi khác đến (chuẩn bị đưa tin cho ngày hôm sau), đang uống cà phê ở một quán gần nhà thờ thì bị một nhóm an ninh, công an tại đây đến khiêu khích, dù nhóm thanh niên Công Giáo đã đứng lên bỏ về nhưng bị chặn lại gây sự, đánh đập và một công an đã rút súng bắn. Thế là sau đó xô xát xảy ra, đã có người bị thương ở cả hai bên trong xô xát. Sáng 03/4/2017, hàng ngàn người dân ở hai xã Thạch Bằng, Thạch Kim và người dân các vùng lân cận kéo đến UBND huyện Lộc Hà như kế hoạch dự trù trước. Vậy là ngoài yêu cầu đền bù, họ còn cầm băng rôn: ”Phản đối Công an Lộc Hà nổ súng, đàn áp dân” và “Lẽ nào vì Formosa mà giết dân thật sao?”.

Nhưng phía nhà cầm quyền không cử ai ra tiếp, hàng ngàn người tràn vào sân UBND huyện và một số người tràn vào trụ sở UBND huyện. Suốt từ 8g sáng đến trưa, nhà cầm quyền vẫn trốn tránh, không có ai ra mặt tiếp dân, lại còn cho an ninh trà trộn vào người dân ném đá để lấy cớ cho lực lượng công quyền trấn áp người biểu tình, nhưng người dân đã đề phòng trước nên phát hiện, phản ứng, kiên quyết bắt giữ và vô hiệu hoá âm mưu này, an ninh giả dạng bị đánh và đặt nằm giữa sân.

Cuối cùng, khoảng 2g30 chiều, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phải gọi cho các linh mục Nguyễn Công Bình, Hoàng Anh Ngợi nhờ kêu gọi người dân ra về, và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng xuất hiện cam kết xử lý sự việc nổ súng đêm hôm trước và tiến hành bồi thường cho người dân theo quy định của chính phủ, trước mặt linh mục Hoàng Anh Ngợi và người biểu tình. Sau đó, người dân ra về trong trật tự, không có bất kỳ vụ việc đáng tiếc nào xảy ra cho UBND huyện Lộc Hà.

Tuy nhiên, ngày 12/4/2017, các báo nhà nước bắt đầu đưa tin: “Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự ‘Gây rối trật tự công cộng và bắt giữ người trái pháp luật’ xảy ra tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà vào ngày 3/4. Quyết định số 18/CSĐT-PC44 do thượng tá Trần Hải Trung ký”. Và ‘Sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm và nhận thấy đây là vụ việc rất nghiêm trọng, có sự tham gia đông người, tính chất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự, ngày 12/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố vụ án hình sự số 10/CSĐT-PC44 về các tội “gây rối trật tự công cộng” và “bắt giữ người trái pháp luật”, quy định tại điều 245 và điều 123 của bộ luật Hình sự’, quyết định nêu”.

Do đó, phản ứng lại với sự xuyên tạc, đưa tin dối trá của nhà cầm quyền, ngày 20/4/2017 các Linh mục, Tu sĩ và đại diện 43.256 giáo dân trong Giáo hạt Văn Hạnh, Giáo phận Vinh đã đồng ký tên gởi đến UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tĩnh, UBND huyện Lộc Hà, UBND xã Thạch Bằng, UBND xã Thạch Kim, đồng kính gởi Toà Giám Mục Giáo phận Vinh “Bản Kiến Nghị của Linh mục và Giáo dân giáo hạt Văn Hạnh về thảm họa ô nhiễm môi trường biển và những vấn đề liên quan” như trên.

Thuận Kiệt

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết