Cuộc sống là một chuỗi dài những chọn lựa. Những chọn lựa vừa cho thấy giá trị bản thân của một người, vừa bộc lộ tầm vóc của người ấy.
Trình thuật Gioan Tẩy giả bị trảm quyết, tác giả Mác cô cho thấy những khuôn mặt xoay quanh cái chết của ông. Mỗi khuôn mặt được họa khắc đậm nét bằng những chọn lựa của mình, và hậu quả của những chọn lựa ấy là sự bi thảm trong sự đối kháng mãnh liệt, không khoan nhượng giữa hai yếu tố đối nghịch và luôn mang tính loại trừ là thiện và ác, công chính và bất nhân.
Khuôn mặt vua Hêrôđê, một hôn quân ngạo mạn, luôn thèm khát quyền lực, nhục dục và trác táng. Ông công khai loạn luân khi lấy Hêrôđia, chị dâu của mình làm vợ. Điều này khiến Gioan Tẩy giả, vị Tiền hô cho Đấng Mêsia, với lương tâm và trách nhiệm của một ngôn sứ, đã can đảm lên tiếng can ngăn, tố cáo hành vi sai trái, kêu gọi nhà vua trở về nẻo chính đường ngay.
Rất trọng thị vị ngôn sứ nhưng cũng lấy làm chướng. Tâm trí Hêrôđê bị giằng co, xâu xé giữa việc phải chọn lựa giữa chính và tà. Bên cạnh đó là sự lồng lộn căm thù của bà Hêrôđia muốn lấy mạng Gioan Tẩy giả để lấp đầy sự nhục nhã của mình, Hêrôđê đã chọn giải pháp bắt giam và xiềng ông trong ngục thất. Nhất cử lưỡng tiện, Hêrôđê coi giải pháp đó như sự chọn lựa của lương tâm bối rối, giữa hai điều xấu, chọn cái ít xấu hơn. Nhưng có đúng như thế không, hay chỉ là sự chọn lựa “ba phải”?
Tác giả Mác cô viết: “Một ngày thuận lợi đến: Nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thiết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái:’Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (Mc 6,21-23)
“Ngày thuận lợi” này thuận lợi cho ai? Thuận lợi để làm gì?
Đó là ngày thuận lợi để mọi người phải dứt khoát trong sự chọn lựa của mình, và vì thế cái tâm nhập nhằng – dứt khoát, lương thiện – gian ác phải bộc lộ, bộc lộ với tất cả trương lực của nó.
Nỗi buồn của vua Hêrôđê không thể dùng để biện minh cho thái độ lừng khừng hoặc hối tiếc, phải trả giá vì trót hứa. Biết đó là điều sai trái, ông không thể đổ toàn bộ trách nhiệm cho người xin. Không phải ông không can đảm để từ khước lời cầu xin phi nhân, mà ông buồn phiền, bởi sự cố này đã làm “xấu” công khai bộ mặt “vốn xấu” mà ông đã khéo che đậy bấy nay.
Cô con gái bà Hêrôđia, tuy còn tùy thuộc vào bà mẹ, nhưng cô cũng thích “ngay lập tức”, có được cái đầu Gioan Tẩy giả “đặt trên mâm”.
Bà Hêrôđia nhận đầu của Gioan Tẩy giả từ tay con gái, toại nguyện và thỏa lòng, như nguyên nhân và kết quả của sự chọn lựa bấy nay.
Cái chết của Gioan Tẩy giả trở nên mối phúc “bị bách hại vì lẽ công chính”. Vì binh vực cho công lý, để làm chứng cho lẽ phải, cho dẫu phải thiệt thân, Gioan Tẩy giả trở nên là một sự chọn lựa ngôn sứ, luôn đứng về phía nẻo chính, đường ngay, trong tất cả mức độ lớn nhỏ.
Cái chết của Gioan Tẩy giả như thế vừa dọn đường cho Đấng Mêsia đến, vừa tiên báo sự chết Cứu độ của Người, trong sự lựa chọn cao cả nhất, trở nên mẫu mực, là chọn lựa thi hành thánh ý Thiên Chúa.
Trong một xã hội tôn vinh sự dối trá, sự thật bị coi thường, công lý bị phỉ nhổ, việc chọn lựa lối sống lươn lẹo với tất cả mánh khóe bất lương, phơi bày sự độc ác, thói chữa mình, cốt để bản thân được lợi là điều hiển nhiên. Liệu những người con của Chúa có dám chọn lựa là “tiếng kêu trong sa mạc”, có dám chọn lựa sống ngay chính và dám chọn chết cho những cám dỗ thường ngày?
Jos Ngô Văn Kha CSsR