Khung cảnh lịch sử của biến cố Đức Giêsu (Lc 3,1-2a)

Nhân loại chúng ta không bị phó mặc cho những quyền lực chính trị, kinh tế và tôn giáo trong lịch sử, vốn là những thứ quyền lực có thể huỷ diệt chúng ta. Nơi con người Đức Giêsu, chính Thiên Chúa đã đi vào lịch sử, và do bởi mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu, lịch sử và nhân loại được điều khiển và dẫn dắt bởi quyền năng cứu độ của chính Thiên Chúa.

cn2mv mediumMở đầu bài Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng năm C, tác giả Luca miêu tả khái quát một hoàn cảnh chính trị và tôn giáo xác định:

Năm thứ mười lăm dưới triều đại hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxanya làm tiểu vương miền Abilên, Khanan và Caipha làm thượng tế” (Lc 3,1-2a).

Đã đành, những chi tiết ấy được đặt trước hết trong tương quan với sự xuất hiện của ông Gioan Tẩy Giả. Nhưng bởi vì ông Gioan chuẩn bị cho Đức Giêsu đến và hoạt động ngay sau đó, nên những chi tiết ấy thực ra cũng có giá trị mô tả khung cảnh lịch sử của biến cố Đức Giêsu.

Khung cảnh lịch sử được khái lược ở đây với những chỉ dẫn cụ thể về thời gian, về không gian và về những thẩm quyền chính trị và tôn giáo sẽ có ảnh hưởng trực tiếp trên sứ vụ của ông Gioan và của Đức Giêsu. Ông Luca đã viết theo cách viết của các bộ sử thời đại ông, nhưng đồng thời, ông cũng viết theo cách viết của các sách ngôn sứ trong Cựu Ước nữa: quả thực, ta gặp ở đây cách miêu tả tương tự như khi các ngôn sứ nói về sự xuất hiện của họ trong lịch sử (x. Gr 1,1-3; Ed 1,1-3; Hs 1,1; Am 1,1…).

Ý định trước tiên của tác giả sách Tin Mừng không phải là miêu tả cách chính xác thời gian ông Gioan xuất hiện và rao giảng, bởi nếu thế, ông chỉ cần nói đến năm thứ mười lăm triều đại hoàng đế Tibêriô là đủ; và thực ra, trong các chi tiết được ông Luca nêu lên ở đây, chỉ có chi tiết đó là có giá trị giúp xác định chính xác thời điểm Đức Giêsu bắt đầu hoạt động công khai. Có lẽ tác giả muốn đặt những sự kiện mà ông sắp kể (trong sách Tin Mừng của ông) vào trong một khung cảnh lịch sử với những khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo phức tạp của nó.

Vậy, điều mà tác giả Luca muốn nhấn mạnh ở đây, là hành động cứu độ của Thiên Chúa không xảy ra trong một hoàn cảnh huyền thoại, phi lịch sử và không thể xác định, mà là trong một khung cảnh thời gian và không gian xác định rõ ràng với những khía cạnh khác nhau của khung cảnh đó. Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ của Người không phải trong một khung cảnh bất kỳ nào; Người can thiệp trong một khung cảnh lịch sử cụ thể, và làm cho Lời Cứu Độ của Người vang lên trong một thời điểm và một nơi chốn cụ thể. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa “dính dự” cách thiết thân vào lịch sử của nhân loại và của mỗi con người phàm trần chúng ta.

Ông Gioan và Đức Giêsu sinh sống và thi hành sứ vụ trong một khung cảnh lịch sử xác định. Đó là khung cảnh của đế quốc Rôma thời hoàng đế Tibêriô. Một con người vô danh tiểu tốt là Giêsu Nadarét được đặt đối diện với vị hoàng đế La Mã đầy quyền uy đang bá chủ thế giới! Đại diện cho hoàng đế ấy ở Giuđê là quan tổng trấn Phongxiô Philatô. Theo nhận định của nhiều người đương thời, Philatô là một người cứng rắn và không biết thương cảm. Ông bị La Mã cất chức vì đã sát hại hàng ngàn người Samari tụ họp trên núi Garizim. Các nhà lịch sử cổ thời như Flavius và Philon cho biết: ông cai trị xứ sở bằng tham nhũng, khủng bố, cướp bóc, tra tấn và hành quyết không nương tay. Còn các ông vua như Hêrôđê chỉ là những ông vua bù nhìn, thậm chí còn “hợp tác” với quyền lực La Mã để hiếp đáp và bóc lột dân chúng.

Rõ ràng, Đức Giêsu và ông Gioan Tẩy Giả đã phải sống và lên tiếng trong một miền đất bị chiếm đóng và cai trị bởi những con người tàn bạo. Ngày nay, tại nhiều nơi, Hội Thánh và các tín hữu cũng đang phải sống và loan báo Tin Mừng trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, đôi khi là bi thương. Nhưng chính ở bên trong những thực tại của nhân loại cụ thể và phàm trần mà sự thay đổi được thực hiện và ơn cứu độ được thành toàn cho con người.

Khi tác giả Luca viết sách Tin Mừng, các hoạt động của ông Gioan và của Đức Giêsu đã diễn ra và kết thúc được mấy thập niên rồi. Ông Gioan và Đức Giêsu không phải là những hình ảnh huyền thoại không thể hiểu thấu, mà là những nhân vật đã sống trong một khoảnh khắc lịch sử xác định. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã thực sự bước vào trong lịch sử và trong những điều kiện sống chung của cuộc sống nhân loại. Sự kiện Ngài trở thành “một người trong số chúng ta” và ở bên cạnh chúng ta, luôn luôn là một sự kiện đầy sức an ủi.

Nhân loại chúng ta không bị phó mặc cho những quyền lực chính trị, kinh tế và tôn giáo trong lịch sử, vốn là những thứ quyền lực có thể huỷ diệt chúng ta. Nơi con người Đức Giêsu, chính Thiên Chúa đã đi vào lịch sử, và do bởi mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu, lịch sử và nhân loại được điều khiển và dẫn dắt bởi quyền năng cứu độ của chính Thiên Chúa.

Nguyễn  Thể Hiện

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết