Cha Vimal Tirimanna CSsR là một trong những cố vấn thần học cho Thượng Hội đồng và là Giáo sư thần học luân lý giảng dạy ở Sri Lanka và Rôma.
Thần học gia hàng đầu châu Á cho biết quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc bao gồm cả những người nam và nữ không có chức thánh làm thành viên bỏ phiếu của hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 là một “bước tiến mang tính bước ngoặt” vốn sẽ thay đổi hoàn toàn quá trình đưa ra quyết định của Giáo hội.
Tháng trước, văn phòng Thượng Hội đồng đã thông báo rằng Đức Thánh Cha đã cho phép một cuộc sự cải cách để cho phép ít nhất 70 người không phải là Giám mục trở thành thành viên của Thượng Hội đồng từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 tại Vatican. Động thái này sẽ chứng kiến lần đầu tiên phụ nữ được bỏ phiếu trong một Thượng Hội đồng.
Cha Vimal Tirimanna CSsR là một trong những cố vấn thần học cho Thượng Gội đồng và là Giáo sư thần học luân lý giảng dạy ở Sri Lanka và Rôma.
“Mọi thứ sẽ không bao giờ bị đảo ngược nữa. Đó là một bước tiến đáng kể, chứ không phải là một bước tiến nhỏ”, Cha Tirimanna phát biểu tại một hội thảo trực tuyến do The Tablet tổ chức về tiến trình Thượng Hội đồng vào ngày 17 tháng 5 năm 2023.
“Ngay cả khi không có gì xảy ra trong giai đoạn còn lại của tiến trình Thượng Hội đồng, thì thực tế đặc biệt là 70 người không phải là Giám mục sẽ có mặt ở đó, là một thay đổi to lớn. Tôi không nghĩ rằng nó có thể được thay đổi. Cuối cùng, điều Công đồng Vatican II mong muốn cũng đã được thực hiện – tiến trình đã bắt đầu”.
Cha Tirimanna, một Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, người đã tham gia vào việc giúp soạn thảo Tài liệu Thượng Hội đồng “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở”, giải thích rằng những cải cách của Đức Phanxicô là sự phục hồi những gì đã diễn ra trong các Thượng Hội đồng trong thiên niên kỷ đầu tiên của Kitô giáo.
Cha Tirimanna chỉ ra rằng khi Đức Phaolô VI thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục vào năm 1965, ngài không bao giờ loại trừ khả năng các Thượng Hội đồng sẽ phát triển, với khả năng tất cả sẽ trở thành “Thượng Hội đồng của Dân Chúa”.
Những thay đổi của Đức Thánh Cha Phanxicô là một nỗ lực để thực hiện việc “lời nói phải đi đôi với hành động” của Vatican II.
Nhưng Cha Tirimanna cho biết vẫn còn rất nhiều sự phản kháng đối với Thượng Hội đồng giữa các Giám mục, và từ những người suy nghĩ một cách sai lầm rằng Đức Thánh Cha đang nỗ lực đưa Giáo hội Công giáo theo hướng “Tin lành”.
“Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe thấy một số tiếng nói, thậm chí ngay cả ở Rôma, nói rằng, ‘Ồ, vị Giáo hoàng này không biết từ đâu đến, và vị Giáo hoàng này đang nỗ lực biến Giáo hội Công giáo thành Giáo hội Tin lành’”, Cha Tirimanna nói.
“Những người như vậy hoàn toàn thiếu hiểu biết bởi vì trong thiên niên kỷ thứ nhất, cho đến khoảng thời gian của cuộc cải cách mang tên ‘Grêgôriô’ vào thế kỷ thứ XI [dưới thời Đức Giáo hoàng Grêgôriô VII], tất cả các nhà thờ, ngay cả trước cuộc Đại Ly giáo [năm 1054], tất cả chúng ta đều có các Tiến trình hiệp hành và Con đường hiệp hành trong việc đưa ra quyết định. Vì vậy, đó không phải là một điều gì đó mới được đan xen vào. Thay vào đó, đó là sự quay trở lại cội nguồn ban đầu của chúng ta”.
Hội thảo trực tuyến cũng có sự tham dự của Giáo sư Christina Kheng, người giảng dạy về lãnh đạo mục vụ tại Học viện Mục vụ Đông Á ở Manila, và Tiến sĩ Elissa Roper, một thần học gia người Úc đã tham gia Tiến trình hiệp hành của Hội đồng toàn thể.
Giáo sư Kheng cho biết tiến trình Thượng Hội đồng “Vì một Giáo hội Hiệp hành”, bắt đầu vào tháng 10 năm 2021 tại các Giáo phận và cộng đồng Công giáo địa phương, đã có tác động đáng kể. Đối với nhiều người, Giáo sư Kheng nói, đây là lần đầu tiên họ được yêu cầu tham gia vào các cuộc thảo luận về Giáo Hội.
“Khi nó được thực hiện tốt, mọi người sẽ nhận thức được, và họ hiểu rằng đây là cách thức để trở thành Giáo hội”, Giáo sư Kheng nói. “Họ đã thay đổi cách họ nhìn nhau, và tôi đã nghe nói về các Giám mục và hàng giáo sĩ đã thay đổi do kết quả của tiến trình này”.
“Điều chính yếu mà mọi người đang nói là họ không muốn quay lại con đường xưa cũ nữa, và nó không thể hoạt động như bình thường nữa trong Giáo hội. Họ đã nếm trải cảm giác đồng của tinh thần trách nhiệm, của sự tham gia, được hòa nhập và họ muốn tìm cách để thực hiện điều này nhiều hơn nữa”, Giáo sư Kheng cho biết thêm.
Cũng như Cha Tirimanna, Giáo sư Kheng đã tham gia vào việc đọc và tổng hợp các báo cáo, vốn đã trở thành tài liệu “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở”.
Giáo sư Kheng cho biết việc thiếu vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong Giáo hội là điều đã được báo cáo trên toàn thế giới nêu ra. Nhưng bà cho biết mối bận tâm cấp bách đó là triển khai các phong cách lãnh đạo hiệp hành bao gồm tất cả mọi người, thay vì tập trung vào một vấn đề duy nhất.
“Hãy tưởng tượng nếu chúng ta chấp thuận việc truyền chức cho phụ nữ mà không đề cập đến chủ nghĩa giáo quyền”, bà nói. “Với tư cách là một nữ giáo dân không có chức thánh, tôi tự nhận thấy mình thậm chí còn thấp kém hơn trong chuỗi thức ăn”.
Tiến sĩ Roper, người nằm trong ủy ban soạn thảo của Hội đồng toàn thể, đã đề cập đến các cuộc thảo luận về phụ nữ trong cuộc họp toàn thể của Úc tại Sydney vào tháng 7 năm ngoái.
Toàn bộ tiến trình gần như đổ vỡ khi một kiến nghị về sự bình đẳng nam nữ trong Giáo hội không giành được đủ đa số phiếu bầu. Các tham dự viên đã quay trở lại bàn thảo luận và đồng thuận về một kiến nghị sửa đổi.
“Đó là một mô hình thu nhỏ về những gì chúng ta cần thực hiện trong Giáo hội: có sự tham gia của các Giám mục trong các cuộc thảo luận”, Tiến sĩ Roper nói.
Các tham dự viên tham gia hội thảo đã đồng ý rằng Giáo hội không thể đi ngược lại những gì Thượng Hội đồng đã khởi sự.
Cha Tirimanna lưu ý sự cần thiết của “các cấu trúc cụ thể” để tiếp tục tính hiệp hành và đồng thời đảm bảo “văn hóa lắng nghe và hòa nhập”. Ngài cho biết rằng giáo dân Công giáo ủng hộ mạnh mẽ tính hiệp hành, và mặc dù một số Giám mục phản đối nhưng những Giám mục khác lại rất nhiệt tình. Cha Tirimanna đã trích dẫn lời của một Hồng y giấu tên đến từ Hoa Kỳ, người đã nói rằng bất chấp sự phản kháng, “tiến trình sẽ tiếp tục”. Thần học gia người Sri Lanka nhắc nhở mọi người rằng Chúa Thánh Thần, chứ không phải các Giám mục, đang dẫn dắt Giáo hội.
Christopher Lamb – www.thetablet.co.uk, ngày 24 tháng 05 năm 2023.
—————–
Tiến trình Hiệp hành kéo dài 3 năm đang diễn ra trong Giáo hội Công giáo mà đỉnh cao là hai cuộc họp Thượng Hội đồng tại Rôma vào tháng 10 năm 2023 và một năm sau đó vào năm 2024. Chủ đề chung là “Vì một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ”. Christopher Lamb tổ chức hội thảo trực tuyến trực tiếp này, nơi ông suy tư về nơi các cuộc thảo luận hiệp hành đang dẫn dắt Giáo hội Công giáo với khách mời là Tiến sĩ Elissa Roper, một thần học gia chuyên về tính hiệp hành trong Giáo hội Công giáo ở Úc; Cha Vimal Tirimanna CSsR, Giáo sư Thần học Luân lý tại Chủng viện Quốc gia Đức Mẹ Lanka, Kandy, Sri Lanka và Học viện Giáo hoàng Alphonsian, Rôma; và Christina Kheng, một giáo dân đến từ Singapore, giảng dạy về lãnh đạo mục vụ tại Học viện Mục vụ Đông Á ở Manila. Bà được Đức Thánh Cha kêu gọi tham gia Ủy ban về Phương pháp học đồng hành với công việc của Thượng Hội đồng.
Minh Tuệ (theo Scala News)