Người Kitô hữu hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa tình yêu đất nước. Bởi mọi người đều được liên kết với nhau cùng một vận mệnh là đất nước này…
Quê hương đó, cần… tôi không?
Lúc này, hơn bao giờ hết, ai có chút quan tâm đều biết rõ hiện tình đất nước mình bi đát, nổi trôi thế nào. Bên cạnh những suy thoái, ung nhọt về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, người Việt nào thao thức đều hiểu rằng vận nước như nghìn cân treo sợi tóc.
Lòng người ly tán. Gần nửa thế kỷ sau ngày đất nước chấm dứt cuộc chiến khốc liệt, lòng người vẫn ly tán. Người Việt vẫn đếm dân số nước mình gần 100 triệu, cộng thêm hơn 3 triệu đồng bào hải ngoại nhưng cũng biết rằng đó là một quần thể chia rẽ, mất niềm tin, thậm chí nhiều người vẫn còn phải ôm lòng thù hận.
Nước láng giềng phương Bắc luôn lăm le, thèm thuồng đất nước chúng ta và ra sức chi phối, kiểm soát, giành giật và cướp đoạt. Với sự tiếp tay do ngu dốt, hèn nhát, hay lòng tham lam của chính một số người gọi là “đồng bào ta” – cùng “bọc trăm trứng” trên đất nước này, có thể là cả một số người ngay trong bộ máy của nhà cầm quyền hiện nay.
Sự khinh ghét hoà trộn với sự sợ sệt đảng cầm quyền. Nhiều người bỏ mặc Tổ quốc cho nhà cầm quyền định đoạt. Nhiều người khác chọn cách bỏ nước ra đi. Trong một status ngày 13/3/2016 trên facebook, luật sư Hồ Minh Kính ghi nhận: “Làm việc cho chương trình EB5 mới thấy số người giàu có VN đầu tư vào Mỹ 500,000 usd để đổi lấy thẻ xanh cho gia đình ngày càng tăng, chủ yếu là doanh nhân ở độ tuổi 40-50, sở hữu nhiều triệu đôla”.
Trước tình trạng ấy, là Kitô hữu mà chỉ lo cho đời sống đạo đức cá nhân, thờ ơ với vận mệnh đất nước, thì có khác gì đang thực thi Tin Mừng một nửa?
Giáo huấn xã hội của Giáo hội về mối tương quan với tha nhân, dân tộc
Bất kể với tư cách cá nhân từng Kitô hữu, hay là cộng đoàn Hội Thánh, chúng ta đều không được miễn trừ trách nhiệm với dân tộc và quốc gia mình. Bởi vì tất cả chúng ta cùng chia sẻ chung các giá trị của cuộc sống, luân lý, tâm linh, tinh thần của dân tộc và đất nước mình, cho nên vận mệnh của dân tộc và đất nước ta được gắn liền với vận mệnh của từng Kitô hữu và vận mệnh của cả Giáo hội Việt Nam.
Đức Giêsu, vị Thầy chí thánh của của chúng ta, đã mang lấy thân phận cũng như vận mệnh của từng con người và toàn thể nhân loại này vào bản thân Ngài. Trong đó, có thân phận và vận mệnh của toàn thể đồng bào Việt Nam ta. Chúng ta yêu mến Chúa, sống việc phụng vụ thờ phượng Chúa trong nhà thờ, điều đó thật là tốt đẹp và phải đạo. Tuy nhiên, như thế mới chỉ thực thi một nửa bổn phận người Kitô hữu. Chúng ta còn phải vâng lời Chúa, yêu mến tha nhân, quan tâm đến mọi người xung quanh, nhất là người nghèo, người bị áp bức bất công, người đang trong cơn khốn khó…!
Trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái xác nhận: “Ơn cứu độ chúng ta có chiều kích xã hội, bởi vì Thiên Chúa trong Đức Kitô, không chỉ cứu giúp từng cá nhân, nhưng còn cứu giúp các mối tương quan trong xã hội giữa con người với nhau”.
Giáo huấn nào cho “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!” đang diễn ra?
Nhìn những đàn cá chết trắng bờ ở các tỉnh miền trung Việt Nam ta, có ai xót cho thân phận những người nuôi cá và những người đánh cá không? Có Kitô hữu nào đã làm được gì để cứu giúp họ chăng? Nơi thì hạn hán, nơi thì nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, dòng sông đã từng hiển hách một thời, nay đang mang lại sự chết chóc, hủy diệt mùa màng của bà con miền Tây. Ai gây nên cơ sự? Ai người dửng dưng!? Ai cùng thao thức buồn khổ với họ?
“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” (Hiến Chế Mục Vụ). Hi vọng những lời dạy này của Giáo hội không chỉ là những chữ vô hồn trên trang giấy, hay chỉ là những kiến thức giúp uyên bác về Giáo hội hơn.
Có thể sống đầy đủ Tin Mừng hơn chăng?
Người Kitô hữu hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa tình yêu đất nước. Bởi mọi người đều được liên kết với nhau cùng một vận mệnh là đất nước này, cho nên phải cùng nhau gánh lấy giang sơn. Trách nhiệm này được thôi thúc bởi tình liên đới phận người với nhau, là anh em cùng “bọc trăm trứng”, nhất là con của Cha chung trên trời. Đó cũng là việc làm theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã mang lấy phận người chúng ta và liên đới đến tận cùng.
Tình yêu Kitô giáo thúc đẩy chúng ta lên tiếng trước những bất công xã hội, trước những thân phận nghèo khổ bị thiệt thòi do hậu quả toan tính của những người giàu có, quyền thế hay phe nhóm lợi ích.
Tình yêu Chúa và yêu tha nhân đưa đến sáng kiến, giải pháp để thực thi và đề xuất mọi người thực thi, làm sao nâng đỡ và thăng tiến được đời sống của đồng bào ta, gìn giữ, xây dựng và phát triển dân tộc và đất nước ta thịnh vượng, vững bền.
Kitô hữu Việt Nam cần thay đổi nếp sống đạo của mình. Đạo không chỉ đóng khung trong nhà thờ.
Ước chi mỗi người và mọi người Kitô hữu có những nhận thức luân lý sâu xa hơn, để cùng Giáo hội hoàn thành trách nhiệm trở thành người đánh thức lương tâm xã hội.
Thuận Kiệt