Mauricio López, Thư ký Điều hành của REPAM, Mạng lưới Giáo hội Pan-Amazon, cho biết, “Chúng ta phải hiểu Thượng Hội đồng như là một lời kêu gọi hoán cải, thay đổi mà ĐTC Phanxicô đang tiến hành, nhưng cũng phải nhìn xa hơn”. Ông López cho biết: “quả thực không đủ để cảm ơn ĐTC Phanxicô”. Thay vào đó, ông nghĩ rằng điều quan trọng là từ những thành quả của Thượng hội đồng, “xuất phát từ một cam kết sâu sắc về tình huynh đệ, sự phân biệt và những kết nối của Giáo hội, liên quan đến những người có thành tâm thiện chí, để những gì mang lại hy vọng cho chúng ta ngày hôm nay, trở nên bền vững theo thời gian và trở thành một điều gì đó có thể tồn tại suốt cuộc đời. Nếu không, Thượng hội đồng sẽ vẫn chỉ là một cơ hội, một nơi dành cho những ý tưởng tuyệt vời mà không bao giờ đạt được kết quả”.
ROME– Thượng Hội Đồng Giám Mục đã được công bố gần đây về khu vực Pan-Amazon là một “thời cơ đặc biệt thực sự”, một nhà lãnh đạo Giáo hội trong khu vực cho biết, sử dụng một thuật ngữ Hy Lạp trong Tân Ước đề cập đến một khoảnh khắc đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
“Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là một sự mới mẻ mà là kết quả của công việc mà Giáo Hội đã thực hiện trong khu vực và đồng thời cũng là một “niềm hy vọng cho những điều sẽ xảy đến”, Mauricio López, Thư ký Điều hành REPAM, Mạng lưới Giáo hội Pan-Amazonian, cho biết.
Theo ông López, Thượng Hội đồng Giám mục gần đây đã được công bố bởi ĐTC Phanxicô dựa trên 50 năm kinh nghiệm ở Châu Mỹ Latinh kể từ Công đồng Vatican II, cũng như 45 năm phản ánh trong khu vực tập trung vào những thách đố cụ thể của lưu vực sông Amazon, được coi là một trong hai “lá phổi” của thế giới.
López, một giáo dân Mexico và là một thành viên của phong trào “Community of Christian Life CVX”, đã cùng vợ chuyển đến Ecuador cách đây hơn một thập niên. Ông đã phát biểu với Crux hôm 18 tháng 10 vừa qua về những hy vọng của ông đối với Thượng Hội đồng cũng như những thách thức mà khu vực hiện đang phải đối mặt.
Trong số những vấn đề khác, ông López cho biết:
- Cuộc sống ở khu vực Pan-Amazonian đang có nguy cơ bị đe doạ bởi các công ty khai thác mỏ và dầu khí dẫn đến “những thảm hoạ môi trường” với sự đồng lõa của các chính quyền địa phương.
- Tiếng nói của người giáo dân, đặc biệt là của những người dân bản địa và nông dân, cần phải được lắng nghe tại Thượng hội đồng
- Vấn đề độc thân linh mục “không phải là để dành cho chúng ta thảo luận, hay thậm chí bình luận”, nhưng đồng thời có một số “kinh nghiệm đầy hy vọng” đối với các Phó tế vĩnh viễn.
- Những thách đố của khu vực có thể được chia ra theo hai tài liệu gần đây của ĐTC Phanxicô: ‘Evangelii Gaudium’, đồng nghĩa với những thách đố của việc hoán cải mục vụ, và ‘Laudato Si’, đồng nghĩa với thách đố của việc hoán cảnh môi sinh.
- “Chúng ta cần phải hiểu rằng lời kêu gọi Thượng hội đồng được đặt trong một thời cơ đặc biệt lớn hơn. Do đó, chúng ta cần phải cẩn thận để không đặt tất cả những mong đợi, năng lực và sức mạnh của chúng ta vào Thượng Hội đồng”.
- Dưới đây là trích dẫn cuộc trò chuyện qua điện thoại kéo dài 45 phút mà ông López đã chia sẻ với Crux.
Crux: Với tư cách là điều phối viên REPAM, ông có biết việc ĐTC Phanxicô đang lên kế hoạch cho Thượng Hội Đồng Pan-Amazonian không?
López: ĐTC Phanxicô trước đó đã đề cập đến vấn đề này trong một số dịp. ĐTC Phanxicô cũng đã đề cập đến Thượng hội đồng này trong chuyến viếng thăm ad limina của các Giám mục Peru vào đầu năm nay. ĐTC Phanxicô đã nhắc lại vấn đề này trong chuyến thăm Colombia của mình vào tháng trước, và một lần nữa trong chuyến viếng thăm ad limina của các Giám mục Bolivia và Ecuador. Chúng tôi không biết thông tin gì một cách chính thức, nhưng vì những dịp này, chúng tôi biết điều gì đang diễn ra.
Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng ĐTC Phanxicô đặc biệt quan tâm đến khu vực vì mối bận tâm cũng như sự gần gũi đặc biệt của Ngài đối với thực tế lãnh thổ của Pan-Amazon, những người dân sinh sống ở đó và sứ mạng của Giáo Hội nơi đây.
Thêm vào đó, REPAM đã chuyển tải đến ĐTC Phanxicô nhiều phương sách cũng như những suy tư đang diễn ra với tầm nhìn rộng hơn về lãnh thổ Pan-Amazon và đồng thời cũng đề nghị ĐTC Phanxicô có thể đến thăm khu vực Pan-Amazon. Chúng tôi cũng đề nghị ĐTC Phanxicô không chỉ là một Thượng Hội đồng, bởi vì điều đó không phụ thuộc vào chúng tôi, nhưng về khả năng của việc tổ chức một hội nghị lớn của Giáo hội tại Pan-Amazonia, trong đó bao gồm chuyến viếng thăm khu vực của Ngài.
ĐTC Phanxicô đã viếng thăm một vài quốc gia thuộc khu vực Pan-Amazon. Tại sao lại có sự khác biệt này khi mời Ngài đến thăm khu vực Pan-Amazon?
Một điều rất quan trọng đó là Văn kiện Aparecida, được viết dưới dạng kết luận của cuộc họp lần thứ 5 của CELAM năm 2007, trong đó Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio (nay là Đức Thánh Cha Phanxicô) là người biên soạn chính. Trong văn kiện này, các Giám mục Brazil, với tiếng vang của những người có mặt, đã thiết lập tầm quan trọng sâu xa của lãnh thổ Pan-Amazonian như một quần xã sinh vật, như một sinh vật sống, như một hệ thống thực vật và động vật, nhưng trên tất cả là nhờ sự tôn trọng đối với các dân tộc địa phương, bản địa hoặc nông dân, sự phản chiếu của Giáo Hội đã xuất hiện ở Aparecida.
Nếu chúng ta đi xa hơn, các Giám mục Amazon thuộc Brazil, vùng vốn chiếm 65% tổng lãnh thổ, đã gặp gỡ lần đầu tiên từ năm 1972. Điều đó có nghĩa là cần phải có một sự phản ánh khác đối với những thách thức của khu vực, với các yếu tố thích hợp hơn đối với thực tế này, [so với] những gì được nhận biết lần đầu cách đây 45 năm về trước.
Mặc dù có thể quá sớm đối với câu hỏi này, ông có mong đợi gì về những chủ đề liên quan sẽ được thảo luận tại Thượng Hội đồng?
Tôi tin rằng chúng ta cần phải hiểu Thượng Hội đồng như là một kết quả và như là một niềm hy vọng. Không giống như một điều gì đó mới mẻ, và như vậy nó tràn ngập chúng ta với những ảo tưởng, nhưng chúng ta nên nhìn vào nó như là kết quả của những suy tư đã được thực hiện cho đến nay, và cũng như là một hy vọng cho những gì sẽ xảy đến trong tương lai. Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều đó là hợp lý để nói về những sự kỳ vọng.
Chúng ta đang dựa trên 50 năm kinh nghiệm từ Công đồng Vatican II, vốn đã ban cho chúng ta Sắc lệnh ‘Ad gentes’, một sắc lệnh của Công đồng về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, nói về sắc lệnh liên quan đến sứ mạng truyền giáo, và Hiến chế Mục vụ ‘Gaudium et spes’, một Hiến chế mang lại cho chúng ta một kiểu mẫu mục vụ đối với một Giáo Hội muốn phản ứng lại với một thực tế đang thay đổi.
Vì vậy tất cả những kỳ vọng, tôi thiết nghĩ, phải được hiểu trong khuôn khổ của một thời cơ đặc biệt. Đây chính là một khoảnh khắc thuận tiện mà trong đó Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa, được mạc khải, vượt qua giới hạn về thời gian và sự hiểu biết của chúng ta.
Chúng ta cảm nhận rằng có một sự mới mẻ, một hơi thở của Thần Khí vốn đã bắt đầu thổi cách đây 50 năm trước. ĐTC Phanxicô đã mang lại một luồng gió trong lành, nhưng sự mới mẻ của nó chính là một sự đổi mới.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng có cơ sở để nói về những mong đợi đối với một Thượng hội đồng vốn được hy vọng sẽ bao gồm đường lối đã trải qua trong suốt 50 năm qua, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Một kỳ vọng khác đó là nó có thể bao gồm nhiều chủ đề trọng tâm vốn đã được thảo luận ở châu Mỹ Latinh liên quan đến khu vực Pan-Amazonian trong 45 năm qua. Có một số tổ chức, chẳng hạn như Hội đồng Truyền giáo Bản địa của Brazil, Trung tâm Chuyên viên Nhân học Ứng dụng của các Giám mục Peru, các nhóm lưu động, các dòng tu, và các Giám mục đã dành trọn cuộc đời của mình, nói về thực tại của Giáo Hội trong khu vực.
Do đó, chúng ta rất quan tâm đến Thượng Hội đồng vốn có thể tóm lược những lời chứng sống động của sự hiện diện Giáo hội này. Chúng ta phải nhận ra dấu vết của nó, như đã xảy ra trước đây. Là một Giáo Hội, chúng ta phải cầu xin sự tha thứ, như ĐTC Phanxicô đã làm khi phát biểu về các phong trào phổ biến ở Bolivia. Và chúng ta cũng phải nhận ra ánh sáng, ý nghĩa của sức mạnh của những lời chứng đã được đưa ra.
Chúng tôi cũng tin rằng Thượng hội đồng phải có một chiều kích thuộc về lãnh thổ. Đây là một Thượng hội đồng, nơi mà các Giám mục là những nhân tố chính. Đây là một Thượng hội đồng vốn sẽ diễn ra ở Rome, và do đó nó là một cấu trúc, và việc duy trì nó là vô cùng quan trọng. Điều có ý nghĩa đối với ĐTC Phanxicô để có thể biến việc tiến hành Thượng hội đồng này thành một con đường của sự biến đổi và cải cách vốn có thể được duy trì kịp thời. Nhưng chúng ta cũng có một sự kỳ vọng rất lớn liên quan đến sự tham gia của các tín hữu, đặc biệt là những người dân bản địa hoặc nông dân, những người đang sống trong thực tế này, và những người đã nhìn thấy và đang chứng kiến các quyền lợi của họ bị xâm phạm, bị ảnh hưởng và bị buộc phải di dời.
Có rất nhiều những tình huống bạo lực xảy ra trong những thời điểm này. Lợi ích của hoạt động khai khoáng, đôi khi với sự đồng lõa của các chính phủ, với sự thiếu tôn trọng tuyệt đối đối với các thỏa thuận quốc tế và nhân quyền, đang thực sự ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực. Ở cấp độ Giáo hội, thân thể Chúa Kitô đang bị đe dọa, cuộc khổ nạn của thời đại chúng ta thể hiện trong thực tế này, và tôi tin rằng vì lý do này họ cần phải được lắng nghe.
Nhưng cũng bởi vì họ là những người đã sống trên lãnh thổ, bởi vì trong bản sắc văn hoá của họ, trong mối tương quan tâm linh và hài hòa của họ với nó, họ có nhiều điều để nói với chúng ta để thiết lập viễn cảnh tương lai. Về cơ bản, đây chính là thể loại sinh thái học văn hoá, vốn nằm trong Thông điệp Laudato Si’. Trong khuôn khổ của một nền sinh thái toàn diện, ĐTC Phanxicô nói về một nền sinh thái học văn hoá, và điều này phải thực hiện với các dân tộc nguồn gốc, với bản sắc, văn hoá và tâm linh của họ. Mối tương quan của họ với lãnh thổ và việc họ đang bị ảnh hưởng thế nào. Phù hợp với Laudato Si’, họ không phải là những động lực xa lạ với Giáo hội. Phù hợp với Laudato Si’, họ phải được lắng nghe.
