Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ đã cáo buộc cộng đồng quốc tế vì đã không nắm bắt tình hình một cách nghiêm túc.
Ngày nay, các Kitô hữu hiện đang phải đối mặt với cuộc bách hại tồi tệ hơn bất cứ lúc nào khác trong lịch sử, nhưng LHQ và cộng đồng quốc tế phần lớn lại đang bỏ mặc họ, theo một báo cáo mới.
Báo cáo “Bách hại và lãng quên?” của văn phòng Anh quốc thuộc Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACN) cho biết rằng cuộc bách hại của các Kitô hữu đã đạt đến tầm cao mới trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2017, khi các nhóm như ISIS và Boko Haram đã tăng cường các cuộc tấn công.
Báo cáo cáo buộc cộng đồng quốc tế vì đã thất bại trong việc phản ứng một cách thỏa đáng với vấn đề bạo lực, trong đó nêu rõ: “Các chính phủ ở phương Tây và Liên Hợp Quốc đã không cung cấp cho các Kitô hữu ở các nước như Iraq và Syria sự trợ giúp khẩn cấp mà họ cần bởi vì nạn diệt chủng hiện đang được tiến hành”.
“Nếu các tổ chức Kitô giáo và các tổ chức khác đã không lấp đầy khoảng cách, sự hiện diện của các Kitô hữu có thể đã biến mất tại Iraq cũng như nhiều khu vực khác của Trung Đông”.
Cũng như Iraq và Syria, các Kitô hữu hiện đang bị đe doạ với mức độ ngày càng gia tăng ở một số quốc gia mà Hồi giáo chiếm phần lớn, cũng như dưới các chế độ độc tài như Bắc Triều Tiên và Eritrea.
John Pontifex, người biên tập báo cáo, cho biết: “Xét về mặt số lượng những người có liên quan, nguy cơ của những tội ác đã gây ra cũng như những tác động của chúng, rõ ràng là cuộc bách hại Kitô hữu hiện nay là tồi tệ hơn bất cứ lúc nào khác trong lịch sử.
“Không chỉ là việc các Kitô hữu bị bách hại hơn bất kỳ nhóm tín ngưỡng nào khác, nhưng số lượng ngày càng tăng hiện đang phải trải qua những hình thức bách hại tồi tệ nhất”.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào 13 quốc gia, cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình trạng tự do tôn giáo đối với tất cả các giáo phái khác nhau tại các quốc gia này.
Ví dụ như ở Trung Quốc, các Kitô hữu hiện đang phải chịu áp lực ngày càng tăng khi các nhà chức trách cố gắng buộc tôn giáo của họ phải tuân theo lý tưởng cộng sản. Hơn 2.000 ngôi thánh đường đã bị phá hủy ở tỉnh ven biển Chiết Giang, và cảnh sát hiện vẫn đang thực hiện việc bắt giữ hàng giáo sĩ.
Các Kitô hữu cũng bị ảnh hưởng không cân xứng bởi bạo lực Hồi giáo ở Trung Đông. Tại Iraq, hơn một nửa dân số Kitô giáo của nước này đã trở thành những người tị nạn trong nước, trong khi thành phố Aleppo lớn thứ hai của Syria, cho đến năm 2011 là nơi có cộng đồng Kitô giáo lớn nhất, đã giảm số lượng từ 150.000 người xuống còn 35.000 người vào mùa xuân năm 2017 – một sự sụt giảm nhiều hơn 75%.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương ở Trung Đông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ cảm thấy bị lãng quên bởi cộng đồng quốc tế. Một số Giám mục đã cáo buộc LHQ đối với việc xem xét các nhu cầu của các Kitô hữu đã bi buộc phải di tản, mặc dù cam kết sẽ cung cấp viện trợ “một cách trung lập và không thiên vị”.
Chủ nghĩa cực đoan cũng chính là một vấn đề ngày càng gia tăng ở Châu Phi – đặc biệt là tại Nigeria, nơi là lực lượng Boko Haram đã khiến cho hơn 1,8 triệu người dân phải di tản.
Chỉ tính riêng tại Giáo phận Kafanchan – trong vòng năm năm, 988 người đã bị giết hại, và 71 ngôi làng mà Kitô giáo chiếm đa số đã bị phá hủy, cũng như 2.712 ngôi nhà và 20 ngôi thánh đường khác.
“Bản chất lan rộng của cuộc bách hại – và các bằng chứng liên quan đến các chế độ mà phương Tây có các mối quan hệ thương mại và những mối liên kết chặt chẽ – có nghĩa là nó cần các chính phủ của chúng ta sử dụng ảnh hưởng của họ để bênh vực cho các nhóm thiểu số, đặc biệt là các Kitô hữu.
“Các Kitô hữu không nên bị sát tế trên tế đàn của những thủ đoạn cá nhân mang tính chiến lược và những lợi ích kinh tế”.
Minh Tuệ chuyển ngữ