Là một phần của việc Hán hóa, nó có thể là một vực thẳm không thể vượt qua đối với các nhà sử học liêm khiết để trở nên lạc quan và tích cực về cuộc bách hại tôn giáo
Một kế hoạch 5 năm với mục tiêu biến các tôn giáo trở nên mang đậm bản sắc Trung Quốc đã được tán thành bởi Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc và Hội đồng Giám mục Công giáo Trung Quốc vào hồi tháng Năm vừa qua.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng nói rằng việc Hán hóa là điều cần thiết trong việc thích nghi tôn giáo với chủ nghĩa xã hội. Chính sách thích nghi tôn giáo với chế độ xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc đã được áp dụng từ thời cai trị của chủ tịch Giang Trạch Dân (1992-2003), với mục đích tối hậu nhằm cho phép tôn giáo phục vụ xã hội xã hội chủ nghĩa và hỗ trợ sự phát triển của nhà nước cả bên ngoài lẫn bên trong trong bối cảnh chính sách của Ủy ban Mặt trận Thống nhất Quốc gia.
Điều này đã có những tác động tích cực và tiêu cực đối với Giáo hội Công giáo Trung Quốc, nhưng bài viết này sẽ không thảo luận về những vấn đề này.
Tập Cận Bình đã thêm vào chương trình nghị sự đối với việc Hán hóa. Điều này bao gồm sáu lĩnh vực – tăng cường sự đồng nhất hóa về mặt chính trị, hội nhập tôn giáo vào một nền văn hóa Trung Hoa phức tạp và tinh vi, thiết lập tư tưởng thần học với các đặc điểm Trung Quốc, thiết lập hệ thống quản lý Giáo hội với các đặc điểm Trung Quốc, khám phá những cách diễn tả phụng vụ với các yếu tố Trung Quốc, và đồng thời sử dụng yếu tố thẩm mỹ Trung Quốc vào các kiến trúc nhà thờ, hình ảnh và Thánh nhạc.
Kế hoạch nhằm mục đích tăng cường chính sách hiện hành về việc thích nghi nhiều lĩnh vực khác nhau với các mức độ khác nhau trong Giáo hội ở Trung Quốc. Yếu tố Hán hóa sẽ biến Giáo hội trở thành một tổ chức dân sự dễ sai khiến hơn để phục vụ Đảng Cộng sản và chính quyền.
Với quy mô của dự án, nó sẽ nhận được sự khen ngợi nếu như tất cả các mục tiêu của kế hoạch có thể đạt được trong vòng 5 năm. Trong thực tế, nó có thể phải mất đến nửa thế kỷ để kế hoạch có thể gặt hái được bất kỳ thành quả nào. Kế hoạch lớn lao này bao hàm tất cả mọi khía cạnh của đời sống Công giáo, bao gồm thần học, mối quan hệ giữa chính quyền và Giáo hội, bộ máy quản lý của Giáo hội, nền giáo dục của Giáo hội, việc đào tạo các nhân viên Giáo hội, và lĩnh nghệ thuật của Giáo hội.
Tinh thần trì trệ thụ động chiếm ưu thế trong bộ máy quan liêu dân sự, trong khi sự mơ hồ của các thuật ngữ trong tài liệu có thể cản trở việc thực hiện. Chẳng hạn như, định nghĩa “văn hóa Trung Hoa phức tạp và tinh vi nghĩa là gì?”. Thậm chí ngay cả ở cấp độ quốc gia, không có một tiếng nói thống nhất nào về vấn đề này. Liệu Giáo hội Trung Quốc hiện tại có can đảm để sử dụng nền văn hóa cách mạng Trung Quốc trước năm 1949 như một mô hình cho việc Hán hóa, như các nhà thần học ở Đài Loan đã làm, khi nền văn hóa Trung Quốc hậu 1949 đang chờ để được nghiên cứu và xác định?
Kế hoạch cũng cho thấy việc thu thập dữ liệu từ sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập để viết lịch sử Giáo hội từ quan điểm của Giáo hội Trung Quốc. Điều này đặt ra một khó khăn cho các sử gia của Giáo hội. Làm thế nào người ta có thể biến kỷ lục đẫm máu của cuộc đàn áp của Mao Trạch Đông đối với Giáo hội Công giáo thành một tường thuật tích cực? Đây có thể là một vực thẳm không thể vượt qua đối với bất kỳ nhà sử học trung thực và liêm chính nào từ chối làm méo mó các sự kiện lịch sử.
Mục tiêu thiết lập tư tưởng thần học với các đặc điểm Trung Quốc đó chính là nhằm tạo ra một phiên bản lục địa của việc bản địa hóa đối với thần học Trung Quốc. Ở Đài Loan, các nhân vật vĩ đại trong việc bản địa hóa thần học Công giáo, chẳng hạn như Linh mục Aloysius Chang Chunseng, Đức Tổng Giám mục Lokuang và ĐứcGiám mục Cheng Xiguang, đã dành trọn cuộc đời của họ để nghiên cứu về việc Hán hóa đối với Thần học Công giáo và giáo huấn Tin Mừng trong bối cảnh của các tư tưởng truyền thống của Trung Quốc trong các truyền thống Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo.
Mục tiêu của chương trình nhằm tăng cường những đòi hỏi của việc đồng nhất trong lĩnh vực chính trị mà Giáo hội cần phải xác định một cách có ý thức với lĩnh vực chính trị của Trung Quốc và đồng thời thích nghi với môi trường xã hội. Trên hết, Giáo hội cần phải ủng hộ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Thực ra, có một sự không tương thích về ý thức hệ cơ bản giữa chủ nghĩa vô thần của chủ nghĩa Mác-Lênin biện chứng cộng với Tư duy Mao Trạch Đông và chủ nghĩa duy tâm tôn giáo thể hiện trong Công giáo. Làm thế nào để bất kỳ người Công giáo nào cũng có thể xác định được với chủ nghĩa vô thần?
Nhằm thiết lập một hệ thống quản lý đối với Giáo hội với các đặc điểm Trung Quốc, nỗ lực hành chính này đã được trải nghiệm ở một thành phố ở miền Trung Trung Quốc trong nhiều năm.
Tại Giáo phận đó, không giám mục nào được bầu chọn sau cái chết của giám mục tiền nhiệm. Sau đó, một ủy ban hành chính được thành lập bao gồm các giáo sĩ, các nữ tu và giáo dân để quản lý tất cả mọi vấn đề của Giáo phận. Sau 10 năm, tất cả mọi vấn đề của Giáo hội đã trở nên xấu đi. Giữa sự trì trệ thụ động của hàng giáo sĩ và vì vậy sự tục hóa đã trở nên chiếm ưu thế. Công việc mục vụ đã bị bỏ quên. Không có sự tăng trưởng về số lượng các tín hữu Công giáo. Không có bất kì nhiệt huyết truyền giáo nào có thể được tìm thấy trong Giáo hội.
Chính quyền dân chủ nằm ngoài truyền thống của hàng Giáo phẩm của Giáo hội mà không có Giám mục với tư cách là vị chủ chăn. Quyền lãnh đạo trên thực tế nằm trong tay của các thành viên cộng sản. Trong nền văn hóa chính trị của Trung Quốc đương đại, việc quản lý dân chủ đối với Giáo hội tương đương với việc đảng quản lý nhà thờ. Trong môi trường chính trị hiện tại, nơi mà Tập Cận Bình muốn tập trung tất cả mọi quyền lực, việc quản lý dân chủ đối với Giáo hội sẽ được Bắc Kinh hoan nghênh nhiều nhưng sẽ là một cơn ác mộng đối với Giáo hội.
Người ta đề nghị rằng vấn đề mỹ thuật Trung Quốc nên được tìm thấy trong các kiến trúc nhà thờ, tất cả mọi hình ảnh và cả Thánh nhạc. Ngay từ những năm 1920, Đức Tổng Giám mục Costantini, Đại diện Tông Tòa tại Trung Quốc, đã đề xuất phong cách kiến trúc Trung Quốc đối với các nhà thờ, nhưng người Trung Quốc đã từ chối ý tưởng này một phần vì các tín hữu Công giáo Trung Quốc sợ rằng các ngôi Thánh đường sẽ bị nhầm lẫn với các ngôi đền Phật giáo và Đạo giáo.
Giáo hội Công giáo Đài Loan trong những năm 1960 và 1970 đã chuyển dịch tất cả các cuốn sách với các bản văn phụng vụ bằng tiếng Latin đồ sộ bất hủ sang tiếng Trung Quốc. Vậy những yếu tố mới của Trung Quốc mà Bắc Kinh muốn thêm vào phụng vụ Trung Hoa hiện hành là gì?
Kế hoạch thực sự vô cùng táo bạo; nó bao hàm tất cả mọi khía cạnh của đời sống Công giáo ở Trung Quốc. Việc cải cách tập trung vào vấn đề Hán hóa. Sáu hạng mục được đề cập trong kế hoạch là những dự án đầy khó khăn. Việc tăng cường sự đồng nhất trong lĩnh vực chính trị và thiết lập một hệ thống quản lý đối với Giáo hội với các đặc điểm Trung Quốc sẽ không nhận được sự ủng hộ từ phía Giáo hội. Việc hội nhập tôn giáo vào văn hóa Trung Hoa và việc thiết lập tư tưởng thần học với các đặc điểm Trung Quốc đụng chạm vào những vấn đề chuyên sâu về văn hóa Trung Hoa và sự hội nhập của nó với thần học Công giáo.
Chúng ta đang tìm kiếm những người hội đủ điều kiện trong Giáo hội để làm điều đó. Theo như lịch sử của Giáo hội Công giáo được quan tâm, làm thế nào để các nhà sử học có thể trung thực khi viết lịch sử Giáo hội trong bối cảnh của việc Hán hóa theo sự phân công của Bắc Kinh?
Nữ tu Beatrice Leung Kit-fun, Kaohsiung
(Nữ tu Beatrice Leung Kit-fun hiện là giáo sư nghiên cứu thỉnh giảng tại Đại học Ngôn ngữ Wenzao Ursuline của Đài Loan và đồng thời cũng là một chuyên gia về các vấn đề Trung-Vatican và Đài Loan-Vatican.)
Minh Tuệ chuyển ngữ