Năm 2008, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ định ngày 8 tháng 6 là Ngày Đại dương Thế giới, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của đại dương trong cuộc sống của chúng ta và những cách thức quan trọng mà mọi người có thể giúp bảo vệ nó.
Các đại dương trên thế giới – nhiệt độ, hóa chất, các dòng chảy và sự sống của chúng – điều khiển các hệ thống toàn cầu vốn làm cho trái đất có thể ở được đối với loài người. Nguồn nước mưa, nước uống, thời tiết, khí hậu, các bờ biển, phần lớn thực phẩm, sinh kế, giao thông, thương mại và thậm chí cả oxy mà chúng ta thở, cuối cùng đều được cung cấp và điều tiết bởi đại dương.
Đây chính là lý do tại sao Liên Hợp Quốc đang kêu gọi cộng đồng quốc tế tự cam kết đối với việc bảo tồn và tính bền vững của các đại dương trên thế giới thông qua sự đổi mới và khoa học. Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, đã đưa ra lời kêu gọi trong một thông điệp video nhân Ngày Đại dương Thế giới, thứ Hai 8/6.
Ý tưởng về Ngày Đại dương Thế giới lần đầu tiên được đề xuất bởi các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất của Liên Hợp Quốc vào năm 1992 tại Rio de Janeiro, Brazil. Năm 2008, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ định ngày 8 tháng 6 là Ngày Đại dương Thế giới, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của đại dương trong cuộc sống của chúng ta và những cách thức quan trọng mà mọi người có thể giúp bảo vệ nó.
Chủ đề của việc tổ chức sự kiện năm nay đó là “Đổi mới vì một đại dương bền vững”, mà qua đó mà người đứng đầu Liên Hợp Quốc đang thúc giục cam kết của cộng đồng quốc tế.
Xây dựng mọi thứ quay trở lại tốt đẹp hơn với thiên nhiên
“Đại dịch COVID-19 là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về cách thức tất cả chúng ta có sự kết nối mật thiết với nhau và với thiên nhiên”, Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, phát biểu trong một thông điệp video nhân sự kiện này.
“Khi chúng ta nỗ lực làm việc nhằm chấm dứt đại dịch và xây dựng mọi thứ quay trở lại tốt đẹp hơn”, ông Guterres nói, “chúng ta có cơ hội của cả một thế hệ – và trách nhiệm – để điều chỉnh mối tương quan của chúng ta với thế giới tự nhiên, bao gồm cả các vùng biển và đại dương trên thế giới”.
Các đại dương và sự sống của con người bị đe dọa
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của các đại dương đối với đời sống con người, đồng thời cho biết rằng chúng cung cấp cho chúng ta “thực phẩm, sinh kế, giao thông và thương mại”. “Với tư cách là lá phổi của hành tinh của chúng ta và bể chứa carbon lớn nhất của nó”, vốn hấp thụ nhiều carbon dioxide hơn so với việc thải ra loại hợp chất này, “các đại dương đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu toàn cầu”.
Theo Liên Hợp Quốc, hơn 3 tỷ người phụ thuộc vào sự đa dạng sinh học biển và ven biển để kiếm sống.
Trong thông điệp của mình, ông Guterres cảnh báo, “mực nước biển đang tăng lên do biến đổi khí hậu, đe dọa cuộc sống và sinh kế ở các quốc gia vùng thấp và các thành phố và các cộng đồng ven biển trên khắp thế giới”.
Các đại dương đang trở nên có tính chất axit hơn, khiến tình trạng đa dạng sinh học biển và các chuỗi thực phẩm thiết yếu gặp nguy hiểm, và ô nhiễm nhựa tràn lan khắp mọi nơi.
Theo chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, khoảng 300 triệu tấn chất thải nhựa được sản xuất mỗi năm, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ con người.
Thập kỷ vì một đại dương bền vững
Thu hút sự chú ý đối với chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới, “Đổi mới vì một Đại dương bền vững”, người đứng đầu Liên Hợp Quốc kêu gọi sự nhận thức rõ hơn về các đại dương nhằm bảo tồn nguồn cá và đồng thời khám phá các sản phẩm và các loại thuốc mới.
Chủ đề năm nay, đặc biệt có liên quan trong phần mở đầu cho Thập kỷ Khoa học Đại dương của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững, được đặt ra từ năm 2021 đến 2030. Thập kỷ này dự kiến tăng cường sự hợp tác quốc tế nhằm triển khai nghiên cứu khoa học và các công nghệ tiên tiến có thể kết nối khoa học đại dương với các nhu cầu ủa xã hội.
Hy vọng rằng Thập kỷ này sẽ cung cấp động lực và khuôn khổ chung cho mọi hành động, ông Guterres kêu gọi các chính phủ và tất cả các bên liên quan tự cam kết đối với việc bảo tồn và tính bền vững của các đại dương thông qua sự đổi mới và khoa học.
Trong một thông điệp riêng nhân Ngày Đại dương Thế giới, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Thập kỷ này.
Bà Audrey Azoulay cho biết rằng nhiều bí mật của các đại dương, phần lớn vẫn chưa được biết đến, cần phải được nghiên cứu. Khả năng sáng tạo và sự đổi mới của con người là cần thiết để cứu vãn các đại dương khỏi tình trạng đáng lo ngại của chúng. Nhân loại cần nhận ra rằng không có giải pháp kỹ thuật nào có thể thay thế sự hiểu biết rộng rãi, cá nhân về các mối đe dọa đối với các đại dương, cũng như những bí ẩn và vẻ đẹp của chúng.
SDG # 14 – Đời sống dưới nước
Việc bảo tồn các đại dương, các vùng biển và tài nguyên biển của nó và việc sử dụng chúng một cách bền vững là trọng tâm chính của Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 14. Đây là một trong 17 mục tiêu của Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững của LHQ mà các nhà lãnh đạo thế giới cam kết đạt được vào năm 2030, nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh, cải thiện cuộc sống và triển vọng của tất cả mọi người, ở bất cứ nơi đâu.
Minh Tuệ (theo Vatican News)