
Linh mục Dòng Tên Hans Zollner, một quan chức hàng đầu của Vatican chịu trách nhiệm đối phó với vấn nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trong Giáo hội, đang chia sẻ về cuộc khủng hoảng tại hội nghị được tổ chức vào ngày 29 tháng 1 năm 2020, tại Đại học Villanova ở Pennsylvania (Ảnh” CNS / Sarah Webb, CathPhilly.com)
Gần 200 tham dự viên đã quy tụ đông đảo trong Hội trường Driscoll Hall trong khuôn viên của Đại học Villanova vào ngày 29 tháng 1 để tìm hiểu sâu hơn về quan điểm toàn cầu liên quan đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo.
Sự kiện diễn ra vào buổi tối là hội nghị thứ ba trong chuỗi bao gồm bốn phần thảo luận với các nhà thần học Công giáo do Đại học Villanova tổ chức nhằm đánh giá cuộc khủng hoảng lạm dụng. Trong số các tham dự viên tham gia hội nghị có Linh mục Dòng Tên Hans Zollner, một nhà tâm lý học và tâm lý trị liệu người Đức có bằng cấp với bằng Tiến sĩ Thần học và là một trong những chuyên gia hàng đầu của Giáo hội trong lĩnh vực bảo vệ trẻ vị thành niên.
Cha Zollner cũng là Chủ tịch của Trung tâm Bảo vệ Trẻ em tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô ở Rome, thành viên của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên và là Cố vấn cho Bộ Giáo sĩ của Vatican.
“Cha Zollner cam kết cung cấp một môi trường an toàn cho trẻ em”, bà Kerry Robinson chia sẻ trong phần giới thiệu. Bà Robinson là Đại sứ toàn cầu cho Hội nghị bàn tròn của các nhà lãnh đạo, một tổ chức bao gồm nhiều giáo dân, Tu sĩ và Giáo sĩ cùng cộng tác với nhau để thúc đẩy các thực tiễn tốt nhất và trách nhiệm quản lý trong Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ.
“Rất nhiều thiệt hại đã gây ra cho Giáo hội” do vấn nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục, Cha Zollner nói, “bên cạnh đó, cũng có rất nhiều sự thiệt hại đã gây ra cho con người”. Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, “nhiều người đang tham gia trong cùng một sứ mạng: một Giáo hội an toàn hơn và một thế giới an toàn hơn”, Cha Zollner nói.
Cuộc khủng hoảng này là một trong những “sự chấn thương về mặt thể chế”, mà trong đó những hành vi sai trái đã được thực hiện bởi một tổ chức dựa trên các cá nhân phụ thuộc vào tổ chức đó, theo Cha Zollner, người cho biết rằng “các bước tiến” để giải quyết vấn nạn này trên toàn cầu hiện đang được thực hiện ở Rome.
Đã gần 35 năm trôi qua kể từ khi sự nhận thức về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục ở Bắc Mỹ lần đầu tiên xuất hiện và Cha Zollner cũng lưu ý các sự kiện khác trên khắp thế giới chẳng hạn như ở Đức, nơi mà “vị Giám đốc Dòng Tên của một trường học ở Berlin đã phá vỡ các quy tắc và nói về vấn đề lạm dụng tại trường học của mình”, đề cập đến Canisius-Kolleg Berlin, một trường dự bị đại học Công giáo ở Berlin.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã “tạo ra một sự phẫn nộ và làn sóng chỉ trích gay gắt” vào năm 2018 liên quan đến vị linh mục lúc đó là Fernando Karadima, vị giáo sĩ lạm dụng tình dục khét tiếng nhất Chile, khi ĐTC Phanxicô nói rằng Ngài “cần bằng chứng” về các cáo buộc chống lại linh mục Karadima. ĐTC Phanxicô sau đó đã đọc báo cáo về vị linh mục này và xin lỗi vì tuyên bố của mình; Ngài cũng đã trục xuất Karadima khỏi chức tư tế vào năm 2018.
Do hậu quả của cuộc khủng hoảng tại đất nước của họ, 34 Giám mục Chile đã đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô.
Tình hình tại Chile là một “bước ngoặt về cách thức chúng ta nhìn vào cuộc khủng hoảng lạm dụng vào thời điểm này trong lịch sử”, Cha Zollner nói, thêm vào đó, “nhấn mạnh đến sự thất bại có tính hệ thống trong việc xử lý vấn đề lạm dụng. Hệ thống Giáo hội đã được thực hiện ngay lập tức”.
Cũng có “sự tập trung ngày càng gia tăng vào việc lạm dụng cả những người trưởng thành do cựu Hồng y Theodore McCarrick gây ra”, theo Cha Zollner, người đã trích dẫn vấn nạn lạm dụng các Nữ tu trong Giáo hội.
“Cách đây 20 năm, chẳng ai quan tâm”, Cha Zollner nói. “Những người không thể chạm tới” – giới chức lãnh đạo cấp cao trong Giáo hội trên khắp thế giới – “đã trở thành mục tiêu của sự chỉ trích. Mức độ tin cậy dưới 0, và điều này đang gây ra sự tàn phá đối với một tổ chức dựa trên niềm tin và đức tin”.
Cha Zollner đã mô tả cuộc khủng hoảng bị đánh dấu bởi những sự tương đồng bất kể quốc gia hay lục địa, bao gồm cả sự hiện diện của chủ nghĩa giáo sĩ trị, mà trong đó các giáo sĩ được thể hiện sự tôn kính thái quá và một sự kiêu căng ngạo mạn của sự ưu trội về mặt đạo đức. Đó là thái độ của việc “đứng trên luật pháp” và “không ai có thể nói tôi phải làm gì; tôi có thể lấy bất cứ thứ gì tôi muốn”, Cha Zollner nói.
Một điểm tương đồng mang tính toàn cầu khác đó là “sự bỏ rơi, cự tuyệt và từ chối các nạn nhân sống sót”, những người cảm thấy vô cùng bồn chồn và sợ hãi. Toàn thể Giáo hội cần phải nhớ rằng phần lớn các nạn nhân “vẫn là thành viên của Giáo hội cho dù họ có đến nhà thờ hay không”, Cha Zollner nói. “Có thành viên trong Giáo hội này đã bị tổn thương”.
Mặc dù Vatican có sự giám sát toàn cầu đối với Giáo hội Công giáo, nhưng hiện vẫn thiếu đội ngũ nhân viên để đối phó với các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục, chỉ có một đội ngũ khoảng 18 người “không có cơ sở hạ tầng hoặc không được đào tạo đầy đủ để xử lý các vụ việc được báo cáo nảy sinh”, Cha Zollner nói.
Tuy nhiên, Cha Zollner đã chỉ ra những tiến bộ lớn đang được thực hiện tại Vatican, với một hội nghị về việc bảo vệ trẻ vị thành niên được tổ chức vào tháng 2 năm 2019, trong đó nhấn mạnh một cách tiếp cận có hệ thống về tinh thần trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và sự minh bạch, cả bên trong và bên ngoài.
Cuộc họp, theo Cha Zollner, đã mang đến những thay đổi về thái độ liên quan đến Giáo luật, trách nhiệm giải trình giữa các Giám mục và nhiệm vụ của mọi người trong việc báo cáo các vụ lạm dụng tình dục và các hình thức lạm dụng khác trong Giáo hội. “Rất nhiều thay đổi đã được thực hiện hơn tôi dự đoán”, Cha Zollner nói. “Những người đứng đầu đã hiểu được thông điệp, và có một sự chuyển động tiến về phía trước”.
Thần học Công giáo cũng có thể cung cấp một cách thức vượt qua cuộc khủng hoảng lạm dụng, theo Cha Zollner. “Thiên Chúa, Chúa tể của Giáo hội và của lịch sử, mời gọi chúng ta điều gì qua những vụ bê bối và các cuộc khủng hoảng thời đại ngày nay?”, Linh mục Zollner nói.
“Chúng ta tin tưởng phó thác vào Chúa Giêsu, Đấng đã tự trở nên dễ bị tổn thương”, Cha Zollner nói. “Ngài đã tỏ lộ những dấu đinh ngay cả sau khi trỗi dậy từ cõi chết. Chúng ta quên mất chúng ta xuất phát từ đâu – chúng ta phát xuất từ thập giá. Tội nguyên tổ đã khiến chúng ta quên đi cội rễ của mình”.
Hội nghị thứ tư và cuối cùng trong hàng loạt hội nghị do đại học Villanova tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 3 tại Trường Luật Charles Widger của Đại học Villanova. Sự kiện sẽ bế mạc với Thánh lễ được cử hành lúc 5g chiều dành riêng cầu nguyện cho các nạn nhân của vấn nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội.
Minh Tuệ (theo America)