THÁNH ANPHONGSÔ
VỊ THÁNH CỦA THẾ KỶ ÁNH SÁNG (III)
KHÔNG PHẢI CÔNG TƯỚC, NHƯNG HIỆP SĨ (tiếp)
Cuối tháng 9 năm 1710, lên 14 tuổi, Anphongsô Maria đệ Ligôri, hiệp sĩ Napoli, sẽ nhận tại Hội đồng Portanova chiếc ghế đã được nhiều thế hệ tổ tiên chiếm cứ, bên cạnh thân phụ mình, ngài Giuse, hồi đó là Capitano a guerre, Đại úy hành quân, chỉ huy đội dân vệ.
Bởi vì, trong gia tộc Ligôri, người ta không quen thói nhàn rỗi hào nhoáng mà tán gia bại sản như phần lớn những nhà quý phái ở Napoli thời bấy giờ. Người ta có tham vọng, và có lẽ còn tham lam nữa: dat Instinianus honores, “Bộ luật đưa đường vào danh vọng”… và kiện tụng đem lại… tiền của; các bậc chú bác và các ông anh em họ giữ những chức vụ hoạt động ở pháp đình và trong giới thẩm phán. Hoặc là người ta ưa phiêu lưu và ham đánh đấm: họ nội của ông Giuse từ ba đời rồi đã theo nghiệp binh đao. Tằng tổ phụ của ông, Ngài Antôniô đã làm thống đốc binh bị ở đảo – pháo đài Nisiđa, tiền đồn nằm giữa hai vịnh của Napoli. Ông nội của ông, ngài Anphongsô, đã đổi Bộ luật lấy cây kiếm; khi ông chỉ huy một trung đoàn giáp kỵ binh. Sự dũng cảm của ông đã làm cho nhà vua hiếu chiến Philip IV (1605 – 1665) phải chú ý tới ông. Sau cùng ông thân sinh, ngài Đôminicô, cũng đã làm sĩ quan: ông đã cầm đầu một đơn vị thủy quân lục chiến người Napoli trên hạm đội Tây-ban-nha năm 1667 chiến đấu dọc theo các bờ biển Bồ đào nha. Công trạng của ông rực rỡ đến nỗi khi ông trở về, triều đình Madrid đã cho ông hưởng một khoản bổng lộc hàng tháng là 50 escudos. Nhiều hơn món tiền cần thiết để lập gia đình. Vì vậy, năm 1668, ông đã kết hôn với bà Andreana Mastrillo, một quả phụ ở Nole, và nhận nuôi con riêng của bà này là Eleonora.
Giuse, trưởng nam của hai ông bà, đã ra đời ở Nole như thế, trong gia đình bên mẹ, ngày 5 tháng 2 năm 1670. Cậu có máu nhà binh trong huyết quản, và trí tưởng tượng lúc nào cũng đầy hình ảnh những đoàn chiến thuyền. Mồ cồi mẹ khi lên sáu tuổi, cậu đã lớn lên tại Napoli với một ông bố tục huyền và một bà kế mẫu. Một người chị khác cha và hai cô em gái, Gerônimo và Ippolita (cũng có tên là Porzia), thích búp bê hơn những giấc mộng đánh đông dẹp bắc của cậu. Có lẽ là để giải thoát cho cậu mà ông Đôminicô, ngay từ năm 1685 – khi cậu 15 tuổi – đã chuyển sang tên cậu quyền tư hữu vô thực trên mọi tài sản của ông, chỉ giữ lại cho ông quyền hưởng huê lợi bao lâu còn sống; ngoại trừ biệt thự nghỉ hè ở Marianella đã được ông nhượng cho cậu hưởng ngay. Còn ông hẳn đã ở tại dinh thự của ông ở đầu mút phía Tây đường Toledo.
Marianella, một cái tên thánh thót nhắc tới Đức Trinh Nữ còn thơ ấu; Marianella, làng vệ tinh gồm bảy trăm dân ở phía Bắc thủ đô: một con đường tám cây số dạo qua những mảnh sườn và những lùm cây, xa hơn Capodimonte. Phía đầu nhà thờ có một khoảng đất rộng rào quanh, gồm vườn cảnh, vườn cây ăn trái và rừng, nơi đó dòng họ Ligôri kế tiếp nhau ở từ hai trăm năm qua. Vào những năm 1660, trong khi người ông nội, ngài Anphongsô, cùng với các giáp kỵ binh của ông còn mải đánh giặc cho vua Philip IV, thì người em của ông và cũng là đồng sở hữu chủ, ngài Ercolê, đã thay thế căn nhà nhỏ bằng ngôi biệt thự rộng lớn mà cậu Giuse sẽ được ở: hai tầng lầu “có lối hai mươi phòng” – xây trên một tầng trệt gồm những nhà bếp, nhà xe v.v.. và những phòng “bassi” thấp ngang mặt đất để cho thuê. “Căn nhà riêng” đầu tiên đó của mình Giuse sẽ thích làm đẹp và mở rộng nhờ mua thêm đất và nhà. Còn lúc đầu cậu đến sống những ngày “nghỉ phép” một mình đơn chiếc.
Bởi vì, hồi niên thiếu cậu đã xa lìa một gia đình không còn hoàn toàn là gia đình của cậu nữa để tòng chinh và vượt biển. Thân phụ của cậu, hẳn còn giữ quan hệ với hạm đội nhà vua, có lẽ đã giúp cho cậu được nhận vào đó. Bằng cách luồn lọt, Giuse đã khởi đi từ nấc thang cuối hết, như là một “tên giang hồ” trên chiến thuyền Capitana. Không phong độ của “kẻ phiêu lưu”; càng không như một lính đánh thuê: đã không lãnh được một đồng lương nào, kẻ giang hồ còn phải tự lo sinh sống! quả thế, thứ chiến thuyền có ba hàng chèo chỉ gồm đúng 400 tên tù khổ sai với 105 sĩ quan và binh lính. Một người nữa là thừa! Kẻ giang hồ đem thân và tiền bạc thí vào đó chỉ vì đặc ân duy nhất là được xếp vào hàng ngũ những kẻ chờ chết hay chờ một trong 105 quan quân kia bỏ chỗ. Khi đó hắn tiến thêm một bước tới một chức vụ đàng hoàng sẽ bảo đảm cho hắn đồng lương, khẩu phần và bánh bích quy. Với hy vọng lên lon.
Cứ thế chàng hiệp sĩ trẻ của chúng ta đã phục vụ một hay hai năm trong thủy quân lục chiến. Lần lượt làm lính thường và pháp binh, rồi thợ tập nghề ở xưởng và tài công tập sự, làm người báo hiệu và dò đáy nước, lái tàu theo kim chỉ nam và theo hướng sao trời. Cứ mãi vậy cho đến độ tháng 7 năm 1692, ông thân sinh xin được từ triều đình Madrid một sắc chỉ chuyển sang cho Giuse phần quân bổng hàng tháng của ông là 50 escudos. Chàng giang hồ Ligôri nhờ thế được nhảy vào hàng ngũ entre – tenido – (những chữ đó là tiếng Tây-ban-nha: đừng quên là quân đội đây cũng Tây-ban-nha) – nghĩa là những kẻ được nhà nước cấp dưỡng; từ đó chàng là lính; và là lính được trả lương quá hậu: so với một chỉ huy trưởng chiến thuyền chỉ lãnh được 55 escudos hàng tháng. Chàng sẽ phục vụ như thế mười lăm năm trong thủy quân lục chiến trên tàu Capitana, leo dần các cấp bậc nhà binh mà chẳng ai biết theo nhịp độ rõ rệt nào. Mười lăm năm trong một hoàn cảnh yên tĩnh như mặt biển những ngày đẹp trời, cho dầu trên đất liền hay nơi nào khác có những biến động vì cuộc chiến tranh giành quyền kế vị ngai vàng Tây-ban-nha.
