Giáo hội tại thung lũng Beqaa của Lebanon vẫn đang phát triển mạnh mẽ, bất chấp cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra và tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài. Các gia đình và tín hữu Kitô giáo đang đưa ra lời chứng mạnh mẽ bằng cách chăm sóc những người phải di tản vì chiến tranh. Nhiều Hội dòng mới cũng đang gia tăng, góp phần duy trì Đức Tin sống động tại vùng đất được xem là trái tim của Kitô giáo ở Trung Đông.
Thung lũng Beqaa, được mệnh danh là “vựa lúa” của Lebanon, đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng khu vực. Trong khi các thành trì của Hezbollah ở những khu vực có đa số người Shia bị tấn công dữ dội, các ngôi làng Kitô giáo phần lớn vẫn tránh được các cuộc xung đột trực tiếp. Nhiều cư dân địa phương, như bà Naddaf, một góa phụ Kitô giáo 70 tuổi, đã không ngần ngại mạo hiểm chính sự an toàn của mình để giúp đỡ tha nhân.
Lòng trắc ẩn Kitô giáo tỏa sáng giữa bóng tối
Đại diện của tổ chức bác ái Công giáo mang tên Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACN) đã đến thăm bà Naddaf và nhiều người trong hoàn cảnh tương tự tại thung lũng Beqaa. Trong phòng khách nhỏ của bà, cạnh bức ảnh Thánh Charbel, bà Naddaf hồi tưởng lại sự việc xảy ra vào tháng 10 năm ngoái: “Một ngày nọ, có một chiếc xe đậu ngay ngoài đường. Rồi thêm một xe khác đến, rồi lại một chiếc nữa”.
Bà Naddaf đã đón tiếp 3 gia đình Hồi giáo Shia phải di tản – tổng cộng 12 người – vào căn nhà khiêm tốn của mình, lo cho họ ăn uống, quần áo và chỗ ngủ nghỉ suốt hai tháng. Trong thời gian đó, một phụ nữ mang thai đã sinh con, nâng tổng số người tạm trú lên 13 người.
Bà hoàn toàn không biết những người đó là ai. Khi được hỏi có sợ hãi khi đón tiếp nhiều người lạ như vậy không, bà chỉ trả lời: “Tôi đã làm điều Chúa Kitô dạy”, rồi nói thêm: “Sự can đảm đến từ Đức Trinh Nữ Maria”.
Tổ chức ACN đã hỗ trợ bà Naddaf và các Kitô hữu trong vùng thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc cung cấp thực phẩm cứu trợ khẩn cấp và các bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân.
Giáo hội tiếp tục là chứng tá của niềm hy vọng
Trên khắp thung lũng Beqaa, những dấu chỉ của hy vọng, khả năng phục hồi và đổi mới đang dần hé lộ. Ngay tại trung tâm thung lũng, cộng đoàn đan tu của các Thầy Beit Maroun thuộc Giáo hội Công giáo nghi lễ Maronite mới được thành lập cách đây 5 năm, đang trải qua sự phát triển đáng kể. Toàn thể 23 tu sĩ – phần lớn ở độ tuổi 20 và 30 – đã tự tay xây dựng toàn bộ đan viện và nhà nguyện của họ, với sự trợ giúp tối thiểu từ bên ngoài.
Hai trong số các tu sĩ xuất thân từ Sydney có cha mẹ là người Lebanon, Úc. Tuy không có quan hệ họ hàng, Thầy John Maroun và Thầy John Paul đã trở về quê hương tổ tiên đáp lại tiếng gọi thiêng liêng, đi ngược lại làn sóng di cư của giới trẻ Lebanon.
ACN đã hỗ trợ công cuộc đào tạo của cộng đoàn các Thầy Beit Maroun và tiếp tục tài trợ cho nhiều sáng kiến nhằm củng cố sự hiện diện của Kitô giáo tại Trung Đông.
Nền giáo dục Công giáo thúc đẩy hòa bình
Các đại diện của tổ chức bác ái này cũng đã đến thăm tu viện của các Nữ tu Dòng Chúa Giêsu Bị Bỏ Rơi, một Hội dòng được thành lập vào năm 2011. Các Nữ tu đang giảng dạy trong các trường học Công giáo tại những khu vực có đa số dân theo Hồi giáo Shia, vừa dạy Giáo lý cho học sinh Kitô hữu, vừa giảng dạy các môn đạo đức cho học sinh Hồi giáo.
Nữ tu Maggie cho biết: “Nhiều gia đình Hồi giáo chọn gửi con em đến các trường học Công giáo vì chất lượng học tập và các giá trị luân lý mà nhà trường đem lại”. Sự dấn thân của các Nữ tu trong lĩnh vực giáo dục đang góp phần xây dựng những cầu nối, thúc đẩy hòa bình và sự hiểu biết giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau.
Giữa bối cảnh xung đột vũ trang và sự khó khăn kinh tế đang tiếp diễn, sự trợ giúp của ACN chính là nguồn sống cho Giáo hội tại Lebanon. Bên cạnh việc hỗ trợ khẩn cấp và đào tạo Linh mục, tu sĩ, tổ chức này còn cung cấp sự trợ giúp cho các trường học Công giáo, học bổng cho sinh viên Kitô hữu và thuốc men thiết yếu cho người cao tuổi.
Minh Tuệ (theo ACN)