Thật đáng kinh ngạc, hầu hết các Kitô hữu bị sách nhiễu lại đang sinh sống ở các quốc gia Kitô giáo.
Nghiên cứu mới đây của Pew Research cho thấy sự bách hại các Kitô hữu đã gia tăng trên toàn cầu. Đáng ngạc nhiên, phần lớn những Kitô hữu bị bách hại này đang sống ở các quốc gia Kitô giáo. Sự không khoan dung đối với các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác và việc thúc đẩy ngày càng gia tăng sự tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước có thể là những yếu tố then chốt ẩn núp đằng sau xu hướng này. Điều này khiến cho những cam kết của các nhà lãnh đạo chính trị, chẳng hạn như Donald Trump, để bảo vệ tự do tôn giáo, trở nên ngày càng có liên quan hơn đối với các Kitô hữu.
Một nghiên cứu về các cuộc bách hại tôn giáo vào năm 2015 cho thấy rằng cuộc bách hại Kitô giáo đã lan rộng ra trên 128 quốc gia – nhiều hơn đối với trường hợp của bất kỳ tôn giáo nào khác. Sở dĩ như vậy là vì các Kitô hữu chính là nhóm tôn giáo được phổ biến rộng rãi nhất trên thế giới. Trái với sự tin tưởng của nhiều người, nghiên cứu cho thấy các Kitô hữu không chỉ bị bách hại ở các quốc gia Trung Đông, mà còn ở chính tại các quốc gia Kitô giáo.
Tại Nga và các quốc gia khác, nơi mà Kitô giáo Chính Thống Đông Phương là một cộng đồng đức tin chiếm ưu thế, có một sự không khoan dung nghiêm trọng đối với các tín ngưỡng mà các quốc gia này không chính thức công nhận. Các tín ngưỡng này cũng bao gồm các nhóm Kitô giáo chẳng hạn như Nhân Chứng Giê-hô-va. Gần đây, Tòa án Tối cao Nga đã nghiêm cấm hoàn toàn các nhóm Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nga, xác định họ là một tín ngưỡng “cực đoan”.
Tại Nicaragua với đa số là người Công giáo, chính phủ được cho là đã đặt rất nhiều gánh nặng lên Giáo hội Công giáo. Chẳng hạn như, Giáo hội Công giáo trong nước bị hạn chế hay bị kiểm soát; các cuộc gọi điện thoại và email của họ đều bị truy nguyên nguồn gốc. Việc tài trợ chỉ đến với các nhà thờ do các linh mục có những mối liên hệ chính trị phụ trách. Tuy nhiên, chính phủ đã không ngần ngại sử dụng các biểu tượng và truyền thống Công giáo trong các chiến dịch chính trị và tuyên truyền của họ. Điều này đang làm suy yếu thẩm quyền tôn giáo của Giáo hội Công giáo tại Nicaragua.
Các Kitô hữu tại Hoa Kỳ cũng than phiền về sự sách nhiều đang ngày càng gia tăng từ các quan chức chính phủ. Chính quyền do Obama điều hành buộc các cơ sở, mái ấm, các phòng khám và các cơ sở tương tự do Kitô giáo điều hành phải mở cửa cho các thành viên của cộng đồng LGBT, những người ủng hộ phá thai..v..v.., gây nhiều khó khăn cho niềm tin tôn giáo của các Kito hữu. Hiện nay, từ khi ông Trump làm Tổng thống, các Kitô hữu Hoa Kỳ hy vọng tất cả những điều đó sẽ thay đổi. Chính Tổng thống Trump đã thường lên tiếng cam kết sẽ đảm bảo cho tự do tôn giáo không bao giờ bị làm tổn hại tại Hoa Kỳ. Mike Pence, trong suốt bài diễn văn tại sự kiên ‘National Catholic Prayer Breakfast’, cũng bảo đảm điều tương tự như vậy đối với các Kitô hữu Hoa Kỳ.
Minh Tuệ (theo World Religion News)