“Lắng nghe các nạn nhân sống sót sau cuộc đàn áp tôn giáo: Lời kêu gọi đối với vấn đề Tự do tôn giáo”

Phái bộ Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc

Phái bộ Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc

Sự kiện được đồng tài trợ bởi Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc và Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ Hoa Kỳ.

“Toàn bộ ngôi làng của chúng tôi giống như một phòng tang lễ lớn”, theo lời của Cha Neville Fernando, một Linh mục Dòng Phanxicô tại Nhà thờ Giáo xứ Thánh Sebastian, Negombo, Sri Lanka.

Linh mục Fernando đã tường thuật lại chi tiết vụ đánh bom xảy ra hôm Chúa nhật Phục sinh tại đất nước của ngài trong Phòng hội nghị 7 hôm 20 tháng 11 tại trụ sở Liên Hợp Quốc, khi các cá nhân bị đàn áp vì niềm tin tôn giáo của họ, với sự mộc mạc dễ hiểu và sự can trường, những lời chứng sâu sắc và khích động về sự sống còn sau vụ việc bạo lực cực đoan và sự mất mát gây ra bởi những ý thức hệ cực đoan. Họ đã tham dự một sự kiện được bảo trợ bởi Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc và Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ Hoa Kỳ, với chủ đề: “Lắng nghe các nạn nhân sống sót sau cuộc đàn áp tôn giáo: Lời kêu gọi đối với vấn đề Tự do tôn giáo”.

Những người sống sót và đại diện của các phái bộ thường trực tại Liên Hợp Quốc đã phát biểu với một sự ý thức về sự cấp bách liên quan đến hoàn cảnh của các nhóm thiểu số tôn giáo.

Vào sáng Chúa nhật Phục sinh, ngày 2 tháng 4, Linh mục Fernando kể lại, các tín hữu Công giáo đã cùng nhau quy tụ đông đảo để tham dự Thánh lễ được cử hành lúc 8 giờ sáng. Vụ nổ đã xảy ra khi ngài bước vào cổng chính của nhà thờ. “Tôi chạy về phía nhà thờ và thấy nhiều thi thể nằm la liệt trên sàn nhà. Các bộ phận cơ thể như đầu, chân và tay đã nhuốm máu đỏ cả ngôi Thánh đường. Có những tiếng than thở và la hét của những người tìm kiếm người thân của mình. Thật là một cảnh tượng kinh hoàng”.

Linh mục Fernando đã nói về nỗi đau của sự mất mát người thân của những người mà ngài quen biết và làm công việc mục vụ trong một thời gian dài. “Vào những ngày tiếp theo sau đó, các anh em linh mục đã cùng với tôi bắt đầu đến thăm nhà của những người còn sống sót sau vụ việc. Chúng tôi đã trở nên thân quen với các gia đình trước vụ đánh bom và các thành viên gia đình của họ đã qua đời”. Cuộc rước đám tang diễn ra dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt vì người dân hiện vẫn đang còn bị đe dọa. Cha Fernando giải thích rằng mặc dù đây là cuộc tấn công đáng kể nhất đối với cộng đồng Kitô giáo ở Sri Lanka, thế nhưng đã có những trường hợp khác ít được biết đến về các cuộc đàn áp và sách nhiễu Kitô giáo, đặc biệt là kể từ khi kết thúc chiến tranh vào năm 2009.

“Người dân của chúng tôi cần được chữa lành”, linh mục Fernando nói, “và các anh em linh mục chúng tôi đang nỗ lực hết sức có thể để cùng họ vượt qua nỗi đau”. Các Kitô hữu, cho đến gần đây, đã cùng chung sống hòa thuận bên cạnh các anh chị em Hồi giáo của họ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, những kẻ cực đoan đang tìm cách kích động một cuộc xung đột giữa những người Hồi giáo và các Kitô hữu. “Chúng ta không được phép để điều này xảy ra”, linh mục Fernando cảnh báo.

Bất chấp sự đau khổ, vẫn còn một thông điệp mạnh mẽ và mang tính định kỳ về sự tha thứ và hy vọng. “Lời cầu nguyện và sự ủng hộ của mọi người trên khắp thế giới, đã thúc đẩy chúng ta tiếp tục làm chứng cho chân lý rằng ánh sáng sẽ chế ngự bóng tối, tình yêu sẽ chiến thắng sự thù hận và sự sống sẽ chiến thắng sự chết”, để rồi “những người đã mất đi những người thân yêu tràn ngập sự tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa”, linh mục Fernando giải thích.

Đức Ông Fredrik Hansen thuộc Phái bộ của Tòa Thánh lưu ý rằng trong một thế giới vốn hiện đang có một sự gia tăng đáng lo ngại về sự phân biệt đối xử, bắt bớ và tấn công dựa trên đức tin, sự kiện này đã mang lại tiếng nói cho những người đã phải trải nghiệm trực tiếp những sự việc đã xảy ra khi mà việc tôn trọng tự do tôn giáo đã bị phá vỡ. “Việc lắng nghe những câu chuyện của họ quả thực sẽ rất khó, thế nhưng, tiếng nói của họ cần phải được lắng nghe”, Đức Ông Hansen nói.

Đại sứ Katalin Bogyay, Đại diện thường trực của Hungary tại Liên Hợp Quốc, đã chia sẻ những nỗ lực của Hungary trong việc bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo và việc bảo vệ tự do tôn giáo, một ưu tiên mà Đại sứ Cherith Norman Chalet, Đại biện thường nhiệm của Phái bộ thường trực của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, cho biết rằng đất nước của bà đã tham gia.

Đại sứ Bogyay đã nói về những nỗ lực của đất nước của mình trong việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương trước những vụ tấn công nhắm vào vấn đề tự do tôn giáo của họ, đặc biệt là các Kitô hữu đã bị đàn áp và bị lãng quên. Hungary đang nỗ lực làm việc nhằm thúc đẩy một sự tôn trọng mạnh mẽ hơn đối với vấn đề tự do tôn giáo ở những nơi mà nó bị đe dọa. “Chúng tôi đã nghe thấy tiếng nói của những người đang cần được trợ giúp và đã thường xuyên liên lạc với họ”, Đại sứ Bogyay nói.

Trong năm năm qua, Phái đoàn Thường trực Hungary đã nỗ lực làm việc cùng với các Phái bộ khác để tổ chức một loạt các sự kiện nhằm làm nổi bật tình hình của các nhóm thiểu số bị đàn áp vì đức tin của họ. “Ở đây, tại Liên Hợp Quốc, chúng tôi thực sự phải trở thành sức mạnh và sự hỗ trợ cho tất cả những người này trên thế giới”. Đại sứ Bogyay cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết đối với cộng đồng quốc tế để cùng nhau bảo vệ các nhóm thiểu số và “các thánh địa” của họ.

Đại sứ Bogyay đã đặ biệt chia sẻ về hoàn cảnh của những người Yazidis và các Kitô hữu tại Iraq, và đồng thời phác thảo các sáng kiến thực tế của chính phủ của mình để giúp đỡ các Kitô hữu bị đàn áp.  Chương trình mang tên “Hungary Helps” cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo cho các cộng đồng trong các tình huống khủng hoảng và trong ba năm qua, đã quyên góp hơn 35 triệu đô la, trong đó, 5 triệu đô la đã được trao theo diện học bổng cho các sinh viên đến từ Trung Đông và Châu Phi hạ Sahara hiện đang học tập tại Hungary và hơn 70.000 người bị buộc phải di tản trong nước và những người tị nạn đã có thể trở về quê hương tổ tiên của họ hoặc những người đã bám trụ lại đó ngay từ đầu, Đại sứ Bogyay nói.

Đại sứ Cherith Norman Chalet, Đại biện của Phái đoàn Thường trực Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, đã nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo và bảo vệ những người mà quyền tự do tôn giáo của họ không được tôn trọng. “Hoa Kỳ tin rằng không thể có tự do thực sự nếu không có tự do tôn giáo”, Đại sứ Chalet nói. “Hôm nay, chúng ta hiện diện ở đây để chiến đấu cho cùng một chính nghĩa, để tất cả mọi người phải được tự do tin tưởng, tự do hội họp và tự do bày tỏ theo lương tâm của mình”.