Và dường như với tôi, như một sự kỳ vọng, rằng các thực thể cột trụ của Thượng hội đồng về khu vực Pan-Amazon phải là hai lời kêu gọi đã được ĐTC Phanxicô đưa ra gần đây. Evangelii Gaudium, lời kêu gọi hoán cải mục vụ, một sự thay đổi trong cách phản ứng với tư cách như một Giáo hội, một lời kêu gọi để trở thành một Giáo Hội bước ra bên ngoài, vốn cũng nhận ra những hạn chế của mình, học hỏi, nhận ra những dấu chỉ của Chúa Thánh Thần. Và sau đó là Thông điệp Laudao Si’, một lời kêu gọi hoán cải môi sinh, để đối phó với một cuộc khủng hoảng về môi trường-xã hội, đối mặt với nguy cơ của việc hành tinh rơi vào một giai đoạn không thể đảo ngược được, nơi mà sự sống thậm chí có thể phải đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.
Trong thông điệp của mình, ĐTC Phanxicô đề cập đến hai lá phổi của hành tinh: Amazon, và lưu vực Congo. Tôi thiết nghĩ sự kỳ vọng này cũng liên quan đến động lực của Thượng Hội đồng đối với các sáng kiến dài hạn. Và kỳ vọng cuối cùng đó là nó có thể là một Thượng hội đồng theo hai giai đoạn. Chúng tôi nói điều này một cách hết sức cẩn thận bởi vì nó không phụ thuộc vào chúng tôi. Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng sẽ có một giai đoạn đầu tiên tại lãnh thổ, nơi mà REPAM và Giáo hội nói chung sẽ tạo ra một con đường của việc lắng nghe và đối thoại, đồng thời đòi hỏi thái độ hiện tại của Giáo hội cần phải được xem xét đối với tình hình hiện tại. Tài liệu thu thập được trong giai đoạn này có thể đến được tới tay các Giám mục, và cuối cùng là các đại biểu, những người sẽ tham gia vào giai đoạn “truyền thống” của Thượng hội đồng, cùng với các Giám mục ở Rôma. Ở đây, chúng tôi mong mỏi sự tham gia của những người dân bản địa cũng như những người nông dân, để chúng ta có thể có được một sự hiểu biết đầy đủ về thực tế trong nội bộ dân chúng.
Một trong những lập luận mà Vatican đưa ra khi trả lời câu hỏi về sự hiện diện của giáo dân trong Thượng Hội đồng, trên thực tế, đó là một Thượng hội đồng của các Giám mục, và do đó nó được dành riêng cho các Giám mục …
Dường như đối với tôi, các cấu trúc hiện tại, chẳng hạn như CELAM; CLAR, Liên hiệp các Dòng tu nam nữ Mỹ Latinh; Caritas Châu Mỹ Latinh và vùng Ca-ri-bê và các Hội đồng Giám mục khác nhau đang tạo ra một lộ trình sâu rộng của sự hiện diện, lắng nghe và cùng đồng hành. Công việc của REPAM đó là nối kết chúng với nhau.
Điều chúng tôi đề nghị đó chính là việc tóm tắt các tiếng nói khác nhau, bao gồm các dân tộc bản xứ, giáo dân và Giáo hội trên lãnh thổ. Tôi thiết nghĩ họ phải có vai trò dẫn đầu. Đức Hồng y Claudio Hummes, chủ tịch REPAM, cho biết rằng Giáo hội sẽ không hoàn thành nhiệm vụ của mình ở Amazon cho đến khi các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc bản địa, trở thành những chủ đề đối với lịch sử của họ. Điều này không ngụ ý rằng Thượng Hội đồng là bất cứ điều gì khác hơn là điều mà nó được kêu gọi để trở thành. Đó là một không gian với một cấu trúc và với một quan điểm và các mục tiêu đã được đưa ra. Hy vọng rằng có thể có một sự sáng tạo để mở rộng nó.
ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Puerto Maldonado, Peru, vào tháng Giêng. Và vị giám trợ địa phương cho biết, với sự rõ ràng và tinh thần quảng đại tuyệt vời, ĐTC Phanxicô sẽ không tới rừng Amazon của Peru, nhưng tới khu vực Pan-Amazon. Và đó là một dấu hiệu hết sức tốt đẹp. Chúng ta phải hiểu chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô như là một sự khẳng định rằng việc lắng nghe sẽ xảy ra ở các vùng lãnh thổ, với sự tham gia của các diễn đàn rộng rãi, với sự hợp tác của REPAM, và sau đó là Thượng Hội Đồng, đầy hy vọng với những không gian sáng tạo vốn có thể bao gồm nhiều tiếng nói.
Dựa trên kinh nghiệm của ông, những thách thức mà khu vực Pan-Amazonhiện đang phải đối mặt hiện nay là gì?
Hãy phân chia chúng theo Evangeli Gaudium, đồng nghĩa với thách đố của việc hoán cải mục vụ, và Laudato Si, đồng nghĩa với thách đố của việc hoán cải môi sinh.
Tôi tin rằng ở cấp độ mục vụ, chúng ta sẽ phải nhận ra đâu là kiểu mẫu Phúc Âm hoá trong lãnh thổ. Đây là một lời mời gọi tuyệt vời, một cơ hội và hy vọng. Chúng tôi được đề nghị để đưa ra những đề xuất táo bạo. Một số nhìn điều này với sự sợ hãi, nhưng chúng tôi giải thích lời mời gọi này đối với một sự sáng tạo với một niềm hy vọng.
Không đánh mất đi những cội rễ sâu xa và quan trọng của việc trở thành những tín hữu Công giáo, chúng ta được mời gọi khám phá những đường lối sáng tạo mới, hiệp thông với cấu trúc đích thực của Giáo hội chúng ta, để có thể tạo ra một đề nghị phù hợp hơn với thực tại của các lãnh thổ này.
Tôi xin đơn cử một ví dụ. Tại REPAM, chúng tôi thích trải nghiệm về San Cristobal de las Casas, Chiapas, vốn đã mất khoảng 60, 70 năm. Nơi đây, ngày nay có một số kinh nghiệm đầy hy vọng đối với các Phó tế vĩnh viễn. Chúng ta không nói về việc bãi bỏ vấn đề độc thân linh mục nó không phải là để dành cho chúng ta thảo luận hay thậm chí bình luận về vấn đề này. Nhưng “bãi bỏ”, điều này nghe có vẻ tiêu cực.
Tại Chiapas, chúng ta có một kinh nghiệm mang tính cách xây dựng liên quan đến các phó tế vĩnh viễn, với việc một người đàn ông được phong chức Phó tế, nhưng với sự ủng hộ hoàn toàn của gia đình và cộng đồng. Cần phải mất sáu năm để họ được phong chức Phó tế, nhưng toàn thể cộng đồng sẽ đồng hành với công việc vụ Giáo hội của họ. Không một ai từ bên ngoài được lựa chọn điều này: Cộng đồng sẽ lượng giá giá trị của một người cũng như khả năng phục vụ của những người này.
Và đó là việc phục vụ có liên quan đến việc đồng hành mục vụ. Linh mục đồng hành trong những việc được dành riêng cho mình, và các nghi lễ phụng vụ. Nhưng đời sống hằng ngày được đồng hành bởi những Phó tế hợp thể thức, những người có sự hỗ trợ và đồng hành của Giáo phận. Và họ phù hợp với bản sắc văn hoá, có khả năng nói cùng một ngôn ngữ và hiểu được hệ thống tổ chức của cộng đồng.
ĐTC Phanxicô cũng kêu gọi một Giáo hội với một diện mạo của khu vực Amazon: Một Giáo hội với các vị Phó tế này, nhưng đồng thời cũng có những linh mục xuất thân trong khu vực này, những người không cảm thấy họ phải rời khỏi môi trường xung quanh để nhận được một sự đào tạo vốn không phải lúc nào cũng phù hợp với thực tế của họ, một lý do tại sao nhiều người không bao giờ quay trở lại. Đây cũng chính là thời gian dành cho các Giám mục đến từ thực tại Amazon.
Và về mức độ hoán cải môi sinh?
Một thách đố đó là việc chống lại sự tấn công sâu sắc đối với những người sống ở các vùng lãnh thổ này. Mô hình của một nền văn hoá thải loại, liên quan đến mong muốn tích lũy vô tận, và mô hình của sự phát triển mà ĐTC Phanxicô đã định nghĩa là một hệ thống mang lại sự chết chóc, theo nghĩa đen, đang bức tử Amazon.
Nó đang giết chết những người bảo vệ lãnh thổ xuất xứ của họ. Nó đang giết chết những người hiện vẫn còn sống trong sự cô lập, đôi khi chúng ta thậm chí không biết họ là ai và họ đang sinh sống ở đâu. Mô hình khai thác hầm mỏ đang đẩy những người này vào một xó, và trong một số trường hợp, như trường hợp gần đây ở Brazil, thậm chí ngay cả khi họ không muốn chính thức xác nhận, các thợ mỏ bất hợp pháp đã giết hại những người dân bản xứ đang sống trong sự cô lập. Có nhiều trường hợp được nhìn thấy là bảo vệ lãnh thổ cách hợp pháp, vì vậy họ bị giết hại để bảo vệ việc khai thác mỏ.
Diện tích nông nghiệp nuôi trồng độc canh và chăn nuôi hiện đang được mở rộng, và không cung cấp thức ăn cho những người nghèo nhất, nhưng lại để nhằm tiếp tục hệ thống tiêu dùng và tích tụ vốn chỉ phục vụ một bộ phận thiểu số. Và sau đó, khi xảy ra những thiệt hại do các công ty khai thác mỏ và dầu khí gây ra, vốn để lại những thảm họa thiên nhiên, đôi khi tại khu vực lãnh thổ thiêng liêng của các dân tộc bản xứ. Ngoài ra, chúng ta có thể nhận thấy các chính phủ thường nhút nhát, đôi khi cho phép và thậm chí có thể đồng lõa trong sự tàn phá này.
Và đó là một hệ thống không thể giữ lại. Chúng ta không chỉ phải bảo vệ những người dân hiện đang sinh sống ở đó, điều này sẽ là lý do để hành động, mà còn vì nó đang đặt toàn bộ hành tinh phải đối diện với những nguy cơ. Ít nhất 20% lượng nước có thể uống được và không đông lạnh trên thế giới nằm trong khu vực này. Và ít nhất 20%, mặc dù một số người cho rằng số lượng này còn nhiều hơn, lượng oxy của hành tinh xuất phát từ đây.
Giáo Hội đối diện với một thách đố đối với sự hiểu biết những dấu hiệu của sự chết nhưng cũng là về niềm hy vọng, và về việc tiếp tục hành động tiên tri của mình. Tôi thiết nghĩ Thượng hội đồng có thể tiếp thu những gì đã được thực hiện cho đến nay, và chuyển nó thành một tầm nhìn dài hạn.
Ông có bất cứ điều gì khác muốn chia sẻ khi đối diện với Thượng hội đồng năm 2019?
Tôi muốn nhấn mạnh điều này như là một giai đoạn của một sự phân định sâu sắc. Chúng ta cần phải hiểu rằng việc kêu gọi Thượng hội đồng được đặt vào một thời cơ đặc biệt lớn hơn. Do đó, chúng ta phải cẩn thận để không đặt tất cả mọi mong đợi, năng lực và sức mạnh của chúng ta vào Thượng hội đồng này. Chúng ta cần phải đọc bước đi lịch sử trong 50 năm qua, cuộc sống của chính những người dân nơi đây.
Chúng ta cần phải hiểu Thượng Hội đồng là một lời kêu gọi hoán cải và thay đổi mà ĐTC Phanxicô đang thực hiện, đồng thời cũng phải nhìn xa hơn nữa.
Đức Thánh Cha Phanxicô đang làm những điều đòi hỏi một sự can đảm lớn lao, quy tụ nhiều tiếng nói đã lên tiếng về vấn đề này, đồng thời trao cho họ tiếng nói của Đức Thánh Cha. Nhưng quả thực không đủ để cảm ơn ĐTC Phanxicô: Ngài đã đặt ra những yếu tố thiết yếu, nhưng xuất phát từ một cam kết sâu sắc về tình huynh đệ, sự phân biệt và những kết nối của Giáo hội, liên quan đến những người có thành tâm thiện chí, để những gì mang lại hy vọng cho chúng ta ngày hôm nay, trở nên bền vững theo thời gian và trở thành một điều gì đó có thể tồn tại suốt cuộc đời. Nếu không, Thượng hội đồng sẽ vẫn chỉ là một cơ hội, một nơi dành cho những ý tưởng tuyệt vời mà không bao giờ đạt được kết quả.
Minh Tuệ chuyển ngữ