
Đức Giám mục Michel Kassarji, người đứng đầu Cộng đồng Chaldean ở Lebanon (Ảnh: các tín hữu Chaldeans tại Lebanon)
Tại Lebanon, các nhà lãnh đạo Kitô giáo đã cùng nhau quy tụ để tham dự buổi tối cầu nguyện cho Iraq và Giáo hội Công giáo Chaldean đang bị bủa vây.
“Giáo hội của chúng ta ở Iraq đang trải qua những hoàn cảnh hết sức khó khăn”, Đức Giám mục Michel Kassarji Địa phận Beirut nghi lễ Chaldean cho biết tại buổi cầu nguyện liên đới vào ngày 12 tháng 8 tại Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael nghi lễ Chaldean ở Baabda, ngoại ô Beirut, với sự đại diện của các Thượng phụ, Giám mục và Linh mục từ các Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo.
“Chúng ta sẽ không đầu hàng và Thiên Chúa là Đấng bảo vệ chúng ta. Lạy Chúa, xin hãy chiếu tỏa ánh sáng của Chúa và chúc lành cho chúng con, xin chúc lành cho các vị Mục tử của chúng con, xin chúc lành cho các Linh mục và những người được thánh hiến, những người mang Tin Mừng của Chúa, xin chúc lành cho Iraq và người dân của chúng con, xin chúc lành cho Giáo hội Chaldean, xin chúc lành cho Lebanon, xin chúc lành cho các quốc gia của chúng con”.
“Thiên Chúa đã đặt để chúng ta trên vùng đất linh thánh này, vùng đất của Tiên tri Abraham, vùng đất Ur của người Chaldea”, Đức Giám mục Kassarji nói, ám chỉ đến Iraq, nơi cội nguồn của Giáo hội Chaldean có từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo.
Lời kêu gọi cầu nguyện được đưa ra sau thông báo vào tháng 7 của Đức Hồng Y Louis Sako, Thượng phụ của người Công giáo Chaldean ở Iraq, rút khỏi Tòa Thượng phụ ở Baghdad và chuyển đến một Tu viện ở khu vực Kurdistan.
Việc tự nguyện rời khỏi trụ sở Tòa Thượng phụ theo sau quyết định của Tổng thống Iraq Abdul Latif Rashid, người đã thu hồi một sắc lệnh chính thức công nhận Hồng y là Thượng phụ Chaldean ở nước này.
Sắc lệnh năm 2013 của người tiền nhiệm của Tổng thống Rashid đã trao quyền này cho Đức Hồng y Sako.
Ngài được bổ nhiệm làm Thượng phụ vào năm 2013 và được Đức Thánh Cha Phanxicô nâng lên hàng Hồng y vào năm 2018.
Trong thông báo vào ngày 15 tháng 7, Đức Hồng Y Sako nói: “Thật không may là chúng ta ở Iraq đang sống giữa bối cảnh của một mạng lưới rộng lớn của chủ nghĩa tư lợi, chủ nghĩa bè phái hẹp hòi và thói đạo đức giả đã tạo ra một sự hỗn loạn chưa từng có về chính trị, quốc gia và đạo đức, vốn ngày càng bén rễ sâu hơn. Nguyện xin Thiên Chúa nâng đỡ các Kitô hữu Iraq đang bất lực”.
Trước năm 2003, số lượng Kitô hữu ở Iraq là hơn 1,5 triệu người và hiện ước tính còn dưới 200.000 người, do làn sóng di cư, đặc biệt sau khi bị Nhà nước Hồi giáo tận diệt vào năm 2014.
“Đức tin của chúng ta vững chắc như đá tảng, cho dù thử thách có khắc nghiệt đến đâu, chúng ta sẽ vẫn giữ hạt giống này ở các quốc gia của chúng ta”, Đức Giám mục Kassarji nhấn mạnh tại buổi cầu nguyện.
Đức Giám mục Kassarji chỉ ra rằng Đức Thượng phụ Sako, giống như tất cả các Thượng phụ tiền nhiệm, “đã góp phần nâng cao tên tuổi của Giáo hội Chaldean ở Iraq và trên thế giới”.
“Tôi đảm bảo với anh chị em rằng tiếng chuông của các nhà thờ và cuộc tranh đấu của các giáo sĩ … sẽ là chất men cho sự liên tục của vùng đất được chúc phúc này, vốn là thông điệp gửi đến toàn vũ trụ”, Đức Giám mục Kassarji nói.
Buổi cầu nguyện diễn ra dưới sự ủng hộ của Đức Hồng Y Bechara Rai người Lebanon, Thượng phụ của các tín hữu Công giáo nghi lễ Maronite. Nhắc đến câu Tin Mừng Mác-cô 5:8, “Thần ô uế kia, hãy xuất khỏi người này” trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Rai đã than phiền về những ảnh hưởng tai hại trong thời đại của chúng ta, đặc biệt là giữa các nhà lãnh đạo thế giới.
“Thế giới ngày nay, đặc biệt là những kẻ thống trị, gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên, bỏ qua những lệnh truyền và giới răn của Người, nhượng bộ lợi ích của họ với cái giá phải trả là thiện ích chung, gây ra sự bất công, chuyên chế và châm ngòi cho ngọn lửa của xung đột và chiến tranh, mà không chút lương tâm cắn rứt. Điều này có nghĩa là các thế lực tà ác và ma quỷ đang kiểm soát họ”, Đức Hồng Y Rai nói.
Lãnh đạo của Giáo hội nghi lễ Maronite đã đề cập đến “thảm kịch của Iraq thân yêu, của người dân của nước này, của Giáo hội Chaldean và các Giáo hội và các Kitô hữu khác”.
Đức Hồng Y Rai cũng chỉ ra “những thảm kịch ở Syria, Thánh địa và Lebanon, nơi Thiên Chúa tỏ mình ra trong Cựu Ước và Tân Ước, và đặt nền móng cho nền văn hóa Kitô giáo vốn đã làm phong phú các quốc gia này bằng nền văn minh của họ”.
“Nhờ sứ điệp Tin Mừng tại những quốc gia mà Thiên Chúa muốn chúng ta hiện diện, chúng ta vẫn kiên định trong đức tin, đức cậy và đức mến, và chúng ta quyết tâm sống với nhau trong tinh thần huynh đệ, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau với mọi công dân”, Đức Hồng Y Rai nói.
“Nguyện xin Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện của chúng ta và ban món quà hòa bình cho đất nước Iraq thân yêu, Giáo hội Chaldean chị em của chúng ta, các Thượng phụ, Giám mục, hàng giáo sĩ, các tín hữu và các quốc gia Trung Đông cũng như các Giáo hội của chúng ta”, Đức Hồng Y Rai nói.
Minh Tuệ (theo UCA News)