Kitô giáo là nhóm tôn giáo bị nhắm mục tiêu rộng rãi nhất trên thế giới

Khi nói về cuộc bách hại tôn giáo, Kitô giáo là cộng đồng bị nhắm mục tiêu rộng rãi nhất, theo một báo cáo mới được công bố vào tuần này.

Tuy nhiên, bất chấp sự áp bức và đe dọa bạo lực, các tín hữu “đừng sợ hãi”, một vị Tổng Giám mục Pakistan nói.

Các Kitô hữu tại Pakistan đã có những đóng góp quan trọng cho lịch sử của nước này và đã không chối bỏ niềm tin của mình trong bối cảnh của cuộc bách hại hiện tại, theo Đức Tổng Giám mục Sebastian Shaw, OFM thuộc Địa phận Lahore, Pakistan.

Cross_of_the_Martyrs_Credit_Aaron_Groote_via_Flickr_CC_BY_NC_SA_20_CNA_1_15_16 (1)“Thậm chí ngay cả với hành động phân biệt hoặc một số hành động bạo lực”, các Kitô hữu phải can đảm – Đức TGM Shaw nói – ngài đã trích dẫn những lời của Chúa Giêsu rằng “người ta sẽ ngược đãi anh em vì danh Thầy”.

“Anh chị em không phải là những tội phạm, nhưng vì anh chị em chính là các Kitô hữu và vì anh chị em đang bước theo các giá trị của Tin Mừng như: trung thực, đầy tinh thần trách nhiệm, hiền lành, và lương thiện” – Đức TGM Shaw nói về các Kitô hữu Pakistan – chính vì vậy, bạo lực và những phiền nhiều sẽ theo sau anh chị em.

Đức TGM Shaw đã phát biểu với CNA tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia tại Washington, D.C. hôm 20/4 vừa qua nhân dịp công bố cuốn phim mang tên “Dưới lưỡi gươm của Cêsarê” (Under Caesar’s Sword). Đức Đức TGM Shaw lãnh đạo giáo phận Công Giáo lớn nhất tại Pakistan, với khoảng 500.000 tín hữu.

“Dưới lưỡi gươm của Cêsarê” không chỉ là một tài liệu nói về cuộc bách hại Kitô giáo trên toàn thế giới mà còn là cách họ chọn để đáp lại với cuộc bách hại. “Các Kitô hữu là cộng đồng tôn giáo bị nhắm mục tiêu rộng rãi nhất” – bản báo cáo giải thích – và “đang phải chịu đựng cuộc bách khủng khiếp trên toàn cầu”.

Có ba phản ứng thông thường của cộng đồng Kitô hữu đối với vấn đề bạo lực hoặc các hành vi quấy rối, theo báo cáo ghi nhận: “sự sống còn”, “chiến lược liên kết” và “sự đối đầu” – vốn là “phản ứng ít phổ biến nhất”.

Sự sống còn đòi hỏi các cộng đồng phải lựa chọn để ở lại nơi mà họ hiện đang phải đối diện với việc bị bách hại, như những cộng đồng thiểu số tại Iraq và Syria, hoặc là quy tụ nhau cách bí mật để thờ phượng như các Giáo Hội hầm trú tại Trung Quốc vẫn thực hiện, hoặc là duy trì một mối quan hệ mỏng manh với các chế độ nắm quyền.

Các cộng đồng tận dụng “các đoàn thể” để phát triển mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ khác hoặc các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc hoặc sẽ tăng cường các mối quan hệ xã hội của họ thông qua các dịch vụ xã hội hoặc thực hiện sự tha thứ.

Điển hình về hành động này đó chính là các Kitô hữu Coptic và những người Hồi giáo tại Ai Cập đã hành động để chung tay bảo vệ các nhà thờ và thánh đường Hồi giáo của nhau khỏi bị phá hoại và bạo lực vào năm 2011.

Một ví dụ điển hình khác đó là vào năm 1996, khi “đoán trước những đau khổ sẽ phải chịu, Christian de Chergé – người đứng đầu ‘các tu sĩ Tibhirine’ tại Algeria, những người đã chịu phúc tử đạo vào năm 1996 trong cuộc nổi dậy, đã viết một bức thư cho những kẻ sẽ sát hại mình, tha thứ cho họ và mời họ hướng tới một tương lai của việc chung sống với nhau trong tự do”.

“Các Kitô hữu phản ứng trước các cuộc bách hại gần như luôn luôn là bất bạo động và, với rất ít ngoại lệ, không hề liên quan đến các hành động khủng bố”, bản báo cáo cho biết.

Các Kitô hữu tại Pakistan – Đức TGM Shaw giải thích – đã giúp xây dựng và thống nhất đất nước này khi nó được thành lập vào năm 1947, đặc biệt là thông qua các lĩnh vực y tế và xã hội cũng như các cơ sở giáo dục vốn đã hình thành nên một số nhà lãnh đạo hiện nay của đất nước, bao gồm thủ tướng và phát ngôn viên của Quốc hội.

Tuy nhiên, sau khi quốc hữu hoá các trường học của quốc gia vào năm 1972, Pakistan đã trở nên một quốc gia “Hồi giáo hơn” và các Kitô hữu đã bị gạt ra ngoài lề xã hội, Đức TGM Shaw nói. Hiện tại họ chỉ chiếm khoảng 2% dân số cả nước.

