
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp phái đoàn chính quyền Đảng Cộng sản Việt Nam tại Vatican vào ngày 18 tháng 1 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số Công giáo lớn nhất trong số các quốc gia chưa từng được Đức Giáo hoàng đến thăm. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô rất muốn đến thăm quốc gia Đông Nam Á này.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp phái đoàn chính quyền Đảng Cộng sản Việt Nam tại Vatican vào ngày 18 tháng 1. Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao của Vatican, mô tả cuộc gặp là “rất tích cực”, theo hãng tin Reuters.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp phái đoàn chính quyền Đảng Cộng sản Việt Nam tại Vatican vào ngày 18 tháng 1 năm 2024 (Ảnh: X)
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Vatican-Việt Nam nồng ấm hơn sau khi Việt Nam đồng ý cho phép Vatican cử đại diện chính thức của Giáo hoàng đến sống trong nước và mở văn phòng tại Hà Nội.
Đức Tổng Giám mục Gallagher cho biết ngài thiết nghĩ chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Việt Nam sẽ diễn ra nhưng đồng thời cũng cho biết thêm rằng “có một số bước nữa cần thực hiện trước khi có thể phù hợp”.
“Nhưng tôi thiết nghĩ Đức Thánh Cha rất muốn đi và chắc chắn cộng đồng Công giáo ở Việt Nam rất vui mừng khi được Đức Thánh Cha đến thăm. Tôi nghĩ rằng chuyến Tông du của Đức Thánh Cha sẽ gửi một thông điệp rất tốt đến khu vực”, Đức Tổng Giám mục Gallagher nói.

Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher trò chuyện với phái đoàn của chính quyền Đảng Cộng sản Việt Nam tại Vatican vào ngày 18 tháng 1 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Việt Nam là quê hương của khoảng 7 triệu người Công giáo. Hiện nay có thêm 700.000 người Công giáo Việt Nam sống ở Hoa Kỳ, nhiều người trong số họ là người tị nạn hoặc con cháu của những người tị nạn chạy trốn bằng thuyền trong Chiến tranh Việt Nam.
Tháng trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, một nhà ngoại giao Vatican người Ba Lan, làm Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam.
Việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Zalewski là một bước đi lịch sử hướng tới khả năng một ngày nào đó có thể thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ. Việt Nam đã cắt đứt quan hệ với Tòa Thánh sau khi cộng sản tiếp quản Sài Gòn vào năm 1975.
Với việc bổ nhiệm mới, Việt Nam là quốc gia cộng sản châu Á duy nhất có Đặc sứ Giáo hoàng thường trú tại nước này.
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã gọi việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Zalewski là “thành quả của sự tiến bộ” sau 14 năm đối thoại thông qua “Nhóm làm việc chung Việt Nam-Vatican”.
Đức Tổng Giám mục Zalewski trước đây từng là Đại diện Giáo hoàng không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam khi ngài được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore vào năm 2018.
Đức Tổng Giám mục Gallagher chia sẻ rằng ngài có kế hoạch đến thăm Việt Nam vào tháng 4 và Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, cũng có thể thực hiện chuyến viếng thăm Việt Nam vào cuối năm nay, đây sẽ là một chuyến thăm cấp cao mang tính lịch sử.
Giáo hội Công giáo tại Việt Nam cũng chứng kiến số lượng ơn gọi tu sĩ ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Theo dữ liệu của chính phủ, Việt Nam có 8.000 Linh mục và 41 Giám mục. Hơn 2.800 Chủng sinh đang trong quá trình đào tạo Linh mục trên khắp Việt Nam vào năm 2020, gấp 100 lần so với ở Ireland.
Theo Asia News, hơn 20.000 người Công giáo Việt Nam đã tham dự Thánh lễ vào thứ Bảy tuần trước tại Giáo phận Phan Thiết, để đánh dấu việc mở án phong Chân Phước cho Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, một nhà truyền giáo người Pháp thế kỷ 17, vị Giám mục tiên khởi của Đàng Trong, Việt Nam.
Vào tháng 9 năm 2023, một phái đoàn gồm 90 người Công giáo Việt Nam và 7 Giám mục đã tới Mông Cổ để gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm của Đức Thánh Cha tới quốc gia châu Á này.
“Chúng tôi đến Mông Cổ để mời Đức Thánh Cha đến thăm Việt Nam”, Linh mục Huỳnh Thế Vinh thuộc Giáo phận Phú Cường, Việt Nam nói với CNA tại Ulaanbaatar.

Các tín hữu Công giáo Việt Nam tại cuộc gặp gỡ liên tôn của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Ulaanbaatar, Mông Cổ, vào ngày 3 tháng 9 năm 2023 (Ảnh: Courtney Mares/CNA)
Kimviet Ngo, một người Công giáo Việt Nam tham gia phái đoàn từ quê nhà Washington, D.C., chia sẻ thêm: “Tôi thực sự hy vọng một ngày nào đó Đức Thánh Cha có thể đến Việt Nam, bởi vì nếu Đức Thánh Cha đến Việt Nam, điều đó sẽ thay đổi rất nhiều quan điểm tự do tôn giáo ở đất nước chúng tôi”.
Hiến pháp Việt Nam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của cá nhân. Tuy nhiên, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), cơ quan tư vấn cho các cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ, khuyến nghị Việt Nam nên được chỉ định là “quốc gia cần đặc biệt quan tâm” trong báo cáo năm 2024 được công bố trong tháng này.
Báo cáo đã trích dẫn sự đàn áp của chính phủ đối với các nhóm tôn giáo, đặc biệt là các cộng đồng độc lập chưa đăng ký, bao gồm các cộng đồng Tin lành và Phật giáo. Chính quyền địa phương cũng gây áp lực buộc một số người tham dự các nhà thờ Tin lành do nhà nước kiểm soát phải từ bỏ đức tin của họ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã được hỏi về khả năng về chuyến Tông du đến Việt Nam trong cuộc họp báo trên chuyến bay khi ngài trở về từ Mông Cổ vào ngày 4 tháng 9.
Đức Thánh Cha nói bông đùa khi trả lời: “Nếu tôi không đến Việt Nam, tôi chắc chắn rằng [vị Giáo hoàng tương lai] Đức Gioan XXIV sẽ đi!”.
Minh Tuệ (theo CNA)