Giáo Hội của Đức Phanxicô là sự đối nghịch hoàn toàn đối với một Giáo Hội thuộc về hàng giáo sĩ. Đó là một Giáo Hội phục vụ Tin Mừng, chứ không phải là một Giáo Hội chỉ bận tâm vì sự sống còn về mặt thể chế của nó. “La Croix” tiến hành xem xét một số vấn đề quan trọng trong Triều đại Giáo Hoàng của vị Giáo Hoàng này.
“Hy vọng cũng giống như một chiếc thuyền buồm,” Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh như vậy trong buổi tiếp kiến chung hôm Thứ Tư vừa qua, ám chỉ đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. “Chiếc thuyền ấy thu vào luồng gió của Thần Khí và biến nó trở thành một động lực hoặc là thúc đẩy con thuyền ra với biển khơi hoặc là đẩy nó trở về bờ”.
Liệu rằng niềm hy vọng này có thể cho phép cuộc cải cách của Đức Phanxicô dẫn dắt Giáo Hội tiếp tục ra khơi chăng? Đây là một loại câu hỏi liên tục lặp lại trong các cuộc trò chuyện với các tín hữu tại Rôma.
Lý do là, trong khi những cuộc cải cách của ĐTC Phanxicô có thể được nhìn thấy cách rõ ràng, người ta đang tự hỏi rằng liệu chúng sẽ còn kéo dài bao lâu nữa. Hoặc thậm chí một cách trực tiếp hơn, họ đang hỏi liệu rằng những cuộc cải cách này sẽ vẫn tồn tại sau cái chết của một vị Giáo Hoàng đã bước qua cái tuổi bát tuần và vốn đã luôn nhận thấy một sự yếu đuối về mặt thể lý.
Sự đối nghịch với một bộ phận “thiểu số sáng tạo”
Một người thân cận với Đức Thánh Cha đã sử dụng hình ảnh của một con tàu. Giáo Hội giống như một chiếc thuyền buồm bị mắc kẹt trong bãi cát và không thể di chuyển về phía trước. Giáo Hội dường như vẫn còn tồn tại một cấu trúc bất động, nép mình trong một truyền thống lâu đời, đang bất lực nhìn các tín hữu Công Giáo đang từ từ nhảy ra khỏi con tàu đó.
Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã thành công trong việc đưa con tàu ấy trở lại với biển khơi. Ngài là vị Giáo Hoàng đã thừa nhận sự tục hóa và đồng thời đã kêu gọi Giáo Hội đóng vai trò của mình một cách trọn vẹn trong lòng một xã hội đã bị tục hóa.
Giáo Hội tự mình cần phải “bước ra bên ngoài”, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã lập lại với nhiều cách thức khác nhau.
Giáo Hội phải bước ra bên ngoài, để đồng hành với con người, với tất cả mọi dân tộc, trái ngược lại với ý niệm về một bộ phận “thiểu số sáng tạo” của Đức Bênêđictô XVI, được hình thành bởi một tầng lớp ưu tú, những người đã tự thấy mình có trách nhiệm giữ gìn sứ điệp của Kitô giáo chống lại những điều trái ngược.
Dưới thời Đức Phanxicô, Giáo Hội tự giải thích cho mọi người bằng những từ then chốt là lòng bác ái và Lòng thương xót. Không còn nữa khái niệm người bên trong hay kẻ đứng bên ngoài.
Kế hoạch duy nhất đó chính là Tin Mừng, đôi khi có thể gây bối rối hay đảo lộn kế hoạch của con người.
Một Giáo Hội chống lại giáo sĩ trị
Kết quả là, Giáo Hội của Đức Phanxicô là sự đối nghịch hoàn toàn đối với một Giáo Hội chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ. Đó là một Giáo Hội phục vụ Tin Mừng, chứ không phải là một Giáo Hội chỉ bận tâm vì sự sống còn về mặt thể chế của nó.
Cuối cùng, Giáo Hội của Đức Phanxicô không phải là một Giáo Hội La Mã. Ngài đang nỗ lực để hạn chế ảnh hưởng của các Hồng Y Giáo Triều bằng cách kêu gọi các Giám Mục bình thường, chẳng hạn như nhóm các Hồng Y C9 nổi tiếng, để cố vấn cho mình, và bằng cách đề cao ý niệm về công đồng tính (synodality).
Các nhà bình luận hiểu rõ Vatican cũng đã lặng lẽ lưu ý rằng hiện có rất ít tài liệu được xuất bản bởi các Thánh Bộ của Giáo Triều Roma. Chẳng hạn, hoạt động của Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình.
Cơ quan này trước đây đã ban hành nhiều tuyên bố về mọi chủ đề với mục đích duy nhất là nhắc nhở các tín hữu về những điều ngăn cấm cũng như những lời cảnh báo.
Thậm chí ngay cả Bộ Giáo lý Đức Tin cũng có vẻ như đang trong tình trạng ngủ đông. Theo quan điểm của Đức Phanxicô, trước hết là các Hội đồng Giám Mục quốc gia hoặc các Hội đồng Giám Mục lục địa nên có các sáng kiến mục vụ.
Ai sẽ nối tiếp Đức Phanxicô?
Như các cuộc tiếp xúc Vatican của chúng tôi đã xác nhận, con tàu Giáo Hội đã thực sự rời khỏi bến dưới cánh buồm của Công đồng Vatican II chỉ với sự hướng dẫn của Tin Mừng. “Nhưng liệu rằng điều này sẽ kéo dài bao lâu?”.
Chắc chắn một văn kiện hiến pháp có tính quy chuẩn có thể thể chế hóa việc tái cân bằng lại các trung tâm quyền lực. Nhưng một vị Giáo Hoàng có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn thực hiện. Vì vậy, một cấu trúc mới sẽ không ngăn cản một vị Giáo Hoàng tương lai trở lại một hệ thống La Mã chính thức hơn.
Trong thực tế, cách tốt nhất để một vị Giáo Hoàng tiếp tục công việc của mình là đảm bảo rằng người kế nhiệm ông sẽ tiếp tục công việc đó. Do đó cần phải chuẩn bị Cơ Mật Viện tiếp theo.
Đây là cách duy nhất để có thể hiểu được tuyên bố mới nhất của Đức Phanxicô rằng Ngài sẽ bổ nhiệm thêm 5 tân Hồng Y, một động thái gây bất ngờ cho mọi người. Ngài đã vượt qua quy luật hiện tại với quy định 120 vị Hồng Y dưới tám mươi tuổi.
Năm vị tân Hông Y này có cách nhìn bao trùm nhiều vấn đề, nhưng tất cả họ đều chia sẻ chung một tầm nhìn của Đức Phanxicô đối với Giáo Hội. Họ chủ yếu là những vị Mục tử, đến từ các quốc gia đôi khi còn chưa được biết đến, đôi khi bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm cuộc sống một cách rất mạnh mẽ, bao gồm cả những đau khổ, và họ đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
Bốn năm sau khi được bầu chọn làm Giáo Hoàng, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm gần 40% cử tri đoàn cho Cơ Mật Viện sắp tới. Đây là một con số rất lớn, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Lòng yêu mến mãnh liệt đối với Giáo Hoàng
Một lĩnh vực khác thể hiện sự tán thành đối với Đức Phanxicô chính là sự tín nhiệm dành cho Ngài trong lòng dân chúng. Điều này được thể hiện rõ qua các buổi tiếp kiến chung mỗi thứ Tư hàng tuần.
ĐTC Phanxicô ôm hôn những đứa bé, trải lòng mình ra với hết thảy mọi người như trong một bữa tiệc vui vẻ của những đứa trẻ lòng hớn hở, mà qua đó Ngài đã dành thời gian nói chuyện và lắng nghe đám đông dân chúng.
Tuy nhiên, bất chấp sự khẳng định rằng mình cũng chỉ là một tội nhân đáng thương, Đức Phanxicô thực sự đã giúp tạo ra một một bộ máy “tôn kính Giáo Hoàng” khổng lồ, mặc dù Ngài đã làm như vậy một cách không chủ ý.
Thật khó để tưởng tượng việc một người kế nhiệm thay đổi định hướng của một vị Giáo Hoàng bình dân như vậy – ít nhất là không công khai – mà không gây ra một sự phân ly trong Giáo Hội Công Giáo.
Các Giám Mục thận trọng và những người giáo dân thầm lặng
Tuy nhiên, trong khi dân chúng rõ ràng đang ở bên cạnh Đức Phanxicô, thì các “nhà quản lý” lại vắng mặt một cách đáng chú ý. Trong số các đoàn tùy tùng của Đức Phanxicô, người ta cảm thấy một sự thất vọng nơi các Giám Mục địa phương, những người dường như ủng hộ Ngài chỉ bằng lời nói hoặc chỉ chú ý đến những thay đổi của Ngài mà không có những sáng kiến mà Ngài đã kêu gọi trong nhiều bài diễn văn.
Với tư cách là một nhóm, các Giám Mục đã làm mất mặt Đức Phanxicô theo kiểu một trò chơi chờ đợi thận trọng. Mặt khác, có lẽ kiểu Giáo Hội mà Đức Phanxicô muốn hướng đến lại quá đòi hỏi đối với họ.
Có một vấn đề tương tự với các phong trào giáo dân Công Giáo.
Như một nhà quan sát đã tâm sự: “Trong gần 50 năm, giáo dân đã phàn nàn về chủ nghĩa độc đoán của Roma, những lập trường quá bảo thủ cũng như việc thiếu nối kết của Giáo Hội đối với xã hội. Nhưng hiện nay, khi chúng ta kêu gọi họ, các phong trào Công Giáo hay các hiệp hội Công Giáo đang ở đâu?”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành công trong việc đạt được sự ủng hộ của các phong trào có sức thu hút cũng như các phong trào mới khác của Giáo Hội. Nhưng có bao nhiêu người trong số này đã đáp lại lời mời gọi của ĐTC Phanxicô đối với Giáo Hội để bước ra bên ngoài?
Ai sẽ đem những chủ đề tuyệt vời của Đức Phanxicô và truyền lại cho những giáo dân bình thường? Đây có lẽ là nguyên lý gót chân Achilles có ý nghĩa quan trọng đối với triều đại Giáo Hoàng này … Thậm chí ngay cả khi vẫn còn lý do để hy vọng.
Minh Tuệ chuyển ngữ