Chúng ta đừng tưởng tượng chàng phải vượt trùng dương sóng gió dọc theo các bờ biển Á châu hay Marốc. Hạm đội Napoli chỉ gồm vỏn vẹn bảy chiến thuyền có ba hàng chèo, vài chiếc tàu nhẹ điều động nhanh chóng, và dĩ nhiên, những thuyền buồm xéo để chở lương thực. Nhiệm vụ của hạm đội? Kềm hãm bọn cướp vẫn bị các bờ biển Tyrrênê cám dỗ, bảo vệ các Hải cảng, hộ tống những tàu chuyên chở – binh lính hay hàng hóa – xung quanh mỏm cuối “giày ống” nước Ý. Từ biển Adriatica tới vịnh Gaêta, bảo đảm an toàn cho những đoàn tàu ngoại giao đi lại giữa Barcelona và Napoli, và đôi khi hộ giá nhà vua.
Nói như thế có nghĩa là ngài Giuse tuy thường hay vắng mặt vì công vụ, song vẫn không mấy khi rời xa Napoli lắm và cũng không mấy khi xa lâu. Như vậy mười lăm năm yên tĩnh đó, khi ở biển khi ở thành phố, cũng sẽ là những năm xây dựng gia đình. Ngày 15 tháng 5 năm 1695, tại nhà thờ chánh tòa Napoli, viên sĩ quan trẻ – hai mươi lăm tuổi – thành hôn với cô Anna Catêrina Cavaliêri, trẻ hơn chàng mười tháng.
Phía nhà gái: một gia tộc bề thế. Sinh ngày 24 tháng 11 năm 1670, cô Anna là con thứ năm của một trong những quan chức hàng đầu của vương quốc, ngài Fêđêricô Cavalierri và phu nhân Hêlêna Avenia, thuộc dòng họ các hầu tước Avenia, gốc Tây-ban-nha.
Các ngài Avenia – Gizziô này là một dòng dõi những luật gia xuất sắc, khi họ không làm giáo sĩ. Một ông bác của bà Hêlêna, Phanxicô Gizzio (+1698) linh mục Dòng Ôratôriô, nổi tiếng nhiệt thành và hùng biện. Trong Dòng các con cái thánh Philip Nêri, cha sống những năm cuối cùng của một cuộc đời được hiến trọn vào việc giáo dục giới trẻ quý phái Napoli theo tinh thần Kitô giáo. Một người em chú bác ruột của Helena, Pietro Marcô Gizzio, là Kinh sĩ nhà thờ chánh tòa và ủy viên tài phán giáo phận. Anphongsô sẽ âu yếm gọi linh mục này là “ông chú” của người, theo thói tục thời bấy giờ.
Còn các ngài Cavalieri thì chính là điển hình cho quí tộc hồi đó ra hai đỉnh quan yếu là quyền trưởng nam và dòng tu. Cho nên thân phụ cô Anna, ngài Federico nắm giữ gia nghiệp, huyết thống, tên tuổi dòng họ Cavalieri. Là luật gia xuất sắc, ông là chủ tịch Real Camera della Somiria (1688) – vừa là Thẩm kế viện vừa là Bộ tài chánh – chuyên lo việc quản lý tài sản của triều đình và của Nhà nước: đất đai, tàu thuyền, các xưởng đóng tàu, làm vũ khí, thái ấp thuế vụ, thuế quan…, xét xử những tội phạm và phân xử những vụ tranh chấp. Năm sau, năm 1696, đúng vào lúc ông trở thành ông ngoại của Anphongsô, ông sẽ được cử vào Sacro Real Consiglio di Santa Chiara, Tòa Phúc thẩm tối cao có quyền như thể chính nhà vua, ở trên Sommaria và Vicaria (Đại thẩm viện hình và họ). Ngài Federico đó quả là một trưởng nam lớn lắm! Trong khi ông thăng quan tiến chức như thế thì ba người em ông đã rời bỏ cuộc đua chen danh lợi, việc phân chia tài sản: Có ơn gọi hay không thì một người vào tu trong dòng Olivetani, người kia trong dòng Carmelô nhặt nhiệm và người thứ ba trong dòng Cêlestinô. Không một dòng nào trong các dòng này, ở Napoli, hồi đó, đã dẫn đầu về mặt sốt sắng và nghèo khó cả.
Ngài Federico Cavalieri có địa vị cao hẳn cũng là nhờ bởi lòng dũng cảm do bất hạnh hun đúc nên. Chỉ mười một năm sau khi kết hôn, lúc mới hai mươi tám tuổi, bà Helena, vợ ông, đã từ trần vài giờ sau khi sinh hạ người con thứ sáu, Phanxicô. Như vậy cô Anna Maria Caterina của chúng ta, từ khi mới ba tuổi, là con gái út trong một gia đình đã mất đi linh hồn và quả tim của mình. Người cha cho cô và hai cậu con trai Eniliô và Giuse – mười một và bảy tuổi – sống với mình, còn hai cô con gái “lớn”, Têrêxa và Xêcilia – chín và sáu tuổi – thì ông gửi vào một nội trú ở nữ tu viện San Francesco delle Capucine Riformale, ở số 44 hiện nay trên đường Salita Pontecorvo. Ông tiếp tục sống đơn côi cuộc đời ông, cứng rắn đi trong nỗi đau, trong làm việc, trong niềm tin. Đức cha Sanfelice, về sau làm giám mục Marđô, miêu tả ông như “một bộ trưởng hoàn toàn thanh liêm, đam mê công lý, tâm hồn cương nghị, không biết vị nể ai, một gương mẫu trong cả cuộc sống đầy sự kính sợ Thiên Chúa”.
Nhưng những vị gia trưởng thời bấy giờ, một khi đã chu toàn sát mí các “nghĩa vụ tôn giáo” của mình, lại muốn rằng Thiên Chúa cũng phải đáp đền cho họ. Không! Không! Chúa đừng có ý định riêng về các cậu trưởng nam của họ! Thế là Emiliô Giacômô, sinh ngày 24 tháng bảy 1663, con dầu lòng của ông với bà Helena Avenia, đã đi vào nề nếp của ông tức là vào Đại học, với dự kiến sẽ thừa kế trọn vẹn gia sản bất khả phân tán cùng với trách nhiệm về tên tuổi và danh tiếng.
Vậy mà Emiliô con của ông giống tính cương nghị của ông như đúc: chàng, như Thiên Chúa, đã dám có một ý kiến riêng: vào tuổi hai mươi, sau khi học xong luật, chàng bất chấp những truyền thống kềm tỏa và, không báo cho cha biết cũng không gặp lại cha, chàng đã vào tập viện các cha Pii Operai, dòng những “Công nhân đạo đức”, chuyên giảng phúc cho lê dân. Giông tố đã bùng nổ dữ dội ở dinh thự Cavalieri. Để giựt chàng ra khỏi cái dự tính “điên cuồng” kia, ngài Chủ tịch Federico đã đi tới chỗ khởi tố con mình trước tòa án đạo. Sáu mươi năm sau, Anphongsô là người sẽ trải qua những cuộc chiến đấu tương tự sẽ kể lại sự kiện đó trong những lời khuyên nhủ về ơn kêu gọi, mà không nói đó là chuyện của cậu ruột mình.
Ngài Federico đã thua kiện. Còn Emiliô lại thêm được Đức tổng giám mục, hồng y Antôn Pignatelli, để ý và quý chuộng. Đức hồng y này đã truyền chức linh mục với phép chuẩn về tuổi cho Emiliô khi mới hai mươi bốn xuân xanh và ngay sau đó cử cha làm khảo sát viên của các linh mục trẻ và đồng phụ trách hàng giáo sĩ (ngày nay chúng ta gọi là “đại diện giám mục”).
