Kỷ niệm 50 năm DCCT hiện diện tại Cần Giờ

Kỷ niệm 50 năm Dòng Chúa Cứu Thế hiện diện và loan báo Tin mừng tại Cần Giờ, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và các bạn bài viết ngắn gọn và súc tích của Linh mục Trương Hoàng Vũ DCCT về 50 năm hồng ân này, và xin mọi người cùng hiệp lời tạ ơn với chúng tôi.

2 vị tu sĩ DCCT đưa chân cha Lượng (áo dòng đen ngoài cùng bên phải) đến vùng truyền giáo Cần Giờ vào năm 1971

Cha Louis Quy và thầy Tôma Như  đưa chân Cha Phaolô Lượng (áo dòng đen ngoài cùng bên phải) đến vùng truyền giáo Cần Giờ vào năm 1971

Sơ Lược Về Huyện Đảo Cần Giờ

Huyện đảo Cần Giờ là 1 trong 21 quận huyện thuộc Thành Phố Sài Gòn; đến năm 2021 dân số vào khoảng 90 ngàn người. Một con đường dài 45km từ huyện Nhà Bè, được đắp từ năm 1985, nối liền phía Nam thành phố với Biển Đông, băng qua rừng Sác với những kênh đào chằng chịt, xanh mướt một màu rừng cây ngập mặn như: đước, mắm, chà là… Khu rừng cũng từng là căn cứ cộng sản. Nói vậy để thấy công cuộc truyền giáo ở đây vô cùng khó khăn.

Kể ra cũng chẳng xa xôi gì từ trung tâm Thành phố Quận 1 đến Cần Giờ khoảng 60km, nhưng từ năm 1975-2000, muốn đến đây phải qua hai cái phà và đường đất “nắng bụi mưa bùn”. Sau năm 2000 mới xây thêm một cây cầu thế cho bến phà “Dần Xây”. Đến bây giờ người dân vẫn hay gọi đùa đúng là tên “Dần Xây” vì chiếc cầu này xây …dần dần, do công trình gián đoạn vì kỹ thuật yếu kém. Từ khi có cầu Dần Xây việc thời gian di chuyển của người dân được rút ngắn đáng kể. Tuy nhiên đến nay vẫn còn một bến phà mang tên Bình Khánh nằm chắn ngang giữa hai bên: Thành phố và huyện đảo. Sự chia cắt bởi dòng sông và bến phà dường như cũng chia cắt giữa hai thế giới: bên kia sông là thành phố xa hoa đô thị, bên này là rừng đước âm u. Sự chia cắt đó cũng kéo theo đời sống văn hóa tri thức của vùng đất bên này con sông cũng rất thấp. Đó chính là những thách đố trong đời sống mục vụ mà các nhà thừa sai sẽ phải đối diện khi chọn đến vùng đất này.

Bước Chân Thừa Sai Đầu Tiên

Ngày 21/5/1971, Linh mục Phao-lô Trần Văn Lượng, DCCT, theo sứ mạng của Giáo hội và Nhà Dòng trao phó đã đặt bước chân đầu tiên đến vùng truyền giáo Cần Giờ để phục hồi công cuộc truyền giáo đã bị gián đoạn ở đây do chiến tranh. Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình khi giao vùng truyền giáo Cần Giờ cho DCCT đã căn dặn sứ mạng  cao trọng này: “Nếu DCCT không đến truyền giáo tại Cần Giờ thì có lẽ tương lai ở đó sẽ là vùng trắng Công giáo.”  Cùng đồng hành với cha Lượng có thầy trợ sĩ Hilario Đinh Văn Thảo, DCCT. Từ thời điểm đó đến nay đã 50 năm trôi qua, chưa khi nào vắng mặt các thừa sai DCCT trên mảnh đất này.

Cha Lượng cử hành bí tích rửa tội cho trẻ em vào năm 1972 khi mới thành lập giáo xứ

Cha Lượng cử hành bí tích rửa tội cho trẻ em vào năm 1972 khi mới thành lập giáo xứ

Đầu tiên đến Cần Giờ, cha Phao-lô Lượng đặt trụ sở tại ấp Phong Thạnh, xã Cần Thạnh (nay đã lên thị trấn). Trụ sở chỉ là mái nhà tôn lụp xụp mua lại từ một quân nhân VNCH. Một vài gia đình từ Vũng Tàu theo đạo Công Giáo biết tin đã có Linh mục đến Cần Giờ và họ muốn lập nghiệp tại đây, nên đã tìm đến nhập cộng đoàn với một số gia đình Công Giáo tại địa phương (có khoảng 15 gia đình).

Cộng đoàn tín hữu thời đầu khi lập xứ 1971

Cộng đoàn tín hữu thời đầu khi lập xứ 1971

Chỉ 1 năm sau, cha Lượng mở rộng địa bàn mục vụ sang hai xã lân cận là Đồng Hòa và Tân Thạnh. Tại hai giáo điểm này, cha Lượng đã mời các Thầy Đại Chủng Viện Sài Gòn cũng như các Thầy Học Viện DCCT về thực tập mục vụ. Trong số các Thầy Học viện DCCT bấy giờ, có thầy Giuse Phạm Kim Điệp, mà sau này sẽ là người tiếp nối cha Lượng trong suốt một thời gian dài gần 40 năm ở đây.

Ngôi nhà thờ đầu tiên do cha Lượng dựng [560] (2)

Ngôi nhà thờ đầu tiên do cha Lượng dựng 

Khi đặt chân đến Cần Giờ, cha Lượng và thầy Thảo đã nhanh chóng hòa nhập cộng đồng và theo đặc sủng mỗi người, cả hai hăng say trong việc loan báo Tin Mừng Chúa Cứu Thế. Cha Lượng hăng say trong việc giảng dạy, thăm viếng, khích lệ đàn chiên còn non nớt của mình. Thầy Thảo ngày ngày lao động: đổ đất lấp ao, dọn dẹp khai thông đường xá. Ngôi nhà thờ khang trang hôm nay chính là từ những “chiếc xe rùa kút kít” mà mỗi ngày thầy cần mẫn đổ đất lấp ao.  Con đường Đào Cử rộng lớn trước nhà thờ hôm nay cũng khởi đi từ những “xe rùa cút kít” của Thầy. Những người cao niên hôm nay còn ghi sâu hình ảnh về một vị tu sĩ, với chiếc áo dòng đen, ngày ngày đổ đất đắp đường. Dù con đường hôm nay được đổi tên là Đào Cử, nhưng người dân cao niên tại địa phương vẫn còn gọi là đường “Thầy Già” như thuở ban đầu Thầy đến khai thông.

Cha Lượng hoàn thành sứ mạng trần thế ngày 8_12_1974

Cha Lượng hoàn thành sứ mạng trần thế ngày 8_12_1974

Đến năm 1974, cha Lượng phát bệnh nặng và qua đời vào ngày 8/12, đúng ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, bổn mạng của DCCT Việt Nam. Sự ra đi đột ngột của cha Lượng vẫn không làm gián đoạn công cuộc truyền giáo tại đây. Nhà Dòng duy trì cộng đoàn đức tin còn non nớt bé nhỏ bằng việc hằng tuần các cha Gioa-kim Nguyễn Định và Gioan Baotixita Hồ Thanh Huê thay nhau đến làm việc mục vụ.

Thế rồi biến cố Sài Gòn thất thủ vào ngày 30/4/1975, khó khăn càng chồng khó khăn….

Người Đặt Nền Móng

Nhưng nhờ sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, ngày 15/8/1975, nhân dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời, thầy Giuse Phạm Kim Điệp lãnh sứ vụ linh mục. Đây là điểm giao thời khi chế độ mới chưa kiểm soát được tôn giáo và đặt những luật lệ hà khắc lên tôn giáo, nên việc cha Điệp chịu chức vẫn còn là quyền tự quyết của Nhà Dòng. Nếu qua năm 1976 thì có lẽ không biết đến bao giờ thầy Giuse Điệp mới có thể được công khai chịu chức linh mục…

Cha Giám tỉnh Lêo Lê Trung Nghĩa đặt tay trong ngày cha Điệp chịu chức linh mục

Cha Giám tỉnh Lêo Lê Trung Nghĩa đặt tay trong ngày cha Điệp chịu chức linh mục

Cha Giuse Điệp vừa được chịu chức Linh mục, Nhà Dòng đã gửi ngay về Cần Giờ để tiếp nối công việc truyền giáo của cha Lượng còn dang dở. Phải nói rằng cha Điệp là một yếu tố quan trọng để nhà cầm quyền mới không xóa sổ được Nhà Dòng trên mảnh đất này. Bởi trước đó, cha Điệp đã từng về đây thực tập mục vụ trong tư cách một chức sắc tôn giáo tại địa phương. Tuy nhiên, thời gian đầu của những ngày sau năm 1975 vô cùng khó khăn cho công việc mục vụ của Cha Điệp. Ngài liên tục bị công an mời làm việc, bị hạch hỏi đủ điều…

Cha Điệp cử hành thánh lễ giáng sinh năm 1975

Cha Điệp cử hành thánh lễ giáng sinh năm 1975

Lúc bấy giờ, một mình cha Điệp phải coi sóc mục vụ tại nơi mình sinh sống là Cần Thạnh và tại những điểm truyền giáo khác do cha Lượng mới khai phá: Giáo điểm Đồng Hòa, Tân Thạnh và một giáo điểm khác do cha Gioan Baotixita Trần Ngũ Nhạc đưa dân nghèo từ thành phố về lập nghiệp là Tam Thôn Hiệp.

Do sự khó khăn từ phía nhà cầm quyền về vấn đề hộ khẩu, tạm trú, đi lại…  mà cha Điệp đã phải “đơn thân độc mã” trên cánh đồng truyền giáo suốt 12 năm trường, từ năm 1975-1987. Năm 1987 Nhà Dòng mới có thể thương thuyết được với nhà cầm để cho thầy Phó tế F.X Nguyễn Hữu Hòa về “giúp việc” cho cha Điệp.

ca đoàn của những ngày đầu thành lập Giáo xứ

Ca đoàn của những ngày đầu thành lập Giáo xứ

Một năm sau khi thầy Hòa về cộng tác mục vụ với cha Điệp, tức năm 1988, thì Nhà Dòng nhường vùng truyền giáo Tam Thôn Hiệp lại cho Dòng Salesien hay còn gọi là Dòng Don Bosco; và Dòng Salesien đảm trách mục vụ tại vùng này cho đến ngày nay. Năm 1993, Giáo điểm Tam Thôn Hiệp đã  lên Giáo xứ và do Dòng Salesien đặc trách với giáo dân gần 400 nhân danh.

Sau khi nhường lại xã Tam Thôn Hiệp cho Dòng Salesien, Nhà Dòng hướng sang mở rộng vùng truyền giáo mới tại xã An Thới Đông. Ban đầu cũng chỉ là thăm viếng các gia đình tại đây. Đến năm 2000, Nhà Dòng đã xây dựng được nhà cộng đoàn và thành lập giáo điểm An Thới Đông. Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, tức năm 2004, Giáo phận tặng cho ĐHY món quà mừng sinh nhật là ủng hộ kinh phí để Nhà Dòng khởi công xây dựng một ngôi nhà thờ lớn khang trang tại đây. Từ năm 2000, khi thành lập Cộng đoàn DCCT tại An Thới Đông, Nhà Dòng thường xuyên gửi các cha và các thầy đến coi sóc mục vụ tại đây. Trong số đó phải kể đến các cha Tôma Phạm Phú Lộc, DCCT đã sống tại đây và là người trực tiếp điều hành việc xây cất Nhà thờ An Thới Đông vào năm 2004.

IMG_0201 2[563] (2)

Từ năm 2000-2018, cộng đoàn An Thới Đông ngày một phát triển. Bên cạnh DCCT còn có các Dòng Tu Nữ đến thành lập Cộng đoàn và phát triển đời sống văn hóa xã hội cho cộng đồng, trong đó phải kể đến Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Ngoài ra hàng tuần đều có các Thầy Học viện DCCT đến thực tập mục vụ. giúp giáo lý, thăm viếng bà con lương cũng như giáo, dạy văn hóa cho các học sinh… Đến năm 2018 Nhà Dòng đã nhượng lại Giáo điểm này cho Tổng Giáo Phận Sài Gòn và Tổng Giáo Phận đã nâng lên thành Giáo xứ An Thới Đông với số giáo dân cũng vào khoảng 400 người.

Những Người Vun Trồng

Từ sau năm 1975 với chế độ mới, tôn giáo bị kiểm soát gắt gao và việc chịu chức Linh mục công khai, Nhà Dòng không còn quyền tự quyết nữa. Dòng Chúa Cứu Thế nói riêng và cả Giáo hội Công giáo nói chung đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc phong chức Linh mục. Bởi đó, cha Điệp hầu như trong nhiều năm dài phải gánh vác tất cả mọi việc mục vụ tại Giáo xứ Cần Giờ cũng như tại các Giáo điểm khác trong Huyện Cần Giờ do DCCT lập nên.

Mùa chay năm 1991, sau 3 bài giảng “sấm sét” về chủ đề Sám hối của cha Chân Tín, nhà cầm quyền cộng sản bắt ngài đưa đến quản thúc 3 năm tại Cần Giờ. Nhà cầm quyền không cho ngài dâng lễ và rao giảng Lời Chúa trên bục giảng. Nhưng Lời Chúa không bị bóp nghẹt, không bị cầm tù. Từ trong khó khăn đó, cha Chân Tín vẫn tiếp tục rao giảng Tin Mừng bằng nhiều hình thức khác nhau như dạy Giáo lý, thăm bà con và làm phép Rửa cho nhiều người.

Rồi đến năm 1996, sau bao nhiêu thủ tục nhiêu khê, thầy Phó tế Fx. Nguyễn Hữu Hòa, người đã ở “giúp việc” cho cha Điệp trong những năm trước đó mới được nhà nước chấp thuận cho chịu chức Linh mục công khai và nhập hộ khẩu vào Cần Giờ để làm việc mục vụ.

Sau khi cha Hòa được chịu chức Linh mục, Bề Trên Giám tỉnh, mới có thể đặt cha làm Bề trên cộng đoàn Cần Giờ kiêm đặc trách Giáo điểm Đồng Hòa trong 2 nhiệm kỳ từ năm 1996-2002. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2002, cha Hòa được gửi đến Roma làm việc trong ban Kinh tế của Trung Ương Dòng và ngài qua đời đột ngột tại đây trong một cơn đột quỵ vào năm 2009.

Từ thời điểm sau năm 2000, việc thuyên chuyển các Linh mục tu sĩ trong Dòng được dễ dàng hơn và tùy hoàn cảnh ứng biến, Nhà dòng có những cách thế khôn ngoan với nhà cầm quyền trong việc bổ nhiệm và thuyên chuyển các Linh mục. Sau nhiệm kỳ của cha Fx. Hòa, cha G.B Nguyễn Văn Đồng được đặt làm Bề trên nhà Cần Giờ, kiêm chánh xứ Giáo xứ Cần Giờ nhiệm kỳ 2002-2005. Đến năm 2008, cha Đồng cũng được Chúa gọi về sau một thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Cùng thời đó, ngoài cha Đồng được đặt làm bề trên Cần Giờ, các cha Toma Aquino Phạm Phú Lộc được đặt coi sóc Giáo điểm An Thới Đông và cha Giuse Phạm Cao Thanh Sơn được đặt coi sóc Giáo điểm Đồng Hòa. Nhiều Linh mục trẻ mới ra trường cũng như các thầy Học Viện cũng được gửi về thực tập mục vụ trong vài tháng hoặc vài năm nơi vùng đất còn rất nhiều người chưa biết đến Chúa.

Từ năm 2005- 2008, cha Phanxicô Assisi Hoàng Minh Đức được đặt làm Bề trên thay cha Đồng. Từ năm 2008-2011 cha Giuse Nguyễn Bá Long được đặt làm Bề trên kiêm Chánh xứ Cần Giờ. Và từ năm 2011-2015, cha Giuse Phạm Văn Bảo thay thế cha Giuse Nguyễn Bá Long, làm Bề trên chánh xứ Cần Giờ.

Mỗi người một vẻ, mỗi người một ơn riêng Chúa ban nhưng tất cả những Linh mục DCCT được gửi đến Cần Giờ đều để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Cần Giờ qua việc yêu thương người nghèo, lối sống bình dị và dễ gần với dân chúng.

Thế Hệ Hôm Nay

Từ tháng 05/2015 với nhiệm kỳ Giám tỉnh của cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích, cha Giuse Hồ Đắc Tâm được thuyên chuyển về làm Bề trên cộng đoàn kiêm chánh xứ Cần Giờ, cha Gioakim Lê Văn Chinh, phụ trách Giáo điểm Đồng Hòa. Cha Giuse Tâm đã có những kinh nghiệm truyền giáo rất thiết thực qua việc thăm viếng giáo dân từ những năm trước đó tại Cộng đoàn Vĩnh Long và đặc biệt tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng, Sài Gòn. Cha Giuse Tâm cũng đã đảm trách việc đào tạo nhóm “Thừa sai Giáo dân” của DCCT cũng như kinh nghiệm quản xứ Kỳ Đồng nên việc ngài được chuyển về vùng đất Cần Giờ là điều rất phù hợp để phát triển mạnh hơn cho việc truyền giáo tại đây.

Nhóm gia đình truyền giáo

Nhóm gia đình truyền giáo

Cha nhanh chóng ổn định đời sống đức tin trong Giáo xứ, lập nên các nhóm và hội đòan như: Nhóm “Gia đình Truyền giáo”, Hội “Legio Mariae”. Ngoài ra cha cũng rất chú trọng việc hướng dẫn đức tin bằng việc mở ra các lớp Giáo lý, Phong trào thiếu nhi thánh thể và đào tạo Huynh trưởng.

Ngoài việc chú trọng đến đào tạo thiếu nhi, cha Giuse cũng rất quan tâm đến đời sống đạo trong xứ. Mỗi năm Giáo xứ có 3 kỳ tĩnh tâm, mỗi kỳ tĩnh tâm gồm 3 ngày vào các dịp: Giáng sinh, Phục Sinh và Lễ Thánh Nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, Bổn mạng Giáo xứ. Riêng tháng 10, Tháng Mân Côi cha Giuse Tâm tổ chức đọc kinh Mân côi tại các gia đình trong xứ. Vào dịp lễ Giáng sinh, cha Giuse Tâm lên chương trình canh thức diễn nguyện Giáng sinh công phu với sự đầu tư chất lượng cả về cả nội dung lẫn hình thức. Đó là một hình thức truyền giáo đặc biệt nơi vùng đất Cần Giờ này.

Nhà dưỡng lão nơi cưu mang những cụ già neo đơn

Nhà dưỡng lão nơi cưu mang những cụ già neo đơn

Hiện nay DCCT Cần Giờ còn hai cộng đoàn chuyên chăm sóc mục vụ là Cộng đoàn Cần Thạnh với giáo xứ Cần Giờ và cộng đoàn Đồng Hòa với Giáo điểm Đồng Hòa gồm 6 thành viên: 5 Linh mục và 1 thầy Trợ sĩ với số giáo dân cả hai nơi gần 500 người. Những điểm khác do DCCT Cần Giờ khai phá và lập nên nay đã giao lại cho Giáo phận và Dòng Salesien gồm: Giáo xứ An Thới Đông với các Giáo điểm: An Nghĩa, Doi Lầu, Lý Nhơn và Giáo xứ thánh Giuse (Tam Thôn Hiệp) với tổng số giáo dân cũng vào khoảng 500 người. Như vậy tổng số Giáo dân cả Huyện Cần Giờ vào khoảng 1000 người trên tổng số 90 ngàn dân, chỉ chiếm tỉ lệ hơn 1% dân số. Mặc dù con số còn rất khiêm tốn, nhưng nhìn tổng quan từ con số 15 hộ gia đình với vài chục giáo dân nay đã lên 1000 đã là bao cố gắng, hồ môi nước mắt của những nhà truyền giáo từ 50 năm qua.

Lời kết

50 năm kể từ bước chân đầu tiên của hai vị thừa sai DCCT đến Cần Giờ, trải qua biết bao thăng trầm nhưng ơn Chúa luôn nâng đỡ đời sống truyền giáo của các vị thừa sai. Hai vị thừa sai đầu tiên là cha Lượng và thầy Thảo nay đã về với Chúa. Hai vị Linh mục trẻ của DCCT đến Cần Giờ là cha Hòa và cha Đồng cũng đã được Chúa gọi về. Cha Chân Tín, “vị thừa sai bất đắc dĩ” đến với Cần Giờ cũng đã về với Chúa. Cha Điệp đã già và nay đã nghỉ hưu… Những thế hệ tiếp theo đang hăng say tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Nhà Dòng là Loan báo Tin Mừng cho người nghèo.

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, DCCT Cần Giờ không ngớt lời tạ ơn Chúa: tạ ơn vì không biết bao ơn lành Chúa ban giúp vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thắng nổi. Xin tri ân tất cả những ai đã đỡ nâng DCCT trong hành trình 50 năm sứ vụ. Cánh đồng truyền giáo phía trước vẫn còn rất rộng lớn với nhiều thách đố, nhưng xin đặt tất cả dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Xin Mẹ hướng dẫn đoàn con mạnh mẽ tiến lên gieo niềm hy vọng và Tin Mừng của Chúa Ki-tô Con Mẹ nơi vùng truyền giáo thân yêu này.

Lm. Giuse Trương Hoàng Vũ, DCCT

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết