Đức Hồng y Stanislaw Dziwisz nói về những kỳ vọng của Ngài cho kì Đại hội Giới trẻ Thế giới vào tháng 7 này. Về vấn đề người tị nạn, Ngài nói: “Ba Lan sẽ đón nhận họ. Chúng tôi cũng là những người nhập cư”.
“Đại hội Giới trẻ Thế giới lần này sẽ là sự kiện quan trọng nhất trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, và đó là điều chắc chắn” – lời của Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, thư ký suốt 30 năm của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, hiện nay là Tổng Giám mục Krakow, Giáo phận của Đức Thánh Giáo hoàng, Đấng đã được tuyên hiển thánh cách đây 2 năm.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Zenit và 4 nhà báo người Ý khác, Đức Hồng y người Ba Lan đã bày tỏ sự lạc quan cho sự thành công của sự kiện được công bố là kì tích lịch sử vì nhiều lý do: đó là ngày Đại hội giới trẻ đầu tiên được tổ chức trong Giáo phận của chính người người sáng lập, được tổ chức ngay sau khi Ngài được tuyên hiển thánh.
Đức Hồng y Dziwisz tiết lộ: có một “sự trùng hợp”; chủ đề về Lòng Thương Xót cũng là chủ đề của Năm Thánh năm nay, có một liên kết với những mặc khải về Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu cho Chị Thánh Faustina Kowalska, là những sự kiện đã xảy ra trong thực tế ở Giáo phận Krakow, vào những năm 30 của thế kỷ trước. “Chúa Giêsu nói rằng từ nơi này một ngọn lửa sẽ được nhóm lên cho toàn thế giới, để chuẩn bị cho ngày phán xét”.
Đức Hồng y giải thích: “Sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 26/7 đến 31/7 tới, Giáo phận Krakow sẽ tiếp đón các bạn trẻ đến từ 174 quốc gia trên toàn thế giới, để “chia sẻ ngọn lửa của Lòng Thương Xót” và mang nó đến với thế giới, một nơi mà “khao khát hòa bình”, như chính Thánh Faustina đã nói, sẽ không thể tìm thấy sự bình an nếu không “quay trở về với Chúa Giêsu Đấng giàu Lòng Thương Xót”.
Sự lạc quan của Đức Hồng y được dựa trên nhận thức rằng Ba Lan đại diện cho một loại vũ khí chống lại sự tục hoá của Châu Âu, nơi mà trong những thập kỷ qua, Châu Âu đang ở trong viễn cảnh của việc “canh tân tinh thần”, nhiều phong trào Giáo hội đã được sinh ra – trong đó có các phong trào bảo vệ sự sống – mà không quên một thực tế là “Châu Âu được thành lập trên gốc rễ Kitô giáo”.
Tại nhiều khu vực ở phía Nam của đất nước nói riêng, tỷ lệ người Công giáo chiếm 70-80% dân số, trong khi ở Krakow vào khoảng 50%.
Do đó, Ba Lan đi đầu so với nhiều nước khác trong việc chiến đấu để “bảo tồn các giá trị Kitô giáo”, bắt đầu bằng việc bảo vệ sự sống thánh thiêng được chứng minh bằng tỷ lệ thấp của nạo phá thai và ly hôn, và hầu như không có bất kỳ cuộc tranh luận về hôn nhân đồng tính nào xảy ra ở đây cả.
Tổng Giám mục Krakow cho biết thêm: “Một số thế lực mạnh mẽ đang muốn áp đặt chúng tôi về các giá trị sống mà chúng ta không chia sẻ ở đây”, điều này cho thấy rằng bảo vệ sự sống và các giá trị gia đình là “các nguyên tắc cơ bản cho tương lai của châu Âu”.
Do đó, theo ý kiến của Đức Tổng Giám mục, đó là điều “hữu ích, thực sự cần thiết và rất tốt” mà các chính phủ khác nhau ở Đông Âu – Ba Lan đang dẫn đầu- đang thực hiện chuyển tiếp các chính sách theo lối này.
Ba Lan, theo nhận xét của vị cựu thư ký của Đức Gioan Phaolô II, là một quốc gia sẵn sàng tiếp nhận người nhập cư và người tị nạn: “Chúng tôi rất cởi mở để tiếp nhận họ với sự thận trọng và trách nhiệm”, ngài giải thích. “Điều quan trọng là phải cung cấp cho họ chỗ ở và làm việc. Đồng bào của chúng tôi cũng là người nhập cư trong quá khứ, thường vì lý do chính trị, do đó, những gì chúng tôi đã nhận được, thì này nay chúng tôi cũng phải làm như vậy đối với người khác “.
Phát biểu về Đại hội Giới trẻ, Đức Hồng y Dziwisz nhấn mạnh những nền tảng cơ bản của sự Đại hội này là bởi vì các bạn trẻ sau khi tham gia Đại hội giới trẻ “trở lại dấn thân nhiều hơn và sống vui tươi hơn”.
Theo Đức Tổng Giám mục Krakow, Đại hội Giới trẻ thế giới sẽ nuôi dưỡng “ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến” và sự ra đời của “những tình bạn đẹp”, và sau đó là tiến tới hôn nhân.
“Chúng tôi tin tưởng những bạn trẻ đến với Đại hội Giới trẻ là những hoa trái tốt của Giáo hội”, vị cựu thư ký của Thánh Gioan Phaolô II nói.
Sau đó, ZENIT phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Krakow các câu hỏi sau đây.
ZENIT: Với vị trí địa lý của Giáo phận ở đây, Ngài có nghĩ rằng ĐH Giới trẻ thế giới lần này có thể trở thành một dịp gặp gỡ với các bạn trẻ đến từ Đông Âu (có lẽ thuộc Giáo hội Chính thống) không?
Đức Hồng y Dziwisz: Với quan điểm này, chúng tôi luôn rất cởi mở. Đại hội Giới trẻ tại Czestochowa năm 1991 lần đầu tiên được tổ chức ở Đông Âu, các bạn trẻ đến từ Belarus, Ukraine và Nga đã tham gia, với tổng số khoảng 200.000. Ngày nay, 25 năm sau, chúng tôi hy vọng rằng các bạn trẻ của các quốc gia cũng sẽ đến Krakow: chúng ta phải giúp họ và giúp chính phủ của họ, và làm hết sức có thể giúp các bạn trẻ có thể đến với đất nước chúng tôi.
ZENIT: Ngài có lo sợ rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ làm cản trở cho Đại hội này không?
Đức Hồng y Dziwisz: Cuộc xung đột này chắc chắn có thể tạo ra những khó khăn cho các bạn trẻ người Ukraine nhưng chúng tôi – tôi lặp lại – sẽ đón nhận tất cả.
ZENIT: Ngài có nghĩ rằng Đức Giáo hoàng hiện nay có thể phải đối diện với những sự so sánh với vị tiền nhiệm lừng lẫy của mình không?
Đức Hồng Y Dziwisz: Ba Lan sẽ tiếp đón Đức Thánh Cha Phanxicô với tất cả tấm lòng mến yêu! Chúng tôi là những Kitô hữu. Vì vậy, đối với chúng tôi, Đức Giáo hoàng là Đức Giáo hoàng, bất kể tên tuổi của ngài có nổi tiếng hay không. Chẳng hạn, sau khi Đức Thánh Cha Benedicto XVI được bầu chọn, chúng tôi đã tiếp đón ngài y như vậy, thậm chí còn hơn Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nữa. Chúng tôi muốn cho thấy rằng đối với chúng tôi, Đức Thánh Cha là Đức Thánh Cha. Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được tiếp đón nồng hậu nhất, và tôi phải nói rằng chúng tôi đã mong chờ ngài suốt một thời gian dài.
ZENIT: Hình như Thánh Gioan Phaolô II đang dần phại nhạt trong tâm thức mọi người?
Đức Hồng y Dziwisz: Trong thực tế, ngay cả khi ngài không còn hiện diện bằng xương bằng thịt, nhưng tôi cảm thấy như ngài vẫn đang hiện diện. Ngài thực sự là một người có sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Có rất nhiều người cầu nguyện với Thánh Gioan Phaolô II. Họ xin ngài cầu nguyện cho họ. Và ngài đã đáp lại bằng rất nhiều phép lạ: nhiều cặp vợ chồng không có khả năng có con, đến xin khấn với ngài, và giờ họ đã có con. Có những người khấn với ngài xin chữa bệnh ung thư và họ cũng đã được chữa lành. Một trường hợp đặc biệt của một người phụ nữ được chẩn đoán khối u não: nhưng đến khi tiến hành phẫu thuật mở hộp sọ của cô, họ không tìm thấy gì. Chỉ có một phép lạ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã được công nhận cho việc phong thánh của ngài, nhưng ngài đã thực hiện rất nhiều phép lạ.
Minh Tuệ (theo zenit.org)