Năm 1661, Pignatelli trở thành giáo chủ Innocentê XII. Hồng y Giacômô Catelmô Stuart, anh em con chú bác với vua Giacôbê II nước Anh, được cử làm tổng giám mục kế vị ngài ở Ngpoli. Những chuyến công cán ngoại giao của ngài ở Thụy sĩ, Balan và Đức, thay vì làm cho nhà ngoại giao mềm dịu hơn, lại đã khiến cho óc bất bao dung của ngài thêm sắt thép. Cho nên ngài đã đẩy mạnh lại hoạt động của Pháp đình Truy tà tại Giáo phận. Ngài đã chọn cha Cavalieri làm ủy viên Bảo vệ Đức tin. Sẵn vốn học thức và tinh thần luật gia con người của luật pháp và nghiêm khắc, Emiliô còn được anh em linh mục và giáo phận nể phục về sự thận trọng và khôn khéo của cha “in qualsivoglia maneggiô”. Như vậy, mới hai mươi tám tuổi, cha đã làm cố vấn, rồi thẩm phán thuế vụ, tại Tòa án đáng sợ đó. Thế mà Napoli lại có truyền thống thù ghét pháp đình Truy tà. Cứ thêm vào đó vẻ cứng cỏi của một lòng nhiệt thành quá non trẻ những phương pháp truy tà tinh khôn theo lối con rắn hơn là đơn thật của bồ câu; thế là đủ cho tất cả các “Piazze” trong thành phố”, kể cả hội đồng quận của nhân dân chống lại Pháp đình Truy tà và người đứng đầu nó. Sáu đại biểu của các hội đồng đó, trong một phiên họp cấp thành phố tại Tòa án thánh Lôrensô, đã nghĩ là cần đòi Đức hồng y và “ông cò” của ngài phải đi khỏi Napoli. Bấy nhiêu thôi! Cuối cùng họ đã đành bằng lòng với một sắc lệnh trục xuất cha Cavalieri thôi. Thế là kẻ bị đày bèn lên đường đi Rôma là nơi các vị “Công nhân Đạo đức” vừa thành lập (1689) một trung tâm giảng phúc tại nhà thờ thánh nữ Balbina. Trên đồi Aventinô, cha đã gặp lại, trong chức vị bề trên, một anh em dòng cùng tuổi với mình là cha Tôma Falcoia (1663-1743) một người sẽ có ảnh hưởng lớn trên thánh Anphongsô của chúng ta và công trình của thánh nhân.
Rôma, chính là nơi Emiliô có thần hộ mệnh riêng ngồi trên ngai thánh Phêrô. Để bênh vực cho Emiliô, Đức Innocentê XII, vốn yêu quý cha, đã bất kể Giáo luật mà phong cha làm giám mục ở Fondi, tuy cha mới hai mươi chín tuổi. Đây là một giáo phận cỏn con và cùng cực – 10.000 linh hồn, 1000 đồng tiền vàng niên bổng – nhưng là chỗ duy nhất lúc đó thiếu giám mục và không quá xa Napoli. Cavalieri đã tới phủ phục dưới chân Đức Thánh Cha để khiêm tốn từ chối chiếc mũ cà cuống.
“Được rồi, Đức Giáo chủ nói, nhưng từ nay con sẽ đến với ta trong Điện Giáo Chủ”.
Sau một năm cho sống cảnh lưu đày vàng son đó, Đức Innocentê XII đã cử người bạn trẻ của mình làm giám mục ở Troia, một giáo phận ngon lành: 28.000 linh hồn. 9.000 đồng tiền vàng. Đức khiêm tốn của Emiliô đã phải chịu thua đức vâng phục. Cha được tấn phong giám mục ngày 2 tháng Năm 1694, một năm trước khi cô em gái làm lễ cưới vào tuổi ba mươi. Các địch thủ của đức cha tức bực: những mồm mép ác độc đã không quên bảo rằng ông linh mục trẻ đã chỉ từ khước chiếc nhẫn cưới của Giáo hội nghèo khó ở Fondi vì còn phải để dành tay vơ lấy vị hôn thê nhiều của hồi môn hơn. Ấy thế mà, ngài Giuse Ligôri lại hãnh diện chính vì được kết hôn với em gái của một giám mục quan trọng, có lẽ là giám mục trẻ tuổi nhất trong khắp cả Giáo hội.
Phần ngài Chủ tịch Cavalieri bây giờ có thể xoa tay vui vẻ về những gì đầu tiên đã khiến ông nổi giận. Nhất là vì người con thứ hai của ông, cũng tên là Giuse. Sau khi thừa hưởng quyền trưởng nam của người anh là Giám mục trẻ bỏ lại, đã đem hy vọng tràn trề tới cho ông. Quả thế, Giuse Cavalieri sẽ trở thành Bộ trưởng bộ Tư pháp, rồi Bộ trưởng bộ Quốc phòng, cố vấn tại Sacro Real Consiglio di Santa Chiera, thống đốc Capua… Có phải thêm rằng ông này sau sẽ có một con trai làm linh mục dòng Đa minh và hai con gái là nữ tu dòng Thăm viếng?
Còn hai cô con gái của ngài Cavalieri đã lớn lên trong tu viện các “Cappuccinelle”, thì cô chị Têrêxa, đã ngã bệnh ở đó; cô đã trở về nhà để được chữa trị…, để chết vì bệnh lao phổi khi tuổi xuân chỉ vừa tròn hai mươi. Cecilia đã được khấn trọn đời tại tu viện – “thay cho cả hai” – với tên dòng là nữ tu Maria Francesca Têrêxa (Têrêxa!) Thánh Tâm Chúa Giêsu. Bà sẽ được bầu đi bầu lại làm nữ tu đan viện trưởng nhiều lần.
Còn lại cô bé Anna Caterina. Sau khi đã lớn lên cạnh người cha cho tới mười bốn tuổi, vào tháng chạp 1684 cô tới ở nhà nội trú của các nữ tu “Cappuccinelle” với hai chị đã chờ cô từ mười năm trước. Hẳn cô đã ở lại đó khoảng mười năm nữa; cho tới ngày thành hôn.
Các thiếu nữ quí tộc thường đã kết hôn khi vừa rời khỏi chỗ nội trú ở tu viện. Phần luân khúc sáu câu như thiên hạ ca ngày nay: “Ta gặp nhau” — “Ta ưa nhau” – “Ta thăm nhau” – “Ta yêu nhau” – “Ta nói cho mẹ cha” – “trình mẹ trình cha” – “Ta lấy nhau” hồi đó chưa từng được biết tới và không thể có được. Chính cha mẹ định đoạt việc lựa chọn “đôi lứa”, và thường là từ lâu trước. Căn cứ vào những lý do gia đình: tài sản, một thái ấp, một chức tước, một tên tuổi. Hai người “đương sự”? Chỉ còn có việc nói lên “Anh muốn – Em muốn” mà Công đồng Tridentinô bắt buộc. Như vậy tình yêu đã không phải là một nụ hoa nở thành hôn nhân. Ngược lại, tình yêu có thể là con đầu của hôn nhân. Đó không phải là chuyện hiếm. Nhưng rồi sau đó, tình yêu được bao bọc kỹ lưỡng trong dè dặt và kín đáo. Nếu chúng ta được biết cô Anna đem về cho ngài Giuse 5.000 đồng tiền vàng trong sắc vu qui của cô dâu, thì chúng ta lại không biết gì về cái vốn liếng tình cảm mà họ đã đặt chung với nhau vào mùa xuân năm 1695 đó, mùa xuân đã kết hợp họ với nhau suốt năm chục năm và sáu tháng trời…
Théodule Rey – Mermet, C.Ss.R.