Hành động gạt các Kitô ra bên lề xã hội bao gồm các hành vi xâm phạm đến các quyền lợi của họ cũng như các hành động bạo lực. Các hành động khủng bố chống lại các Kitô hữu cũng đã gia tăng qua việc một kẻ đánh bom tự sát đã làm thiệt mạng 72 người và làm bị thương 340 người hồi năm ngoái trong vụ tấn công khi các Kitô hữu đang mừng lễ Phục Sinh tại một công viên ở Lahore.

Theo Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, đạo luật chống báng bổ đã khiến 40 người bị tử hình hoặc bị án tù chung thân. Đạo luật này – vốn không đòi hỏi bằng chứng cho một cáo buộc nào đó và có những hình phạt khắc nghiệt – đã được sử dụng để sách nhiễu các Kitô hữu. Bạo động đám đông được sử dụng để gây áp lực cho chính phủ và các tòa án phải ban hành hoặc duy trì các bản án khắc nghiệt đối với các Kitô hữu vì những tội đã bị cáo buộc.

Asia Bibi – mẹ của 5 người Kitô hữu, đã bị kết án vào năm 2010 vì bị cáo buộc phạm tội báng bổ, nhưng Tòa án tối cao của nước này đã trì hoãn án tử hình và trường hợp của bà vẫn đang được đặt vấn đề, Tổng Giám mục Shaw nói.

Hiện nay, các Kitô hữu không được thừa nhận tư cách pháp nhân đầy đủ theo luật chứng kiến của nước này, luật này đòi hỏi phải có hai người đàn ông Kitô giáo nhưng chỉ cần một người đàn ông Hồi giáo khi chứng kiến một hành động phạm tội nào đó. Phụ nữ cũng bị coi là dưới nam giới, vì bốn phụ nữ Kitô sẽ phải làm chứng để được coi là một nhân chứng đầy đủ.

Sách giáo khoa mới trong các trường học cũng đã được lưu hành, trong đó có “nhiều nội dung mang tính thù hận” – Đức TGM Shaw cho biết – đã ngăn không cho “xã hội phát triển một cách hài hòa”.

Đức TGM Shaw cho biết ngài đã nhắn nhủ với các Kitô hữu rằng “anh chị em được sinh ra tại Pakistan, chính vì vậy, Thiên Chúa có một ý định đặc biệt khi để cho anh chị em được sinh ra tại Pakistan”, ngài cho biết sự hiện diện của họ không phải là ngẫu nhiên.

Các Kitô hữu không được trốn chạy khỏi thực tế – Đức TGM Shaw khẳng định – nhưng phải “đủ xác tín để tuyên xưng niềm tin của mình”.

Đức TGM Shaw khuyến khích các tín hữu “đừng phản kháng” khi đối phó với bạo lực, “nhưng điều đó không có nghĩa là anh chị em để cho người ta làm hại mình. Anh chị em phải can đảm để tiếp xúc với mọi người một cách quyết đoán để chia sẻ những giá trị của anh chị em khi trở thành những Kitô hữu”.

Các Kitô hữu nên tìm cách phát triển những nhận thức về đức tin và “truyền thống tôn giáo của họ” – Đức TGM Shaw nói – và nên chia sẻ niềm tin của họ với người khác thông qua đối thoại liên tôn. Phần cuối cùng này chính là điểm mấu chốt – Đức TGM Shaw nói – bởi vì nếu các Kitô hữu và những Hồi giáo có thể có được một “hội nghị bàn tròn” để cùng nhau học hỏi về các giá trị tôn giáo của nhau, thì họ có thể tìm thấy nền tảng chung cho mình.

Một số cuộc bách hại tồi tệ nhất đối với các Kitô hữu xảy ra ở các quốc gia nơi phần lớn họ bị cô lập với thế giới bên ngoài – theo báo cáo cho biết – đó là các quốc gia như: Triều Tiên, Eritrea, Somalia, và Yemen.

Theo báo cáo, các Kitô hữu trên toàn thế giới nên tìm cách thực hiện các hoạt động đối thoại, xây dựng những cầu nối với các thành viên khác trong xã hội và tất cả đều phải mang tính chất phi bạo lực.

“Những lợi ích của các chiến lược này có vẻ ngắn hạn và khiêm tốn, nhưng từ quan điểm của những Kitô hữu đã bị bách hại, các chiến lược này phản ánh một thứ logic mang tính thiêng liêng, “Những lợi ích của những chiến lược này có vẻ ngắn hạn và khiêm tốn, nhưng từ quan điểm của những người bị khủng bố, các chiến lược phản ánh một loại logic thần thiêng, một sự khởi đầu không chỉ với niềm hy vọng đối với một phần thưởng và việc thi hành trọn vẹn bổn phận nơi cuộc sống mai hậu mà còn trong sự xác tín rằng những cộng đồng này phải trung thành với đức tin của họ, thì một ngày nào đó những chế độ bách hại các Kitô hữu hoặc các nhóm chiến binh cũng sẽ qua đi và Giáo Hội sẽ nẩy nở và phát triển mạnh mẽ như đã từng xảy ra trong lịch sử trước đây”, báo cáo cho biết, đồng thời cũng chỉ ra niềm tin của các Kitô hữu thời kỳ đầu trong bối cảnh của các cuộc bách hại của Đế Quốc La Mã.

“Những người muốn hành động trong tình liên đới với những Kitô hữu bị bách hại có thể bắt chước chủ nghĩa thực dụng sáng tạo và trung thực của họ”, báo cáo kết luận.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết