Kể từ khi Đức Giáo Hoàng Piô IX trao bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp [1] nguyên thủy cho các thừa sai DCCT vào năm 1866, thì lòng sùng kính đối với Linh Ảnh này, đặc biệt là qua các tuần cửu nhật, bắt đầu được lan truyền trên khắp thế giới. Nhờ tinh thần thừa sai vốn có của DCCT, chỉ thị của Đức Giáo Hoàng về việc “Hãy làm cho thế giới biết Mẹ” đã trở thành bản chất thứ hai [second nature] của các tu sĩ Dòng. Điều quan trọng đáng chú ý ở đây là trong suốt 150 năm qua, lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt này đã lan rộng không chỉ trong phạm vi 80 quốc gia mà DCCT hiện diện, mà còn ở cả những quốc gia Nhà Dòng chưa có mặt. Chẳng hạn, cá nhân tôi đã thấy Linh Ảnh này được lưu giữ cách trân trọng trong các nhà thờ ở Myanmar và Campuchia, dù hai quốc gia này vẫn chưa có DCCT được thiết lập. Điều tôi muốn nói ở đây là lòng sùng kính ĐMHCG hiện là một lòng sùng kính Công Giáo phổ biến có tính toàn cầu. Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng nhấn mạnh một vài suy tư từ các khía cạnh thần học khác nhau liên quan đến sự phổ biến rộng rãi của lòng sùng kính này.
Khía Cạnh Thánh Mẫu Học
Tên gọi thường được gán cho Linh Ảnh này là “Madre de Perpetuo Succursu” [Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp], ngụ ý rằng đây là người Mẹ luôn sẵn sàng giúp đỡ. Thông qua những đặc nét về nhân cách của Đức Maria được miêu tả trong Tân Ước, mặc dù có những tham chiếu khá hạn chế về Mẹ, người ta không thể không đi đến kết luận rằng, Mẹ thực sự là “một người mẹ” luôn sẵn sàng lên đường để giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người đang cần được giúp đỡ. Chẳng hạn, chuyến thăm viếng của Mẹ đối với người chị họ đã cao niên là bà Elisabet tại vùng núi Giuđêa để giúp người chị trong cảnh bụng mang dạ chửa cách nhiệm lạ (x.Lc 1,39-56); Mẹ đã chủ động đề nghị Con Chí Thánh của mình hãy làm điều gì đó để cứu đôi tân hôn khỏi tình cảnh thiếu rượu tại tiệc cưới Cana miền Galilê (x.Ga 2,1-11); Mẹ đã can đảm đứng dưới chân Thập Giá mà Con Mẹ đã bị giết cách tàn bạo, trong lúc tất cả các môn đệ đã bỏ rơi Ngài (ngoại trừ “người môn đệ yêu dấu”) (x.Ga19,25-27); và Mẹ ở lại với các Tông Đồ, cùng cầu nguyện với các ông ở lầu trên để bảy tỏ sự liên đới với các ông trong lúc các ông đang hoang mang, lo sợ (x.Cv 1,12-14). Đây là những chỉ dẫn rõ ràng trong Kinh Thánh về đặc nét này của Đức Maria. Như vậy, quá hiển nhiên để nói rằng tước hiệu ĐMHCG là phù hợp nhất để ám chỉ Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, là người luôn sẵn sàng giúp đỡ tất cả những ai đang trong cơn quẫn bách.
Vì Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa trọn vẹn vừa là con người trọn vẹn theo định nghĩa của Công Đồng Chalcedon năm 451, nên Đức Maria cũng vừa là Mẹ Thiên Chúa vừa là Mẹ nhân loại. Khía cạnh thứ hai của thiên chức làm mẹ nơi Đức Maria được củng cố thêm qua trình thuật Tin Mừng Ga 19, 25-27, khi Chúa Giêsu giao phó toàn thể nhân loại cho tình mẫu tử của Mẹ, trong và qua người môn đệ được thương mến. Bức Linh Ảnh mô tả khía cạnh thứ nhất là “Mẹ Thiên Chúa” qua chữ viết tắt bằng tiếng Hy Lạp, nằm ở hai góc phía trên của Linh Ảnh.
Đôi khi, trong sự giới hạn của tâm thức người bình dân, người ta có thể có cảm nhận khá đơn giản rằng các tước hiệu khác nhau được các thế hệ con người tôn vinh Đức Maria có thể ngụ ý rằng có nhiều loại “Maria” / “Đức Mẹ” khác nhau! Tuy nhiên, bất kỳ một nghiên cứu nghiêm túc nào về nguồn gốc của mỗi tước hiệu của Mẹ luôn kết luận rằng, mỗi tước hiệu và mọi tước hiệu của Đức Maria đều là một chỉ dẫn cho thấy cách thế mà con người trong nhiều thời đại, bối cảnh và thế hệ khác nhau đã kinh nghiệm được sự chuyển cầu và che chở đầy tình mẫu tử của mẹ như thế nào. Theo đó, tước hiệu “Đức Mẹ Lộ Đức” sẽ biểu thị cách Đức Maria đã được hàng ngàn con người gặp thấy kể từ lần đầu tiên Mẹ hiện ra tại Lộ Đức với em Bernadette Soubirous năm 1858. Tương tự như vậy, tước hiệu “Đức Mẹ Guadalupe” cho thấy cách mà con người đã kinh nghiệm về Mẹ kể từ lần gặp gỡ nổi tiếng với chàng nông dân Mexicô, Juan Diego ở Guadalupe, Mexicô, năm 1531. Vì thế, rất nhiều tước hiệu như “Đức Mẹ Fatima”, “Đức Mẹ Lepanto ”,“Đức Mẹ Velankanni ”,“ Đức Mẹ Aparecida ”,“Đức Mẹ Madhu”… ..vv. gợi lên một cuộc gặp gỡ lịch sử cụ thể hoặc một kinh nghiệm về Đức Maria của những người khác nhau. Tuy nhiên, tất cả những cuộc gặp gỡ và trải nghiệm đó, cũng như bản thân các tước hiệu, đều được gộp lại trong một tước hiệu duy nhất là “ĐMHCG của chúng ta”. Vì lẽ đó, tính phổ quát của tước hiệu này cho thấy sự chăm sóc đầy tình mẫu tử của Mẹ.
Khía Cạnh Kitô Học
Như ta đã biết, Bức Ảnh ĐMHCG thuộc ngành nghệ thuật Kitô giáo, được gọi là “icon”. Hạn từ “icon” bắt nguồn từ chữ “eikon” trong tiếng Hy Lạp. Các “icon”, trong truyền thống Kitô giáo, đặc biệt là trong các Giáo Hội Đông Phương, có tính độc đáo riêng, theo nghĩa chúng ám chỉ đến một bức ảnh tôn giáo với một ý nghĩa sâu sắc hơn. Chúng thuộc về tác phẩm nghệ thuật thánh thiêng thường mang đến nguồn cảm hứng thiêng liêng và kết nối người tín hữu với thế giới tâm linh. Điều đó có nghĩa là chúng khác với một bức ảnh thông thường, chính yếu ở chỗ chúng truyền đạt một thông điệp trong và ngang qua các biểu tượng được trình bày trong “icon” [2]. Các nhà khảo cổ tin rằng các “icon” nổi tiếng đầu tiên là ở trong những căn nhà của các Kitô hữu tiên khởi, và sau đó, chúng bắt đầu xuất hiện ở những cơ sở thờ tự, có lẽ là vào cuối thế kỷ thứ III. Theo đó, vào cuối thế kỷ IV và V, việc sử dụng các “icon” đã phổ biến nơi các Kitô hữu [3]. Zakaria Wahba, một thần học gia Kitô giáo hệ phái Coptic Đông Phương viết:
Ý tưởng đằng sau việc sử dụng các ‘icon’ trong Giáo hội sơ khai là do kinh nghiệm độc đáo mà Giáo Hội bắt gặp. Hầu hết những người cải đạo sang Kitô giáo đến từ các nền văn hóa ngoại giáo và hầu hết họ đều mù chữ. Nhiều người trong số họ gặp khó khăn trong việc hiểu những giáo huấn trong Kinh Thánh và ý nghĩa thiêng liêng của chúng, cũng như các sự kiện lịch sử đã diễn ra trong Kinh Thánh và trong đời sống của Giáo Hội. Do đó, các nhà lãnh đạo của Giáo Hội sơ khai đã cho phép sử dụng các bức ảnh tôn giáo (icon) bởi vì dân chúng không thể hiểu được Kitô giáo và giáo lý của Giáo Hội nếu không được hỗ trợ bởi các phương thế trực quan. [4]
Những lời của Thánh Gioan Damascene minh họa tầm quan trọng đặc biệt của các ‘icon’ trong thời các Giáo Phụ: “Nếu ai đó yêu cầu bạn chứng tỏ đức tin của mình với họ, hãy đưa họ đến một nhà thờ và đặt họ trước các ‘icon’ thánh” [5]. Ngày nay, giáo huấn chính thức của Công Giáo cũng cho rằng, “icon Kitô giáo diễn tả qua hình ảnh có cùng một sứ điệp Tin Mừng mà Kinh Thánh truyền đạt qua ngôn ngữ. Hình ảnh và ngôn ngữ soi sáng lẫn nhau” [6]. Sau cùng, chính Chúa Giêsu thành Nazareth đã trở thành “icon” sống động, hữu hình của Thiên Chúa vô hình, khi Ngài nhập thể (x. Cl 1,15; Hr 1,3).
Như một phương tiện trực quan, thông điệp chính của Linh Ảnh ĐMHCG là Đức Maria luôn ở gần chúng ta trong những đau khổ của chính chúng ta như Mẹ đã ở trong những đau khổ của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Để minh họa điều này một cách ngắn gọn: Hài nhi Giêsu, vừa là con người vừa là Thiên Chúa, nhìn thấy sự đau khổ và cái chết sắp đến mà đang đón đợi Ngài, trong một thị kiến. Hai tổng lãnh thiên thần nằm ở hai bên phía trên của Linh Ảnh, là Micael và Gabriel đang cầm các dụng cụ của cuộc thương khó và cái chết của Ngài. Thánh Micael được khắc họa là người cầm lưỡi đòng (đâm vào cạnh sườn Ngài khi bị treo trên thập giá) và miếng bọt biển (được trao cho Chúa Giêsu khi Ngài kêu khát), trong khi Thánh Gabriel được khắc họa là người đang cầm cây thánh giá và đinh nhọn.
Theo bức Linh Ảnh, khi hài nhi Giêsu nhìn thấy cuộc khổ nạn và cái chết khủng khiếp sẽ xảy đến cho mình, Ngài làm đúng những gì mà bất kỳ đứa trẻ nào trên trần gian này cũng thường làm: Nó lao vào vòng tay người mẹ yêu dấu của nó. Đến lượt mình, Đức Maria được mô tả là một người mẹ đầy dịu dàng âu yếm, đang ôm chặt lấy Chúa Giêsu trong tay trái của mình trong khi để cho Chúa nắm lấy bàn tay phải đầy an ủi của Mẹ bằng cả hai bàn tay nhỏ bé của Ngài. Cái siết tay vững chắc này là một dấu chỉ hiển nhiên của mối liên hệ mật thiết gần gũi giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Điều này ngụ ý rõ ràng rằng Đức Maria và lòng sùng kính đối với Mẹ, là một phương thế chắc chắn để đến với Chúa Giêsu, bởi vì Chúa Giêsu và Mẹ Maria luôn kết hiệp nên một với nhau. Trong thế giới đương đại, nơi mà chúng ta thấy có rất nhiều thần tượng khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa, vì thế, trong Linh Ảnh và qua sự sùng kính đối với Linh Ảnh, chúng ta tìm ra một con đường chắc chắn để đến với Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật.
Trong khi ánh mắt sợ hãi của hài nhi Giêsu hiện rõ khi thấy những dụng cụ của cuộc khổ nạn của Ngài, thì ánh mắt của Mẹ lại hướng về những ai đang nhìn vào Linh Ảnh, dù họ đang đứng từ bất kì vị trí nào. Chính ở đây, người ta nhận thấy thông điệp chính của Linh Ảnh, đó là sự gần gũi của Mẹ với loài người chúng ta trong những đau khổ và chết chóc hàng ngày của chính chúng ta, như Mẹ đã làm đối với Chúa Giêsu, con của Mẹ. Theo Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, mầu nhiệm Vượt Qua là trung tâm của đời sống Kitô hữu của chúng ta: “Mầu nhiệm Vượt Qua về thập giá và Phục Sinh của Chúa Kitô đứng ở trung tâm của Tin Mừng mà các tông đồ, và Giáo Hội tiếp bước các ngài, phải rao giảng cho thế gian”. [7]
Linh Ảnh này, không chỉ khắc họa cuộc khổ nạn và cái chết sắp xảy đến của Chúa Giêsu, mà còn mô tả sự trấn an đầy tình mẫu tử của Đức Maria, bao hàm niềm hy vọng vào sự sống lại sau hết của Ngài. Cái nhìn đầy tình mẫu tử của Mẹ đối với chúng ta, những người đang nhìn vào Linh Ảnh này, chắc chắn là một lời mời gọi chúng ta hãy can đảm sống các mầu nhiệm vượt qua của chính chúng ta với niềm hy vọng, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và kết hợp chúng với cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu. Vì vậy, chúng ta cần thấy ở đây thông điệp trung tâm của đời sống Kitô giáo chúng ta:
Linh Ảnh ĐMHCG không chỉ đơn thuần là một thứ trang trí mà còn là một thông điệp. Đó là một luận văn về mầu nhiệm trung tâm của đức tin chúng ta. Các yếu tố khác nhau xuất hiện trong Linh Ảnh, cho chúng ta biết về Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, con đường của Thập Giá, sự cầu bầu đầy yêu thương của Mẹ Maria và vinh quang của Ánh Sáng Thiên Chúa (qua nền vàng) [8].
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Linh Ảnh này cũng tiết lộ sự thật trung tâm về con người của Chúa Giêsu: Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật. Linh ảnh nhắc chúng ta một cách rõ ràng rằng Đức Maria là nơi chốn (locus) mà (Ngôi Lời) Thiên Chúa đã gặp nhân loại (Xác Phàm) trong con người của Đức Giêsu thành Nazareth. Do đó, Mẹ được xem là chiếc cầu nối lại sự hòa hợp ban đầu giữa Thiên Chúa và nhân loại (như ý hướng nguyên thủy của Thiên Chúa) đã bị phá vỡ bởi tội lỗi của con người.
Với sự bùng nổ của các giáo phái Kitô giáo khác nhau theo chủ nghĩa cơ yếu trên khắp thế giới, đặc biệt là trong vài thập kỷ qua, có những lời buộc tội sáo mòn thường được đưa ra để chống lại thực hành Công Giáo về việc tôn kính các thánh. Các việc sùng kính Đức Mẹ mang đặc nét Công Giáo không được để yên, theo nghĩa là chúng cũng bị lầm tưởng là “thờ phượng” Đức Maria! [9] Linh Ảnh ĐMHCG là một sự chống đối tương tự với với những lời buộc tội theo chủ nghĩa cơ yếu ngây thơ như vậy. Rốt cuộc, đây là một sự khắc họa về mầu nhiệm trung tâm của chính ơn cứu độ của chúng ta (tức là tập trung vào mầu nhiệm Vượt Qua). Nhưng sự miêu tả này không chỉ xoay quanh nhân vật Đức Maria, mà còn chỉ ra vai trò không thể thiếu của Mẹ trong mầu nhiệm Vượt Qua, và cách Mẹ sẽ làm điều tương tự trong “các mầu nhiệm Vượt Qua” của chính chúng ta. Điều đó muốn nói rằng, bằng cách kêu xin sự trợ giúp của Mẹ, bằng cách tôn kính Mẹ, người Công Giáo chúng ta đang thờ phượng Thiên Chúa. Người ta được nhắc nhở về khẩu hiệu Công Giáo truyền thống: “Đến với Chúa Giêsu, nhờ Mẹ Maria”!
Khía Cạnh Luân Lý
Thánh Tôma Aquinô nêu ra ba nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy và đức mến. Chúng được ân sủng của Thiên Chúa thông truyền và hướng con người về phía Thiên Chúa như là đối tượng của hạnh phúc siêu nhiên [10]. Trên thực tế, chúng là những đường nét xác định của một Kitô hữu. Theo thánh Tôma, các nhân đức đối thần được gọi là các nhân đức ‘Thiên Chúa’, bởi vì Thiên Chúa làm cho con người trở nên nhân đức nhờ chúng và hướng con người đến với chính Ngài qua các nhân đức ấy [10].
Như chúng ta đã thấy ở trên, Tân Ước miêu tả Mẹ Maria là sự trợ giúp của tất cả những ai cầu xin Mẹ, Đấng luôn sẵn sàng giúp đỡ. Vì thế, Mẹ được coi là “hiện thân của lòng bác ái”. Do đó, Mẹ – người môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô, nhắc nhở chúng ta về bổn phận của mình trong tư cách là môn đệ của Ngài là phải sống bác ái. Chính sự sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai cầu xin Mẹ, sẽ tự động khơi lên niềm tin vào Thiên Chúa, nhờ lòng sùng kính đối với Mẹ, là Đấng luôn có niềm tin kiên định vào Chúa. Thật vậy, một trong những tước hiệu mà Tin Mừng ban tặng cho Đức Maria là “kẻ đã tin” (x.Lc 1,45).
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cái siết chặt đầy an ủi đôi tay bé nhỏ của con Mẹ khi Ngài cần đến Mẹ nhất và ánh mắt dịu dàng đầy tình mẫu tử của Mẹ nhìn chúng ta biểu thị niềm hy vọng được khơi dậy cách tự nhiên trong chúng ta khi chúng ta gặp phải những đau khổ và cái chết của chính mình trong “thung lũng đầy nước mắt” này. Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng trong Linh Ảnh này, Đức Maria gợi lên nơi chúng ta các nhân đức đối thần vốn tạo nền tảng cho một đời sống luân lý tốt lành của người Kitô hữu: đức tin, đức cậy và đức mến.
Khía Cạnh Sứ Vụ
Mặc dù đúng là sự sùng kính đối với Linh Ảnh ĐMHCG này hiện là một hiện tượng Công Giáo phổ biến, nhưng người ta cũng cần chú ý rằng nó đã trở nên phổ biến chưa từng có ở lục địa Châu Á rộng lớn, nơi có dân số Công Giáo rất ít ỏi. Các đền ĐMHCG có tuần cửu nhật phổ biến ở châu Á như ở Baclaran (Manila, Philippines), Singapore, Mahim (Mumbai, Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan), Borella (Sri Lanka) .v.v. thu hút không chỉ người Công Giáo mà còn cả những người ngoại giáo. Các cửa của nhà thờ Baclaran không bao giờ đóng và có bản báo cáo cách đây ít lâu cho rằng số lượng người gia nhập Công Giáo cao nhất ở Singapore là nhờ đền ĐMHCG ở Baclaran . Hiện tượng này ở Châu Á (nơi mà tất cả các tín hữu Công Giáo chiếm không quá 3% tổng dân số Châu Á) nên là một chỉ dẫn rõ ràng cho những ai đang thi hành sứ mạng Phúc Âm Hóa (đặc biệt là DCCT) ở lục địa rộng lớn, để toàn nhập lòng sùng kính độc đáo này như một phương thế đặc biệt cho sứ mạng Phúc Âm Hóa của họ.
Người Á Châu, được kế thừa những nền văn hóa cổ đại phong phú và các tôn giáo lớn, rất thường khi, nếu không muốn nói là lúc nào cũng thích đề cập đến thực tại thánh thiêng / huyền bí thông qua các dấu chỉ, các biểu tượng và các phép ẩn dụ mang tính văn hóa của họ hơn là thông qua các giáo thuyết hoặc học thuyết được xác định rõ ràng, được công thức hóa cách chính xác [12]. Vì các ‘icon’ cũng được coi là những biểu tượng [13], nên thông điệp mang tính biểu tượng được thông truyền thông qua Linh Ảnh ĐMHCG cùng với sức hấp dẫn đầy cảm xúc và tình mẫu tử của nó tác động đến mọi chủng tộc và tín ngưỡng, đặc biệt là ở châu Á. Như Ferrero chỉ ra rằng:
Các ‘icon’ cũng có thể được coi là những hình ảnh biểu tượng mang bản chất nghệ thuật và thần học mà cả hai bản chất này đều ám chỉ và gợi lên nhiều hơn những gì chúng thể hiện. Trong những hình ảnh này, mô thức và ý nghĩa của biểu tượng đã được thăng hoa bởi sức mạnh của các vật thánh thiêng, đồng thời chúng có được những phẩm chất thẩm mỹ và tâm lý-tôn giáo có khả năng tác động đến những người chiêm ngắm chúng… . Khi chúng ta đặt mình trước chúng trong một cách thế phù hợp, chúng bắt đầu dần dần khơi lên trong chúng ta thái độ cầu nguyện [14].
Nói cách khác, đây là một người mẹ, Mẹ Thiên Chúa, người luôn sẵn sàng để ôm lấy con người (bất kể tôn giáo của họ) trong những mức độ đau khổ và cái chết khác nhau của họ, để luôn hướng đến niềm hy vọng. Xét cho cùng, đâu chỉ có các Kitô hữu mới đau khổ và chết trên trần gian này! Đối với các Kitô hữu, niềm hy vọng này trở thành niềm hy vọng đặt trên nền tảng Chúa Giêsu, Con của Mẹ, và trên sự chiến thắng phục sinh của Ngài. Đối với những người Á Châu có tư tưởng tôn giáo, thuộc các niềm tin khác, Đức Maria là “một người mẹ thánh”, một người mẹ của toàn thể nhân loại. Trong nhãn quan này, Linh Ảnh ĐMHCG, ở châu Á (và hy vọng ở những nơi khác) trở thành biểu tượng về sự gần gũi đầy tình mẫu tử của Đức Maria đối với tất cả những người đau khổ – những Kitô hữu cũng như các tín đồ ngoại giáo. Điều đó chỉ ra một cách rõ ràng rằng Đức Maria là “Evà mới” hay “Người Mẹ mới của toàn thể nhân loại”, giống như Evà đầu tiên được tiền định làm ‘mẹ của toàn thể nhân loại’. Do đó, toàn thể trái đất nài xin sự chuyển cầu đầy tình mẫu tử của Mẹ, thông qua lòng sùng kính phổ biến đối với ĐMHCG ở Á Châu.
Do đó, người ta cũng cần thấy ở đây một ý nghĩa sâu xa hơn, đặc biệt là đối với những người dân nói chung của các niềm tin khác: bức Linh Ảnh tập trung vào không phải là một ‘vị thần’ xa cách, không có cảm nhận gì đối với đau khổ của con người, mà là một ‘Thiên Chúa’, Đấng đã chia sẻ những đau khổ và cái chết của chúng ta. Điều này luôn luôn phải là một lời mời gọi rộng rãi hơn đối với lòng sùng kính ĐMHCG, và là lời mời gọi trên hết đối với chính sứ điệp Tin Mừng, một lời mời gọi có sức cuốn hút hơn cả một công thức trừu tượng, khô khan của một học thuyết hoặc một tín điều tôn giáo. Do đó, sự phổ biến đặc biệt của lòng sùng kính đối với Linh Ảnh này xuất hiện ở nhiều nơi của Châu Á.
Khía Cạnh Dòng Chúa Cứu Thế
Đức tin Kitô giáo, ngay từ ban đầu, đã có nền tảng cộng đoàn. Đó là đức tin mang tính cộng đoàn và tập thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, kể từ thời các Tông Đồ. Như vậy, về mặt lý tưởng, đức tin Kitô giáo được sống không bị giới hạn trong những giáo lý từ trên xuống, tức là từ giáo sĩ đến giáo dân. Nó cũng có một chiều hướng không thể thiếu, đó là tiến trình từ dưới lên, nghĩa là từ những niềm tin và thực hành đơn sơ thường ngày của các tín hữu. Cha Moran thể hiện rất rõ quan điểm này khi ngài viết:
Lịch sử thực hành tôn giáo trong Giáo hội Công Giáo nói chung được viết từ trên xuống. Các nguồn nghiên cứu trọng yếu là các văn bản huấn quyền của các đức giáo hoàng và công đồng, của các công trình thần học quan trọng … Tất nhiên, đây là một cách tiếp cận hợp lệ và hiệu quả đối với đời sống của Giáo Hội. Một lịch sử có giá trị bình đẳng của Công Giáo có thể được viết từ dưới lên: từ quan điểm của tôn giáo bình dân; từ mối quan hệ của người dân với thần thánh, hoặc từ ý thức tôn giáo của người bình dân. Các trào lưu của tôn giáo bình dân đi song song với các trào lưu của Giáo Hội chính thức [15].
Cũng theo nghĩa đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong Evangelii Gaudium rằng, lòng đạo đức bình dân cho phép chúng ta thấy được đức tin, một khi đã được tiếp nhận, trở nên tiêu biểu như thế nào trong một nền văn hóa và không ngừng được truyền lại (x.EG số 123). Vì vậy, đối với ngài, “các dân tộc khác nhau mà Tin Mừng đã được hội nhập văn hóa” trở thành “những chủ thể hoặc tác nhân mang tính cộng đoàn cách tích cực của việc phúc âm hóa” (EG số 122). Đức Giáo Hoàng tiếp tục gọi nó là “một linh đạo nhập thể vào trong nền văn hóa của người bé mọn” (EG số 124), và nói rằng, lòng đạo đức bình dân không phải là “không có nội dung; thay vào đó, nó phát hiện và diễn đạt nội dung đó nhiều hơn bằng các biểu tượng chứ không phải bằng cách lập luận phiến diện, và trong hành vi đức tin, nhấn mạnh vào “credere in Deum” [tin vào Thiên Chúa] hơn là “credere Deum” [tin Thiên Chúa] (EG số 124). Theo Đức Giáo Hoàng, “đối với những người có khả năng đọc chúng”, những biểu hiện của lòng đạo đức bình dân “là một locus theologicus”, đặc biệt là vào thời điểm chúng ta đang hướng tới việc tân phúc âm hóa (EG số 126).
Viết về DCCT và lòng đạo đức bình dân, cha Moran cho rằng:
Ngay từ những ngày đầu thành lập, DCCT đã biến những người giáo dân bình thường, những nhóm người cụ thể trở thành đối tượng đặc biệt của sự năng động tông đồ của mình. Bằng cách thực hành lòng đạo đức bình dân, DCCT đã cố gắng chuyển những chân lý cứu độ vĩ đại của đức tin Kitô giáo thành một phương thức sống đời sống Kitô giáo mà người bình dân có thể tiếp cận được, đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ, đồng thời giữ họ ở lại trong mối liên hệ sống động với Giáo Hội cơ cấu [16].
