Nếu sự chết của Đức Giêsu là đỉnh điểm của việc cứu độ, thì mỗi hành vi trong cuộc sống của Người cũng mang ý nghĩa cứu độ.
Đời sống và sự phát triển của con người gắn chặt với sự lao động. Lao động làm cho đời sống có ý nghĩa. Nó ghi dấu giá trị bản thân vào cuộc đời, bởi lẽ lao động vừa giúp người ta được tồn tại và cống hiến, mà còn là sự tiếp nhận thành quả và chuyển đạt cho đời sau.
Trong lịch sử con người, chính lao động đã thúc đẩy quá trình phát triển khi người ta ngày càng khéo léo phát minh ra những phương tiện, những công cụ, như một sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa lao động trí óc và chân tay để những thành quả lao động được dồi dào hơn, nhiều người được hưởng nhờ hơn.
Nhờ qua lao động, người ta vừa trau dồi, và thể hiện những phẩm tính, giá trị bản thân, vừa thúc đẩy sự sáng tạo. Trân trọng công sức, thành quả lao động và liên đới với những người khác, con người cho thấy giá trị xã hội của cuộc sống với muôn hình muôn vẻ của các hình thái lao động. Vì vậy việc lười biếng, thích hưởng thụ chính là việc đi ngược và cản bước tiến của tiến trình phát triển của nhân cách, của xã hội.
Lao động là cách diễn tả tình yêu trong cuộc sống của Gia đình Nadarét. Các sách Tin Mừng tóm gọn cuộc sống của thánh Giuse bằng một câu: “Người thợ mộc” để nuôi sống gia đình. Tác giả Luca sau khi kể câu chuyện tìm thấy con trong Đền thờ, Đức Giêsu “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51).
Sự phục tùng của Đức Giêsu trong trong những năm ẩn dật tại Nadarét, được hiểu như là đảm nhận một sự học tập, học làm người để có những phẩm chất của một người theo thánh ý Chúa Cha, học để trở nên người lao động phụ giúp với thánh Giuse, là “con của ông thợ mộc” và trở nên người lao động. Thánh Irênê nói:“cái gì không được đảm nhận thì không được cứu độ.”
Nếu Gia đình Nadarét đã trở nên tấm gương và mẫu mực cho các gia đình Công giáo trong việc cứu độ và nên thánh, thì việc lao động của Đức Giêsu bên cạnh dưỡng phụ Giuse cũng tương tự như thế. Gia đình ấy, dưới sự chăm sóc của thánh Giuse, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc Đức Giêsu, cả về đời sống lẫn việc dạy dỗ thông biết Lề Luật và biết mưu sinh.
Trong Tin Mừng, cùng với nhân tính của Con Thiên Chúa Nhập thể, lao động cũng được thánh hóa và cũng được cứu chuộc theo cách riêng của nó. Chính ở Nadarét, nơi Người miệt mài làm việc với Đức Giêsu, thánh Giuse đưa lao công con người đến gần mầu nhiệm Cứu chuộc hơn.
Tác giả Luca đã tóm gọn thời gian sống ẩn dật của Đức Giêsu: “Ngày càng khôn lớn và được Thiên Chúa lẫn mọi người thương mến”, ngầm có ý cho thấy giá trị của đời sống thường nhật trong lao động và học tập, để cho điều thiện hảo nơi con người được lớn lên, nhân bản hơn, giúp mọi người đến gần Thiên Chúa hơn.
Đức Giêsu chẳng những đã thánh hoá lao động, mà còn biến nó thành một phương tiện cứu độ khi liên kết nó với tất cả công trình cứu độ của Người. Nếu sự chết của Người là đỉnh điểm của việc cứu độ, thì mỗi hành vi trong cuộc sống của Người cũng mang ý nghĩa cứu độ. Lao động là thành phần của mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu, nếu không, thời gian sống tại Nadarét hóa ra chỉ vì miếng ăn hay sao?
Như thế tầm quan trọng của lao động trong đời sống đòi chúng ta phải hiểu thấu ý nghĩa của nó, để trở nên người trong thánh ý Thiên Chúa , tạo tác theo ý Đấng Tạo hoá và đạt được những giá trị trong lao động như Đấng Cứu chuộc, để tham dự vào kế hoạch cứu độ con người.
Điều ấy phụ thuộc vào việc kết nối với Đức Giêsu, để thánh hóa cuộc sống hằng ngày và thánh hoá việc làm. Sự thánh hoá đời sống theo mẫu mực của thánh Giuse mà ai cũng có thể đạt tới như sự khiêm hạ, phó mình cho kế hoạch của Thiên Chúa qua những lao công hàng ngày, sẽ được Thiên Chúa tôn vinh lên địa vị cao sang.
Đức Giêsu đã soi sáng lao động bằng ánh sáng của Tin Mừng. Đề cao lao động, nhưng không dừng ở đó, nếu không con người sẽ lâm vào bế tắc. Lao động phải được đặt đúng giá trị của nó. “Hãy lao công đừng vì lương thực hư nát, nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi mãi đến sự sống đời đời” (Ga 6,27).
Chính Người, vì đã thấu hiểu được nỗi cực nhọc của lao động, nhưng Nước Trời phải vượt lên trên tất cả: “Tiên vàn phải tìm kiếm Nước Trời…” (Mt 6,33). Lo có cái ăn, cái mặc không phải là không quan trọng, nhưng đừng mải bận tâm vào đó mà mất Nước Trời (x. Lc 9, 23). Vì trong một thế giới mà “bộ mặt đang qua đi” (1 C 7,31), chỉ có cái gì “gắn bó hoàn toàn với Thiên Chúa” (7,35) mới đáng kể.
Jos Ngô Văn Kha CSsR