
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong giờ Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật, ngày 5 tháng 11 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Trong bài chia sẻ trong giờ Kinh Truyền Tin hôm Chúa nhật ngày 5 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo chống lại việc sống một cuộc sống hai mặt, đồng thời nhấn mạnh những mối nguy hiểm mà nó gây ra đối với chứng tá Kitô giáo đích thực và khả năng tạo ra một cuộc khủng hoảng về uy tín đối với Giáo hội.
Lời cảnh báo bắt nguồn từ bài Tin Mừng trong ngày, trong đó Chúa Giêsu cảnh báo không nên noi gương các luật sĩ và người Pha-ri-sêu.
Trích dẫn Tin Mừng Mát-thêu, Đức Thánh Cha nói với đám đông: “Chúa Giêsu dùng những lời hết sức nghiêm khắc, ‘Vì họ rao giảng nhưng không thực hành… họ làm mọi việc cốt để được người khác nhìn thấy’”.
Giống như các luật sĩ và người Pha-ri-sêu, “các nhà lãnh đạo tôn giáo của dân chúng”, Đức Thánh Cha cảnh báo rằng sự không mạch lạc này gây ra vấn đề không chỉ cho những người phục vụ Giáo hội, mà còn cho bất kỳ ai được kêu gọi đảm nhận “vai trò trách nhiệm”.
“Quy tắc này luôn có giá trị đối với một Linh mục, một người làm công việc mục vụ, một chính trị gia, một giáo viên hoặc một bậc làm cha mẹ: Những gì bạn nói, những gì bạn giảng cho người khác, hãy cam kết thực hiện điều đó trước tiên”, Đức Thánh Cha nói.
Sử dụng những lời này như một điểm khởi đầu, Đức Thánh Cha tập trung vào khía cạnh kép này của “khoảng cách giữa lời nói và hành động và sự nổi trội của vẻ bề ngoài so với những điều nội tâm”.
Đức Thánh Cha cảnh báo rằng trong sự cách biệt lớn giữa việc nói và hành động bề ngoài có “sự hai mặt của con tim, gây nguy hiểm cho tính chân thực của chứng tá và sự khả tín của chúng ta với tư cách là những con người và những người Kitô hữu”.
Trong khi thừa nhận rằng vì sự mong manh vốn có của thân phận con người, chúng ta “trải nghiệm một khoảng cách nhất định giữa những gì chúng ta nói và những gì chúng ta làm”, Đức Thánh Cha tiếp tục cảnh báo rằng “thay vào đó, việc có một con tim hai mặt là một chuyện khác”.
Đức Thánh Cha cho biết điều này mang đến một nguy cơ nghiêm trọng cho cả đời sống tinh thần nội tâm lẫn biểu hiện bề ngoài của việc sống như một người Kitô hữu, gây nguy hiểm cho cuộc sống của các Kitô hữu và uy tín của Giáo hội.
Giải thích khía cạnh thứ hai của thông điệp Tin Mừng, Đức Thánh Cha giải thích: “Các luật sĩ và người Pha-ri-sêu bận tâm về việc phải che giấu sự bất nhất của mình để bảo vệ danh tiếng bên ngoài của họ”.
“Sự gian trá này rất phổ biến – thể hiện vẻ bề ngoài đẹp đẽ để che giấu sự ô trọc bên trong”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục. “Nhưng đây là một căn bệnh đáng kinh sợ, đặc biệt đối với chúng ta là những người Kitô hữu – khi vẻ bề ngoài lấn át bên trong. Đôi khi, ngay cả trong Giáo hội, chúng ta cũng bị cám dỗ để giữ thể diện, khi chúng ta phải quan tâm đến nội tâm để trở thành những Kitô hữu nhất quán và đáng tin cậy”.
Đức Thánh Cha kết thúc bài suy tư Tin Mừng bằng cách yêu cầu gần 23.000 tín hữu tập trung bên dưới Quảng trường Thánh Phêrô suy ngẫm về sự mâu thuẫn bất nhất này.
“Chúng ta có cố gắng thực hành những gì chúng ta rao giảng hay chúng ta sống hai mặt? Chúng ta chỉ bận tâm đến việc tỏ ra hoàn hảo bên ngoài, hay chúng ta cũng trau dồi đời sống nội tâm của mình bằng sự chân thành của con tim?”.
Sau giờ Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã nhắc lại lời kêu gọi hòa bình trong cuộc chiến Israel-Hamas, nổ ra vào đầu tháng 10 sau khi nhóm khủng bố xâm chiếm Israel.
“Tôi tiếp tục nghĩ về tình hình nghiêm trọng ở Palestine và Israel, nơi có rất nhiều người đã thiệt mạng”, Đức Thánh Cha nói. “Xin hãy dừng lại, nhân danh Chúa: xin hãy ngừng bắn”.
Đức Thánh Cha yêu cầu phải mọi dốc hết nỗ lực nhằm hướng tới việc ngừng bắn, đặc biệt là trước tình hình nhân đạo không thể giải quyết được ở Dải Gaza.
“Tôi hy vọng rằng mọi con đường sẽ được thực hiện để hoàn toàn có thể tránh được xung đột, những người bị thương có thể được giúp đỡ và viện trợ có thể đến tay người dân Gaza, nơi tình hình nhân đạo đang cực kỳ nghiêm trọng. Hãy trả tự do cho các con tin ngay lập tức. Trong số đó cũng có nhiều trẻ em; cầu mong họ được trở về với gia đình của họ!”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Đức Thánh Cha cũng đề nghị cầu nguyện cách đặc biệt cho người dân Nepal, nơi xảy ra trận động đất mạnh 5,7 độ richter ở tỉnh Karnali phía tây. Các nỗ lực cứu hộ hiện đang được tiến hành và các quan chức lo ngại rằng số người chết, hiện là 157 người, có thể tăng lên, BBC đưa tin.
Đức Thánh Cha cũng đã đưa ra lời kêu gọi cho “những người tị nạn Afghanistan đã tìm được nơi ẩn náu ở Pakistan nhưng giờ đây chẳng còn biết đi đâu nữa”.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc lời kêu gọi của mình bằng cách mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho những người ở Ý bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Vào ngày 2 tháng 11, một trận lũ lụt đã tấn công vùng Tuscany, bao gồm các tỉnh Prato, Florence và Pistoia. Hiện 7 người đã thiệt mạng và 1 người mất tích, trong khi hàng nghìn người buộc phải sơ tán khỏi nhà cửa của họ.
Minh Tuệ (theo CNA)