Một tầm nhìn kinh tế chỉ hướng tới lợi nhuận và sự thỏa mãn vật chất sẽ đưa tới một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng, làm gia tăng sự nghèo đói và con số những người bị hắt hủi “như là những thứ không sinh lợi và vô dụng”, Đức Thánh Cha nói.
Tác động đó là rõ ràng ngay cả ở những nước phát triển nhất, nơi sự nghèo đói và sự xuống cấp về xã hội “đưa đến một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các gia đình, một phần tầng lớp trung lưu và cách đặc biệt là giới trẻ”, Đức Thánh Cha nói hôm 13/5.
Đức Thánh Cha ngỏ lời với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia về Giáo huấn xã hội Công giáo đang tham dự một hội nghị quốc tế về “sáng kiến kinh doanh trong cuộc chiến chống lại đói nghèo” do tổ chức “Centesimus Annus Pro Pontifice” tài trợ.
Được thành lập vào năm 1993, tổ chức này tìm cách thúc đẩy việc giảng dạy Thông điệp được công bố năm 1991 của Thánh Gioan Phaolô II về công bằng xã hội và kinh tế.
Nhắc lại chuyến viếng thăm gần đây tới các hòn đảo Lesbos của Hy Lạp, Đức Thánh Cha cho biết cuộc khủng hoảng người tị nạn “đặc biệt gần gũi với trái tim của tôi,” và thêm rằng cộng đồng quốc tế bị thách thức “đưa ra các phản ứng chính trị, xã hội và kinh tế dài hạn” đối với tình hình vốn “ảnh hưởng đến toàn thể gia đình nhân loại.”
“Cuộc chiến chống nghèo đói không chỉ là một vấn đề kinh tế kỹ thuật, nhưng trên hết là một vấn đề đạo đức, kêu gọi sự liên đới toàn cầu và sự khai triển của các phương pháp tiếp cận công bằng hơn với các nhu cầu và nguyện vọng cụ thể của các cá nhân và các dân tộc trên toàn thế giới,” ngài nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham dự hội nghị xây dựng “nền móng cho một nền văn hóa kinh doanh và kinh tế toàn diện hơn và tôn trọng phẩm giá con người hơn.”
Vấn nạn thanh niên thất nghiệp, ngài tiếp tục, là một sự bê bối phải được giải quyết “đầu tiên và quan trọng nhất” không chỉ về mặt kinh tế, mà còn như là một căn bệnh xã hội trầm trọng, cướp mất niềm hy vọng của những người trẻ tuổi và lãng phí “nguồn tài nguyên lớn của họ về năng lượng, sự sáng tạo và tầm nhìn.”
Đức Thánh Cha khuyến khích các nhà lãnh đạo kinh doanh Công giáo kiến tạo các mô hình mới của tiến bộ kinh tế hướng tới công ích phổ quát “phù hợp với các giá trị của Nước Thiên Chúa.”
“Trong thực tế, ơn gọi của anh chị em là phục vụ phẩm giá con người và xây dựng một thế giới liên đới đích thực,” Đức Giáo Hoàng nói với họ.
Junno Arocho Esteves
Ngọc Huỳnh chuyển ngữ (Nguồn: Catholic News Service)