Trong Mùa Phục sinh, Hội thánh hướng con cái mình đến niềm vui trọn vẹn của Đức Trinh Nữ Maria, vì Chúa đã sống lại thật. Halleluia.
Để có được niềm hoan hỉ đầy tràn này, Đức Maria đã sống ơn gọi của Thiên Chúa một cách hoàn hảo. Từ tiếng xin vâng lần đầu được thưa lên với Thiên Chúa trong tư cách là một nữ tỳ, trong ngày Truyền Tin, Đức Maria đã dàn trải âm vang của tiếng xin vâng đó trong suốt cuộc sống với sự gắn bó chặt chẽ với Ngôi Lời nhập thể, ngay từ giây phút đầu tiên của mầu nhiệm, cho đến chặng cuối của công cuộc cứu chuộc của Đức Giêsu, khi Người được “được giương cao khỏi mặt đất”, tiếng xin vâng của Đức Maria như bay vút lên trời cao, hòa quyện với sự tín thác mọi sự cho kế hoạch của Thiên Chúa của Người Con.
Niềm vui khôn tả của Đức Trinh Nữ Maria không phải là sự dồn nén của những năm tháng cơ cực, nay được bung ra với tất cả sức bật của nó, nhưng niềm vui ấy là thành tựu, là hoa trái của cả một cuộc sống nhiều lần phải bước đi “trong lũng âm u” với những nguy khốn rình rập, nhưng Đức Maria vẫn kiên vững phó mình trong tay Thiên Chúa, vì đã có Đấng Emmanuen mà “Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Halleluia”, đã để mọi ngày cho “lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ.” (Tv 22,6)
Niềm vui của Đức Trinh Nữ Maria là niềm vui cứu độ, khi cùng với Người Con là Đức Giêsu bước từng bước “xin vâng” trên những chặng đường khổ nạn. Chỉ có Mẹ mới hiểu trọn vẹn thế nào là sức nặng gánh tội thế gian, là cái giá phải trả để chuộc tội trần gian, và phải chết trong khổ nhục để xóa bỏ tội lỗi cho loài người của Người Con. Sự đau khổ, buồn sầu, thất vọng của các môn đệ Đức Giêsu làm sao sánh được với sự bi thảm của bóng hình liêu xiêu Mẹ đứng kề bên cây thập giá treo xác thân con, trong buổi chiều tà, trên đỉnh đồi Canvê!
Đang khi các môn đệ hoang mang và chơi vơi, chấp chới trong nỗi sợ và cô quạnh, thì Mẹ, trong sự cô tịch giữa một thế gian tối tăm và gian ác, đã đồng lòng đóng đinh và giết chết Con của Mẹ, Mẹ lần giở từng trang lịch sử của cuộc đời mình trong tâm trí. Từng trang sách ghi đậm những biến cố, những mầu nhiệm trong từng ngày tháng qua đi, và dừng lại bên nấm mồ, nơi chôn xác Đức Giêsu…
Nấm mồ nơi chôn xác Người Con Yêu…
Chìm đắm trong suy niệm với những nỗi đau thắt quặn, Đức Maria không còn ý thức về thời gian…
Và bỗng tâm hồn Đức Trinh Nữ Maria như bật lên tiếng hò reo…
Các tác giả sách Tin mừng đều thuật lại những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh với các môn đệ, với bà Maria Magdala, nhưng không vị nào đề cập đến việc Đấng Phục Sinh hiện ra với Đức Maria. Đó là một dấu hỏi lớn! Đáng lẽ Đấng Phục Sinh phải hiện ra với Người Mẹ dấu yêu của mình trước tiên chứ?
Sự im lặng của các tác giả sách Tin mừng là có chủ ý. Thánh Luca trong sách Công vụ Tông đồ đã khéo léo đưa hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria ngoan ngùy thánh thiện vào giữa cộng đoàn các tông đồ và các bà ở lầu trên, sau khi Đức Giêsu Thăng Thiên và trong ngày đón nhận Chúa Thánh Thần (x. Cv 1,12-14/ 2,1-4).
Hiện diện giữa cộng đoàn Hội thánh tiên khởi ấy, Đức Trinh Nữ Maria như chứng tá vui mừng, hoan lạc trong Thánh Thần, “vì Chúa đã sống lại thật.” Halleluia.
Chắc có lẽ không cần phải thuật lại việc Đấng Phục Sinh hiện ra cho Mẹ, vì Mẹ là “người đã tin” và “thường suy đi nghĩ lại trong lòng” những biến cố, những lời của Đức Giêsu.
Tin Đức Giêsu sẽ sống lại như lời Kinh thánh; tin vào lời Đức Giêsu qua những lần Đức Giêsu loan báo, Người phải trải qua đau khổ mới vào trong vinh quang Phục sinh.
Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Halleluia.
Jos Ngô Văn Kha CSsR