Bà Chalet lưu ý rằng cuộc trò chuyện về vấn đề tự do tôn giáo tại Liên Hợp Quốc đã trở nên bao quát hơn, với sự công nhận lớn hơn đối với cuộc đàn áp Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác. Bà cho biết rằng bà rất vui khi nhận thấy các chính phủ đang cùng nỗ lực hợp tác để bảo vệ quyền cơ bản này. Hội nghị chuyên đề được tổ chức vào ngày 2 tháng 10 về đề tài: “Những đường hướng để đạt được tự do tôn giáo” do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa Thánh và Vatican tổ chức tại Rome về sự cần thiết đối với việc thúc đẩy tự do tôn giáo và phẩm giá con người là một ví dụ như vậy. Công việc của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ và Liên minh Tự do Tôn giáo Quốc tế nhấn mạnh thêm quyết tâm của Hoa Kỳ “để đảm bảo rằng tất cả các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo trong khu vực nhận được sự hỗ trợ mà họ cần để được sống trong sự an toàn và phẩm giá của mình”.

Đối với những người sống sót sau cuộc đàn áp tôn giáo, Bà Chalet đã tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với họ và đồng thời cảm ơn họ vì những lời chứng của họ. “Chúng tôi thực sự được truyền cảm hứng rất nhiều từ sự dũng cảm, sức mạnh và sự kiên cường bất khuất của quý vị”, bà Chalet nói. “Cam kết của Hoa Kỳ đối với vấn đề tự do tôn giáo sẽ không bao giờ bị dao động”, bà Chalet nói. “Chúng tôi sẽ sát cánh cùng quý vị và vì quý vị”.

Ông Edward Clancy, Giám đốc tiếp cận tại Tổ chức Viện tợ các Giáo hội Đau khổ Hoa Kỳ, đã chỉ ra rằng, mặc dù chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng bạo lực nhắm vào tất cả các nhóm thiểu số, nhưng các Kitô hữu phải hứng chịu phần lớn cuộc đàn áp trên toàn thế giới. Ông Clancy đã trích dẫn các số liệu từ báo cáo hai năm một lần có tựa đề “Bị bắt bớ và bị lãng quên. Một cái nhìn toàn cầu về cuộc đàn áp Kitô giáo” cho thấy khoảng 300 triệu Kitô hữu hiện đang phải trải qua nhiều hình thức đàn áp vì đức tin của họ; cứ bảy Kitô hữu thì lại có một Kitô hữu phải sống ở một đất nước nơi mà việc tin vào Chúa Giêsu có thể phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất, bị bắt giữ, bị vi phạm nhân quyền và thậm chí là bị giết chết. Tổ chức “Open Door” đã thống kê số lượng các Kitô hữu bị sát hại vì đức tin của họ vào năm 2018 ở mức hơn 4000 người và ước tính rằng ít nhất 11 Kitô hữu bị giết mỗi ngày tại 50 quốc gia vi phạm tự do tôn giáo tồi tệ nhất.

Ông Clancy đã nhấn mạnh các số liệu thống kê ảm đạm về tình hình của các nhóm thiểu số ở Trung Đông, nơi mà sự sống còn của Kitô giáo ở vùng trung tâm cổ đại của nó hiện đang bị đe dọa nguy hiểm. “Có hơn 1,5 triệu Kitô hữu tại Iraq trước năm 2003, nhưng đến giữa năm 2019, con số đó đã giảm xuống dưới 150.000 người, mức giảm hơn 90% trong một thế hệ duy nhất”. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại Syria, nơi mà quy mô của dân số Kitô giáo đã giảm 2/3 kể từ khi đất nước bắt đầu cuộc nội chiến  vào năm 2011. Công việc của các cơ quan dựa trên đức tin, chẳng hạn như Tổ chức Viện tợ các Giáo hội Đau khổ, đã hỗ trợ cộng đồng Kitô giáo Iraq trong những giờ phút đen tối nhất. Ông Clancy đã nhấn mạnh về nhu cầu cấp thiết của cộng đồng quốc tế để dẫn đầu một nỗ lực toàn cầu  nhằm đảm bảo tinh thần khoan dung và chủ nghĩa đa nguyên và đồng thời chấm dứt thực tế khắc nghiệt mà các Kitô hữu thiểu số hiện đang phải trải qua không chỉ ở Trung Đông mà cả Châu Phi cũng như Châu Á. “Các chính phủ phương Tây cần phải xem xét xu hướng ngày càng gia tăng cũng như tác động gây mất ổn định của cuộc đàn áp tôn giáo trên toàn thế giới” và đồng thời “phải đẩy mạnh việc sử dụng ngoại giao, kinh tế, như là phương sách cuối cùng, cùng với sức mạnh quân sự nhằm trợ giúp các tín đồ bị đàn áp”, ông Clancy cho biết.

Đức Ông Romeo Saniel, Giám Quản Tông Tòa Joyo ở miền nam Philippines, cho biết ngài đã chứng kiến nhiều vụ việc bạo lực gây ra chống lại các nhóm thiểu số vì đức tin của họ. Ba trong số các Tu sĩ Dòng Đức Mẹ Vô nhiễm đã bị bắt cóc, tra tấn hoặc bị sát hại; vị Giám mục Địa phận đã bị bắn chết ngay trước Nhà thờ Chính tòa, hai người bạn linh mục của ngài đã bị bắt cóc, bị tra tấn và bị sát hại. Sau khi sống sót sau vụ ám sát, ngài đã phải nỗ lực hết mình để làm việc không mệt mỏi cho cuộc đối thoại liên tôn.

“Việc làm chứng cho Chúa Giêsu và các giá trị của Kitô giáo trong bối cảnh bắt bớ quả là nói thì dễ hơn hành động”, Đức Ông Saniel nói.

Đức Ông Saniel cũng đã thảo luận về bối cảnh và những động lực thúc đẩy của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực của ngài tại Philippines, Mindanao và Jolo. Nguồn gốc của chủ nghĩa thánh chiến nên được hiểu trong bối cảnh của cuộc xung đột ly khai 40 năm vốn đã làm thiệt mạng hơn 120.000 người, khiến hàng triệu người bị buộc phải di tản, nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp chính trị; một môi trường nơi mà thanh thiếu niên, nghèo nàn thiếu thốn vật chất và thiếu chất lượng giáo dục, dễ bị lôi cuốn vào ovngf xoáy của chủ nghĩa cấp tiến. Giáo hội Công giáo đã ứng phó với cuộc khủng hoảng này bằng cách thành lập các trường học và các sáng kiến phát triển xã hội, đối thoại liên tôn, vốn giảng dạy về việc cùng nhau chung sống hòa bình giữa Kitô giáo và Hồi giáo.

Sơ Ghazia Akhbar, một Nữ tu Công giáo Dòng Nữ Tử Thánh Phaolô, đã đưa ra bài phát biểu của mình thông qua đường link video từ Lahore, Pakistan. Nữ tu Ghazia đã chia sẻ về tình trạng tuyệt vọng của các Kitô hữu, mà nhiều người trong số họ sống trong nghèo khổ và bị đàn áp và phân biệt đối xử dữ dội. “Tình hình của các Kitô hữu tại Pakistan quả thực rất đau lòng”, Nữ tu Ghazia nói, “và sự đau khổ của họ trở nên trầm trọng nhất trong các cộng đồng xa xôi”. Sơ Ghazia đã kể lại nhiều câu chuyện về sự bắt bớ, bạo lực và khủng bố mà các Kitô hữu phải đối mặt ở Pakistan. Luật chống báng bổ hiện đang được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các Kitô hữu, Sơ Ghazia nói. Vụ án nổi tiếng của Asia Bibi, người bị cáo buộc oan sai về tội báng bổ, đã thu hút sự chú ý của cả thế giới đối với việc lạm dụng các luật này. Những cáo buộc tội báng bổ đối với Kitô hữu có thể dễ dàng kích hoạt bạo lực đám đông. Từ năm 1990 đến 2017, 23 Kitô hữu đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực như vậy.

Sơ Ghazia đã nhắc lại vụ việc kinh hoàng của một cặp vợ chồng trẻ, Shabhaz Maseeh, 26 tuổi, và người vợ đang mang thai của anh ta, Shama Bibi, 24 tuổi, cha mẹ của ba đứa trẻ và làm công việc lao động trong một kho hàng tại tỉnh Punjab. Cặp vợ chồng, bị đánh đập đến chết, sau đó bị thiêu sống trong lò nung công nghiệp sau khi bị cáo buộc cách oan sai vì tội đốt kinh Koran. Năm trong số những kẻ thủ phạm của tội ác này đã bị kết án tử hình, nhưng chỉ trong năm ngoái, 20 trong số những kẻ tấn công đã được tha bổng, bao gồm cả vị imam địa phương, người đã kích động đám đông thông qua loa phát thanh tại nhà thờ Hồi giáo.

Hầu hết các trường hợp bạo lực chống lại các nhóm thiểu số đều không được báo cáo do sự sợ hãi, sự hiềm thù và các mối đe dọa giết người. Việc bắt cóc và cưỡng bức chuyển đổi tôn giáo đối với các thiếu nữ Kitô giáo và Ấn Độ giáo từ 9 đến 15 tuổi là một thực tế khác đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn từng ngày, Sơ Ghazia nói. Tại tỉnh Punjab, 700 thiếu nữ đã bị bắt cóc chỉ trong một năm. “Xét về mặt văn hóa, chính trị và pháp lý, các Kitô hữu Pakistan thường xuyên bị đối xử như những công dân hạng hai”, Sơ Ghazia cho biết. Theo Sơ Ghazia, các nhóm thiểu số đã bị khai trừ và bị trục xuất khỏi nhịp điệu xã hội, , họ thường phải chịu sự phân biệt đối xử trong lĩnh vực công ăn việc làm, giáo dục và nhà ở. Những người lên tiếng chống lại hiện trạng bi đát này có nguy cơ phải trả giá đắt, chẳng hạn như cựu Bộ trưởng về các nhóm sắc tộc thiểu số Pakistan, ông Shabaz Bhatti, Kitô hữu duy nhất trong nội các Pakistan lúc đó, đã bị ám sát sau khi tìm cách cải cách luật báng bổ. Tuy nhiên, bất chấp hoàn cảnh mà các Kitô hữu ở Pakistan hiện đang phải đối mặt, Sơ Ghazia vẫn tiếp tục duy trì tinh thần yêu nước và trung thành sâu sắc, đồng thời cũng cho biết thêm rằng: “Chúng ta, những người Kitô hữu, phải yêu mến quê hương đất nước, đất mẹ của chúng ta, với tinh thần yêu nước thực sự được đánh dấu bởi tinh thần yêu thương, trung thành, và chân thành. Chúng ta đang nỗ lực làm việc cho sự phát triển của Pakistan, cho sự phát triển của đất nước và sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình”.

Sự kiện nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về việc đối thoại và thông cảm lẫn nhau để các cộng đồng có thể cùng nhau chung sống trong hòa bình và đồng thời kêu gọi tinh thần can trường từ tất cả những người tiếp tục can đảm sống đức tin của mình trong khi những người khác luôn luôn tìm cách làm hại họ. “Chúng ta phải rút ra cảm hứng từ những chiến sĩ can trường trong cuộc chiến vì tự do tôn giáo. “Trước hết, chúng ta phải nỗ lực cố gắng tạo ra một nền văn hóa mà trong đó việc tôn trọng lẫn nhau, tinh thần liên đới và tình huynh đệ phải được tiếp tục phát huy”, Đức Ông Fredrik Hansen nói.

Minh Tuệ (theo Zenit)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết