Giảm tăng trưởng có lẽ là cái nhìn sâu sắc được đánh giá thấp nhất trong Thông điệp “Laudato Sí, về việc Chăm sóc Ngôi nhà Chung của Chúng ta” của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Phanxicô thúc đẩy việc giảm tăng trưởng bởi vì “môi trường là một trong những hàng hóa không thể được bảo vệ hoặc thúc đẩy một cách thích đáng bởi các động lực của thị trường”.
Nhưng “giảm tăng trưởng” là gì? Giảm tăng trưởng bắt đầu bằng một câu hỏi do học giả người Pháp André Gorz nêu ra vào đầu những năm 1970: “Sự cân bằng của trái đất, trong đó sản xuất vật chất không tăng trưởng – hoặc thậm chí giảm sút – có phải là điều kiện cần thiết, tương thích với sự tồn tại của hệ thống tư bản?”.
Câu hỏi đặt ra vấn đề về một sự ràng buộc mà một thế giới toàn cầu hóa đang gặp phải hiện tại: Chúng ta không thể theo đuổi sự tăng trưởng tư bản hoặc thậm chí sự tăng trưởng “xanh” và đồng thời đảo ngược sự phá vỡ các đặc điểm sinh thái.
Giảm tăng trưởng, một cách thay thế nhằm hướng tới sự phong phú triệt để, bắt đầu xuất hiện cách đây 50 năm với nghiên cứu năm 1968 của Câu lạc bộ Rome, Những giới hạn đối với sự tăng trưởng, ghi nhận những tác động sinh thái tàn khốc của sự tăng trưởng kinh tế không suy giảm.
Trong khi Câu lạc bộ Rome nhận thấy rằng cái nhìn thiển cận hiện tại về tăng trưởng kinh tế là không bền vững, nhưng sự tham gia của các học giả và các nhà hoạt động khác đã nêu rõ những cách sống nghịch lý trong sự phong phú và hài hòa triệt để với hành tinh mà không có sự tăng trưởng kinh tế.
Trong cuốn sách gần đây về sự giảm tăng trưởng, ‘Càng tối giản càng hữu ích: Làm thế nào Giảm tăng trưởng sẽ giải cứu thế giới’, nhà nhân chủng học kinh tế Jason Hickel giải thích:
Giảm tăng trưởng bắt đầu như một quá trình đòi hỏi ít hơn. Nhưng cuối cùng nó mở ra toàn bộ viễn cảnh có thể xảy ra. Nó chuyển chúng ta từ sự khan hiếm sang sự dồi dào, từ sự khai thác sang sự tái sinh, từ sự thống trị sang sự trao đổi có qua có lại, và từ sự cô đơn và sự tách biệt sang sự kết nối với một thế giới tràn đầy sức sống.
Tăng trưởng vì lợi ích của chính nó, ông Hickel than phiền, tạo ra nhiều thứ “tệ hại hơn là sự giàu có”, khi việc theo đuổi tăng trưởng liên tục ở các quốc gia có thu nhập cao tạo ra nhiều bất bình đẳng và bất ổn, sự căng thẳng và trầm cảm do làm việc quá sức, đồng thời gia tăng tình trạng ô nhiễm và sức khỏe kém.
Trong Thông điệp Laudato Si’, Đức Phanxicô nhận ra rằng sự mâu thuẫn giữa sự tăng trưởng kinh tế và cân bằng sinh thái của Trái đất “không thể được coi là tiến bộ”, bởi vì một cách thường xuyên “chất lượng cuộc sống của con người thực sự giảm sút – bởi sự suy thoái của môi trường, chất lượng lương thực thấp hoặc sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên – giữa bối cảnh của tốc độ tăng trưởng kinh tế”.
Chúng ta cần tìm một phương thức khác. Đã đến lúc “cần phải chấp nhận mức tăng trưởng giảm ở một số nơi trên thế giới”, Đức Phanxicô khuyến cáo, “để cung cấp nguồn lực cho những nơi khác có được sự tăng trưởng lành mạnh”.
Chúng ta có xu hướng không xem xét việc tăng trưởng kinh tế mang lại lợi suất giảm dần như thế nào. Ví dụ, có hàng chục quốc gia đạt được tuổi thọ cao hơn với thu nhập thấp hơn đáng kể so với Hoa Kỳ, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha và thậm chí cả Liên minh châu Âu, vốn có thu nhập thấp hơn khoảng một phần ba so với Hoa Kỳ.
Một trong những vấn đề của chủ nghĩa tăng trưởng là sự tin tưởng của chúng ta vào thước đo lừa dối được gọi là tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Giảm tăng trưởng không phải là GDP âm. Giảm tăng trưởng hướng tới việc tạo ra một loại hình kinh tế khác và một cách sống hoàn toàn khác. GDP tính toán sai các chi phí – chẳng hạn như xây nhà tù, giam giữ thêm nhiều người hơn và dọn dẹp ô nhiễm – như là những lợi ích.
Chúng ta cần một thước đo khác về tình trạng hạnh phúc. Ví dụ, chỉ số tiến bộ thực sự (GPI) không chỉ bao gồm GDP, mà còn bao gồm các kết quả tiêu cực của sự tăng trưởng kinh tế, chẳng hạn như suy giảm tài nguyên thiên nhiên, để đánh giá lợi ích tổng thể đối với xã hội.
Các nhà kinh tế học về giảm tăng trưởng sử dụng một hình ảnh trực quan khác để truyền đạt mục tiêu của họ. Mục tiêu không phải là làm cho ‘con voi’ kinh tế gầy guộc hơn, mà là biến ‘con voi’ trở thành một ‘con ốc sên’, như một tập đoàn quốc tế dành cho việc giảm tăng trưởng, bao gồm các tổ chức Công giáo, đưa ra. Việc biến con voi thành con ốc sên có nghĩa là tạo ra một sự chuyển hóa về kinh tế hài hòa với các hệ sinh thái đa dạng phục vụ cho sự hưng thịnh đầy đủ của tất cả mọi người.
Thuật ngữ ‘Giảm tăng trưởng’ được sử dụng như một cách nhằm phi thực dân hóa suy nghĩ của chúng ta, nghĩa là chuyển từ việc giả định rằng chỉ có một cách suy nghĩ – tăng trưởng – và quay lưng lại với các giá trị thống trị và bóc lột sang các giá trị hòa bình, hợp tác và tương trợ lẫn nhau.
Các thuật ngữ tiếng Pháp và tiếng Ý cho thuật ngữ ‘Giảm tăng trưởng’, lần lượt là ‘décroissance’ và ‘decresita’, có lẽ hữu ích hơn vì chúng gợi lên quan niệm sinh thái cho đôi tai người Pháp và Ý bởi vì những từ này có nghĩa là “một dòng sông trở lại dòng chảy bình thường sau một trận lụt”.
Trong khi chủ nghĩa tư bản tìm cách kiểm soát và khai thác giá trị từ mạng lưới các mối quan hệ sinh thái vốn tạo nên sự sống, thì nhiều nền văn hóa được phương Tây hiện đại coi là “nguyên thủy” tôn vinh sự phụ thuộc lẫn nhau triệt để và tính hỗ tương trong các mạng lưới đa dạng của cuộc sống.
Người Anishinaabeg, mà vùng đất nguyên thủy của họ ở đông bắc Mỹ (nay là Canada), có từ ‘minobimaatisiiwin’, có nghĩa là “sự tái sinh liên tục của các mối quan hệ tương hỗ và tuần hoàn giữa con người và sự sống khác”. Ở các khu vực phía nam châu Phi, ngôn ngữ Bantu có từ ‘ubuntu’, có nghĩa là sự hoàn thiện của con người thông qua sự gần gũi với nhau, và tiếng Shona có từ ‘ukama’, biểu thị “mối quan hệ tương hỗ của toàn bộ vũ trụ, bao gồm cả thế giới lý sinh”. Thuật ngữ ‘shi-shi wu-ai’ của người Trung Quốc và ‘mauri’ của người Maori thể hiện “mối quan hệ tương hỗ thông qua toàn bộ sinh lực của vũ trụ” (Những thuật ngữ này được rút ra từ Raj Patel và Jason Moore, Lịch sử thế giới qua bảy điều bình dị: Hướng dẫn về Chủ nghĩa tư bản, Tự nhiên và Tương lai của Hành tinh)
Có lẽ nghịch lý thay, giảm tăng trưởng không phải là để sống trong sự khốn khổ giống như Scrooge – mà là sống trong sự phong phú triệt để của công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Có những khải tượng trong Kinh Thánh về việc giảm tăng trưởng, chủ yếu là luật Năm Toàn xá của người Do thái (Lê-vi chương 25), kêu gọi xóa bỏ các khoản nợ mỗi năm thứ bảy. Trong thời đại của sự tàn phá về sinh thái, ông Hickel tôn vinh các đề xuất xóa bỏ nợ nần của ‘Chiến dịch Jubilee Debt’ như một “bước quan trọng đối với sự bền vững về mặt sinh thái”.
Vấn đề của việc sống theo các giá trị của chủ nghĩa tiêu dùng và sự tăng trưởng kinh tế vô hạn không chỉ là các giá trị kinh tế của chúng ta vi phạm tình yêu đối với Thiên Chúa và những người lân cận, mà chính sự tăng trưởng phá hủy công trình sáng tạo của Thiên Chúa và tất cả sự sống như chúng ta biết.
Giảm tăng trưởng đưa ra một cách thức khác để tôn vinh sự phong phú triệt để của toàn bộ công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong khi đồng thời chăm sóc cho tất cả mọi người.
Alex Mikulich
** Alex Mikulich là một nhà hoạt động và đạo đức xã hội Công giáo La Mã chống phân biệt chủng tộc. Ông là tác giả của cuốn ‘Unlearning White Supremacy: A Spirituality for Racial Liberation’ (Gạt bỏ ý niệm
Người da trắng thượng đẳng), xuất bản từ Orbis Books vào mùa xuân năm 2022.
Minh Tuệ (theo NCROnline)