Thầy Wang Jie (Vương Kiệt – bí danh) là một Phó tế thuộc Giáo hội hầm trú của Trung Quốc. Thầy đã trải qua nhiều năm tu học ở châu Âu, và vì lý do an ninh nên Thầy không thể sử dụng tên thật của mình, vì chính quyền Trung Quốc có thể không cho phép Thầy tái nhập cảnh trở về quốc gia của mình nếu họ biết việc Thầy đang chuẩn bị để được thụ phong linh mục.
Vị chủng sinh này đã chia sẻ câu chuyện của mình gần đây với các phương tiện truyền thông. Thầy Vương Kiệt được sinh ra ở Trung Quốc “trong một khu vực mà hầu hết mọi người đều là người ngoại giáo”. Tất cả các thành viên trong gia đình của Thầy đều không phải là người Công giáo, và trên thực tế cha mẹ Thầy “chưa bao giờ nghe biết về tên gọi ‘Kitô giáo'”.
Nhưng một ngày nọ, mẹ Thầy trở bệnh. Họ nhận thấy điều mà họ tin là một trung tâm y tế với một cây Thánh giá trên đó. Đó thực ra là một nhà thờ, nơi mà họ được một Nữ tu tiếp nhận.
Sau khi mẹ Thầy bình phục, cha mẹ của Thầy Vương trở lại cảm ơn người phụ nữ đã chăm sóc cho bà.
“Sau đó vị Nữ tu bắt đầu dần dần nói với họ về đức tin, về Chúa Kitô. Cha mẹ tôi rất quan tâm và sau một thời gian họ đã trở lại đạo”, Thầy Vương nói. “Chúng tôi xem đó như một phép lạ để chúng tôi nhận biết đức tin. Thiên Chúa đã dẫn lối chúng tôi về nhà của Ngài”.
Theo một nghĩa nào đó, việc trở lại đạo Công giáo là điều tự nhiên, bởi vì cha mẹ Thầy đã thực hành các công việc từ thiện bác ái và cố gắng giúp đỡ người khác theo bất kỳ cách nào họ có thể. Toàn bộ gia đình của Thầy Vương đều đã được rửa tội khi Thầy lên tám tuổi.
Gia đình Thầy đã gia nhập Giáo hội Công giáo hầm trú. Họ không thể thực hành công khai đức tin của họ, vì chính phủ chỉ công nhận “Giáo hội yêu nước” do Đảng Cộng sản kiểm soát.
Khi mẹ Thầy tiếp tục mang thai lần nữa, họ phải đối mặt với một thử thách. Chính sách một con, vốn đã trở nên có hiệu lực vào thời điểm đó, cấm các gia đình không được có con thứ hai. Nhưng là người Công giáo, cha mẹ Thầy từ chối việc phá thai. Họ tìm cách tránh những hình phạt nặng nề mà chính quyền Cộng sản áp đặt đối với các gia đình có con thứ hai.
“Khi em gái tôi được sinh ra, chúng tôi nhận thấy một gia đình mới chỉ có một đứa con, và chúng tôi đã đăng ký cho em gái tôi với đứa trẻ đó như thể chúng là anh em sinh đôi. Trên thực tế, em gái tôi không mang cùng họ với tôi mà lại mang họ khác bởi vì theo những giấy tờ đó, họ là anh chị em ruột”.
Cuối cùng, cha mẹ của đứa trẻ đó đã giúp đỡ cho một linh mục vốn là một Giám đốc của một Chủng viện. Vị Giám đốc Chủng viện giải thích rằng các chủng sinh phải di chuyển mỗi ba hoặc bốn tháng để tránh bị chính quyền phát hiện.
“Cha mẹ tôi đề nghị họ sử dụng ngôi nhà của chúng tôi, họ có thể sống ở tầng trệt và chúng tôi ở tầng trên cùng”, Thầy Vương chia sẻ.
Trong 10 năm tiếp theo, các chủng sinh lần lượt sống ở tầng trệt của ngôi nhà. Bị đánh động bởi tấm gương của họ, Thầy Vương đã cảm nhận được ơn gọi và gia nhập Chủng viện.
Thầy Vương đã đưa ra quyết định cuối cùng sau khi đi cùng một trong các chủng sinh để giảng dạy Giáo lý.
“Khi tôi trở về nhà, điều đó giống như thể một cái gì đó hừng hực trong trái tim tôi, tôi nói với cha mẹ tôi, tôi muốn trở thành một linh mục. Tôi đã có được hạt giống ơn gọi trong trái tim tôi”, Thầy Vương chia sẻ. “Giờ đây, tôi đã trở thành Phó tế và không lời nào có thể diễn tả hết niềm vui sâu sắc mà tôi có được trong trái tim tôi”.
Vị chủng sinh chia sẻ rằng mặc dù Thầy đang tu học ở châu Âu, mong muốn của Thầy đó chính là được quay trở lại Trung Quốc càng sớm càng tốt để có thể rao giảng Tin Mừng ở đó.
Cuộc sống với tư cách là một người Công giáo Trung Quốc quả thực hết sức khó khăn. Thánh lễ được cử hành tại các hộ gia đình, và mọi người phải cẩn thận để không nói về đức tin của mình một cách rõ ràng, bởi vì chính quyền có thể nghe ngóng điều đó. Tuy nhiên, việc sống với nguy cơ có thể bị bắt giữ quả là thích đáng, Thầy Vương nói, bởi vì “chúng ta muốn có Chân lý, đó chính là điều mà bạn phải làm bất chấp cái giá phải trả”.
‘Một trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất mà tôi phải đối mặt, Thầy Vương nói, đó là khi tôi nhập cảnh vào Trung Quốc và lo sợ rằng chính quyền sẽ phát hiện ra rằng tôi là một chủng sinh’.
“Khi tôi xếp hàng để vào và tôi cầm hộ chiếu trong tay, tôi bắt đầu cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria: ‘Mẹ ơi, xin giúp con. Mẹ ơi, xin giúp con. Và tất cả mọi thứ đã luôn luôn êm xuôi mặc dù những nguy hiểm là có thật. Thiên Chúa đã luôn cứu giúp tôi”, Thầy Vương nói.
Liên quan đến thỏa thuận gần đây giữa Tòa Thánh và chính phủ Trung Quốc vốn khởi xướng sự hội nhập của Giáo Hội hầm trú với Giáo Hội Yêu Nước, vị chủng sinh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiệp nhất.
“Có một số người nói rằng thỏa thuận này là điều tốt, và những người khác thì lại không nghĩ như vậy. Nhưng trên hết, chúng ta phải cầu nguyện rất nhiều và làm theo những điều mà Giáo Hội nói, bởi vì ma quỷ luôn muốn chia rẽ Giáo Hội và chúng biết cách để làm điều đó”, Thầy Vương nói.
“Thiên Chúa đã trao chìa khóa Sứ vụ Giáo Hoàng cho Thánh Phêrô và đó là một phần trong đức tin của chúng ta, và hoặc là chúng ta cùng nhau hiệp nhất với Thánh Phêrô hoặc là chúng ta sẽ chẳng đi tới đâu cả”.
Thầy Vương Kiệt hiện đang tu học và được đào tạo linh mục tại châu Âu nhờ Quỹ tài trợ Centro Académico Romano de Formación (Trung tâm Đào tạo học thuật của Rome).
Tổ chức này cấp học bổng cho các chủng sinh và linh mục đến từ các Giáo phận khó khăn từ khắp nơi trên thế giới để họ có thể được đào tạo tại Đại học Navarre, Tây Ban Nha, Đại học Giáo Hoàng Thánh Giá tại Rome, Italy, để sau này trở về các Giáo phận của họ.
Minh Tuệ chuyển ngữ