Chìa khóa cho việc chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra của Syria không nằm ở chỗ người dân địa phương, nhưng là với các nhà lãnh đạo của cộng đồng quốc tế, một linh mục Dòng Phanxicô sinh ra tại Syria cho biết vào tuần này.
“Chúng ta biết rằng giải pháp hiện nay không nằm trong tay của chúng tôi với tư cách là những người dân Syria. Chúng ta biết rằng chìa khóa cho việc xây dựng hòa bình nằm ngoài Syria, nằm trong tay của rất nhiều các quốc gia lớn trên thế giới”, linh mục Ibrahim Alsabagh chia sẻ với một nhóm nhỏ bao gồm các nhà báo hôm 31 tháng 5 vừa qua.
Phát biểu sau một cuộc họp báo nhân dịp phát hành một cuốn sách bằng tiếng Ý về việc xây dựng lại Aleppo, linh mục Ibrahim Alsabagh cho biết rằng ngài đã cầu nguyện “với tất cả thành tâm thành ý để các quốc gia hùng mạnh có thể đưa ra một giải pháp cho chúng ta cũng như cho tất cả những cuộc khủng hoảng này… một giải pháp mà trong đó chúng ta có thể sinh sống tại Syria”.
Linh mục Alsabagh cho biết rằng các nhóm thiểu số ở Aleppo và trên khắp Trung Đông đang lo lắng cho tương lai của mình, đặc biệt về việc cộng đồng quốc tế sẽ quyết định hành động thế nào đối với cuộc khủng hoảng Syria, bởi vì những tác động đối với cộng đồng của họ có thể sẽ nghiêm trọng.
Linh mục Alsabagh, 47 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Damascus, và sau một thời gian phục vụ với tư cách là một tu sĩ Dòng Phanxicô ở Rome, năm 2014 ngài đã được đề nghị trở về Syria để trở thành một mục tử ở Aleppo. “Viene il Mattina,” hay “The Morning Comes” là cuốn sách thứ hai của linh mục Alsabagh viết về Aleppo.
Với tiêu đề, “Aleppo, Syria. Sửa chữa nhà cửa, chữa lành tâm hồn”, cuốn sách tường thuật lại tình trạng của thành phố kể từ năm 2016, bao gồm cả tiến trình tái thiết về vật chất và sự chữa lành đối với người dân.
“Tôi luôn kêu gọi cầu nguyện. Bởi vì tôi tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện, thậm chí để tiếp tục sứ mạng của chúng ta”, linh mục Alsabagh nói, đồng thời lưu ý lịch sử 800 năm hiện diện của Dòng Phanxicô tại Syria. Tất cả những gì chúng tôi đã thực hiện đó là “bởi vì nhiều người đang cầu nguyện cho chúng tôi”.
Linh mục Alsabagh cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng đó chính là tất cả mọi người theo nguồn cảm hứng của Chúa Thánh Thần trong lòng họ, bởi vì nếu như tất cả mọi người đều làm như vậy, “chúng ta sẽ có được hòa bình trên khắp thế giới và chúng ta sẽ có được giải pháp cho rất nhiều các cuộc khủng hoảng cũng như những vấn đề mà chúng ta hiện đang phải đối mặt”.
Theo linh mục Alsabagh, thách thức lớn nhất mà các Kitô hữu tại Syria hiện đang phải đối mặt đó chính là “có được sự bình an nơi tâm hồn của mình”.
Cuộc xung đột liên tục, chẳng hạn như vụ tấn công tên lửa của Mỹ vào hồi tháng Tư, là một dấu hiệu đối với người dân Syria rằng “chúng ta vẫn chưa kết thúc chiến tranh và một giai đoạn khác của cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục hiện diện trong nhiều năm”, linh mục Alsabagh nói. Nỗi sợ hãi là “có lẽ cuộc chiến sẽ không chấm dứt ở Syria”.
Syria đã phải chịu đựng một cuộc nội chiến bạo lực và hỗn loạn kể từ năm 2011, vốn đã làm thiệt mạng gần nửa triệu người và khiến cho 10 triệu người bị buộc phải di tản.
Cuộc xung đột đã chứng kiến sự tham gia to lớn của quốc tế thông qua sự hỗ trợ của các bên khác nhau bởi Hoa Kỳ, Nga, Iran và Saudi Arabia. Sự hiện diện của ISIS tại Syria đã thêm vào tình trạng bạo lực và bất ổn trong khu vực.
Vào tháng Tư năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các cuộc không kích ở Syria, với sự tham gia của Anh và Pháp, trong một chương trình chung của lực lượng quân sự theo sau hành động sử dụng vũ khí hóa học bị tình nghi bởi chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tổng cộng có 105 tên lửa nhắm vào các cơ sở vũ khí hóa học trong nước.
Các vị Thượng Phụ Antioch và toàn Đông phương thuộc Giáo hội Chính thống Hy Lạp, Chính thống Syria, và các Giáo hội Công giáo Hy Lạp-Melkite đã lên án các vụ tấn công là bất công, đồng thời lập luận rằng không có “bằng chứng đầy đủ và rõ ràng” đối với các vụ tấn công vũ khí hóa học bị nghi ngờ.
Trong những lời nhận xét trong buổi họp báo, linh mục Alsabagh cho biết rằng nhiều người sống ở Trung Đông coi ông Assad như là “sự lựa chọn tốt hơn” ở giai đoạn này. Linh mục Alsabagh cũng đã chỉ ra mối bận tâm của các vị Thượng Phụ Syria đối với nhóm thiểu số Kitô giáo trong nước và sở thích của họ đối với ông Assad về các lựa chọn thay thế có thể có như Hồi giáo hoặc các nhóm cực đoan khác vốn bách hại các Kitô hữu.
Vào ngày 31 tháng 5, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã kêu gọi Hoa Kỳ rời khỏi Syria trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức quốc tế Russia Today. “Người Mỹ nên rời khỏi đây. Một cách nào đó, họ sẽ phải rời khỏi đây”, ông Assad nói.
Ông Assad cũng nhấn mạnh rằng nếu như những nỗ lực đàm phán với các nhóm nổi dậy Syria không hiệu quả, họ sẽ sử dụng vũ lực để kiểm soát các khu vực, “có người Mỹ hoặc không có người Mỹ, chúng tôi không có lựa chọn nào khác”.
Minh Tuệ chuyển ngữ