Với việc trao bức Linh Ảnh ĐMHCG cho DCCT vào năm 1866, khuynh hướng bẩm sinh của các tu sĩ là thúc đẩy những việc đạo đức bình dân cùng với việc công bố Lời, càng trở nên sắc bén hơn. Kể từ đó, một cách tự nhiên, các tu sĩ đã thúc đẩy lòng sùng kính phổ biến đối với Linh Ảnh ĐMHCG, đặc biệt là dưới hình thức tuần cửu nhật ở bất cứ nơi nào họ đặt chân đến. Theo nghĩa này, lòng sùng kính ĐMHCG đã trở thành một phần không thể thiếu trong sứ vụ phúc âm hoá của các tu sĩ. Như cha Serafino Fiore đã chỉ ra rằng, “Đức Giáo Hoàng Piô IX không thể ngờ rằng trong Linh Ảnh này lại là sự tổng hợp của đặc sủng DCCT. Có mầu nhiệm cứu chuộc, với những biểu tượng của cái chết và những màu sắc của niềm hy vọng. Có sự liên đới với những người cùng khổ. Có Tin Mừng mà DCCT được mời gọi để loan báo” [17].
Bài viết của Cha Vimal Tirimanna, C.Ss.R. (thuộc Vùng Colombo, Sri Lanka)
Chuyển dịch: Giuse Nguyễn Văn Vượng C.Ss.R
Nguồn tiếng Anh: https://www.cssr.news/2021/12/the-most-beloved-and-most-popular-icon-in-the-world/#_ftn9)
Trích dẫn:
[1] Trong bài viết này, Tước hiệu “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” sẽ được viết tắt là “ĐMHCG”.
[2] Để biết chi tiết về các ‘icon’, xin xem Linda Proud, Icons: A Sacred Art, Re-print, London: Pinkin Publishing Ltd., 2013; Daniel Korn, Embracing the Icon of Love, Liguori (Missouri): Liguori Publications, 2015, 9-10.
[3] Cfr., Zakaria Wahba, “Icons: Their History and Spiritual Significance”, The Orchard (the Monthly Review of St.Mark Coptic Orthodox Church, Washington DC, USA), January 1993.
[4] Cfr., Wahba.
[5] St. John Damascene, as cited in Fabriciano Ferrero, The Story of an Icon: The Full History, Tradition and Spirituality of the Popular Icon of Our Mother of Perpetual Help, Chawton: Redemptorist Publications, 2001, 31.
[6] See Catechism of the Catholic Church (1992), No:1160.
[7] No: 571.
[8] Noel Londõno (Ed.), Our Lady of Perpetual Help: The Icon, Favours and Shrines, Rome: Redemptorist Missionaries, 1998, 21.
[9] Cfr., Marek Kotynski, Meditations on the Icon of Our Mother of Perpetual Help, Rome: Scala Publications, 2015, 23.
[10] Cfr., Summa Theologiae, I-II, q.62, art.1.
[11] Cfr., Summa Theologiae, I-II, q.62, art.2.
[12] Cfr., Michael Amaladoss, “Is There an Asian Way of Doing Theology?”, East Asian Pastoral Review, 45:1 (2008), 17-20. In fact, according to Thomas Aquinas, too, no human expression can grasp fully the reality it refers to. See Summa Theologiae, II-II, q.1, art.2.
[13] Ferrero, 12.
[14] Ferrero, 27.
[15] Terrence Moran, “Popular Devotion and The Congregation of The Most Holy Redeemer” in Readings in Redemptorist Spirituality, Vol.4, John O’Donnell et.al. (Eds.), Rome, The Permanent Commission for Redemptorist Spirituality, 1991, 126.
[16] Moran, 127.
[17] Cfr., Serafino Fiore, “Suggestions for Homilies for the 2015 Perpetual Help Triduum”, the leaflet that was circulated by the CSsR Spirituality Centre, Rome, 2015.